Ma Thi Ơ 4:1–11, Phần 1
Chúa Giê Su Ky Tô Chống Lại Những Cám Dỗ Của Sa Tan
Sau khi Đấng Cứu Rỗi chịu phép báp têm, Ngài đi vào đồng vắng để ở cùng với Thượng Đế” (xin xem Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 4:1 [trong Phụ Lục Bản Dịch Joseph Smith]). Sa Tan đã cám dỗ Ngài, nhưng Ngài đã chống lại những cám dỗ đó. Trong bài học này, em có thể nhận ra các nguyên tắc để giúp em noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong việc chống lại những cám dỗ của Sa Tan.
Tất cả chúng ta đều gặp cám dỗ
Trong nhật ký ghi chép việc học tập hoặc trên một tờ giấy rời, hãy vẽ một hình người gậy thể hiện cho một người ở độ tuổi của em. Bên cạnh hình vẽ, hãy viết hai hoặc ba cám dỗ mà người này có thể gặp phải.
-
Tại sao người này có lẽ nhượng bộ trước những cám dỗ này?
-
Cuộc sống của họ sẽ tốt hơn ra sao nếu họ có thể chống lại những cám dỗ này?
-
Em đã nhận được các phước lành nào khi chống lại cám dỗ?
Khi em học hôm nay, hãy suy ngẫm về những cám dỗ mà em gặp phải. Hãy tìm kiếm sự soi dẫn của Đức Thánh Linh khi em tìm kiếm những điều có thể học được từ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi về cách chống lại những cám dỗ này và những cám dỗ trong tương lai.
Chúa Giê Su Ky Tô đã đương đầu và chống lại những cám dỗ
Thánh thư dạy rằng Đấng Cứu Rỗi đã trải qua mọi loại cám dỗ “nhưng không nhượng bộ những cám dỗ đó” ( Giáo Lý và Giao Ước 20:22 ; xin xem Mô Si A 15:5 ; An Ma 7:11).
Một kinh nghiệm xảy đến sau lễ báp têm của Ngài, khi Ngài đi vào đồng vắng để ở cùng với Thượng Đế” (xin xem Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 4:1 [trong Phụ Lục Bản Dịch Joseph Smith]). Sau khi Chúa Giê Su giao tiếp với Thượng Đế trong 40 ngày, Sa Tan đến để cám dỗ Ngài (xin xem Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 4:2 [trong Phụ Lục Bản Dịch Joseph Smith]). Bằng cách nghiên cứu sự kiện này trong cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể học hỏi từ tấm gương của Ngài về những cách để chống lại những cám dỗ mà chúng ta gặp phải.
Đối với câu chuyện này, Bản Dịch Joseph Smith cung cấp những thay đổi và lời giải thích có thể giúp chúng ta hiểu rõ thánh thư hơn. (Em có thể muốn xem lại thông tin về Bản Dịch Joseph Smith trong bài học “Nghiên Cứu Thánh Thư”.)
Khi em sử dụng Bản Dịch Joseph Smith trong sinh hoạt sau đây, hãy lưu ý xem việc sử dụng Bản Dịch này làm gia tăng hiểu biết của em về thánh thư như thế nào. Hãy chú ý lắng nghe những ấn tượng về Đức Thánh Linh và ghi chú lại bất kỳ lời thúc giục nào mà em nhận được.
Đọc kỹ Ma Thi Ơ 4:1–11 , kể cả những thay đổi đã được đưa ra trong Bản Dịch Joseph Smith. Nhận ra những cách để hoàn thành lời câu này: __________________ có thể giúp chúng ta chống lại cám dỗ.
Em có thể sử dụng biểu đồ sau đây để hỗ trợ em.
Sa Tan đã cám dỗ Chúa Giê Su để |
Cách Chúa Giê Su đã chống lại cám dỗ đó | |
1. Hãy trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em. Cân nhắc thêm bất kỳ lời thúc giục hoặc ấn tượng nào mà em nhận được từ Đức Thánh Linh.
-
Em đã nhận ra các nguyên tắc nào từ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi?
-
Những nguyên tắc này có thể giúp em như thế nào trong việc tiếp cận được quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để giúp em và những người khác chống lại cám dỗ?
-
Việc sử dụng Bản Dịch Joseph Smith trong việc học thánh thư của riêng em có thể cải thiện việc học của em và giúp em biết Đấng Cứu Rỗi rõ hơn như thế nào?
Xem lại hình vẽ em đã tạo ở đầu bài học và những nguyên tắc em đã nhận ra từ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong Ma Thi Ơ 4:1–11 .
2.
-
Em cảm thấy nguyên tắc nào sẽ hữu ích nhất cho người mà em đã vẽ? Tại sao?
-
Em đã học hỏi được gì về Chúa Giê Su Ky Tô mà em có thể chia sẻ với người này? Điều này có thể giúp đỡ họ như thế nào?
Đấng Cứu Rỗi có thể cứu giúp chúng ta trong những cám dỗ của mình
Hãy suy ngẫm về những cám dỗ mà em gặp phải. Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy có lỗi hoặc tội lỗi chỉ vì chúng ta cảm thấy bị cám dỗ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận ra rằng bản thân sự cám dỗ không phải là một tội lỗi—mà hành động theo cám dỗ mới là tội lỗi. Bởi vì chính Đấng Cứu Rỗi cũng bị cám dỗ nhưng vẫn vô tội, chúng ta biết rằng Ngài có thể cứu giúp (giúp đỡ, trợ giúp hoặc tán trợ) chúng ta trong những cám dỗ của mình (xin xem Hê Bơ Rơ 2:18 ; 4:15–16).Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhắc chúng ta:
Đối với những người, vì bất cứ lý do gì, đã sa vào cám dỗ và đang thực hiện những hành động bất chính, tôi đảm bảo với anh chị em rằng có một con đường để quay lại, rằng vẫn còn hy vọng nơi Đấng Ky Tô.
(Ulisses Soares, “Tìm Kiếm Đấng Ky Tô trong Mọi Ý Nghĩ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 84)
3.
-
Khái niệm hữu ích nhất mà em học được về Đấng Cứu Rỗi trong bài học này là gì? Tại sao khái niệm đó là hữu ích đối với em?
-
Không cần mô tả cụ thể những cám dỗ của em, em cảm thấy được soi dẫn làm gì để trông cậy trọn vẹn hơn nơi Đấng Cứu Rỗi để giúp em chống lại cám dỗ?
Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?
Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 4:1–2, 5–6, 8–9, 11. Joseph Smith đã sửa đổi điều gì đối với Ma Thi Ơ 4:1–11 trong bản dịch được soi dẫn của ông?
[Các từ in nghiêng cho biết các sửa đổi được soi dẫn do Joseph Smith thực hiện.]
1 Rồi Chúa Giê Su được Thánh Linh đưa đi, vào đồng vắng, để ở cùng với Thượng Đế.
2 Và khi Ngài đã nhịn ăn bốn mươi ngày bốn mươi đêm, và giao tiếp với Thượng Đế, về sau, Ngài đói lả, và bị bỏ phó mặc cho chịu ma quỷ cám dỗ.
5 Rồi Chúa Giê Su được đem vào thành thánh, và Thánh Linh đặt Ngài trên nóc đền thờ.
6 Rồi quỷ dữ đến cùng Ngài và nói rằng: Nếu ngươi là Con Trai của Thượng Đế, thì hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng: Ngài sẽ truyền các thiên sứ của Ngài gìn giữ ngươi, và các đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay của họ, kẻo chân ngươi vấp nhầm đá vào bất cứ lúc nào chăng.
8 Và lại nữa, Chúa Giê Su đang ở trong Thánh Linh, và Thánh Linh đem Ngài lên trên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Ngài thấy tất cả các vương quốc trên thế gian cùng sự vinh quang của các vương quốc ấy.
9 Và quỷ dữ lại đến cùng Ngài, và nói rằng: Ta sẽ cho ngươi tất cả mọi sự này, nếu ngươi sấp mình xuống mà thờ lạy ta.
11 Và bấy giờ Chúa Giê Su biết Giăng bị cầm tù, và Ngài gửi các thiên sứ đến, và này, họ đến và phục sự ông.
Tại sao việc cẩn thận trong suy nghĩ của tôi lại quan trọng trong việc chống lại cám dỗ?
Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã mô tả một cách mà chúng ta có thể noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi để chống lại cám dỗ. Xem “Tìm Kiếm Đấng Ky Tô trong Mọi Ý Nghĩ” từ mã thời gian 10:56 đến 12:37 (trên trang ChurchofJesusChrist.org) hoặc đọc lời phát biểu sau.
Trong lúc chuẩn bị hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của Ngài trên thế gian, Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô đã làm gương về tầm quan trọng của việc liên tục chống lại bất kỳ điều gì mà có thể ngăn cản chúng ta nhận ra mục đích vĩnh cửu của mình. Sau một vài lần tấn công không thành công của kẻ thù, là kẻ muốn đánh lạc hướng Ngài khỏi sứ mệnh của mình, Đấng Cứu Rỗi đã dứt khoát loại bỏ quỷ dữ bằng cách phán rằng: “Hỡi quỷ Sa Tan, ngươi hãy lui ra. … Ma quỉ bèn bỏ đi; liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài”.
Anh chị em có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nhận được sức mạnh và lòng can đảm từ Đấng Cứu Rỗi để nói “Không” và “Ngươi hãy lui ra” với những ý nghĩ không đúng đắn vào ngay giây phút đầu tiên đó mà chúng xuất hiện trong tâm trí chúng ta? Điều này sẽ ảnh hưởng đến ước muốn trong lòng chúng ta như thế nào? Những hành động sau đó sẽ giúp chúng ta gần gũi với Đấng Cứu Rỗi và cho phép Đức Thánh Linh tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta như thế nào? Tôi biết rằng khi noi theo tấm gương của Chúa Giê Su, chúng ta sẽ tránh được nhiều bi kịch và những hành vi ngoài ý muốn mà có thể gây ra những rắc rối và bất hòa trong gia đình, những cảm xúc và khuynh hướng tiêu cực, gây ra những bất công và lạm dụng, bị trói buộc bởi những thói nghiện xấu xa, và bất kỳ điều gì khác mà trái với những lệnh truyền của Chúa.
(Ulisses Soares, “Tìm Kiếm Đấng Ky Tô trong Mọi Ý Nghĩ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 84–85)
Tại sao tôi muốn chống lại cám dỗ?
 
Làm thế nào thánh thư có thể giúp tôi chống lại những cám dỗ?
Anh Cả Kelly R. Johnson thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi giải thích:
Bằng cách chuẩn bị, Đấng Cứu Rỗi tăng trưởng trong quyền năng và có thể chịu được tất cả những cám dỗ của Sa Tan. Khi chúng ta noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi và chuẩn bị bằng cách học lời của Thượng Đế và gia tăng đức tin của mình, chúng ta cũng có thể dựa vào quyền năng của Thượng Đế để chống lại cám dỗ.
(Kelly R. Johnson, “Quyền Năng để Chịu Đựng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 113)