Đại Hội Trung Ương
Hãy Cầu Xin, Tìm Kiếm, và Gõ Cửa
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


10:9

Hãy Cầu Xin, Tìm Kiếm, và Gõ Cửa

Một phần quan trọng trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng chính là cơ hội để giao tiếp với Ngài vào bất cứ lúc nào chúng ta muốn.

Vào bốn tháng trước, trong giờ học thánh thư của mình, tôi đang đọc về giáo vụ của An Ma tại Am Mô Ni Ha thì bắt gặp lời đề nghị này trong Hãy Đến Mà Theo Ta: “Khi anh chị em đọc về những phước lành lớn lao Thượng Đế đã ban cho dân Nê Phi (xin xem An Ma 9:19–23), hãy suy ngẫm về những phước lành lớn lao mà Ngài đã ban cho anh chị em.”1 Tôi đã quyết định lập một bản liệt kê những phước lành mà Thượng Đế ban cho tôi và ghi vào phiên bản kỹ thuật số của quyển sách hướng dẫn. Chỉ trong vài phút, tôi đã ghi ra 16 phước lành.

Điều trước nhất trong số đó là những phước lành lớn lao về lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh chuộc tội thay cho tôi. Tôi cũng viết về phước lành tôi đã có khi đại diện cho Đấng Cứu Rỗi với tư cách là một người truyền giáo trẻ tuổi ở Bồ Đào Nha và sau này, với người bạn đồng hành vĩnh cửu yêu dấu của tôi, Patricia, trong Phái Bộ Truyền Giáo Brazil Porto Alegre South, nơi mà chúng tôi đã phục vụ cùng 522 người truyền giáo tuyệt vời và đầy quyền năng. Khi nói đến Patricia, thì nhiều điều tôi ghi lại vào ngày hôm đó là những phước lành mà chúng tôi cùng nhau vui hưởng suốt 40 năm kết hôn—bao gồm lễ gắn bó của chúng tôi trong Đền Thờ São Paulo Brazil, ba đứa con tuyệt vời của chúng tôi, những người phối ngẫu của chúng, và 13 đứa cháu.

Tôi cũng nghĩ về cha mẹ ngay chính của tôi, là những người đã nuôi dạy tôi bằng các nguyên tắc phúc âm. Tôi đặc biệt nhớ lại cái giây phút mà người mẹ dấu yêu đã cùng quỳ xuống để cầu nguyện bên cạnh giường của tôi khi tôi khoảng 10 tuổi. Bà hẳn đã cảm thấy là nếu những lời cầu nguyện của tôi sẽ đến với Cha Thiên Thượng của tôi, thì những lời đó cần phải được cải thiện. Vì thế bà đã nói: “Mẹ sẽ cầu nguyện trước, và sau lời cầu nguyện của mẹ sẽ đến lượt con.” Bà lặp lại mẫu mực này trong nhiều đêm, cho đến khi bà tin tưởng rằng tôi đã học được cách thưa chuyện với Cha Thiên Thượng bằng nguyên tắc lẫn thực hành. Tôi mãi mãi biết ơn bà vì đã dạy tôi cầu nguyện, cho tôi biết được rằng Cha Thiên Thượng của tôi lắng nghe những lời nguyện cầu của tôi và đáp lại chúng.

Thực ra, có một phước lành khác mà tôi đã gồm vào bản liệt kê của mình—đó là ân tứ để có thể lắng nghe và biết được ý muốn của Chúa. Một phần quan trọng trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng chính là cơ hội để giao tiếp với Ngài vào bất cứ lúc nào chúng ta muốn.

Một Lời Mời từ Chúa

Khi Đấng Cứu Rỗi đến thăm Châu Mỹ sau khi Ngài phục sinh, Ngài đã lặp lại một lời mời mà Ngài đã đưa ra cho các môn đồ của mình tại Ga Li Lê. Ngài phán:

“Hãy cầu xin, rồi điều ấy sẽ được ban cho các ngươi; hãy tìm kiếm, rồi các ngươi sẽ gặp; hãy gõ cửa, rồi cửa sẽ mở cho các ngươi.

“Vì bất cứ ai xin thì sẽ được; ai tìm thì sẽ gặp; và ai gõ cửa thì sẽ được mở cho” (3 Nê Phi 14:7–8; xin xem thêm Ma Thi Ơ 7:7–8).

Vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã đưa ra một lời mời tương tự ngày nay. Ông nói rằng: “Hãy cầu nguyện trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô về những mối bận tâm, những sợ hãi, những yếu kém của anh chị em—vâng, những gì anh chị em khát khao trong lòng. Và rồi lắng nghe! Viết xuống những ý nghĩ đến trong tâm trí anh chị em. Ghi lại các cảm giác của mình và hành động theo những điều mà anh chị em được thúc giục. Khi anh chị em lặp lại tiến trình này ngày qua ngày, theo năm tháng, các anh chị em sẽ ‘tăng trưởng theo nguyên tắc mặc khải.’”2

Chủ Tịch Nelson nói thêm rằng: “Trong những [ngày tới], chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, chỉ dẫn, an ủi và liên tục của Đức Thánh Linh.”3

Tại sao sự mặc khải lại vô cùng thiết yếu đối với sự tồn tại thuộc linh của chúng ta? Bởi vì thế gian có thể ồn ào và gây hoang mang, với đầy dối trá và những thứ làm chúng ta xao lãng. Sự giao tiếp với Cha Thiên Thượng của chúng ta cho phép chúng ta phân biệt thật và giả, biết được điều gì có liên quan đến kế hoạch của Chúa dành cho chúng ta và điều gì không. Thế gian cũng có thể khắc nghiệt và nhiều đau khổ. Nhưng khi chúng ta mở lòng mình trong lời cầu nguyện, chúng ta sẽ cảm thấy niềm an ủi đến từ Cha Thiên Thượng của chúng ta và sự đảm bảo rằng Ngài yêu thương và trân trọng chúng ta.

Hãy Cầu Xin

Chúa đã phán rằng “bất cứ ai xin thì sẽ được.” Việc cầu xin nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại đầy quyền năng bởi vì việc đó cho thấy những ước muốn và đức tin của chúng ta. Tuy nhiên, cần có thời gian và lòng kiên nhẫn để học cách hiểu tiếng nói của Chúa. Như vị tiên tri đã khuyên nhủ, chúng ta cần tập trung vào những ý nghĩ và cảm nghĩ đến với tâm trí và tấm lòng mình, và viết chúng xuống. Việc ghi lại những ấn tượng của chúng ta là một bước quan trọng để tiếp nhận. Việc đó giúp chúng ta nhớ lại, ôn lại, và cảm nhận lại điều Chúa đang dạy cho mình.

Gần đây một người thân yêu đã nói với tôi rằng: “Tôi tin sự mặc khải cá nhân là có thật. Tôi tin Đức Thánh Linh sẽ cho tôi biết mọi điều tôi nên làm.4 Thật dễ dàng để tin tưởng khi tôi cảm thấy tâm can mình hừng hực với niềm tin không lay chuyển.5 Nhưng làm thế nào tôi có thể luôn luôn có Đức Thánh Linh phán bảo tôi ở mức độ này?”

Thưa người thân yêu của tôi và tất cả các anh chị em, tôi xin nói rằng tôi cũng muốn liên tục cảm nhận được những ấn tượng mạnh mẽ đó từ Thánh Linh và luôn luôn thấy rõ con đường phải đi. Nhưng thực tế thì không. Tuy nhiên, điều chúng ta có thể cảm nhận thường xuyên hơn chính là tiếng nói nhỏ nhẹ, êm ái thì thầm trong tâm trí và tấm lòng của chúng ta những lời của Chúa: “Ta ở đây. Ta yêu thương con. Hãy tiếp tục; làm hết sức mình. Ta sẽ trợ giúp con.” Chúng ta không phải lúc nào cũng cần biết hết mọi điều hoặc nhìn thấy mọi thứ.

Tiếng nói nhỏ nhẹ, êm ái có thể tái khẳng định, khuyến khích, và an ủi—và nhiều lần chúng ta chỉ cần những điều như vậy cho ngày đó mà thôi. Đức Thánh Linh là có thật, và những ấn tượng của Ngài cũng có thật—cả những ấn tượng lớn lao lẫn những ấn tượng nhỏ bé.

Hãy Tìm Kiếm

Chúa tiếp tục hứa rằng: “Ai tìm thì sẽ gặp.” Việc tìm kiếm ngụ ý là nỗ lực về mặt tinh thần và thuộc linh—suy ngẫm, thử nghiệm, cố gắng, và học tập. Chúng ta tìm kiếm bởi vì tin cậy vào những lời hứa của Chúa. “Vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Hê Bơ Rơ 11:6). Khi tìm kiếm, chúng ta khiêm nhường thừa nhận rằng chúng ta vẫn có nhiều điều phải học hỏi, và Chúa sẽ mở rộng sự hiểu biết của chúng ta, chuẩn bị cho chúng ta tiếp nhận nhiều hơn. “Vì này, Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ ban cho con cái loài người từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít; … vì kẻ nào tiếp nhận, ta sẽ ban thêm cho” (2 Nê Phi 28:30).

Hãy Gõ Cửa

Cuối cùng, Chúa phán rằng: “Ai gõ cửa thì sẽ được mở cho.” Gõ cửa tức là hành động theo đức tin. Khi chúng ta tích cực noi theo Ngài, Chúa sẽ mở đường trước mặt chúng ta. Có một bài thánh ca tuyệt vời dạy chúng ta “hãy thức dậy, hãy chuyên cần hơn, chớ nằm mộng mơ mãi trên làn mây. Làm điều tốt cho ta niềm vui sướng không chi sánh được đâu, phước cho ai, ích cho đời, giúp người.”6 Anh Cả Gerrit W. Gong thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ gần đây đã giải thích rằng sự mặc khải thường đến trong khi chúng ta làm việc tốt. Ông nói: “Khi chúng ta cố gắng để tìm đến phục vụ những người xung quanh chúng ta, tôi nghĩ Chúa ban cho chúng ta thêm một mức độ của tình yêu thương [mà] Ngài dành cho họ, và cho chúng ta. Tôi nghĩ chúng ta [sẽ] lắng nghe được tiếng nói của Ngài—chúng ta cảm nhận Ngài theo một [cách khác]—khi chúng ta cầu xin để giúp đỡ những người xung quanh chúng ta, bởi vì đó là một trong những lời cầu nguyện mà Ngài muốn trả lời nhất.”7

Tấm Gương của An Ma

Lời đề nghị giản dị đó trong Hãy Đến Mà Theo Ta để nghĩ về những phước lành của tôi đã mang lại một tinh thần tuyệt vời và những sự hiểu biết thuộc linh sâu sắc đến không ngờ. Khi tôi tiếp tục đọc về An Ma và giáo vụ của ông ở Am Mô Ni Ha, tôi khám phá ra An Ma đã nêu lên gương sáng về ý nghĩa của việc cầu xin, tìm kiếm, và gõ cửa. Chúng ta đọc thấy rằng: “An Ma vẫn cố đem hết tinh thần gắng sức làm việc, ông tranh đấu với Thượng Đế trong lời cầu nguyện mãnh liệt, để xin Ngài trút Thánh Linh của Ngài xuống cho dân chúng.” Tuy nhiên, lời cầu nguyện đó đã không được đáp ứng theo cách ông hy vọng, và An Ma đã bị đuổi ra khỏi thành phố đó. “Nặng trĩu ưu sầu,” khi An Ma gần như sắp bỏ cuộc, thì một vị thiên sứ gửi đến sứ điệp này: “Phước thay cho ngươi, An Ma; vậy nên hãy ngẩng đầu lên và vui vẻ, vì ngươi đã có lý do lớn lao để vui mừng.” Rồi vị thiên sứ nói ông phải trở lại Am Mô Ni Ha và thử lại một lần nữa, và An Ma “cấp tốc trở lại.”8

Chúng ta học được điều gì từ An Ma về việc cầu xin, tìm kiếm, và gõ cửa? Chúng ta học được rằng lời cầu nguyện đòi hỏi sự lao nhọc thuộc linh, và không luôn luôn dẫn đến kết quả mà chúng ta mong đợi. Nhưng khi chúng ta cảm thấy thất vọng hoặc nặng trĩu ưu sầu, thì Chúa ban cho chúng ta niềm an ủi và sức mạnh bằng nhiều cách khác nhau. Ngài có thể không trả lời cho mọi câu hỏi của chúng ta hoặc giải quyết tất cả những vấn đề của chúng ta ngay lập tức; thay vì vậy, Ngài khuyến khích chúng ta tiếp tục cố gắng. Nếu khi ấy chúng ta cấp tốc thay đổi kế hoạch của chúng ta theo kế hoạch của Ngài, thì Ngài sẽ mở đường cho chúng ta, như điều Ngài đã làm với An Ma.

Tôi làm chứng rằng đây là gian kỳ của phúc âm trọn vẹn. Chúng ta có thể vui hưởng những phước lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống mình. Chúng ta có các thánh thư được phổ biến rộng rãi đến cho chúng ta. Chúng ta được dẫn dắt bởi các vị tiên tri là những người giảng dạy chúng ta về ý muốn của Chúa dành cho những thời kỳ khó khăn mà chúng ta đang sống. Thêm vào đó, chúng ta có cơ hội trực tiếp nhận được sự mặc khải cho chính mình để Chúa có thể an ủi và hướng dẫn riêng cho chúng ta. Giống như vị thiên sứ đã nói với An Ma, chúng ta có “lý do lớn lao để vui mừng” (An Ma 8:15). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.