Lớp Giáo Lý
1 Cô Rinh Tô 1–4


1 Cô Rinh Tô 1–4

Chúa Giê Su Ky Tô: Nền Tảng Vững Chắc Của Chúng Ta

Hình Ảnh
Đền Thờ Apollo, Corinth, được xây cất khoảng 600 trước Công Nguyên Đây có lẽ là một trong những công trình kiến trúc phi thường nhất ở Cô Rinh Tô trong thời của Phao Lô. Các đền thờ và điện thờ có hình ảnh của các vị thần tà giáo rất phổ biến trong khắp thế giới Hy Lạp-La Mã, và các tín hữu của Giáo Hội ở các thành phố như Cô Rinh Tô sẽ bắt gặp những hình ảnh này hàng ngày. Phao Lô nhận thấy rằng trước khi các thánh hữu ở Thành Cô Rinh Tô cải đạo, họ đã bị cuốn theo những thần tượng câm [không tiếng nói] này, thậm chí [họ] còn bị dẫn dụ (1 Cô Rinh Tô 12:2).

Hãy nghĩ về ảnh hưởng tiêu cực mà sự tranh chấp, kiêu ngạo, những lời giảng dạy sai lạc và vô luân gây ra cho thế giới ngày nay. Các tín hữu của Giáo Hội thời kỳ đầu sống ở Cô Rinh Tô đã phải đương đầu với những thử thách tương tự. Trong khi thuyết giảng tại Ê Phê Sô trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ ba, Sứ Đồ Phao Lô đã viết cho Các Thánh Hữu ở Cô Rinh Tô để củng cố họ và nhắc nhở họ hãy trông cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này có thể giúp em hiểu bằng cách nào việc xây dựng cuộc sống của chúng ta trên nền tảng của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta vượt qua những thử thách thế gian.

Tiếp tục trung tín trong hoàn cảnh khó khăn

Hãy tưởng tượng rằng một người bạn thân sống ở một thành phố khác gửi cho em tin nhắn sau đây:

“Thật sự khó khăn khi bị bao vây bởi những ảnh hưởng tiêu cực ở khắp mọi nơi. Vì vậy, nhiều người ở đây không tuân giữ các lệnh truyền, và một số người bọn họ chỉ trích Giáo Hội. Tôi biết những người khác đã mất chứng ngôn trong những tình huống tương tự và tôi không muốn điều đó xảy ra với mình. Bạn có lời khuyên nào cho tôi không?”

  • Em sẽ nói gì với người bạn của mình?

  • Một số ảnh hưởng tiêu cực và độc hại mà em nhận thấy ở nơi mình sống là gì?

  • Đôi khi, những ảnh hưởng này khiến em khó để luôn trung tín với đức tin của mình như thế nào?

Khi học bài học này, hãy suy ngẫm xem em trung tín như thế nào khi đương đầu với những thử thách hoặc ảnh hưởng tiêu cực của thế gian. Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn qua Đức Thánh Linh để biết cách củng cố nền tảng của em nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp em vượt qua những thử thách của mình. Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai, Sứ Đồ Phao Lô đã thuyết giảng phúc âm ở Cô Rinh Tô trong gần hai năm (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 18:1–18) và tổ chức một chi nhánh của Giáo Hội ở đó. (Để xác định vị trí của thành phố Cô Rinh Tô, xin xem Bản Đồ Kinh Thánh, số 13, “Những Cuộc Hành Trình Truyền Giáo của Sứ Đồ Phao Lô.”) Thành Cô Rinh Tô là một trung tâm buôn bán giàu có và là thủ phủ của xứ A Chai thuộc Rô Ma. Nhiều người dân của Cô Rinh Tô thờ thần tượng và sống đồi bại. Một số cũng gây chia rẽ và tranh cãi. Trong môi trường này, việc vẫn luôn trung tín với phúc âm của Đấng Cứu Rỗi đã trở nên khó khăn đối với nhiều tín hữu trong Giáo Hội. Khi Phao Lô viết thư cho Các Thánh Hữu Cô Rinh Tô để giúp họ vượt qua thử thách, ông nói về nền tảng mà ông đã đặt cho họ.

Hãy đọc 1 Cô Rinh Tô 2:1–51 Cô Rinh Tô 3:10–11, tìm những cụm từ mô tả nền tảng này.

  • Em nghĩ việc xây dựng nền tảng của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là gì?

Trong Sách Mặc Môn, Hê La Man cũng khuyên nhủ các con trai ông xây dựng trên nền móng của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy đọc Hê La Man 5:12, tìm kiếm những phước lành mà Hê La Man đã hứa.

  • Em có thể chia sẻ điều gì với người bạn của mình từ những câu này mà có thể hữu ích?

Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ những câu thánh thư này là khi chúng ta xây dựng nền tảng cuộc sống của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể vượt qua ảnh hưởng của Sa Tan và những thử thách của thế gian.

  • Em biết, cảm nhận hoặc tin điều gì về Đấng Cứu Rỗi giúp em muốn có Ngài làm nền tảng?

1. Làm điều sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

  • Vẽ một ngôi nhà hoặc tòa nhà đơn giản với móng hoặc nền vững chắc. Xung quanh ngôi nhà, viết một số thử thách hoặc ảnh hưởng tiêu cực mà em gặp phải.

  • Trong hoặc xung quanh nền móng, hãy viết những điều em có thể làm để đặt cuộc sống của mình nơi Đấng Cứu Rỗi.

  • Hãy trả lời câu hỏi sau đây: Những hành động này đã giúp em như thế nào hoặc chúng có thể giúp em ra sao nếu em gặp những thử thách hoặc ảnh hưởng tiêu cực?

Trong bức thư của Phao Lô gửi cho người Cô Rinh Tô, ông đã đề cập đến một số vấn đề và dạy về việc Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài có sức mạnh như thế nào để giúp người Cô Rinh Tô vượt qua thử thách của họ (xin xem 1 Cô Rinh Tô 1:23–24). Các sinh hoạt sau đây tập trung vào hai trong số các vấn đề đó. Hãy đọc các tùy chọn sau đây và chọn một tùy chọn có ý nghĩa nhất để em nghiên cứu.

2. Hoàn thành một trong số các sinh hoạt sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

Lựa Chọn A: Chia rẽ và tranh chấp

Một thử thách mà Các Thánh Hữu Cô Rinh Tô gặp phải là sự tranh chấp. Sự chia rẽ phát triển một phần vì họ tin rằng địa vị của họ trong Giáo Hội được xác định bởi tầm quan trọng của người đã làm phép báp têm cho họ (xin xem 1 Cô Rinh Tô 1:12).

Bên cạnh bức vẽ về một ngôi nhà, em có thể muốn liệt kê bất kỳ cách nào giúp em đối mặt với sự chia rẽ hoặc tranh chấp trong tiểu giáo khu, gia đình hoặc cộng đồng của mình.

  • Một số hậu quả của sự chia rẽ và tranh chấp là gì?

Hãy đọc 1 Cô Rinh Tô 1:10–131 Cô Rinh Tô 3:3–9, tìm kiếm cách Phao Lô cố gắng giúp người dân xây dựng trên nền tảng của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Em thấy điều gì trong những câu này có thể giúp mọi người vượt qua sự chia rẽ và tranh chấp?

  • Em nghĩ tại sao việc xây dựng cuộc sống của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta đoàn kết và ít tranh chấp hơn với những người xung quanh mình?

Lựa Chọn B: Sự khôn ngoan của thế gian

Nhiều người sống ở Cô Rinh Tô coi trọng sự khôn ngoan của thế gian. Sứ điệp về Đấng Mê Si bị đóng đinh trên thập tự giá không có ý nghĩa đối với nhiều người Do Thái và Dân Ngoại. Trong thế giới của người Rô Ma, hình phạt đóng đinh trên thập tự giá tượng trưng cho sự hổ thẹn và thất bại. Người Hy Lạp nghĩ rằng người nào đó sẵn lòng chịu đau khổ vì người khác là “sự rồ dại” (1 Cô Rinh Tô 1:23). Đối với người Do Thái, một Đấng Mê Si chết trên thập tự giá là một “sự cản trở” (1 Cô Rinh Tô 1:23) vì họ mong đợi Đấng Mê Si sẽ chiến thắng những kẻ thù của họ.

Hãy đọc 1 Cô Rinh Tô 1:17–25, tìm kiếm xem Phao Lô đã phản ứng như thế nào trước những thái độ này.

Ở đâu đó cạnh hình vẽ ngôi nhà của em, hãy liệt kê những cách mà sự khôn ngoan của thế gian có thể ảnh hưởng hoặc thử thách chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.

  • Tại sao một số người có thể không hiểu hoặc không coi trọng Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài ngày nay?

  • Những thay đổi nào có thể xảy ra khi một người tiến đến việc biết và cảm thấy rằng Đấng Cứu Rỗi có quyền năng thực sự trong cuộc sống của họ? (xin xem 1 Cô Rinh Tô 1:24).

  • Làm cách nào mà việc xây dựng cuộc sống của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài có thể giúp em khi gặp phải những triết lý đầy thách thức của thế gian?

Xây dựng cuộc sống của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Hãy dành một vài phút để đánh giá cuộc sống của chính em. Em đã xây dựng nền tảng của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô bằng những cách nào? Em có thể muốn cải thiện bằng những cách nào? Làm thế nào mà việc xây dựng cuộc sống của mình vững chắc hơn nơi Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài có thể giúp em đương đầu với những thử thách và ảnh hưởng tiêu cực của chính mình? Cân nhắc ghi lại suy nghĩ của em trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?

Tại sao tôi nên xây dựng nền móng của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Anh Cả Chi Hong (Sam) Wong thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã tuyên bố:

Hình Ảnh
Ảnh chân dung chính thức của Anh Cả Chi Hong (Sam) Wong. Được chụp vào tháng Ba năm 2017.

Nếu chúng ta có thể xây dựng nền tảng của mình trên Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta không thể nào đổ ngã được! Khi chúng ta trung tín kiên trì đến cùng, Thượng Đế sẽ giúp chúng ta thiết lập cuộc sống của mình trên đá của Ngài, và “các cổng ngục giới sẽ không thắng được [chúng ta]” (Giáo Lý và Giao Ước 10:69). Chúng ta có thể không thay đổi được tất cả những gì sắp tới, nhưng chúng ta có thể chọn cách chuẩn bị cho những gì sắp tới.

(Chi Hong [Sam] Wong, “Chúng Không Thể Nào Thắng Thế Được; Chúng Ta Không Thể Nào Đổ Ngã Được,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 98)

In