“Bài Học 128—Giáo Lý và Giao Ước 115: ‘Giáo Hội của Ta Sẽ Được Gọi Như Vậy,’” Hướng dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý năm (năm 2025)
“Giáo Lý và Giao Ước 115”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý
Bài Học 128: Giáo Lý và Giao Ước 115–120
Giáo Lý và Giao Ước 115
“Giáo Hội của Ta Sẽ Được Gọi Như Vậy”
Để thoát khỏi sự ngược đãi ở Hạt Jackson, Missouri, hàng ngàn Thánh Hữu đã quy tụ khoảng 50 dặm (80 km) về phía bắc và tạo ra một khu định cư mới gọi là Far West. Trong một điều mặc khải được ban cho Tiên Tri Joseph Smith ở Far West, Chúa đã mặc khải rằng Giáo Hội của Ngài cần phải được gọi là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này có thể giúp học viên cảm nhận được tầm quan trọng của việc dùng tên đúng của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi.
Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện
Bị gọi sai tên
-
Các em đã có những kinh nghiệm nào khi bị gọi sai tên? Những kinh nghiệm như vậy khiến cho các em cảm thấy như thế nào?
-
Có những ví dụ nào về những cái tên sai mà người ta đôi khi dùng để nói đến Giáo Hội?
Chúa Giê Su Ky Tô tuyên bố tên của Giáo Hội của Ngài
Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 115:1–4, tìm kiếm điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy các vị lãnh đạo của Giáo Hội ở Far West.
-
Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy điều gì về tên gọi của Giáo Hội Ngài?
-
Tên gọi này dạy các em điều gì về Giáo Hội?
-
Các em nghĩ tại sao Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta đề cập đến Giáo Hội của Ngài bằng tên đúng của Giáo Hội?
Tầm quan trọng của việc dùng đúng tên của Giáo Hội
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã thảo luận về tầm quan trọng của việc dùng đúng tên Giáo Hội của Chúa:
Không thể thay đổi tên của Giáo Hội được. Khi Đấng Cứu Rỗi nói rõ tên của Giáo Hội của Ngài phải là gì và thậm chí còn bắt đầu lời phán của Ngài với câu: “Vì giáo hội của ta sẽ được gọi như vậy”, Ngài rất nghiêm túc….
Anh chị em thân mến, tôi hứa với anh chị em rằng nếu chúng ta cố gắng hết sức để phục hồi lại đúng tên của Giáo Hội của Chúa, thì Ngài là Đấng mà Giáo Hội này thuộc vào sẽ trút quyền năng và các phước lành của Ngài xuống đầu Các Thánh Hữu Ngày Sau, theo cách mà chúng ta chưa từng thấy bao giờ. Chúng ta sẽ có sự hiểu biết và quyền năng của Thượng Đế để giúp chúng ta mang các phước lành của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đến cho mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc và chuẩn bị thế gian cho Sự Tái Lâm của Chúa. (Russell M. Nelson, “Tên Đúng của Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 87, 89)
-
Chủ Tịch Nelson đã hứa với chúng ta các phước lành nào khi chúng ta dùng đúng tên của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô?
“Đứng dậy và chiếu sáng”
Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 115:5–6, tìm kiếm cách mà Chúa mong muốn ban phước cho mọi người trên khắp thế giới qua Giáo Hội của Ngài.
-
Làm thế nào việc dùng đúng tên của Giáo Hội của Chúa có thể giúp chúng ta tôn trọng những lời mời gọi của Chúa trong các câu 5–6?
-
Làm thế nào các em hoặc một người trong gia đình có thể là ánh sáng cho người khác bằng cách dùng đúng tên của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi?
Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ một trong nhiều kinh nghiệm mà mọi người đang có trên khắp thế giới:
Có hàng ngàn hàng vạn Thánh Hữu Ngày Sau đã can đảm tuyên xưng tên của Giáo Hội. Khi chúng ta làm phần vụ của mình, những người khác sẽ noi theo. Tôi thích câu chuyện này từ Tahiti.
Bé gái mười tuổi Iriura Jean đã quyết tâm tuân theo lời khuyên dạy của Chủ Tịch Nelson.
“Khi lớp học của em ấy thảo luận về những ngày cuối tuần của các em … và Iriura đã nói về … nhà thờ.
“Cô giáo của em ấy, Vaite Pifao, đã nói: ‘Ồ, vậy em là người Mặc Môn à?’
“Iriura đã dõng dạc nói: ‘Không, … em là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô!’
“Cô giáo của em đáp lại: ‘Đúng vậy, … em là một người Mặc Môn.’
“Iriura khẳng định: ‘Không thưa cô, em là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô!’
“Cô Pifao ngạc nhiên trước niềm tin chắc chắn của Iriura và tự hỏi tại sao em ấy khăng khăng sử dụng [cái] tên dài của Giáo Hội. [Cô ấy quyết định tìm hiểu thêm về Giáo Hội.]
“[Về sau, khi Chị] Vaite Pifao được làm phép báp têm, [chị ấy biểu lộ lòng biết ơn] rằng Iriura đã tuân theo lời khuyên dạy của Chủ Tịch Nelson.” (Neil L. Andersen, “Tên của Giáo Hội Không Thể Thương Lượng Để Sửa Đổi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 118–119)
-
Các em nhận thấy điều gì nổi bật từ kinh nghiệm này?
-
Các em đã học được hoặc cảm thấy điều gì ngày hôm nay mà giúp các em hiểu rõ hơn về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?