Lại Có Bánh
Khi chúng ta tìm cách để được chuẩn bị về mặt vật chất, chúng ta có thể đối phó với những thử thách của cuộc sống với sự tin tưởng nhiều hơn.
Trước khi những hạn chế du lịch vì đại dịch hiện nay, tôi đang trên đường trở về từ một chỉ định ở nước ngoài, mà do trục trặc đối với lịch bay nên một điểm dừng của tôi rơi vào ngày Chủ Nhật. Tôi đã có đủ thời gian trong khi đợi chuyến bay để tham dự một buổi lễ Tiệc Thánh ở địa phương, nơi mà tôi cũng có thể chia sẻ một sứ điệp ngắn. Sau buổi lễ, một thầy trợ tế nhiệt tình lại gần tôi và hỏi liệu tôi có biết Chủ Tịch Nelson không và tôi đã bao giờ có cơ hội bắt tay ông chưa. Tôi đáp rằng tôi có biết ông, rằng tôi đã bắt tay ông, và rằng, với tư cách là một thành viên của Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, tôi đã có cơ hội để họp với Chủ Tịch Nelson và các cố vấn của ông mỗi tuần hai lần.
Người thầy trợ tế trẻ tuổi này ngồi xuống ghế, giơ hai tay lên trời và reo lên: “Hôm nay là ngày tuyệt vời nhất trong đời tôi!” Thưa anh chị em, tôi có thể không giơ hai tên lên trời và hét lên, nhưng tôi mãi mãi biết ơn về vị tiên tri tại thế và về sự hướng dẫn mà chúng ta nhận được từ các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải, đặc biệt là trong những thời kỳ khó khăn này.
Từ lúc khởi thủy, Chúa đã cung ứng sự hướng dẫn để giúp dân Ngài chuẩn bị, về phần thuộc linh và vật chất, để đối phó với những tai họa và thử thách mà Ngài biết sẽ xảy đến như là một phần của kinh nghiệm trần thế này. Những tai họa này có thể là riêng tư hay nói chung trong thiên nhiên, nhưng hướng dẫn của Chúa sẽ mang đến sự bảo vệ và hỗ trợ đến mức chúng ta chú tâm lắng nghe và làm theo lời khuyên bảo của Ngài. Một tấm gương tuyệt vời được cho thấy trong một câu chuyện trong sách Sáng Thế Ký, mà trong đó chúng ta học về Giô Sép ở Ai Cập và lời giải thích đầy soi dẫn về giấc mơ của Pha Ra Ôn.
“Và Giô-sép tâu cùng Pha Ra Ôn rằng, … Đức Chúa Trời mách cho bệ hạ biết trước những việc Ngài sẽ làm. …
“Nầy, trong khắp xứ Ê Díp Tô sẽ có bảy năm được mùa dư dật:
“Nhưng bảy năm đó lại liền tiếp bảy năm đói kém; dân bản xứ đều sẽ quên sự dư dật đó.”1
Pha Ra Ôn lắng nghe Giô Sép, đáp ứng những điều Thượng Đế chỉ cho ông thấy trong giấc chiêm bao và lập tức bắt đầu chuẩn bị cho những điều sắp xảy ra. Sau đó thánh thư chép rằng:
“Trong bảy năm được mùa dư dật, đất sanh sản ra đầy dẫy.
“Giô Sép bèn thâu góp hết thảy lương thực của bảy năm đó. …
“Vậy, Giô Sép thâu góp lúa mì rất nhiều, như cát nơi bờ biển, cho đến đỗi người ta đếm không được, vì đầy dẫy vô số.”2
Ngay khi bảy năm dư dật trôi qua, chúng ta được cho biết là “bảy năm đói kém khởi đến, y như lời Giô Sép đã bàn trước. Khắp các xứ khác cũng đều bị đói, nhưng trong cả xứ Ê Díp Tô lại có bánh.”3
Ngày nay, chúng ta được phước để được dẫn dắt bởi các vị tiên tri, là những người hiểu là điều cần thiết để chúng ta chuẩn bị chống lại những tai họa “sẽ đến”4 và là những người cũng nhận thấy các hạn chế hoặc giới hạn mà chúng ta có thể gặp phải trong khi cố gắng tuân theo lời khuyên bảo của họ.
Chúng ta hiểu rõ ảnh hưởng của COVID-19, cũng như những thảm họa thiên nhiên tàn phá khác, đều không hề vị nể ai, không bị giới hạn bởi những ranh giới về chủng tộc, xã hội, và tôn giáo trên mọi lục địa. Công việc làm bị mất và thu nhập giảm khi cơ hội làm việc bị ảnh hưởng bởi việc sa thải nhân viên và sức lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những khó khăn về sức khỏe và luật pháp.
Đối với tất cả những ai đang bị ảnh hưởng, chúng tôi bày tỏ lòng cảm thông và mối quan tâm đối với hoàn cảnh của anh chị em, cũng như tin chắc rằng những ngày tốt đẹp hơn đang chờ đón phía trước. Anh chị em được phước có các vị giám trợ và chủ tịch chi nhánh, là những người tìm đến các tín hữu trong giáo đoàn của họ có nhu cầu về vật chất và có công cụ và nguồn lực mà có thể giúp anh chị em tạo lập lại cuộc sống và bắt đầu con đường tự lực trong khi áp dụng các nguyên tắc chuẩn bị.
Trong hoàn cảnh hiện nay, với một đại dịch mà đã tàn phá toàn bộ nền kinh tế cũng như cuộc sống cá nhân, thật là mâu thuẫn, với một Đấng Cứu Rỗi đầy lòng trắc ẩn, để bỏ qua thực tế là nhiều người đang gặp khó khăn, và yêu cầu họ bắt đầu dự trữ thức ăn và tiền bạc cho tương lai. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta nên vĩnh viễn bỏ qua các nguyên tắc chuẩn bị —chỉ có điều là các nguyên tắc này cần được áp dụng “một cách sáng suốt và có trật tự”5 để trong tương lai chúng ta có thể nói “lại có bánh”, giống như Giô Sép ở Ai Cập.6
Chúa không kỳ vọng chúng ta phải làm nhiều hơn chúng ta có thể làm, nhưng Ngài kỳ vọng chúng ta làm điều mà chúng ta có thể làm, khi chúng ta có thể làm điều đó. Như Chủ tịch Nelson nhắc nhở chúng ta trong đại hội trung ương kỳ trước “Chúa yêu thích nỗ lực.”7
Các vị lãnh đạo Giáo Hội thường khuyến khích Các Thánh Hữu Ngày Sau “chuẩn bị để đối phó với nghịch cảnh trong cuộc sống bằng cách có một kho dự trữ thực phẩm và nước uống cần thiết và một chút tiền tiết kiệm.”8 Đồng thời, chúng ta được khuyến khích nên “khôn ngoan” và “đừng thái quá”9 trong nỗ lực của mình để thiết lập kho dự trữ ở nhà và dành dụm tiền bạc. Một nguồn tài liệu có tựa đề Tài Chính Cá Nhân để Tự Lực Cánh Sinh, xuất bản năm 2017 và hiện có sẵn trên trang web của Giáo Hội bằng 36 ngôn ngữ, bắt đầu với một sứ điệp từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, như sau:
“Chúa đã tuyên phán: ‘Và mục đích của ta là lo liệu cho các thánh hữu của ta’ [Giáo Lý và Giao Ước 104:15]. Điều mặc khải này là một lời hứa từ Chúa rằng Ngài sẽ cung cấp các phước lành vật chất và mở cánh cửa cho sự tự lực cánh sinh. …
“Việc chấp nhận và sống theo các nguyên tắc này sẽ làm cho anh chị em có khả năng nhiều hơn để nhận được các phước lành vật chất mà Chúa đã hứa.
“Chúng tôi mời anh chị em hãy siêng năng học hỏi và áp dụng các nguyên tắc này và dạy cho mọi người trong gia đình mình. Khi các anh chị em làm như vậy, cuộc sống của các anh chị em sẽ được ban phước … [bởi vì] … các anh chị em là con của Cha Thiên Thượng của chúng ta. Ngài yêu thương anh chị em và sẽ không bao giờ bỏ rơi anh chị em. Ngài biết anh chị em và sẵn sàng ban cho anh chị em các phước lành thuộc linh và vật chất của sự tự lực cánh sinh.”10
Nguồn tài liệu này bao gồm các chương tập trung vào cách tạo lập và sống trong phạm vi một ngân sách, bảo vệ gia đình anh chị em khỏi những khó khăn, xử lý sự khủng hoảng tài chính, đầu tư cho tương lai, và còn nhiều nữa và cũng có sẵn cho mọi người trên trang web của Giáo Hội hoặc qua các vị lãnh đạo địa phương của anh chị em.
Khi xem xét nguyên tắc chuẩn bị này, chúng ta có thể nhìn lại Giô Sép ở Ai Cập để được soi dẫn. Việc biết được điều gì sẽ xảy ra sẽ không đủ để lo liệu cho họ trong những năm “đói kém” mà không có sự hy sinh nào đó trong những năm dư dả. Thay vì tiêu thụ hết tất cả những gì thần dân của Pha Ra Ôn có thể làm ra, họ đã thiết lập và tuân theo những giới hạn, cung cấp đủ cho những nhu cầu cấp bách cũng như những nhu cầu tương lai của họ. Họ không biết hết được là thời kỳ thử thách sẽ đến. Họ đã phải hành động, và nhờ nỗ lực của họ, nên “lại có bánh.”11
Điều này dẫn đến một câu hỏi quan trọng: “Vậy thì, điều gì nữa?” Một nơi tốt để bắt đầu là hiểu rằng tất cả mọi sự việc đều thuộc phần linh đối với Chúa, “và [Ngài] chưa bao giờ” ban cho chúng ta “một luật pháp nào thuộc về thế tục.”12 Vậy mọi sự việc đều hướng tới Chúa Giê Su Ky Tô, là nền tảng mà trên đó chúng ta cần phải thiết lập ngay cả sự chuẩn bị của mình về mặt vật chất.
Để được chuẩn bị và tự lực về mặt vật chất có nghĩa là “tin tưởng rằng nhờ ân điển, hoặc quyền năng làm cho có khả năng của Chúa Giê Su Ky Tô và nỗ lực của bản thân, chúng ta có thể đạt được tất cả các nhu cầu cần thiết về mặt thuộc linh và vật chất của cuộc sống mà chúng ta cần phải có cho bản thân và gia đình mình.”13
Các khía cạnh khác của nền tảng thuộc linh cho sự chuẩn bị về mặt vật chất gồm có: hành động “một cách sáng suốt và có trật tự,”14 mà có nghĩa là tích lũy dần dần kho dự trữ thực phẩm và tiền tiết kiệm trong nhiều năm, cũng như chấp nhận những phương tiện “nhỏ nhặt tầm thường”,15 tức là biểu lộ về đức tin rằng Chúa sẽ làm vinh hiển những nỗ lực nhỏ bé nhưng kiên định của chúng ta.
Khi đã thiết lập một nền tảng thuộc linh, thì sau đó chúng ta có thể áp dụng thành công hai yếu tố quan trọng của sự chuẩn bị về mặt vật chất—quản lý tài chính và kho dự trữ ở nhà.
Các nguyên tắc then chốt để quản lý tài chính của anh chị em gồm có đóng tiền thập phân và các của lễ, giảm bớt và tránh nợ nần, chuẩn bị và sống trong phạm vi một ngân sách, và dành dụm cho tương lai.
Các nguyên tắc đối với kho dự trữ ở nhà gồm có dự trữ thực phẩm, dự trữ nước uống, cũng như dự trữ các nhu yếu phẩm khác, tùy theo nhu cầu của cá nhân và gia đình, tất cả là vì “vựa đồ tốt nhất”16 là ở trong nhà của chúng ta, mà sẽ trở thành “nơi dễ tiếp cận nhất trong những lúc khó khăn.”17
Khi chúng ta chấp nhận các nguyên tắc thuộc linh và tìm kiếm sự soi dẫn từ Chúa, chúng ta sẽ được hướng dẫn để biết ý muốn của Chúa dành cho chúng ta, với tư cách là cá nhân và gia đình, và cách để áp dụng hữu hiệu nhất các nguyên tắc quan trọng của sự chuẩn bị về mặt vật chất. Bước quan trọng nhất trong tất cả các bước là bắt đầu.
Anh Cả David A. Bednar đã dạy nguyên tắc này khi ông nói: “Bắt tay vào hành động tức là thực hành đức tin. … Đức tin chân thật được tập trung vào và dựa vào Chúa Giê Su Ky Tô và luôn luôn dẫn đến hành động.”18
Thưa anh chị em, trong một thế giới không ngừng thay đổi, chúng ta cần phải chuẩn bị cho những lúc bấp bênh. Thậm chí với những ngày tốt đẹp trước mắt, chúng ta biết rằng những thăng trầm tạm thời của cuộc sống trần thế sẽ vẫn tiếp tục xảy ra. Khi chúng ta tìm cách để được chuẩn bị về mặt vật chất, chúng ta có thể đối phó với những thử thách của cuộc sống với sự tin tưởng nhiều hơn, bình an hơn trong tấm lòng, và có thể nói giống như Giô Sép ở Ai Cập, thậm chí trong những hoàn cảnh căng thẳng: “Lại có bánh.”19 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.