Lớp Giáo Lý
Ê Phê Sô 6:10–24


Ê Phê Sô 6:10–24

“Mang Lấy Mọi Khí Giới của Đức Chúa Trời”

Một thiếu niên mặc bộ áo giáp thời Tân Ước với một thanh gươm và cái khiên.

Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh giành linh hồn của loài người. Cha Thiên Thượng đã soi dẫn cho Phao Lô giảng dạy về cách chúng ta có thể sống sót trước các cuộc tấn công của Sa Tan. Bài học này nhằm giúp em hiểu những điều Thượng Đế đã ban cho để bảo vệ em khỏi những điều xấu xa trên thế gian, đánh giá sự chuẩn bị thuộc linh hiện tại của em và lập kế hoạch để cải thiện sự bảo vệ thuộc linh của em.

Sa Tan rất hung hãn trong các chiến thuật của hắn

  • Em nghĩ đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa những điều em đang trải qua ở tuổi thanh thiếu niên và những điều cha mẹ em đã trải qua khi họ ở độ tuổi của em?

Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Robert D. Hales (1932–2017) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và tìm kiếm một điểm khác biệt mà ông đã nhấn mạnh:

Ảnh chân dung chính thức của Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, năm 2003

Cha ông của các em không bao giờ phải đối diện với những cám dỗ mà các em thường xuyên phải đối diện. Các em đang sống trong những ngày cuối cùng. Nếu muốn gặp rắc rối, thì cha của các em đã phải đi tìm kiếm nó. Điều đó không còn như vậy nữa! Ngày nay cám dỗ tìm kiếm các em! Xin hãy nhớ điều đó! Sa Tan mong muốn có các em, và “tội lỗi rình rập đợi trước cửa” [Môi Se 5:23]. Các em sẽ chống lại chiến thuật tấn công của nó bằng cách nào?

(Robert D. Hales, “Hãy Đứng Vững tại Những Nơi Thánh Thiện,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 48–49)

  • Trong những phương diện nào mà ngày nay, cám dỗ tìm đến chúng ta thay vì chúng ta phải tìm kiếm nó?

Hãy suy ngẫm những câu hỏi sau đây hoặc viết câu trả lời của em vào nhật ký ghi chép việc học tập.

  • Sa Tan đang cố gắng cám dỗ cá nhân em bằng một số cách thức nào?

  • Em đang làm gì để tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để chống lại những cám dỗ của Sa Tan? Em đã làm tốt điều gì? Em có thể cần làm gì để cải thiện?

Khi em học bài học này, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để giúp em biết cách có thể tìm kiếm và nhận được sự bảo vệ một cách trọn vẹn hơn của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình trước những cuộc tấn công của Sa Tan.

Sự bảo vệ của Chúa

Hãy đọc Ê Phê Sô 6:10–13, tìm kiếm xem Phao Lô nói Các Thánh Hữu vào thời ông đang phải chống lại điều gì.

  • Em nhìn thấy điểm tương đồng nào giữa những điều Các Thánh Hữu ở Ê Phê Sô đang chống lại vào thời của họ và những điều chúng ta chống lại bây giờ?

  • Tại sao Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta được bảo vệ khỏi sự tà ác? Mong muốn này dạy cho chúng ta điều gì về Hai Ngài?

  • Phao Lô mời gọi người Ê Phê Sô làm gì để có thể chống lại với những điều tà ác này?

Từ Ê Phê Sô 6:10–13, chúng ta biết rằng nếu chúng ta mặc vào trọn bộ áo giáp của Thượng Đế, thì chúng ta sẽ có thể chống lại sự tà ác.

Bộ áo giáp của Thượng Đế là một ẩn dụ hoặc biểu tượng cho sự bảo vệ mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô ban cho chúng ta. Trong trận chiến mà chúng ta phải đương đầu, bộ áo giáp của Thượng Đế được thiết kế đặc biệt cho em và những nguy hiểm trong cuộc sống của em. Để giúp em hiểu được sự bảo vệ thiêng liêng này, em có thể sao chép hình ảnh sau đây vào nhật ký ghi chép việc học tập của mình hoặc in hình ảnh đó ra. Ghi lại trên bức vẽ câu trả lời của em đối với sinh hoạt sau đây:

Một bộ áo giáp và một cái khiên của một người lính thời xưa tượng trưng cho Áo Giáp của Thượng Đế. Có phần giải thích các yếu tố khác nhau của bộ áo giáp. Dựa trên Giáo Lý và Giao Ước 27: 15-18. “15 Vậy nên, hãy nức lòng và hoan hỷ, và hãy thắt lưng thật chặt, và mang lên mình trọn áo giáp của ta, để các ngươi có thể đương đầu với ngày đen tối, sau khi các ngươi đã làm tất cả mọi việc, để các ngươi có thể được đứng vững vàng. 16 Vậy hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy tấm giáp che ngực của sự ngay chính, và dùng sự sẵn sàng của phúc âm bình an mà làm giày dép, là phúc âm mà ta đã phái thiên sứ của ta xuống trao cho các ngươi; 17 Lại phải lấy thêm đức tin làm khiên, nhờ đó các ngươi có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ ác; 18 Cũng hãy lấy sự cứu rỗi làm mão trụ, và cầm gươm của Thánh Linh ta, mà ta sẽ đổ lên các ngươi, cùng lời nói của ta mà ta sẽ tiết lộ cho các ngươi, và hãy thuận với nhau về tất cả những điều các ngươi cầu xin nơi ta và hãy trung thành cho tới ngày ta đến, rồi các ngươi sẽ được cất lên, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó. A Men.”

Hãy đọc Ê Phê Sô 6:14–18 để nhận ra từng bộ phận trong bộ áo giáp của Thượng Đế. Viết những điều mà mỗi mảnh giáp tượng trưng trên bức hình của em. Có thể là hữu ích khi biết rằng “giày dép” (Ê Phê Sô 6:15) nói đến việc mang một lớp bảo vệ trên bàn chân.

2:1

The Armor of God

Saints should put on the whole armor of God. Ephesians 6:11–17

Hãy gia tăng sự hiểu biết của em về các mảnh của bộ áo giáp của Thượng Đế bằng cách thực hiện sinh hoạt sau đây.

Dùng bút mực hay bút chì viết lên một tờ giấy. 1. Trả lời các câu hỏi sau đây về ít nhất một mảnh của bộ áo giáp của Đấng Ky Tô. Nếu em cần trợ giúp, thì một ví dụ được cung cấp bên dưới cho “lấy lẽ thật làm dây nịt lưng” (Ê Phê Sô 6:14). Vui lòng chọn một trong những mảnh của bộ áo giáp khác cho sinh hoạt này.

  1. Phao Lô muốn nói đến khái niệm thuộc linh nào liên quan đến mảnh giáp này?

  2. Bộ phận cơ thể được bảo vệ bởi bộ áo giáp có thể tượng trưng cho điều gì về mặt thuộc linh?

  3. Chúng ta mặc mảnh giáp này của Chúa bằng cách nào để nhận được sự bảo vệ của Ngài trước sự tà ác?

Đối với “lấy lẽ thật làm dây nịt lưng” (Ê Phê Sô 6:14), những điều sau đây có thể là câu trả lời cho những câu hỏi ở trên: (1) lẽ thật; (2) nó tượng trưng cho sự trinh khiết hoặc trong sạch về mặt đạo đức của chúng ta; và (3) chúng ta có thể tìm hiểu những lẽ thật về Cha Thiên Thượng và kế hoạch cứu rỗi của Ngài mà có thể thúc đẩy chúng ta tiếp tục giữ đạo đức trong sạch.

Mặc vào trọn bộ áo giáp của Thượng Đế

Phao Lô và Đấng Cứu Rỗi nhấn mạnh đến việc mặc vào trọn bộ áo giáp của Thượng Đế (xin xem Ê Phê Sô 6:11, 13; Giáo Lý và Giao Ước 27:15).

Dùng bút mực hay bút chì viết lên một tờ giấy. 2. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

  • Em nhìn thấy những nguy hiểm gì khi chỉ mặc một phần bộ áo giáp của Chúa? Em nghĩ tại sao Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn em được bảo vệ hoàn toàn?

  • Em sẽ làm gì mỗi ngày để mặc đầy đủ hơn trọn bộ áo giáp của Thượng Đế để được bảo vệ khỏi những cám dỗ mình gặp phải?

  • Làm thế nào mà việc tìm đến Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô để được giúp đỡ theo cách này thể hiện tình yêu thương và sự tin cậy của em nơi Hai Ngài?

Tùy Chọn: Muốn Tìm Hiểu Thêm?

Các bộ phận trên cơ thể được bảo vệ bởi áo giáp của Đấng Cứu Rỗi có tầm quan trọng gì?

Chủ Tịch Harold B. Lee (1899–1973) đã nói:

Chân dung của Chủ Tịch Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau Harold B. Lee.

Chúng ta có bốn bộ phận cơ thể mà Sứ Đồ Phao Lô đã nói [là] dễ bị tổn thương nhất bởi quyền năng của bóng tối. Vùng thắt lưng, tiêu biểu cho đức hạnh, sự trinh khiết. Trái tim tiêu biểu cho hành vi của chúng ta. Đôi chân, cho những mục tiêu hay mục đích của chúng ta trong cuộc sống và cuối cùng là cái đầu, cho những ý nghĩ của chúng ta.

(Harold B. Lee, “Feet Shod with the Preparation of the Gospel of Peace,” Brigham Young University Speeches of the Year [ngày 9 tháng Mười Một, 1955], trang 2)

Tôi có thể làm gì để mặc vào trọn bộ áo giáp của Thượng Đế?

Anh Cả Neal A. Maxwell (1926–2004) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Chân dung chính thức cuối cùng của Anh Cả Neal A. Maxwell, năm 1992.

Việc cởi bỏ con người thiên nhiên có thể giúp mặc vào trọn bộ áo giáp của Thượng Đế, điều mà trước đây không hoàn toàn vừa vặn! (xin xem Ê Phê Sô 6:11, 13).

(Neal A. Maxwell, “Plow in Hope,” Ensign, tháng Năm năm 2001, trang 60)

Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Ảnh chân dung chính thức của Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, năm 2004.

Tôi thích nghĩ đến bộ áo giáp thuộc linh này không phải là một miếng kim loại nguyên khối được đúc vừa vặn với thân thể nhưng giống với lưới vòng kim loại hơn. Áo giáp lưới bao gồm hàng tá những miếng thép bé xíu gắn chặt với nhau để người sử dụng có được sự linh hoạt mà không mất đi sự bảo vệ. Tôi nói như thế vì kinh nghiệm của tôi là không có một việc gì to lớn và vĩ đại chúng ta có thể làm để trang bị cho bản thân về mặt thuộc linh. Sức mạnh thuộc linh đích thực nằm trong vô số những hành động nhỏ nhặt đan xen với nhau làm thành một lớp phòng vệ thuộc linh giúp bảo bọc và che chắn chúng ta khỏi mọi sự tà ác.

(M. Russell Ballard, “Be Strong in the Lord,” Ensign, tháng Bảy năm 2004, trang 8)

Trang phục đền thờ liên quan như thế nào đến bộ áo giáp của Thượng Đế?

Anh Cả Carlos E. Asay (1926–1999) thuộc Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã giải thích:

Chân Dung của Carlos E. Asay

Tuy nhiên, có một bộ áo giáp khác đáng để chúng ta lưu tâm. Đó là bộ quần áo lót đặc biệt được gọi là trang phục đền thờ, hoặc trang phục của chức tư tế thánh, được mặc bởi các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, những người đã nhận được lễ thiên ân trong đền thờ. Bộ trang phục này, được mặc cả ngày lẫn đêm, phục vụ ba mục đích quan trọng: đó là lời nhắc nhở về các giao ước thiêng liêng đã lập với Chúa trong nhà thánh của Ngài, một lớp che chắn bảo vệ cơ thể, và một biểu tượng của tính khiêm tốn trong lối ăn mặc và nếp sinh hoạt, là nét đặc trưng cho cuộc sống của tất cả những tín đồ khiêm nhường của Đấng Ky Tô.

(Carlos E. Asay, “The Temple Garment: ‘An Outward Expression of an Inward Commitment,’” Ensign, tháng Tám năm 1997, trang 20)