Lớp Giáo Lý
2 Phi E Rơ 1


2 Phi E Rơ 1

Trở Nên Giống như Chúa Giê Su Ky Tô

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô cùng với các trẻ nhỏ.

Phi E Rơ đã viết thư cho các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, là những người có đức tin vững chắc. Khi gần qua đời, Phi E Rơ muốn giúp Các Thánh Hữu này nhớ lại những phước lành lớn lao đã được hứa cho các tín hữu. Ông khuyến khích Các Thánh Hữu phát triển các đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này nhằm giúp em thực hiện các bước để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Từng bước đạt đến thành tựu

  • Mục tiêu có ý nghĩa mà em muốn đạt được là gì?

  • Em đang làm gì để đạt được mục tiêu này?

Anh Cả Scott D. Whiting thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã chia sẻ một bài học mà ông và vợ đã học được qua một kinh nghiệm họ có được khi leo lên Núi Phú Sĩ ở Nhật Bản. Bài học họ đã học được có thể giúp em cố gắng đạt được các mục tiêu của mình. Em có thể muốn xem video “Trở Nên giống như Ngài,” trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ mã thời gian 2:35 đến 3:09, hoặc đọc lời phát biểu sau đây:

Hình Ảnh
Núi Phú Sĩ ở Nhật Bản, hiện ra hùng vĩ ở phía sau, vào một buổi xế chiều mùa thu. Trong hình, có thể thấy những tia nắng cuối cùng trên mặt phía tây của các sườn núi phủ tuyết. Hồ Kawaguchi nằm ở phía trước với thị trấn Fujikawaguchiko nép mình giữa hồ và núi. Tuyết rơi nhẹ trên thị trấn và khu rừng gần đó tạo nên một khung cảnh mờ ảo.
Hình Ảnh
Ảnh Chân Dung Chính Thức của Anh Cả Scott D Whiting. Được chụp vào tháng Ba năm 2017.

Cách đây vài năm, vợ tôi và tôi đứng ở đầu con đường mòn dẫn lên đỉnh núi Phú Sĩ, là ngọn núi cao nhất nước Nhật. Khi bắt đầu đi lên, chúng tôi nhìn lên đỉnh núi xa xôi và tự hỏi liệu mình có thể đến được đó không.

Khi tiếp tục đi lên, chúng tôi bắt đầu cảm thấy mệt nhọc, đau nhức, và ảnh hưởng của độ cao. Về mặt tinh thần, điều quan trọng là chúng tôi chỉ tập trung vào bước đi kế tiếp. Chúng tôi nói: “Tôi có thể không sớm lên đến đỉnh, nhưng ngay bây giờ tôi có thể đi bước tiếp theo.” Dần dần, nhiệm vụ khó khăn cuối cùng đã trở nên có thể đạt được—bằng cách đi từng bước một.

(Scott D. Whiting, “Trở Nên giống như Ngài,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 12)

  • Ví dụ này có thể được áp dụng để đạt được nhiều mục tiêu khác nhau. Nó có thể giúp chúng ta hiểu gì về mục tiêu trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô?

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về những điều em đã làm và đang làm để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Việc cố gắng giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn có khó khăn gì?

  • Điều gì đã giúp em tiến triển trong việc trở nên giống Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

Hãy nhớ rằng điều quan trọng là phải xem sự tiến triển của em trong việc trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn là một tiến trình dần dần, từng bước. Khi học bài học này, hãy tìm kiếm những điều em có thể làm với sự trợ giúp của Đấng Cứu Rỗi để thực hiện bước tiếp theo.

Thiên tính

Trong một bức thư gửi cho các tín hữu của Giáo Hội, là những người đã có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, Sứ Đồ Phi E Rơ bày tỏ mong muốn của mình là họ nhận được các phước lành của việc biết Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và thiên tính của hai Ngài.

Hãy đọc 2 Phi E Rơ 1:2–4, tìm kiếm những phước lành có thể đến với chúng ta qua sự hiểu biết này.

  • Em nghĩ “trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời” có nghĩa là gì? (2​Phi E Rơ 1:4).

Mỗi người chúng ta đều có một bản tính thiêng liêng bởi vì mỗi chúng ta là “một đứa con trai hay con gái linh hồn yêu dấu của cha mẹ thiên thượng” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”, ChurchofJesusChrist.org). Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta phát triển và hoàn thiện các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô khi chúng ta cố gắng noi theo tấm gương toàn hảo của Ngài và trông cậy Ngài giúp chúng ta thay đổi.

1. Hoàn tất sinh hoạt sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em. Thêm vào sinh hoạt này trong suốt bài học.

Trong nhật ký ghi chép việc học tập, hãy vẽ phác thảo đơn giản Núi Phú Sĩ hoặc một ngọn núi khác mà em chọn. Trên ngọn núi của em, hãy viết một vài thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Em ngưỡng mộ những thuộc tính nào của Chúa Giê Su Ky Tô nhất? Tại sao?

Hãy đọc 2 Phi E Rơ 1:5–7, tìm kiếm những thuộc tính giống như Đấng Ky Tô được Phi E Rơ liệt kê. Thêm những thuộc tính này vào những thuộc tính mà em đã viết trên ngọn núi trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm xem Phi E Rơ có thể đã có ngụ ý gì qua cụm từ “phải gắng hết sức thêm” (câu 5).

  • Em có thể minh họa điều này như thế nào trong sơ đồ của mình?

Hãy đọc 2 Phi E Rơ 1:8–11, tìm kiếm những điều Phi E Rơ nói với Các Thánh Hữu sẽ xảy ra nếu họ phát triển những thuộc tính này.

  • Lẽ thật mà em học được từ những câu này là gì?

Hãy suy ngẫm về những điều em có thể thêm vào sơ đồ của mình từ những gì em đang học. Em có thể muốn thêm một tiêu đề phía trên ngọn núi để tóm tắt một lẽ thật quan trọng mà em đang học về tiến đến việc biết Chúa Giê Su Ky Tô.

Em có thể so sánh sơ đồ của mình với ví dụ sau đây và thêm bất kỳ chi tiết nào mà em cảm thấy hữu ích.

Hình Ảnh
Sơ Đồ Ngọn Núi với Các Thuộc Tính Thiêng Liêng
  • Chúng ta có thể làm gì để phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô?

  • Em nghĩ làm thế nào mà việc phát triển các thuộc tính thiêng liêng sẽ giúp chúng ta biết Chúa Giê Su Ky Tô và trở nên giống như Ngài hơn?

Phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô

Hành trình phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô có thể bắt đầu với bước đơn giản đầu tiên là chọn một thuộc tính và tìm hiểu thêm về thuộc tính đó. Hãy bắt đầu cuộc hành trình này ngay hôm nay bằng cách chọn một trong những thuộc tính được liệt kê trong 2 Phi E Rơ 1:5–7 và viết vào sơ đồ ngọn núi của em.

Một cách em có thể tìm hiểu thêm về thuộc tính mà mình đã chọn là sử dụng Sách Hướng Dẫn Thánh Thư hoặc chức năng tìm kiếm trong Thư Viện Phúc âm để tìm kiếm thánh thư hoặc lời phát biểu liên quan đến thuộc tính đó.

Hãy ghi chú vào nhật ký ghi chép việc học tập và cân nhắc đánh dấu các cụm từ quan trọng trong thánh thư mà em đã đọc.

2. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

  • Em đã chọn tập trung vào thuộc tính nào?

  • Em đã học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô và thuộc tính này từ những nghiên cứu của mình?

  • Làm thế nào mà cuộc sống của em có thể được cải thiện bằng cách phát triển thuộc tính này giống như Đấng Ky Tô?

  • Em sẵn sàng thực hiện những nỗ lực nào để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn bằng cách phát triển thuộc tính này?

Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?

Tôi sẽ cần gì để phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô?

Anh Cả Scott D. Whiting thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã giải thích:

Hình Ảnh
Ảnh Chân Dung Chính Thức của Anh Cả Scott D Whiting. Được chụp vào tháng Ba năm 2017.

Để thấy được sự tiến triển thực sự, anh chị em sẽ cần phải nỗ lực liên tục. Giống như việc leo núi đòi hỏi sự chuẩn bị trước, cùng sức chịu đựng và sự kiên trì trong quá trình đi lên, thì cuộc hành trình này cũng yêu cầu những nỗ lực và hy sinh thực sự. Ky Tô Giáo chân chính, mà trong đó chúng ta cố gắng trở nên giống như Đức Thầy, vẫn luôn luôn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết sức mình. …

Tôi biết rằng việc trở nên giống như Ngài qua sự giúp đỡ và sức mạnh thiêng liêng của Ngài là có thể đạt được từng bước một. Nếu không, Ngài đã không ban cho chúng ta lệnh truyền này [xin xem 1 Nê Phi 3:7].

(Scott D. Whiting, “Trở Nên giống như Ngài,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 14)

Điều gì sẽ xảy ra khi tôi cố gắng có được những đặc tính giống như Đấng Ky Tô?

Anh Cả Robert D. Hales (1932–2017) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích:

Hình Ảnh
Ảnh chân dung chính thức của Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, năm 2003

Các thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi, như chúng ta nhận thấy, không phải là một kịch bản để làm theo hoặc bản liệt kê các nhiệm vụ phải hoàn thành. Các thuộc tính này là các đặc tính liên kết chặt chẽ, đặc tính này thêm vào đặc tính khác, mà phát triển trong chúng ta theo những cách thức ảnh hưởng lẫn nhau. Nói cách khác, chúng ta không thể có được một đặc tính giống như Đấng Ky Tô mà không ảnh hưởng đến những đặc tính khác. Khi một đặc tính trở nên mạnh mẽ, thì nhiều đặc tính khác cũng trở nên mạnh mẽ theo.

(Robert D. Hales, “Trở Thành một Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô”, Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 46)

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar, thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, ảnh chân dung chính thức. Năm 2020.

Có sẵn sự giúp đỡ từ Đấng Cứu Rỗi cho suốt cuộc hành trình trên trần thế—từ xấu đến tốt đến tốt hơn và thay đổi bản tính của chúng ta.

(David A. Bednar, “Sự Chuộc Tội và Hành Trình trên Trần Thế,” Liahona,” tháng Tư năm 2012, trang 14)

In