Lớp Giáo Lý
Rô Ma 12–15 


Rô Ma 12–15

Sự Đoàn Kết qua Chúa Giê Su Ky Tô

Hình Ảnh
Các thiếu niên và thiếu nữ đi bộ qua Crystal Gardens tại Navy Pier ở Chicago. Có những cây cọ và các loại cây khác ở hậu cảnh.

Em đã bao giờ cảm thấy khó đoàn kết với các tín hữu khác của Giáo Hội chưa? Các Thánh Hữu ở Rô Ma sống trong thời của Phao Lô, xuất thân từ nhiều hoàn cảnh và văn hóa khác nhau. Đôi khi họ có những mối bất hòa và căng thẳng với nhau. Để đáp lại, Phao Lô khuyến khích họ “phải ở cho hiệp ý nhau” (Rô Ma 12:16). Bài học này có thể giúp em tìm cách để trở nên đoàn kết hơn với các tín hữu của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi. 

Tất cả chúng ta đều có thể đoàn kết

Micah và gia đình đã được làm phép báp têm ba năm trước. Gia đình của Micah phải mất một thời gian mới thích nghi với lối sống mới với tư cách là tín hữu của Giáo Hội, nhưng họ đã nhận được sự chấp nhận và hỗ trợ mạnh mẽ từ bè bạn tín hữu trong chi nhánh của họ. Gần đây, cha của Micah nhận một công việc mới và gia đình cậu ấy đã chuyển đến một giáo vùng khác. Micah tham dự nhà thờ và các sinh hoạt dành cho giới trẻ ở tiểu giáo khu mới của mình trong một vài tuần, nhưng cậu ấy đang gặp khó khăn để cảm thấy được chấp nhận ở đó. Các bạn thanh thiếu niên có vẻ dễ mến, nhưng hầu hết trong số họ dường như là tín hữu lâu năm của Giáo Hội, và Micah tự hỏi liệu họ có phán xét những khiếm khuyết và sự non nớt của cậu trong Giáo Hội hay không.

  • Em sẽ đưa ra lời khuyên nào cho Micah để giúp bạn ấy trong tình huống này?

  • Em sẽ đưa ra lời khuyên nào cho giới trẻ trong tiểu giáo khu mới của Micah?

Phao Lô viết bức thư của mình cho người Rô Ma trong thời gian khi mà các tín hữu của Giáo Hội từ các nền tảng tôn giáo và văn hóa khác nhau bắt đầu cùng nhau thờ phượng. Đã có những lúc Các Thánh Hữu này bất đồng với nhau hoặc đánh giá bất công những tín hữu khác của Giáo Hội mà có sự lựa chọn khác với sự lựa chọn của họ. Một trong những bài học mà chúng ta có thể học được từ những lời dạy của Phao Lô trong Rô Ma 12–15mặc dù tất cả chúng ta đều khác biệt, nhưng các tín hữu của Giáo Hội có thể cố gắng đoàn kết qua những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Điều gì có thể khiến em cảm thấy khó đoàn kết với các tín hữu khác của Giáo Hội?

  • Em nghĩ tại sao điều quan trọng đối với Chúa là các tín hữu trong Giáo Hội của Ngài phải đoàn kết?

Hãy suy ngẫm xem em cảm thấy được kết nối như thế nào với những người trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của mình, các bạn cùng học trong lớp giáo lý của mình hoặc các tín hữu khác của Giáo Hội. Trong bài học này, hãy suy ngẫm về cách em có thể đoàn kết hơn với các tín hữu khác trong Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi.

Những lời giảng dạy của Phao Lô về sự đoàn kết

Nghiên cứu những lời giảng dạy của Phao Lô về sự đoàn kết từ ít nhất hai trong số các nhóm câu thánh thư sau đây. Khi em học, hãy tìm kiếm những lời giảng dạy có thể giúp em hiểu rõ hơn và hỗ trợ các tín hữu khác của Giáo Hội tốt hơn. Cũng có thể là hữu ích để tạo ra hình ảnh minh họa cho một hoặc nhiều lời giảng dạy của Phao Lô trong các câu mà em học.

  • Em biết được điều gì từ những câu đã học mà có thể giúp em trở nên đoàn kết hơn với người khác?

  • Làm thế nào mà nỗ lực đoàn kết với những người khác có thể giúp chúng ta trở nên giống Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

  • Những kinh nghiệm nào từ cuộc sống của em hoặc cuộc sống của những người khác đã cho em nhận thấy tầm quan trọng của việc đoàn kết với các tín hữu khác của Giáo Hội?

Áp dụng những điều em đã học

1. Hoàn thành sinh hoạt sau đây:

Hãy suy ngẫm về những điều em đã học được và cảm nghĩ về sự đoàn kết khi em học hôm nay. Hãy dành một chút thời gian để lập kế hoạch về cách em sẽ áp dụng những lời giảng dạy này vào cuộc sống của mình. Viết ra một mục tiêu về cách em sẽ nỗ lực để đạt được sự đoàn kết trong một hoặc nhiều bối cảnh sau đây:

  • Với các tín hữu của lớp Thiếu Nữ hoặc nhóm túc số chức tư tế của em

  • Với các bạn trong lớp giáo lý của em

  • Với các tín hữu khác trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của em

Cũng có thể là hữu ích khi viết ra bất kỳ trở ngại nào mà em gặp phải trong việc đạt được mục tiêu của mình. Làm thế nào em có thể vượt qua những trở ngại đó? Chúa có thể giúp bằng cách nào?

Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?

Chúng ta có thể học được điều gì từ những thử thách mà Giáo Hội phải đối mặt ở Rô Ma trong thời của Phao Lô?

Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:

Hình Ảnh
Ảnh chân dung chính thức của Anh Cả Quentin L. Cook. Được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ vào ngày 6 tháng Mười năm 2007.

Văn hóa trong Giáo Hội của chúng ta đến từ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Bức Thư của Sứ Đồ Phao Lô gửi người Rô Ma thật sâu sắc. …

… Phao Lô khuyên dân Do Thái và Dân Ngoại tuân giữ các lệnh truyền, yêu thương nhau và khẳng định rằng sự ngay chính dẫn đến sự cứu rỗi.

Văn hóa trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không phải là văn hóa Dân Ngoại hay văn hóa Do Thái. Nó không được xác định bởi màu da của một người hoặc nơi chốn mà một người đang sống. Trong khi chúng ta vui mừng trong các nền văn hóa đặc biệt, chúng ta nên bỏ lại những khía cạnh của các nền văn hóa mà mâu thuẫn với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

(Quentin L. Cook, “Đồng Tâm trong Sự Ngay Chính và Tình Đoàn Kết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 20–21)

Điều gì có thể xảy ra khi chúng ta bỏ ra nỗ lực để trở thành các tín hữu đoàn kết của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi?

Anh Cả Jorge T. Becerra thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Jorge T. Becerra, ảnh chân dung chính thức của Đệ Nhất Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi.

Trong mỗi tiểu giáo khu và chi nhánh, chúng ta cần tất cả mọi người—từ những người mạnh mẽ đến những người có lẽ đang chật vật. Ai ai cũng đều được cần đến để gây dựng thành công toàn bộ “thân của Đấng Ky Tô.” Tôi thường tự hỏi chúng ta đang quên mất ai trong nhiều giáo đoàn khác nhau của mình mà sẽ giúp củng cố chúng ta và làm cho chúng ta được trọn vẹn.

(Jorge T. Becerra, “Người Nghèo Tội Nghiệp,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 40)

Chị Sharon Eubank thuộc Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ đã chia sẻ câu chuyện sau đây:

Hình Ảnh
Ảnh Chân Dung Chính Thức của Chị Sharon Eubank. Được chụp năm 2017.

Vào năm 1842, Các Thánh Hữu đã phải lao nhọc để xây cất Đền Thờ Nauvoo. Sau khi thành lập Hội Phụ Nữ vào tháng Ba, Tiên Tri Joseph thường đến các buổi họp của họ để chuẩn bị họ cho các giao ước thiêng liêng và đoàn kết mà họ sẽ sớm lập trong đền thờ.

Vào ngày 9 tháng Sáu, Vị Tiên Tri “nói rằng ông sẽ đi thuyết giảng nguyên tắc về lòng thương xót[.] Giả sử rằng Chúa Giê Su Ky Tô và [các] thiên thần không thích chúng ta về những điều phù phiếm thì điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta? Chúng ta phải biết thương xót và bỏ qua những điều nhỏ nhặt.” Chủ Tịch Smith nói tiếp: “Tôi rất đau buồn vì không có cảm nghĩ đoàn kết chặt chẽ hơn—nếu một tín hữu bị đau khổ thì mọi người đều cảm nhận được điều đó—nhờ vào sự đoàn kết trong cảm nghĩ mà chúng ta nhận được quyền năng với Thượng Đế” [“Minutes and Discourse, ngày 9 tháng Sáu năm 1842”, trang 61, Joseph Smith Papers].

Câu nói ngắn ngủi đó tác động tôi một cách bất ngờ và mạnh mẽ. Bằng sự đoàn kết trong cảm nghĩ, chúng ta nhận được quyền năng với Thượng Đế. Thế giới này không như tôi muốn. Có rất nhiều điều tôi muốn ảnh hưởng và làm tốt hơn. Và thành thật mà nói thì có rất nhiều sự chống đối với điều tôi hy vọng, và đôi khi tôi cảm thấy bất lực. Gần đây, tôi luôn tự hỏi mình những câu hỏi sâu sắc: Làm thế nào tôi có thể hiểu rõ hơn những người xung quanh mình? Làm thế nào tôi sẽ tạo ra “sự đoàn kết trong cảm nghĩ” khi tất cả mọi người đều quá khác biệt? Tôi có thể tiếp cận quyền năng nào từ Thượng Đế nếu tôi có thể đoàn kết hơn một chút với người khác?

(Sharon Eubank, “Bằng Sự Đoàn Kết trong Cảm Nghĩ, Chúng Ta Nhận Được Quyền Năng với Thượng Đế”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 55)

In