Bài Học 123—Giáo Lý và Giao Ước 110, Phần 1: Đấng Cứu Rỗi Sẽ Tự Biểu Hiện cho Các Thánh Hữu của Ngài Thấy trong Đền Thờ
“Bài Học 123—Giáo Lý và Giao Ước 110, Phần 1: Đấng Cứu Rỗi Sẽ Tự Biểu Hiện cho Các Thánh Hữu của Ngài Thấy trong Đền Thờ,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)
“Giáo Lý và Giao Ước 110, Phần 1,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý
Đấng Cứu Rỗi Sẽ Tự Biểu Hiện cho Các Thánh Hữu của Ngài Thấy trong Đền Thờ
Vào ngày 3 tháng Tư năm 1836, Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng Joseph Smith và Oliver Cowdery trong Đền Thờ Kirtland, làm tròn lời hứa của Ngài để “biểu hiện … cho dân [Ngài] thấy trong ngôi nhà này” (Giáo Lý và Giao Ước 110:7). Lời hứa này có thể áp dụng cho chúng ta ngày nay. Bài học này có thể giúp học viên hiểu làm thế nào sự xứng đáng của chúng ta chuẩn bị cho chúng ta để đến gần Chúa hơn trong đền thờ của Ngài.
Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện
Nếu các em có thể ở cùng với Đấng Cứu Rỗi
Các em có thể nhận được một số phước lành nào từ việc ở cùng với Đấng Cứu Rỗi?
Các phước lành này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của các em như thế nào?
Khi các em học ngày hôm nay, hãy tìm kiếm những cách thức các em có thể đến gần với Chúa hơn về phần thuộc linh và vui hưởng các phước lành Ngài muốn ban cho các em.
Đấng Cứu Rỗi hiện đến trong Đền Thờ Kirtland
Vào chiều Chủ Nhật Lễ Phục Sinh, ngày 3 tháng Tư năm 1836, một buổi lễ Tiệc Thánh đã được tổ chức trong Đền Thờ Kirtland mới được làm lễ cung hiến. Sau khi Tiệc Thánh được ban cho giáo đoàn, Joseph Smith và Oliver Cowdery đi ra phía sau bức màn che bàn thờ để cầu nguyện thầm. Ở đó, họ trông thấy liên tiếp các cuộc viếng thăm thiêng liêng được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 110. (Xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 (năm 2018), trang 239–240.
Khi các em đọc Giáo Lý và Giao Ước 110:1–4, hãy suy ngẫm điều các em có thể đã nghĩ đến hoặc cảm thấy nếu các em ở cùng Joseph và Oliver trong khải tượng này.
Điều gì nổi bật đối với các em về cách Đấng Cứu Rỗi tự giới thiệu Ngài trong câu 4?
Việc Đấng Cứu Rỗi là Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha có nghĩa là gì đối với các em? (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 45:3–5).
Đấng Cứu Rỗi hứa sẽ tự biểu hiện Ngài cho chúng ta thấy trong đền thờ
Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 110:5–10, tìm kiếm những lý do khiến Đấng Cứu Rỗi đã phán rằng tất cả các Thánh Hữu của Ngài cần nên hoan hỷ.
Những từ hoặc cụm từ nào trong các câu này có ý nghĩa hay thú vị đối với em?
Làm thế nào mà các câu 5 và 8 có thể giúp chúng ta chuẩn bị để đến gần Chúa hơn trong đền thờ?
Ngoài việc trực tiếp hiện đến, Đấng Cứu Rỗi có thể tự biểu hiện cho chúng ta thấy trong đền thờ bằng một số cách thức nào khác? (Một số ví dụ có trong các câu 8–9.)
Tuân giữ các lệnh truyền của Chúa và được thanh sạch
Các em nghĩ tại sao Chúa muốn chúng ta cố gắng tuân giữ các lệnh truyền để đến gần Ngài hơn trong đền thờ?
Thanh sạch hay xứng đáng trước mặt Chúa có nghĩa là gì đối với các em?
Anh Bradley R. Wilcox thuộc Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Niên đã dạy:
Sứ điệp của Thượng Đế là được xứng đáng không có nghĩa là không có khuyết điểm. Được xứng đáng có nghĩa là phải thành thật và cố gắng. Chúng ta cần phải thành thật với Thượng Đế, với các vị lãnh đạo chức tư tế, và với những người khác yêu thương chúng ta, và chúng ta cần phải cố gắng tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế và không bao giờ bỏ cuộc chỉ vì mình vấp ngã. …
… Xin nhớ rằng sự thay đổi là khả thi, sự hối cải là một tiến trình, và sự xứng đáng không có nghĩa là không có khuyết điểm. Quan trọng nhất, hãy nhớ rằng Thượng Đế và Đấng Ky Tô sẵn sàng giúp đỡ chúng ta ngay ở đây và ngay lúc này. …
… Anh Cả Dieter F. Uchtdorf đã nói: “Thượng Đế không cần những người hoàn hảo. Ngài tìm kiếm những người sẵn sàng dâng lên ‘tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí’ [Giáo Lý và Giao Ước 64:34], và Ngài sẽ làm cho họ được ‘toàn thiện trong Đấng Ky Tô’ [Mô Rô Ni 10:32–33].” (Bradley R. Wilcox, “Được Xứng Đáng Không Có Nghĩa Là Không Có Khuyết Điểm”, Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 62, 67)
Làm thế nào sứ điệp này có thể giúp một người nào đó thắc mắc liệu họ có xứng đáng để ở trong đền thờ và nơi hiện diện của Đấng Cứu Rỗi không?
Thể hiện sự hiểu biết của các em
Hãy tưởng tượng rằng một người bạn đang tự hỏi liệu có đáng bõ công để cố gắng xứng đáng đi thờ phượng trong đền thờ không. Một người bạn khác tự hỏi liệu họ có thể sống đủ xứng đáng để ở trong đền thờ không. Hãy chọn ra một trong những tình huống này, và trả lời các câu hỏi sau đây:
Từ những gì các em đã học được hôm nay, các em sẽ phản ứng như thế nào với những mối quan tâm của bạn mình?
Các em hy vọng người bạn của mình sẽ hiểu điều gì về Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô, và đền thờ?