Đại Hội Trung Ương
Bằng Sự Đoàn Kết trong Cảm Nghĩ, Chúng Ta Nhận Được Quyền Năng với Thượng Đế
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


10:6

Bằng Sự Đoàn Kết trong Cảm Nghĩ, Chúng Ta Nhận Được Quyền Năng với Thượng Đế

Khi tìm kiếm sự đoàn kết trong cảm nghĩ thì chúng ta sẽ kêu cầu quyền năng của Thượng Đế để làm cho nỗ lực của chúng ta trở nên trọn vẹn hơn.

Mẹ của Gordon nói với em ấy rằng nếu em ấy làm xong công việc vặt trong nhà thì bà sẽ làm cho em một cái bánh nướng. Loại bánh mà em ưa thích. Chỉ dành cho em mà thôi. Gordon đi làm những công việc vặt đó và mẹ của em cán bột làm bánh. Chị gái của em là Kathy đi vào nhà với một người bạn. Chị ấy nhìn thấy cái bánh và hỏi xin một lát bánh cho mình và người bạn.

Gordon nói: “Không được, đó là bánh của em. Mẹ nướng bánh đó cho em và em phải làm việc mới có được nó đấy.”

Kathy cáu gắt với em trai mình. Nó quá ích kỷ và bủn xỉn. Làm sao nó có thể giữ cả cái bánh cho riêng mình nó được chứ?

Vài giờ sau, khi Kathy mở cửa xe để đưa bạn mình về nhà, thì trên ghế là hai chiếc khăn ăn được gấp rất đẹp, hai cái nĩa đặt lên trên và hai miếng bánh lớn nằm trên đĩa. Kathy đã kể câu chuyện này tại đám tang của Gordon để cho thấy là em ấy đã sẵn lòng thay đổi và cho thấy sự tử tế đối với những người không phải lúc nào cũng xứng đáng với sự tử tế đó.

Vào năm 1842, Các Thánh Hữu đã phải lao nhọc để xây cất Đền Thờ Nauvoo. Sau khi thành lập Hội Phụ Nữ vào tháng Ba, Tiên Tri Joseph thường đến các buổi họp của họ để chuẩn bị họ cho các giao ước thiêng liêng và đoàn kết mà họ sẽ sớm lập trong đền thờ.

Vào ngày 9 tháng Sáu, Vị Tiên Tri “nói rằng ông sẽ đi thuyết giảng nguyên tắc về lòng thương xót[.] Giả sử rằng Chúa Giê Su Ky Tô và [các] thiên thần không thích chúng ta về những điều phù phiếm thì điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta? Chúng ta phải biết thương xót và bỏ qua những điều nhỏ nhặt.” Chủ Tịch Smith nói tiếp: “Tôi rất đau buồn vì không có cảm nghĩ đoàn kết chặt chẽ hơn—nếu một tín hữu bị đau khổ thì mọi người đều cảm nhận được điều đó—nhờ vào sự đoàn kết trong cảm nghĩ mà chúng ta nhận được quyền năng với Thượng Đế.”1

Câu nói ngắn ngủi đó tác động tôi một cách bất ngờ và mạnh mẽ. Bằng sự đoàn kết trong cảm nghĩ, chúng ta nhận được quyền năng với Thượng Đế. Thế giới này không như tôi muốn. Có rất nhiều điều tôi muốn ảnh hưởng và làm tốt hơn. Và thành thật mà nói thì có rất nhiều sự chống đối với điều tôi hy vọng, và đôi khi tôi cảm thấy bất lực. Gần đây, tôi luôn tự hỏi mình những câu hỏi sâu sắc: Làm thế nào tôi có thể hiểu rõ hơn những người xung quanh mình? Làm thế nào tôi sẽ tạo ra “sự đoàn kết trong cảm nghĩ” khi tất cả mọi người đều quá khác biệt? Tôi có thể tiếp cận quyền năng nào từ Thượng Đế nếu tôi có thể đoàn kết hơn một chút với người khác? Từ thâm tâm mình, tôi có ba đề nghị. Có lẽ chúng cũng sẽ giúp đỡ các chị em.

Có Lòng Thương Xót

Sách Gia Cốp 2:17 chép: “Hãy nghĩ đến [anh chị em] mình cũng như chính mình vậy! Hãy thân thiện với mọi người và rộng rãi ban phát của cải mình để cho họ cũng được giàu có như các anh em.” Hãy thay thế từ của cải bằng từ lòng thương xót—rộng rãi ban phát lòng thương xót của mình để cho họ cũng được giàu có như các anh em.

Chúng ta thường nghĩ về của cải như là thực phẩm hoặc tiền bạc, nhưng có lẽ điều mà chúng ta đều cần hơn trong việc phục sự của mình là lòng thương xót.

Gần đây, chủ tịch Hội Phụ Nữ của tôi đã nói: “Điều tôi … hứa … với chị là tôi sẽ giữ thanh danh của chị. … Tôi sẽ nhìn chị theo khía cạnh tốt nhất của con người chị. … Tôi sẽ không bao giờ nói bất cứ điều gì không tốt về chị mà sẽ không nâng đỡ chị. Tôi yêu cầu chị cũng làm như vậy cho tôi vì nói thật là tôi rất sợ làm cho chị thất vọng.”

Joseph Smith nói với các chị em phụ nữ vào ngày đó của tháng Sáu năm 1842:

“Khi người khác biểu lộ lòng tử tế và tình yêu thương tối thiểu với tôi, thì ôi điều đó có một ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tôi. …

“… Chúng ta càng đến gần Cha Thiên Thượng hơn, thì chúng ta càng có lòng trắc ẩn hơn đối với những linh hồn tội lỗi—[chúng ta cảm thấy rằng mình muốn] vác họ lên vai mình, và ném tội lỗi của họ ra sau lưng của mình. [Bài nói chuyện của tôi là nhằm dành cho] tất cả Hội này—nếu các chị em muốn Thượng Đế có lòng thương xót với mình thì các chị em hãy thương xót lẫn nhau.”2

Đây là lời khuyên bảo cụ thể dành cho Hội Phụ Nữ. Đừng phê phán nhau hoặc để lời nói của chúng ta gây tổn thương cho nhau. Hãy giữ thanh danh của nhau và cho nhau món quà của lòng thương xót.3

Hãy Cùng Nhau Làm Cho Thuyền Mình Lướt Sóng Nhanh

Vào năm 1936, một đội chèo thuyền không có tiếng tăm từ trường University of Washington đi đến Đức để tham gia Thế Vận Hội Olympic. Đó là thời kỳ khó khăn nhất của cuộc Đại Suy Thoái. Đây là những chàng trai thuộc tầng lớp lao động mà các thị trấn nhỏ khai thác mỏ và gỗ của họ đã quyên tặng một ít tiền để họ có thể đi Berlin. Mọi khía cạnh của cuộc thi dường như đều bất lợi đối với họ nhưng có điều gì đó đã xảy ra trong cuộc đua. Trong thế giới chèo thuyền, họ gọi đó là “lướt sóng nhanh.” Xin hãy nghe phần mô tả này dựa trên cuốn sách The Boys in the Boat (Những Chàng Trai trong Thuyền):

Có một điều đôi khi xảy ra mà khó đạt được và khó định nghĩa. Nó được gọi là “lướt sóng nhanh.” Nó chỉ xảy ra khi nào mọi người đều chèo thuyền trong một sự đoàn kết chặt chẽ đến mức mà không có một hành động đơn lẻ nào là không đồng bộ.

Những tay chèo phải điều khiển sự độc lập quyết liệt của họ và đồng thời giữ vững năng lực cá nhân của họ. Các cuộc đua không thắng bởi có những người giống nhau như các bản sao. Đội chèo thuyền giỏi là sự kết hợp tốt của—một người làm lãnh đạo, một người làm hậu thuẫn hỗ trợ, một người gắng sức chèo, một người giảng hòa. Không tay chèo nào có giá trị hơn tay chèo nào cả, tất cả đều là phần tử cần thiết của con thuyền, nhưng nếu họ phải cùng nhau chèo giỏi thì mỗi người phải điều chỉnh theo nhu cầu và khả năng của người khác—người có tay ngắn hơn thì cố gắng hơn một chút, người có tay dài hơn thì chậm rãi hơn một chút để thích ứng với tốc độ chèo của nhóm.

Những sự khác biệt có thể được biến thành lợi thế thay vì bất lợi. Chỉ khi đó mình mới cảm thấy như thể con thuyền đang tự di chuyển. Chỉ khi đó, nỗi đau đớn mới hoàn toàn nhường chỗ cho sự hân hoan. “Lướt sóng nhanh” nghe như bài thơ.4

Trong khi chống lại những chướng ngại vật to lớn, đội này đã tìm thấy cộng sức chung để lướt sóng nhanh một cách hoàn hảo và giành chiến thắng. Huy chương vàng Thế Vận Hội mang lại phấn khởi nhưng sự đoàn kết mà mỗi tay chèo đã trải qua ngày hôm đó là một giây phút thiêng liêng mà đã ở lại với họ suốt cuộc đời.

Loại Bỏ Cái Xấu Nhanh để Cái Tốt Có Thể Phát Triển

Trong câu chuyện ngụ ngôn sâu sắc của sách Gia Cốp 5, Chúa vườn đã trồng một cây tốt trên đất tốt, nhưng theo thời gian nó bị hư hỏng và sinh trái dại. Chúa vườn nói tám lần: “Ta rất đau buồn nếu phải mất cây này.”

Người tôi tớ thưa cùng Chúa vườn: “Xin Ngài hãy tha cho [cây đó] một thời gian ngắn nữa. Chúa vườn bèn nói rằng: Phải, ta sẽ tha cho nó một thời gian ngắn nữa.”5

Và sau đó là lời chỉ dẫn mà có thể áp dụng cho tất cả chúng ta đang cố gắng đào xới và tìm kiếm trái tốt trong chính khu vườn nhỏ của mình: “Các ngươi chỉ nên cắt bỏ những cành xấu tùy theo sức lớn của cành tốt.”6

Sự đoàn kết không xảy ra như một phép lạ; mà cần có nỗ lực. Sự đoàn kết rất lộn xộn, đôi khi bất tiện và dần diễn ra khi chúng ta loại bỏ cái xấu nhanh để cái tốt có thể phát triển.

Chúng ta không bao giờ đơn độc một mình trong các nỗ lực của mình để tạo ra sự đoàn kết. Sách Gia Cốp 5 chép tiếp: “Các tôi tớ đi làm việc với hết sức lực của mình. Chúa vườn cũng ra làm việc chung với họ nữa.”7

Mỗi người trong chúng ta đều sẽ có những kinh nghiệm đau thương sâu đậm, những điều không bao giờ nên xảy ra. Mỗi người trong chúng ta, vào những thời điểm khác nhau, cũng sẽ để cho tính kiêu kỳ và cao ngạo làm hỏng thành quả của chúng ta. Nhưng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta trong mọi sự. Quyền năng của Ngài có sẵn trong những thời điểm khó khăn nhất của chúng ta và khi chúng ta kêu cầu Ngài. Chúng ta đều cầu xin lòng thương xót cho những tội lỗi và thất bại của chúng ta. Ngài sẵn lòng ban cho lòng thương xót đó. Và Ngài hỏi chúng ta là liệu chúng ta có thể cũng dành sự thương xót và thông cảm như vậy cho nhau hay không.

Chúa Giê Su đã phán thẳng về điều đó: “Hãy hiệp làm một; và nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta.”8 Nhưng nếu chúng ta hiệp làm một—nếu chúng ta có thể rộng rãi với người khác hoặc sử dụng tài năng cá nhân của mình để cùng nhau đạt được thành quả cao—thì chúng ta đều thuộc về Ngài. Và Ngài sẽ giúp loại bỏ cái xấu nhanh để cái tốt có thể phát triển.

Những Lời Hứa của Các Vị Tiên Tri

Chúng ta có thể chưa ở nơi mà chúng ta muốn ở, và chúng ta hiện không ở nơi mà chúng ta sẽ ở. Tôi tin rằng sự thay đổi mà chúng ta tìm kiếm nơi bản thân của mình và trong các nhóm mà chúng ta thuộc về sẽ ít xảy ra hơn bằng chiến dịch vận động và xảy ra nhiều hơn bằng cách tích cực cố gắng mỗi ngày để thông cảm lẫn nhau. Tại sao? Vì chúng ta đang xây đắp Si Ôn—một dân tộc “đồng một lòng và một trí.”9

Là các phụ nữ giao ước, chúng ta có ảnh hưởng rộng rãi. Ảnh hưởng đó được áp dụng vào những khoảnh khắc hằng ngày khi chúng ta đang học cùng một người bạn, bế con đi ngủ, nói chuyện với một người ngồi ghế bên cạnh trên xe buýt, chuẩn bị một bài thuyết trình với một đồng nghiệp. Chúng ta có khả năng để loại bỏ thành kiến và xây đắp tình đoàn kết.

Hội Phụ Nữ và Hội Thiếu Nữ không chỉ là những lớp học. Chúng cũng có thể là những kinh nghiệm khó quên khi những người phụ nữ rất khác nhau đều cùng lên một chiếc thuyền và chèo cho đến khi chúng ta cùng hợp sức để đạt được thành quả. Tôi xin đưa ra lời mời này: hãy trở thành một phần tử của một lực lượng tập thể để thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp. Một nhiệm vụ mà chúng ta đã giao ước phải hoàn thành là phục sự, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, cõng lên lưng mình hoặc bế trong tay mình những người đang gặp khó khăn. Điều đó không phức tạp để biết phải làm gì, nhưng nó thường đi ngược lại với quyền lợi ích kỷ của chúng ta và chúng ta phải cố gắng. Những người phụ nữ của Giáo Hội này có tiềm năng vô hạn để thay đổi xã hội. Tôi hoàn toàn tin tưởng về phần thuộc linh rằng, khi chúng ta tìm kiếm sự đoàn kết trong cảm nghĩ, thì chúng ta sẽ kêu cầu quyền năng của Thượng Đế để làm cho nỗ lực của chúng ta trở nên trọn vẹn hơn.

Khi Giáo Hội kỷ niệm sự mặc khải về chức tư tế vào năm 1978, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra một lời ban phước đầy quyền năng của vị tiên tri: “Tôi để lại lời cầu nguyện và phước lành của mình cho tất cả những ai đang lắng nghe để chúng ta có thể vượt qua mọi gánh nặng về thành kiến và bước đi ngay thẳng với Thượng Đế—và với nhau—trong hòa bình và hòa thuận trọn vẹn.”10

Cầu xin cho chúng ta tiếp cận phước lành này của vị tiên tri và sử dụng những nỗ lực cá nhân và tập thể của chúng ta để gia tăng tình đoàn kết trên thế giới. Tôi để lại chứng ngôn của mình trong lời cầu nguyện khiêm nhường, bất hủ của Chúa Giê Su Ky Tô: “Để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta.”11 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.