Lớp Giáo Lý
Bài Học 122—Giáo Lý và Giao Ước 109: Đền Thờ của Chúa: Ngôi Nhà Vinh Quang và Quyền Năng


“Bài Học 122—Giáo Lý và Giao Ước 109: Đền Thờ của Chúa: Ngôi Nhà Vinh Quang và Quyền Năng,” Sách Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 109”, Sách Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 122: Giáo Lý và Giao Ước 109–110

Giáo Lý và Giao Ước 109

Đền Thờ của Chúa: Ngôi Nhà Vinh Quang và Quyền Năng

Các Thánh Hữu đã làm việc gần ba năm để xây cất Đền Thờ Kirtland, ngôi đền thờ đầu tiên được xây cất trong gian kỳ này. Giáo Lý và Giao Ước 109 là lời cầu nguyện cung hiến do Chúa mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith. Lời cầu nguyện này chứa đựng những phước lành chúng ta có thể nhận được ngày nay. Bài học này có thể giúp học viên cảm thấy có nhiều ước muốn hơn để tham dự đền thờ và nhận được các phước lành đã được hứa của Chúa.

Hình Ảnh
Đền Thờ Kirtland

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Những cảm nghĩ về đền thờ

Cân nhắc việc cho xem hình ảnh của các đền thờ khác nhau. Anh chị em có thể hỏi ngắn gọn học viên một vài sự kiện về đền thờ, chẳng hạn như có bao nhiêu đền thờ hiện đang hoạt động, có bao nhiêu đền thờ đã được loan báo tại đại hội trung ương lần trước, ngôi đền thờ nào gần địa điểm lớp học của anh chị em nhất và v.v.

  • Tại sao một số người có thể cảm thấy phấn khởi về việc tham dự đền thờ? Tại sao một số người có thể không cảm thấy phấn khởi?

    Hãy cho xem những câu sau đây và khuyến khích học viên suy ngẫm xem các em có tán đồng mạnh mẽ đối với mỗi câu đó hay không. Ngoài ra, anh chị em có thể mời học viên ghi lại những cảm nghĩ của các em về việc tham dự đền thờ vào nhật ký học tập của mình.

  • Đền thờ là nhà của Thượng Đế.

  • Việc chuẩn bị hoặc tham dự đền thờ là quan trọng đối với tôi.

  • Tôi tin rằng có những phước lành đầy ý nghĩa mà Chúa sẽ ban cho tôi vì đã cố gắng xứng đáng để tham dự ngôi nhà của Ngài.

Hãy suy ngẫm bất cứ thắc mắc hoặc băn khoăn nào các em có về việc chuẩn bị và tham dự đền thờ. Khi học ngày hôm nay, các em có thể muốn cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng để giúp các em cảm thấy một ước muốn lớn lao hơn để tham dự đền thờ thánh của Ngài.

Đền Thờ Kirtland

Hãy trưng ra một bức hình của Đền Thờ Kirtland, chẳng hạn như bức hình có ở đầu bài học. Chia sẻ ngắn gọn một số thông tin lịch sử về đền thờ này bằng lời riêng của anh chị em hoặc mời hai học viên đọc các đoạn sau đây.

Từ tháng Sáu năm 1833 đến tháng Ba năm 1836, các tín hữu Giáo Hội đã hy sinh thời gian, tiền bạc và của cải để giúp xây cất ngôi đền thờ đầu tiên trong gian kỳ này. Đàn ông tham gia xây cất tòa nhà bằng các kỹ năng của mình, và chị em phụ nữ may quần áo và cung cấp nơi ăn ở cho các công nhân. Một số Thánh Hữu Ngày Sau đã quyên tặng phần lớn tài sản của họ cho việc xây cất đền thờ. Chi phí xây cất đền thờ là khoảng 60.000 đô la Mỹ—một số tiền cực kỳ lớn trong thời kỳ đó, đặc biệt là khi xem xét đến cảnh nghèo khó của Các Thánh Hữu.

Đền Thờ Kirtland được làm lễ cung hiến vào ngày 27 tháng Ba năm 1836. Nhiều Thánh Hữu Ngày Sau tham dự các buổi lễ và sự kiện liên quan đến lễ cung hiến đã nhận được những biểu hiện thuộc linh lớn lao. Những biểu hiện này bao gồm việc nghe thấy tiếng gió thổi ào ào, nói bằng nhiều thứ tiếng, nhìn thấy các khải tượng, và chứng kiến sự hiện đến của các thiên sứ.

Giáo Lý và Giao Ước 109 là lời cầu nguyện cung hiến mà Chúa đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith. Lời cầu nguyện này đã được đọc to trong các buổi lễ cung hiến. Hình mẫu này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, với một lời cầu nguyện cung hiến đầy soi dẫn được đọc trong mỗi phiên lễ cung hiến đền thờ.

Anh chị em có thể cân nhắc việc hỏi xem có học viên nào đã tham dự một lễ cung hiến đền thờ chưa. Nếu có, một học viên có thể chia sẻ điều em ấy nhớ về lời cầu nguyện cung hiến.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 109:1–4, tìm kiếm xem lời cầu nguyện cung hiến đầy soi dẫn được bắt đầu như thế nào.

  • Các em thấy điều gì có ý nghĩa đối với mình trong những câu này?

Khi học viên chia sẻ, anh chị em có thể hỏi thêm một số câu hỏi như “Những câu này tiết lộ điều gì về Chúa?” hoặc “Điều gì nổi bật đối với các em về thái độ của Các Thánh Hữu?” (để có ví dụ, xin xem các câu 1 và 4).

Mục đích và các phước lành của đền thờ

Hãy chắc chắn rằng học viên có đủ thời gian cho sinh hoạt học tập sau đây. Anh chị em có thể viết những từ Các Mục ĐíchCác Phước Lành lên trên bảng.

Học viên có thể cùng với một bạn khác thực hiện những điều sau đây và đánh dấu điều các em tìm thấy.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 109:5, 11–16, 20–24, tìm kiếm một số mục đích của Chúa để xây cất đền thờ của Ngài và các phước lành đã được hứa khi làm điều đó.

Sau khi đã cho lớp học đủ thời gian, hãy mời học viên thảo luận với người bạn chung cặp về mục đích và các phước lành nào là quan trọng nhất đối với các em và tại sao.

Mời mỗi cặp học viên tạo ra một câu tuyên bố về lẽ thật dựa trên một trong những sự hiểu biết sâu sắc đầy ý nghĩa mà các em tìm thấy. (Hoặc, tùy thuộc vào số lượng học viên, anh chị em có thể mời từng em chia sẻ.) Cân nhắc việc cung cấp một tờ ghi chú nhỏ để học viên viết câu tuyên bố của các em và trưng nó ra trên bảng. Sau đó học viên có thể chia sẻ câu tuyên bố của mình, một hoặc nhiều câu thánh thư mà các em đã dựa vào, và lý do các em cảm thấy điều đó quan trọng đối với mình.

Học viên có thể chia sẻ những lẽ thật tương tự như sau:

  • Trong đền thờ, Chúa có thể biểu hiện chính Ngài cho chúng ta thấy. (các câu 5, 12–13) (Xin lưu ý: Hãy giúp học viên hiểu rằng có nhiều cách thức mà Chúa có thể biểu hiện chính Ngài. Điều này sẽ được thảo luận trong bài học kế tiếp.)

  • Trong đền thờ, Chúa có thể trang bị cho chúng ta quyền năng, sự bảo vệ và giúp đỡ của Ngài. (các câu 13, 22)

  • Đền thờ là một nơi để học hỏi. (các câu 14–15)

  • Việc thờ phượng trong đền thờ có thể chuẩn bị cho chúng ta để phục vụ Chúa và thuyết giảng lời của Ngài. (các câu 22–23)

  • Những lẽ thật này giúp các em hiểu điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô? Tại sao điều này có giá trị đối với các em?

Cân nhắc việc mời vài học viên đọc những lời phát biểu sau đây của giới trẻ về những kinh nghiệm đền thờ của họ. Hãy mời học viên tìm kiếm các ví dụ về các phước lành đã được liệt kê ở trên cũng như các phước lành bổ sung.

Chỉ có những ý nghĩ nâng cao tinh thần tràn ngập tâm trí em trong đền thờ. Đó là một cảm giác tuyệt vời để nghĩ về những điều em có thể làm để giúp đỡ người khác. [Chloé D.] …

… Việc thường xuyên đến thăm đền thờ đã giúp em cảm nhận được Thánh Linh thường xuyên hơn. Điều đó chắc chắn đã mang bạn bè của em đến gần nhau hơn. Ngoài ra, có rất nhiều bạn cùng lớp hỏi về các chuyến đi đền thờ của chúng em. …

… Một người bạn … đã có thể nhận được giấy giới thiệu sử dụng có giới hạn đầu tiên của mình, và có thể thấy rõ ảnh hưởng tích cực mà điều này mang lại cho cuộc sống của bạn ấy. [Annalise K.] …

… Chỉ cần bước vào trong [đền thờ], em đã cảm thấy rằng tất cả những rắc rối mà em đang gặp phải ở trường học và ở những nơi khác đều không còn nữa. Em cảm thấy bình an khi ở trong đền thờ. Em cảm thấy tràn ngập những cảm nghĩ hạnh phúc. Việc ở trong đền thờ đã giúp em tập trung vào điều em cần phải làm ở nhà thờ và trong những bổn phận khác. Việc có thể đi đền thờ và thoát khỏi tất cả những rắc rối mà em gặp là một điều trên cả tuyệt vời. [Kole E.] (“Youth Voices: Attending the Temple,” New Era, tháng Tư năm 2013, trang 5–7)

Tham dự đền thờ thánh của Chúa

Cân nhắc việc cho xem video “Strength beyond My Own” (3:47). Mời học viên suy ngẫm về các phước lành mà các em đã cảm nhận được trong khi chuẩn bị đi đền thờ hoặc khi bước vào đền thờ. Một lựa chọn khác có thể là hát bài “Thánh Linh của Thượng Đế” (Thánh Ca và Các Bài Thiếu Nhi, trang 28), được viết cho lễ cung hiến Đền Thờ Kirtland, hoặc một bài thánh ca khác về đền thờ.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã làm chứng:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

[Đền thờ] là nhà của Ngài. Nó tràn đầy quyền năng của Ngài. Chúng ta đừng bao giờ quên những gì mà Chúa đang làm cho chúng ta bây giờ. … Tôi hứa rằng [việc dành] nhiều thời gian hơn … trong đền thờ sẽ ban phước cho cuộc sống của anh chị em theo những cách mà không có điều gì khác có thể làm được. (Russell M. Nelson, “Hãy Tập Trung vào Đền Thờ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 121)

  • Có khi nào các em hoặc một người nào đó gần gũi với các em đã cảm nhận được các phước lành của đền thờ không?

Mời học viên nhớ lại câu trả lời của các em từ lúc bắt đầu bài học về lý do tại sao một số người có thể không cảm thấy phấn khởi để tham dự đền thờ.

  • Các em đã học được hoặc cảm thấy điều gì mà có thể giúp một người nào đó đối mặt với những vấn đề của họ hoặc soi dẫn cho họ cảm thấy khác đi về đền thờ?

  • Hôm nay, những cảm nghĩ riêng của các em về Chúa và đền thờ thánh của Ngài đã được ảnh hưởng như thế nào?

Cân nhắc việc mời học viên đặt một tấm hình đền thờ ở một nơi mà các em sẽ thấy thường xuyên. Khuyến khích học viên tiếp tục cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng để có thêm tình yêu thương và ước muốn tham dự các đền thờ thánh của Ngài.

In