Các Quyển Sách Nhỏ Giảng Dạy
Tôi Có Thể Phục Vụ trong Giáo Hội Bằng Cách Nào?


Tôi Có Thể Phục Vụ trong Giáo Hội Bằng Cách Nào?

Thượng Đế ban cho anh chị em những tài năng và ân tứ đặc biệt mà anh chị em có thể sử dụng để hỗ trợ giáo đoàn địa phương của mình, giúp đỡ cộng đồng của mình, và phục vụ con cái của Thượng Đế ở khắp mọi nơi. Anh chị em noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô khi anh chị em tìm cách để đáp ứng nhu cầu của từng người một. Một số sự phục vụ quan trọng nhất anh chị em đưa ra sẽ không chính thức, những hành động tử tế và yêu thương đơn giản dành cho các cá nhân mà không hề được yêu cầu hay được chỉ định phải làm. Anh chị em có thể giúp những người khác cảm thấy tình yêu thương của Thượng Đế và đạt được tiềm năng của họ khi anh chị em chia sẻ thời giờ, tài năng, và những phương tiện của mình để đáp ứng nhu cầu của họ. Một phần của sự tiến triển và học hỏi cá nhân của anh chị em sẽ đến khi anh chị em phục vụ trong Giáo Hội cũng như giúp đỡ người khác tiến triển. Khi anh chị em biết rõ những người khác trong giáo đoàn địa phương của mình, anh chị em sẽ nhận thấy rằng mình có nhiều để mang đến cho họ.

Các Chức Vụ Kêu Gọi trong Giáo Hội

Sau phép báp têm, anh chị em có thể nhận được một chức vụ kêu gọi, hoặc một chỉ định chính thức để phục vụ trong Giáo Hội. Thượng Đế biết rõ những điểm mạnh và yếu kém của anh chị em. Ngài có một kế hoạch cá nhân để giúp anh chị em phát triển thành con người mà Ngài biết anh chị em có thể trở thành. Là một phần của kế hoạch đó, Thượng Đế soi dẫn các vị lãnh đạo Giáo Hội chỉ định cho anh chị em những chức vụ kêu gọi mà Ngài biết sẽ ban phước cho anh chị em và cho phép anh chị em ban phước những người khác. Việc phục vụ trong các chức vụ kêu gọi có thể giúp anh chị em đạt được kiến thức, kỹ năng và tình bạn mới. Các vị lãnh đạo Giáo Hội sẽ đưa ra cho anh chị em những lời chỉ dẫn, hướng dẫn, và hỗ trợ nhằm giúp anh chị em vui thích chức vụ kêu gọi của mình và làm tròn chức vụ đó một cách thành công. Khi anh chị em cầu xin sự giúp đỡ, Đức Thánh Linh sẽ ban cho anh chị em sự soi dẫn, hướng dẫn, và an ủi.

Chúa đã hứa: “Nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ” (Ê The 12:27). Chúa sẽ củng cố anh chị em trong những nỗ lực của anh chị em để phục vụ.

Tiến Trình của Việc Chấp Nhận Các Chức Vụ Kêu Gọi

lễ tiệc thánh

Các tín hữu được tán trợ cho các chức vụ kêu gọi trong buổi lễ Tiệc Thánh.

Giáo Hội là một cộng đồng đầy yêu thương và hỗ trợ. Anh chị em sẽ không cô đơn trong khi cố gắng phục vụ trong chức vụ kêu gọi của mình. Sau khi anh chị em chấp nhận một chức vụ kêu gọi, các tín hữu trong giáo đoàn sẽ cho thấy trong buổi họp Tiệc Thánh rằng họ đồng ý để tán trợ hoặc hỗ trợ anh chị em trong chức vụ kêu gọi của anh chị em. Các tín hữu cho thấy sự hỗ trợ này bằng cách giơ tay phải của họ lên khi được một thành viên trong giám trợ đoàn hoặc chủ tịch đoàn chi nhánh mời làm như vậy.

Với tư cách là tín hữu của Giáo Hội, anh chị em cũng có thể tán trợ những người khác trong các chức vụ kêu gọi của họ trong nhiều phương diện. Ví dụ, anh chị em có thể tham gia các lớp học và các sinh hoạt do những người khác chuẩn bị, cầu nguyện cho họ, tình nguyện khi họ yêu cầu giúp đỡ với các chức vụ kêu gọi của họ, hoặc củng cố những người có thể đang phải vật lộn. Anh chị em cũng có thể tán trợ các vị lãnh đạo Giáo Hội của mình bằng cách tuân theo lời khuyên bảo họ đưa ra. Tán trợ những người khác là một cách thức để phục vụ.

hai người nam đặt tay lên đầu một phụ nữ

Một tín hữu được phong nhiệm cho một chức vụ kêu gọi mới.

Sau khi nhận được một chức vụ kêu gọi, anh chị em cũng sẽ được phong nhiệm bởi một vị lãnh đạo chức tư tế. Khi anh chị em được phong nhiệm, anh chị em nhận được một phước lành chức tư tế đặc biệt. Phước lành này sẽ ban cho anh chị em thẩm quyền từ Thượng Đế để nhận được sự soi dẫn và thi hành những chỉ định của chức vụ kêu gọi của mình.

Tất cả mọi chức vụ kêu gọi đều quan trọng như nhau và đều giúp xây đắp Giáo Hội của Thượng Đế. Sự phục vụ trong Giáo Hội là tự nguyện và không được trả lương. Ngoài sự kêu gọi của người truyền giáo phục vụ toàn thời gian ra, hầu hết các chức vụ kêu gọi đều không đòi hỏi sự cam kết toàn thời gian. Các tín hữu tiếp tục làm việc trong nghề nghiệp của họ trong khi phục vụ trong Giáo Hội. Các chức vụ kêu gọi không bao gồm sự thăng chức hay giáng chức, và các tín hữu không nên khao khát những chức vụ kêu gọi đặc biệt.

Những sự thay đổi trong chức vụ kêu gọi cho phép nhiều người được phục vụ trong những tư cách khác nhau. Các vị lãnh đạo Giáo Hội có thể được soi dẫn để kêu gọi anh chị em vào một chức vụ kêu gọi khác và để giải nhiệm anh chị em khỏi chức vụ kêu gọi hiện tại. Một khi được giải nhiệm, anh chị em không còn có trách nhiệm đối với những bổn phận của chức vụ kêu gọi trước đây nữa và sẵn sàng gánh vác các trách nhiệm của chức vụ kêu gọi mới. Giáo đoàn của anh chị em cũng có thể ghi nhận sự giải nhiệm của anh chị em và cảm ơn anh chị em về sự phục vụ của anh chị em trong một cách thức tương tự như cách anh chị em được tán trợ.