Làm Sự Công Bình, Ưa Sự Nhân Từ, và Bước Đi Một Cách Khiêm Nhường với Thượng Đế
Làm sự công bình có nghĩa là cư xử một cách tôn trọng. Chúng ta hành động một cách tôn kính với Thượng Đế bằng cách bước đi khiêm nhường với Ngài. Chúng ta cư xử tôn trọng với người khác bằng cách yêu chuộng sự nhân từ.
Với tư cách là những tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, và là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta cố gắng—và được khuyến khích cố gắng—để làm tốt hơn và trở nên tốt hơn.1 Cũng như tôi, có lẽ anh chị em đã từng tự hỏi rằng: “Tôi có đang làm đủ chưa?” “Tôi nên làm thêm điều gì nữa?” hoặc “Làm cách nào một người nhiều khiếm khuyết như tôi có thể đủ tư cách để ‘ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận’?”2
Mi Chê, một vị tiên tri thời Cựu Ước, đã đặt ra câu hỏi đó theo cách này: “Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Ðức Giê Hô Va và quì lạy trước mặt Ðức Chúa Trời rất cao?”3 Mi Chê đã tự hỏi một cách châm biếm rằng liệu những lễ vật có giá cắt cổ có thể đủ để đền bù cho tội lỗi hay không, ông nói: “Ðức Giê Hô Va há có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng vạn … sông dầu sao? Ta há nên dâng con đầu lòng của ta … vì tội lỗi linh hồn ta sao?”4
Câu trả lời là không. Chỉ việc làm tốt thôi thì không đủ. Sự cứu rỗi không phải do tự chúng ta làm ra.5 Ngay cả những của lễ to lớn ngoài sức tưởng tượng của Mi Chê cũng không thể cứu chuộc được tội lỗi nhỏ nhất. Nếu chúng ta chỉ dựa vào khả năng của riêng mình, thì viễn cảnh trở về sống trong sự hiện diện của Thượng Đế là vô vọng.6
Nếu không có các phước lành đến từ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, thì bản thân chúng ta không bao giờ có thể làm đủ hoặc đủ ngay chính. Tuy nhiên, tin mừng là nhờ vào và qua Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể trở nên đủ ngay chính.7 Tất cả mọi người sẽ được cứu khỏi cái chết thể xác nhờ ân điển của Thượng Đế, qua cái chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô.8 Và nếu chúng ta hướng lòng mình đến Thượng Đế, thì sự cứu rỗi khỏi cái chết thuộc linh sẽ có sẵn cho tất cả mọi người “qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô … bằng cách tuân theo các luật pháp và giáo lễ của Phúc Âm.”9 Chúng ta có thể được cứu chuộc khỏi tội lỗi để được đứng một cách trong sạch và thanh khiết trước Thượng Đế. Như Mi Chê đã giải thích: “Hỡi người! [Thượng Đế] đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê Hô Va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhơn từ và bước đi cách khiêm nhường với Thượng Đế của ngươi sao?”10
Sự hướng dẫn của Mi Chê về việc hướng lòng chúng ta đến với Thượng Đế và việc hội đủ điều kiện để nhận được sự cứu rỗi bao gồm ba yếu tố được liên kết với nhau. Làm sự công bình có nghĩa là hành động một cách tôn kính với Thượng Đế và với những người khác. Chúng ta hành động một cách tôn kính với Thượng Đế bằng cách bước đi khiêm nhường với Ngài. Chúng ta cư xử tôn trọng với người khác bằng cách yêu chuộng sự nhân từ. Do đó, làm sự công bình là một ứng dụng thực tiễn của giáo lệnh lớn thứ nhất và thứ nhì, là “hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi … [và hãy] yêu kẻ lân cận như mình.”11
Làm sự công bình và bước đi một cách khiêm nhường với Thượng Đế là cố ý rời bỏ sự bất chính, tuân thủ những lệnh truyền của Ngài, và thực sự trung tín.12 Một người công bình từ bỏ tội lỗi và hướng về Thượng Đế, lập các giao ước với Ngài, và tuân giữ các giao ước đó. Một người công bình chọn tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế, hối cải khi thiếu sót, và tiếp tục cố gắng.
Khi Đấng Ky Tô phục sinh đến thăm dân Nê Phi, Ngài đã giải thích rằng luật pháp Môi Se đã được thay thế bởi một luật pháp cao hơn. Ngài phán bảo họ không được “dâng … các của lễ hy sinh và … các của lễ thiêu” nữa mà phải dâng lên “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối.” Ngài cũng hứa rằng: “Và bất cứ kẻ nào đến cùng ta với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, thì sẽ được ta báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh.”13 Khi tiếp nhận và sử dụng ân tứ Đức Thánh Linh sau khi chịu phép báp têm, chúng ta có thể tận hưởng sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh và được dạy tất cả mọi điều chúng ta phải làm,14 bao gồm cách để bước đi khiêm nhường với Thượng Đế.
Sự hy sinh cho tội lỗi và sự cứu rỗi của Chúa Giê Su Ky Tô có sẵn cho tất cả những ai có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối như vậy.15 Một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối thúc giục chúng ta vui vẻ hối cải và cố gắng trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Khi làm như vậy, chúng ta nhận được quyền năng thanh tẩy, chữa lành, và củng cố của Đấng Cứu Rỗi. Ngoài việc làm sự công bình và bước đi khiêm nhường với Thượng Đế, chúng ta cũng phải học cách yêu chuộng sự nhân từ như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã làm.
Thượng Đế yêu thích sự nhân từ và không tiếc nuối việc sử dụng nó. Theo lời của Mi Chê dâng lên Đức Giê Hô Va: “Ai là Thượng Đế giống như Ngài, tha thứ sự gian ác, … sẽ còn thương xót chúng tôi,” và “ném hết thảy tội lỗi … xuống đáy biển.”16 Việc yêu chuộng sự nhân từ như Thượng Đế thì không thể tách rời với việc đối xử công bình với người khác và không ngược đãi họ.
Tầm quan trọng của việc không ngược đãi người khác được nêu bật trong một giai thoại về Thầy Cả Hillel, một học giả Do Thái sống vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Một trong những học trò của Hillel đã bực tức bởi sự phức tạp của kinh Torah—là năm cuốn sách của Môi Se với 613 giáo lệnh và những lời bình luận về thánh thư từ các giáo sĩ Do Thái. Người học trò này đã thách thức Hillel để giải thích kinh Torah chỉ bằng thời gian mà Hillel có thể đứng trên một chân. Hillel có thể không giỏi giữ thăng bằng nhưng ông đã chấp nhận thử thách này. Ông đã trích dẫn từ Lê Vi Ký rằng: “Chớ toan báo thù, chớ giữ sự báo thù cùng con cháu dân sự mình; nhưng hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình.”17 Rồi Hillel kết luận: “Điều gì đáng ghét đối với ngươi, thì đừng làm cho kẻ lân cận mình. Đây là toàn bộ kinh Torah; phần còn lại là lời bình luận. Hãy đi nghiên cứu đi.”18
Việc luôn luôn cư xử một cách tôn trọng với người khác là một phần của việc yêu chuộng sự nhân từ. Hãy xem xét một cuộc trò chuyện mà tôi tình cờ nghe được nhiều thập kỷ trước trong khoa cấp cứu của Bệnh Viện John Hopkins tại Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ. Một bệnh nhân, ông Jackson, là một người lịch sự, dễ mến và được các nhân viên bệnh viện biết đến. Trước đó, ông đã từng nhập viện nhiều lần để điều trị các chứng bệnh liên quan đến rượu. Vào dịp này, ông Jackson trở vào viện do các triệu chứng được chẩn đoán là viêm tuyến tụy do rượu mà ra.
Vào cuối ca trực của mình, bác sĩ Cohen, là một bác sĩ chăm chỉ và đáng ngưỡng mộ, đã đánh giá sức khỏe của ông Jackson và quyết định rằng ông cần phải nhập viện. Bác sĩ Cohen đã chỉ định bác sĩ Jones, là bác sĩ cho ca trực tiếp theo, để giúp ông Jackson nhập viện và giám sát việc điều trị cho ông.
Bác sĩ Jones đã theo học một trường y khoa danh tiếng và chỉ mới bắt đầu công việc nghiên cứu sau đại học. Khóa đào tạo khó khăn này đi kèm với việc thiếu ngủ liên tục, điều này có thể đã góp phần vào phản ứng tiêu cực của bác sĩ Jones. Đối mặt với ca nhập viện thứ năm trong đêm đó, cô ấy đã lớn tiếng phàn nàn với bác sĩ Cohen. Cô ấy cảm thấy không công bằng khi phải dành nhiều giờ chăm sóc cho ông Jackson bởi vì tình trạng khó khăn của ông là do chính ông gây ra.
Bác sĩ Cohen phản ứng mạnh mẽ bằng cách nói gần như thì thầm. Ông nói: “Bác sĩ Jones à, chị đã trở thành bác sĩ để chăm sóc cho người khác và làm việc để chữa bệnh cho họ. Chị không trở thành bác sĩ để phán xét họ. Nếu chị không hiểu sự khác biệt, thì chị không có quyền đào tạo ở bệnh viện này.” Sau lời chỉnh sửa này, bác sĩ Jones đã ân cần chăm sóc cho ông Jackson trong suốt thời gian nằm bệnh viện.
Ông Jackson đã qua đời sau đó. Cả bác sĩ Jones lẫn bác sĩ Cohen đều đã có một sự nghiệp xuất sắc. Nhưng vào một thời điểm quan trọng trong quá trình đào tạo của mình, bác sĩ Jones đã cần được nhắc nhở để làm sự công bình, yêu chuộng sự nhân từ, và chăm sóc cho ông Jackson thay vì xét đoán.19
Trong những năm qua, tôi đã hưởng lợi ích từ lời nhắc nhở đó. Việc yêu chuộng sự nhân từ có nghĩa là chúng ta không chỉ yêu mến sự nhân từ mà Thượng Đế ban cho chúng ta; mà chúng ta còn vui thích rằng Thượng Đế cũng ban cùng sự nhân từ đó cho những người khác. Và chúng ta noi theo gương Ngài. “Tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế,”20 và tất cả chúng ta đều cần sự chăm sóc về mặt thuộc linh để được giúp đỡ và chữa lành. Chúa đã phán: “Các ngươi không được xem trọng người này hơn người kia, và chớ tự cho mình là cao quý hơn kẻ khác.”21
Chúa Giê Su Ky Tô đã nêu gương về ý nghĩa của việc làm sự công bình và yêu chuộng sự nhân từ. Ngài đã tự do kết giao với những kẻ phạm tội, đối xử với họ bằng sự tôn trọng. Ngài đã phán dạy về niềm vui của việc tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế và tìm cách nâng đỡ thay vì lên án những người gặp khó khăn. Ngài đã lên án những kẻ chê trách Ngài vì đã phục sự cho những người mà họ cho là không xứng đáng.22 Tính tự cao như vậy đã và vẫn còn làm phật lòng Ngài.23
Để trở nên giống như Đấng Ky Tô, một người phải làm sự công bình và cư xử một cách tôn trọng với cả Thượng Đế lẫn những người khác. Một người công bình là người lịch sự trong cả lời nói lẫn hành động và nhận ra rằng những khác biệt về quan điểm hoặc niềm tin không làm mất đi sự tử tế và tình bạn chân chính. Những người làm sự công bình “sẽ không còn ý tưởng làm hại nhau nữa, mà sẽ sống an lành”24 với nhau.
Để trở nên giống như Đấng Ky Tô, một người phải yêu chuộng sự nhân từ. Những người yêu chuộng sự nhân từ sẽ không xét đoán; họ biểu lộ lòng trắc ẩn với người khác, đặc biệt là với những người kém may mắn; họ ân cần, tử tế, và đáng kính trọng. Những người này sẽ đối xử với người khác với lòng thương yêu và sự hiểu biết, bất kể những đặc điểm như chủng tộc, giới tính, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, tình trạng kinh tế xã hội, và những khác biệt về bộ tộc, gia tộc, hoặc quốc gia. Tất cả những điều này được thay thế bởi tình thương yêu giống như Đấng Ky Tô.
Để trở nên giống như Đấng Ky Tô, một người chọn Thượng Đế,25 bước đi một cách khiêm nhường cùng Ngài, cố gắng làm vui lòng Ngài, và tuân giữ các giao ước với Ngài. Những người bước đi khiêm nhường với Thượng Đế luôn nhớ điều mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho họ.
Tôi có đang làm đủ chưa? Tôi nên làm thêm điều gì nữa? Hành động của chúng ta nhằm đáp lại những câu hỏi này là trọng tâm cho hạnh phúc của chúng ta trong cuộc sống này và trong thời vĩnh cửu. Đấng Cứu Rỗi không muốn chúng ta xem nhẹ sự cứu rỗi. Ngay cả sau khi chúng ta đã lập các giao ước thiêng liêng, chúng ta vẫn có khả năng sẽ “mất ân điển và xa rời Thượng Đế hằng sống.” Vì thế, chúng ta phải “chú tâm và cầu nguyện luôn” để tránh bị sa “vào sự cám dỗ.”26
Nhưng đồng thời, Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô không muốn chúng ta bị tê liệt bởi những bấp bênh liên tục trong cuộc sống hữu diệt của mình và tự hỏi liệu chúng ta đã làm đủ để được cứu rỗi và tôn cao hay chưa. Hai Ngài chắc chắn không muốn chúng ta bị giày vò bởi những lỗi lầm mà chúng ta đã hối cải, nghĩ rằng chúng là những vết thương không bao giờ lành,27 hoặc quá lo sợ rằng chúng ta có thể sẽ vấp ngã một lần nữa.
Chúng ta có thể đánh giá sự tiến triển của chính mình. Chúng ta có thể biết rằng “đường lối [mà chúng ta đang] theo đuổi là theo ý muốn của Thượng Đế”28 khi chúng ta làm sự công bình, yêu chuông sự nhân từ, và bước đi khiêm nhường với Thượng Đế. Chúng ta thấm nhuần các thuộc tính của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô vào cá tính của mình và thương yêu lẫn nhau.
Khi làm được những điều này, anh chị em sẽ đi theo con đường giao ước và đủ tư cách để “ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.”29 Linh hồn của anh chị em sẽ được tràn đầy vinh quang của Thượng Đế và ánh sáng của cuộc sống vĩnh cửu.30 Anh chị em sẽ tràn đầy niềm vui khôn tả.31 Tôi làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống và rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, và Ngài luôn thương yêu và hân hoan mở rộng lòng thương xót cho tất cả mọi người. Các anh chị em hẳn là vui thích điều đó. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.