Trông Đợi Chúa
Đức tin có nghĩa là tin cậy Thượng Đế trong lúc hạnh phúc cũng như lúc đau khổ, ngay cả khi điều đó gồm có một số đau khổ cho đến khi chúng ta thấy cánh tay Ngài được để lộ ra cho chúng ta.
Anh chị em thân mến, chúng ta đều hăm hở—không ai hăm hở hơn tôi—muốn nghe những lời bế mạc từ vị tiên tri yêu quý của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson. Đây là một đại hội tuyệt vời, nhưng đây là lần thứ hai mà bệnh dịch COVID-19 đã thay đổi những buổi họp truyền thống của chúng ta. Chúng ta quá mệt mỏi với sự lây nhiễm này, chúng ta cảm thấy muốn vò đầu bứt tóc mình. Và hiển nhiên, một số Anh Em Thẩm Quyền Trung Ương của tôi đã có hành động đó rồi. Xin hãy biết rằng chúng ta thật sự cầu nguyện liên tục cho những người đã bị ảnh hưởng trong bất cứ phương diện nào, nhất là cho những người đã mất đi những người thân. Mọi người đều đồng ý rằng sự việc này đã diễn ra quá nhiều, quá lâu.
Chúng ta chờ đợi trong bao lâu để được giải thoát khỏi những khó khăn ập đến với chúng ta? Còn về việc phải chịu đựng những thử thách cá nhân trong khi chúng ta chờ đợi mãi và sự giúp đỡ dường như đến quá chậm thì sao? Tại sao có sự trì hoãn khi gánh nặng dường như nhiều hơn chúng ta có thể chịu đựng được?
Trong khi đặt ra những câu hỏi như vậy, nếu cố gắng, chúng ta có thể nhớ lại tiếng khóc than của một người khác vọng lại từ một phòng giam ẩm thấp tối tăm trong một một mùa đông đã được ghi nhận là lạnh giá nhất ở nơi đó.
Chúng ta nghe từ đáy sâu của Ngục Thất Liberty “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu?” “Và đâu là lều bao phủ chốn ẩn náu của Ngài? Tay của Ngài còn dừng lại bao lâu nữa?”1 Hỡi Chúa, còn bao lâu nữa?
Vậy nên, chúng ta không phải là người đầu tiên cũng như sẽ không phải là người cuối cùng đặt ra những câu hỏi như vậy khi sự buồn rầu ập xuống chúng ta hoặc nỗi đau lòng cứ tiếp tục. Bây giờ tôi không nói về đại dịch hay nhà tù mà tôi nói về anh chị em, gia đình và những người láng giềng của anh chị em đang đối phó với vô số thử thách như vậy. Tôi nói về nỗi khao khát của nhiều người muốn kết hôn và chưa kết hôn hoặc những người đã kết hôn và cầu mong mối quan hệ này trở nên thiêng liêng hơn một chút. Tôi nói về những người phải đối phó với tình trạng sức khỏe nghiêm trọng không hề mong muốn—có lẽ là một căn bệnh nan y—-hoặc những người phải vật lộn suốt đời với một căn bệnh di truyền mà không có cách chữa trị. Tôi nói về sự vật lộn liên tục với những thử thách về sức khỏe tình cảm và tinh thần đang đè nặng lên tâm hồn của rất nhiều người khác cùng đau khổ với họ, và trong lòng của những người yêu thương và cùng đau khổ với họ. Tôi nói về những người nghèo là những người mà Đấng Cứu Rỗi đã phán bảo chúng ta không bao giờ được quên họ, và tôi nói về anh chị em nào đang chờ đợi sự trở lại của một đứa con, bất kể tuổi tác là bao nhiêu, mà đã chọn một con đường khác với con đường mà anh chị em đã cầu nguyện cho nó sẽ đi theo.
Hơn nữa, tôi thừa nhận rằng ngay cả bản liệt kê dài những điều mà cá nhân chúng ta có thể chờ đợi cũng không cố gắng giải quyết các mối quan tâm lớn về mặt kinh tế, chính trị và xã hội mà chúng ta phải cùng nhau đối phó. Rõ ràng là Cha Thiên Thượng trông mong chúng ta nên giải quyết những vấn đề công cộng cũng như vấn đề cá nhân đầy nhức nhối này, nhưng sẽ có những lúc trong cuộc sống của mình khi ngay cả nỗ lực tinh thần cao nhất và tha thiết nhất thì những lời cầu nguyện khẩn thiết cũng không mang lại chiến thắng mà chúng ta mong ước, cho dù đó là những vấn đề lớn toàn cầu hay những vấn đề nhỏ của cá nhân. Vì vậy, trong khi chúng ta cùng nhau làm việc và chờ đợi những sự đáp ứng cho một số lời cầu nguyện của mình, tôi xin đưa ra lời hứa tiên tri của tôi rằng những lời cầu nguyện đã được nghe và đáp ứng, mặc dù có lẽ không phải vào thời điểm hoặc theo cách mà chúng ta muốn. Nhưng những lời cầu nguyện đã luôn luôn được đáp ứng vào thời điểm và theo cách mà một bậc cha mẹ toàn trí và không ngừng trắc ẩn đã đáp ứng. Anh chị em thân mến, xin hãy hiểu rằng Ngài là Đấng không hề nhắm mắt, cũng không hề buồn ngủ2 luôn quan tâm đến hạnh phúc và sự tôn cao tột bậc của con cái Ngài trên tất cả mọi điều khác mà một Đấng thiêng liêng phải làm. Ngài là hiện thân vinh quang của tình yêu thương thuần khiết và danh Ngài là Cha Nhân Từ.
Anh chị em có thể nói: “Nếu đúng như vậy, thì chẳng phải tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài là làm cho những khó khăn của chúng ta trở nên dễ dàng hơn hoặc cất bỏ chúng theo cách như Ngài đã giúp rẽ Biển Đỏ cho dân Y Sơ Ra Ên thời xưa để họ có thể đi trên mặt đất khô ráo đó sao? Ngài có nên gửi những con hải âu của thế kỷ 21 từ một nơi nào đó đến diệt trừ tất cả những con châu chấu phá hoại mùa màng của thế kỷ 21 của chúng ta không?”
Câu trả lời cho những câu hỏi như vậy là “Vâng, Thượng Đế có thể ban phép lạ ngay lập tức, nhưng sớm hay muộn gì chúng ta cũng biết rằng những thời điểm trong cuộc sống trần thế của chúng ta là của Ngài và chỉ có Ngài mới điều khiển được mà thôi.” Ngài điều khiển các sự kiện và thời điểm trong cuộc sống của mỗi một người chúng ta. Trong khi một người đau yếu được chữa lành ngay lập tức khi chờ để được bước vào Ao Bê Tết Đa,3 thì một người khác sẽ chờ 40 năm trong sa mạc để đi vào đất hứa.4 Trong khi những người như Nê Phi và Lê Hi được Chúa bảo vệ bằng ngọn lửa bao bọc chung quanh vì đức tin của họ,5 thì lại có một A Bi Na Đi bị lửa thiêu vì đức tin của ông.6 Và chúng ta nhớ rằng cùng một Ê Li trong phút chốc đã gọi lửa từ trời xuống để làm chứng chống lại các thầy tế lễ của Ba Anh7 thì cũng chính là Ê Li này đã phải chịu đựng một thời kỳ không có mưa trong nhiều năm và là người trong một thời gian ăn uống kham khổ do chim quạ mang thức ăn đến.8 Theo suy nghĩ của tôi thì đó không thể là thứ gì mà chúng ta gọi là “bữa ăn vui vẻ.”
Vậy vấn đề là gì? Vấn đề là đức tin có nghĩa là tin cậy Thượng Đế trong lúc hạnh phúc cũng như lúc đau khổ, ngay cả khi điều đó gồm có một số đau khổ cho đến khi chúng ta thấy cánh tay Ngài được để lộ ra cho chúng ta.9 Điều đó có thể khó khăn trong thế giới hiện đại của chúng ta khi nhiều người đã bắt đầu tin rằng điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống là tránh mọi đau khổ, rằng không ai phải đau khổ vì bất cứ điều gì cả.10 Nhưng sự tin tưởng đó sẽ không bao giờ dẫn chúng ta đến “tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô.”11
Với lời xin lỗi tới Anh Cả Neal A. Maxwell vì đã dám sửa đổi và bàn rộng ra điều mà ông ấy đã từng nói, tôi cũng nghĩ rằng “cuộc sống của một người … không thể vừa tràn đầy đức tin vừa không có căng thẳng.” Điều đó sẽ không hoàn toàn có tác dụng để “sống một cách ngây ngô,” và thảnh thơi nói khi chúng ta nhấp thêm một ly nước chanh nữa: “Lạy Chúa, xin ban cho con tất cả những đức tính chọn lọc nhất của Ngài, nhưng nhất định xin đừng ban cho con nỗi đau buồn, sầu khổ, cũng như sự đau đớn lẫn chống đối. Xin đừng để cho bất cứ ai không thích con hoặc phản bội con, và trên hết, đừng bao giờ để con cảm thấy bị bỏ rơi bởi Ngài hoặc những người mà con yêu thương. Lạy Chúa, thật ra, xin cẩn thận giữ cho con khỏi gặp tất cả những kinh nghiệm đã làm cho Ngài trở nên thiêng liêng. Và rồi, khi những người khác đã trải qua những khó khăn gian nan rồi thì xin để cho con đến và ở với Ngài, nơi con có thể khoe khoang về sức mạnh và tính nết của chúng con giống nhau như thế nào trong khi con sống thoải mái và thong dong trong Ky Tô giáo.”12
Anh chị em thân mến, Ky Tô giáo là niềm an ủi, nhưng thường thì không thoải mái. Con đường dẫn đến sự thánh thiện và hạnh phúc ở đây và mai sau là một chặng đường dài và đôi khi đầy chông gai. Cần có thời gian và sự kiên trì để đi theo con đường đó. Nhưng, dĩ nhiên, phần thưởng cho việc làm như vậy thật là vĩ đại. Lẽ thật này được giảng dạy rõ ràng và có sức thuyết phục trong chương 32 sách An Ma trong Sách Mặc Môn. Trong đó, thầy tư tế thượng phẩm vĩ đại này dạy rằng nếu lời của Thượng Đế được gieo vào lòng chúng ta chỉ như là một hạt giống, và nếu chúng ta quan tâm đủ để tưới nước, nhổ cỏ, nuôi dưỡng và khích lệ nó, thì trong tương lai nó sẽ đơm bông kết trái mà “trái của nó là trái quý giá nhất, là trái ngon ngọt hơn hết thảy,” mà nếu ai ăn nó thì sẽ được dẫn đến tình trạng không còn đói và cũng không còn khát nữa.13
Nhiều bài học đã được dạy trong chương xuất sắc này, nhưng trọng tâm của tất cả các bài học này là chân lý rằng hạt giống cần phải được nuôi dưỡng và chúng ta cần phải đợi cho nó lớn; chúng ta “trông đợi với con mắt của đức tin về thành quả của nó.”14 An Ma nói mùa gặt của chúng ta “chẳng bao lâu” sẽ đến15 Chẳng lấy làm lạ gì khi ông kết thúc lời chỉ dạy xuất sắc của mình bằng cách lặp lại ba lần lời kêu gọi phải siêng năng và kiên nhẫn trong việc nuôi dưỡng lời của Thượng Đế trong tâm hồn chúng ta, “chờ đợi” khi ông nói, với “sự nhịn nhục …chờ đợi cây ấy sinh ra trái cho mình.”16
Dịch COVID và bệnh ung thư, nỗi nghi ngờ và mất tinh thần, khó khăn tài chính và thử thách trong gia đình. Khi nào thì những gánh nặng này mới được cất bỏ? Câu trả lời là “chẳng bao lâu nữa.”17 Và cho dù đó là một khoảng thời gian ngắn hay dài thì không phải lúc nào chúng ta cũng là người định đoạt, nhưng qua ân điển của Thượng Đế, các phước lành sẽ đến cho những người giữ vững phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Vấn đề đó đã được giải quyết trong một khu vườn rất kín đáo và trên một ngọn đồi công cộng ở Giê Ru Sa Lem từ lâu.
Giờ đây, khi nghe vị tiên tri yêu quý của chúng ta kết thúc đại hội này, cầu xin cho chúng ta ghi nhớ, như Russell Nelson đã chứng minh suốt cuộc đời của mình, rằng những ai “trông đợi Chúa thì sẽ được sức mạnh mới [và] cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.”18 Tôi cầu nguyện rằng “chẳng bao lâu”—dù sớm hay muộn—các phước lành đó sẽ đến với mỗi một anh chị em là những người đang tìm kiếm sự giải thoát khỏi nỗi buồn phiền và khỏi nỗi sầu khổ của mình. Tôi làm chứng về tình yêu thương của Thượng Đế và về Sự Phục Hồi của phúc âm vinh quang của Ngài, tức là, bằng cách này hay cách khác, sự giải đáp cho mọi vấn đề mà chúng ta gặp phải trong đời sống. Trong thánh danh cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.