“Bài Học 163—Đấng Ky Tô Hằng Sống, Phần 2: ‘Chúng Tôi Xin Đưa Ra Chứng Ngôn của Mình về Sự Xác Thực của Cuộc Sống Độc Nhất Vô Nhị của Ngài’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)
“Đấng Ky Tô Hằng Sống, Phần 2”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý
Bài Học 163: Đấng Ky Tô Hằng Sống
Đấng Ky Tô Hằng Sống, Phần 2
“Chúng Tôi Xin Đưa Ra Chứng Ngôn của Mình về Sự Xác Thực của Cuộc Sống Độc Nhất Vô Nhị của Ngài”
Cũng giống như Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ làm chứng về Đấng Ky Tô hằng sống, chúng ta cũng có thể tuyên bố rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống! Bài học này có thể giúp học viên chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận của mình về Chúa Giê Su Ky Tô với những người khác.
Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện
Những lý do để chia sẻ
-
Các em muốn chia sẻ điều gì hoặc thứ gì?
-
Tại sao các em muốn chia sẻ nó?
-
Những lý do nào trên bản liệt kê có thể áp dụng cho việc chia sẻ một kinh nghiệm hay chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô với người khác?
-
Các em có thể thêm những lý do cụ thể nào vào bản liệt kê của mình để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô?
Cách chuẩn bị để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô
Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Có nhiều người trên thế giới biết rất ít về Chúa Giê Su Ky Tô, và, ở một số vùng trên thế giới nơi danh Ngài đã được rao truyền cả hàng thế kỷ, đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô lại đang suy giảm. … Một cuộc nghiên cứu … [trên toàn thế giới] dự đoán rằng trong những thập kỷ tới, số người từ bỏ Ky Tô Giáo sẽ nhiều hơn gấp đôi số người theo Ky Tô Giáo. …
… Nếu thế gian sẽ ít nói về Ngài hơn thì ai sẽ nói nhiều về Ngài hơn? Chúng ta! (Neil L. Andersen, “Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 88–89)
-
Các em có suy nghĩ hoặc cảm nhận gì về lời tuyên bố này của Anh Cả Andersen?
Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là những tấm gương về việc chia sẻ về Chúa Giê Su Ky Tô. Một ví dụ là bản tuyên ngôn “Đấng Ky Tô Hằng Sống”. Hãy dành vài phút để ôn lại tài liệu này, suy ngẫm về những lợi ích mà chúng ta có thể có được nhờ họ đã chia sẻ chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su Ky Tô.
Hãy đọc 2 Nê Phi 25:26, sau đó tìm kiếm thêm một lý do để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Chúng ta có thể học được những lẽ thật nào từ lý do của Nê Phi?
-
Việc biết điều Chúa Giê Su Ky Tô có thể làm cho người khác ảnh hưởng như thế nào đến mong muốn làm chứng hoặc chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận của các em về Ngài?
Hãy nhớ lại những lẽ thật mà các em đã tìm thấy về Đấng Cứu Rỗi trong “Đấng Ky Tô Hằng Sống” ở bài học trước. Các em có thể chọn lẽ thật mà các em đã tập trung vào trong bài học đó hoặc chọn một lẽ thật khác các em muốn chia sẻ với những người khác.
Sinh hoạt A: Học thuộc lòng
Một cách để chuẩn bị cho việc chia sẻ về Chúa Giê Su Ky Tô là học thuộc lòng một phần trong tài liệu “Đấng Ky Tô Hằng Sống”.
Hãy dành vài phút để học thuộc lòng một phần dạy về lẽ thật mà các em đã chọn. Các em có thể viết phần đó ra, lặp đi lặp lại vài lần hoặc tự đọc và ghi âm phần đó rồi nghe vài lần. (Các em cũng có thể học thuộc lòng các đoạn trích thánh thư tìm thấy ở bài học trước mà làm chứng về cùng lẽ thật đó.)
Sau đó, viết ra thời gian và cách thức các em có thể chia sẻ với người khác những điều mình đã học thuộc. Nêu cả lý do tại sao những cụm từ các em đã chọn có ý nghĩa đối với các em và các em hy vọng những cụm từ đó sẽ giúp người khác tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.
Sinh hoạt B: Tạo áp phích, ảnh meme hoặc ảnh kỹ thuật số
Một cách để giúp các em chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận của mình về Chúa Giê Su Ky Tô là làm một tấm áp phích, ảnh meme hoặc ảnh kỹ thuật số.
Cân nhắc chọn những hình ảnh khác nhau thể hiện ý nghĩa của lẽ thật mà các em chọn. Ví dụ: các em có thể chọn chia sẻ lẽ thật và tầm quan trọng của phép báp têm của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều này được thể hiện trong cụm từ sau đây từ bản tuyên ngôn “Đấng Ky Tô Hằng Sống”: “Mặc dù vô tội, nhưng Ngài chịu phép báp têm để làm cho trọn mọi việc công bình”. Các em có thể muốn đưa câu này vào dự án của mình cùng với một hình ảnh ưa thích mô tả phép báp têm của Đấng Cứu Rỗi. Các em cũng có thể đưa vào những câu từ thánh thư để gia tăng sự hiểu biết của mình.
Sau đó, thêm lời giải thích về lý do tại sao sự hiểu biết này quan trọng đối với các em.
Sinh hoạt C: Chuẩn bị cho bài nói chuyện
Một cách để chia sẻ cho người khác biết về Chúa Giê Su Ky Tô là đưa ra một bài nói chuyện.
Hãy tưởng tượng rằng các em đã đồng ý nói chuyện vào ngày Chủ Nhật trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của mình. Các em có thể chia sẻ những điều mình đang học về Chúa Giê Su Ky Tô và lý do tại sao điều đó lại quan trọng đối với các em. Viết ít nhất một vài đoạn mà các em có thể sử dụng trong bài nói chuyện. Hãy chắc chắn có đưa vào những câu từ bản tuyên ngôn “Đấng Ky Tô Hằng Sống”, các đoạn thánh thư và lý do tại sao những câu này có ý nghĩa đối với em.
Thời gian để chia sẻ
-
Mối quan hệ của các em với Chúa Giê Su Ky Tô có thể được cải thiện như thế nào khi các em chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận của mình về Ngài với những người khác?