Lớp Giáo Lý
Công Vụ Các Sứ Đồ 8:1–3; 9:1–20


Công Vụ Các Sứ Đồ 8:1–3; 9:1–20

“Chúa Muốn Con Làm Điều Gì?”

Hình Ảnh
Sau Lơ có một khải tượng trên đường đi đến thành Đa Mách.

Vào thời gian “hội thánh gặp cơn bắt bớ dữ tợn” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:1), Sau Lơ đã xông vào nhiều nhà, bắt những người tin Chúa Giê Su Ky Tô đem nhốt vào tù (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 8:3). Khi Sau Lơ đi đến thành Đa Mách để tiếp tục công kích Các Thánh Hữu, Chúa Giê Su Ky Tô đã biểu lộ chính Ngài cho Sau Lơ (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 9:3–5). Với sự kinh ngạc tột độ, Sau Lơ hỏi Chúa: “Chúa muốn con làm điều gì?” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:6). Bài học này nhằm giúp em suy ngẫm về những điều Chúa làm để giúp em thay đổi theo hướng tốt hơn và cách tìm kiếm để biết điều Ngài muốn em làm.

Thay đổi phương hướng

Hình Ảnh
Lưng của em thiếu nữ trên sân bóng đá, với quả bóng đá trong tay, đang suy ngẫm về mục tiêu. (horiz)

Lăn một viên bi hoặc quả bóng trên sàn nhà. Chú ý đến tốc độ và hướng của nó.

  • Cần những gì để cho viên bi hoặc quả cầu đổi hướng?

  • So sánh vật thể lăn với một người, một số lý do nào khiến ai đó có thể thay đổi theo hướng tốt hơn và thay đổi phương hướng của cuộc đời họ? Một số lý do nào khiến người ta không thể thay đổi?

Suy ngẫm về phương hướng của chính cuộc đời em. Em cảm thấy được tình yêu thương và sự chấp thuận của Chúa trong những phương diện nào? Có bất kỳ thay đổi nào đối với phương hướng trong cuộc sống của em mà Chúa có thể mời gọi em thực hiện không? Hãy tìm kiếm sự mặc khải cho những câu hỏi này khi em học bài học này.

“Sau Lơ, Sau Lơ, tại sao lại ngược đãi ta?”

Chúa đã giúp một người tên Sau Lơ thay đổi cuộc đời. Ban đầu, Sau Lơ là một người Pha Ri Si đã làm “tàn hại hội thánh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:3). Ông ủng hộ việc giết chết môn đồ Ê Tiên (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 7:58; 8:1; 22:20) và “bỏ tù những người tin [Chúa] và đánh đòn trong các nhà hội” (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:19).

1. Hoàn tất sinh hoạt sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

Chia đôi một trang trong nhật ký ghi chép và đặt tiêu đề một bên là “Cách Chúa đã giúp Sau Lơ thay đổi.” Đặt tiêu đề cho bên kia là “Phản ứng của Sau Lơ với Chúa.” Hãy đọc một hoặc nhiều câu chuyện về trải nghiệm của Sau Lơ trên đường đến thành Đa Mách và điền vào biểu đồ dựa theo những gì em tìm thấy.

Dựa trên những điều em đã viết trong nhật ký của mình, hãy suy ngẫm về những lẽ thật hoặc bài học mà em đã học được từ câu chuyện này.

Chúa mong muốn sự thay đổi ở chúng ta

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về một người mà em biết là đã thay đổi nhờ ảnh hưởng của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của họ.

  • Em nghĩ Chúa Giê Su Ky Tô đã ảnh hưởng đến người này như thế nào để thay đổi?

Đối với Sau Lơ, mà còn thường được biết đến với tên La Tinh là Phao Lô (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 13:9), việc tuân theo sự chỉ dẫn của Chúa đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Phao Lô ngừng ngược đãi những người Ky Tô Hữu và thay vào đó trở thành một môn đồ hùng mạnh của Chúa Giê Su Ky Tô. Phao Lô đã đi đến nhiều quốc gia với tư cách là một người truyền giáo và viết những lá thư để khích lệ và giảng dạy cho Các Thánh Hữu. Mười bốn lá thư trong số này được đưa vào Kinh Tân Ước (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư “Phao Lô,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org. Quyết định noi theo Chúa Giê Su Ky Tô của Phao Lô tiếp tục ban phước cho vô số người ngày nay.

Đồ họa thông tin này sẽ cho em thấy một số sự kiện chính trong cuộc đời và những cuộc hành trình truyền giáo của Phao Lô. Có thể hữu ích nếu thỉnh thoảng xem lại đồ họa này khi em nghiên cứu những kinh nghiệm và những bức thư của Phao Lô.

Chúa biết chúng ta và mời gọi chúng ta thay đổi cuộc sống của mình. Đây có thể là những điều chỉnh đáng kể, nhưng cũng có thể là những thay đổi nhỏ.

2. Hoàn tất sinh hoạt sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

Trong nhật ký của em, hãy chia đôi một trang khác và đặt tiêu đề một bên là “Cách Chúa mời gọi tôi thay đổi” và bên kia là “Phản ứng của tôi với Chúa.” Hãy suy ngẫm những câu hỏi sau đây để giúp em viết câu trả lời trong nhật ký ghi chép việc học tập bên dưới tiêu đề “Cách Chúa mời gọi tôi thay đổi.”

  • Mặc dù dường như Chúa không hiện đến cùng em trong khải tượng, nhưng Ngài đã làm gì, hoặc Ngài đang làm gì để giúp em tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình?

  • Ngài đã phái ai đến để giúp em thay đổi theo hướng tốt hơn?

Trong phần “Phản ứng của tôi với Chúa”, hãy viết về cách em muốn đáp lại những nỗ lực của Ngài để giúp em thay đổi theo hướng tốt hơn.

Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?

Chúa có thể yêu cầu tôi thực hiện những thay đổi nào?

Chị Becky Craven, Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã dạy:

Hình Ảnh
Chị Rebecca L. Craven, đệ nhị cố vấn, chủ tịch đoàn trung ương Hội Thiếu Nữ. Chân Dung Chính Thức tính đến tháng Mười năm 2018.

Đó có thể là một sự thay đổi trong suy nghĩ, trong thói quen, hoặc trong đường hướng mà chúng ta đang theo. Để đổi lại cái giá vô giá mà Ngài đã trả cho mỗi chúng ta, Chúa muốn chúng ta có một sự thay đổi trong lòng. Sự thay đổi mà Ngài yêu cầu ở mỗi chúng ta thì không phải vì lợi ích của Ngài mà là vì lợi ích của chúng ta.

(Becky Craven, “Giữ Lại Sự Thay Đổi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 58)

Tôi nên hiểu gì về những sự lựa chọn và phương hướng của cuộc đời tôi?

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Bức ảnh chân dung chính thức của Anh Cả Jeffrey R. Holland. Được chụp vào tháng Một năm 2018.

Thượng Đế gần như không quan tâm đến việc các anh chị em đã ở đâu mà Ngài quan tâm đến việc các anh chị em đang ở đâu và với sự giúp đỡ của Ngài, các anh chị em sẵn sàng đi đến đâu.

(Jeffrey R. Holland, “The Best is Yet to Be”, Ensign, tháng Một năm 2010, trang 27)

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Ảnh chân dung chính thức của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, năm 2006. Được kêu gọi làm Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 3 tháng Hai năm 2008. Ảnh chân dung chính thức được chụp vào năm 2008 thay thế ảnh chân dung được chụp vào năm 2004.

Sa Tan muốn chúng ta nghĩ rằng khi chúng ta phạm tội thì chúng ta đã vượt qua “điểm không thể trở về”—rằng đã quá trễ để thay đổi hướng đi của chúng ta. …

Đấng Ky Tô đến để cứu rỗi chúng ta. Nếu chúng ta đi sai đường, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể cho chúng ta sự bảo đảm rằng … có thể có một sự trở về an toàn nếu chúng ta chịu tuân theo kế hoạch của Thượng Đế dành cho sự cứu rỗi của mình. …

Ân tứ của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cung ứng cho chúng ta các phước lành của sự hối cải và sự tha thứ vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Nhờ vào ân tứ này, cơ hội để có được sự trở về an toàn từ hướng đi tai hại của tội lỗi thì luôn luôn dành sẵn cho tất cả chúng ta vào bất cứ lúc nào.

(Dieter F. Uchtdorf, “Điểm Trở Về An Toàn,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 99, 101)

In