Để “Sự Nhịn Nhục … Làm Trọn Việc Nó,” và “Coi [Hết Thảy] Là Điều Vui Mừng Trọn Vẹn”!
Khi chúng ta thực hành sự kiên nhẫn, thì đức tin của chúng ta sẽ gia tăng. Khi đức tin của chúng ta gia tăng, thì niềm vui của chúng ta cũng vậy.
Hai năm trước, người em trai út của tôi, Chad, đã đi qua bên kia bức màn che. Việc em ấy đi sang phía bên kia đã để lại một lỗ hổng trong lòng em dâu tôi, Stephanie, hai đứa con nhỏ của họ, Braden và Bella, cũng như những người còn lại trong gia đình. Chúng tôi tìm thấy sự an ủi qua những lời của Anh Cả Neil L. Andersen trong đại hội trung ương một tuần trước khi Chad qua đời: “Trong những thử thách gắt gao trên trần thế, việc tiến bước một cách kiên nhẫn, và quyền năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi sẽ mang đến cho anh chị em ánh sáng, sự hiểu biết, sự bình an, và niềm hy vọng” (“Bị Tổn Thương,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 85).
Chúng tôi có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô; chúng tôi biết mình sẽ gặp lại Chad, nhưng việc vắng bóng em ấy thật đau đớn! Nhiều người đã mất đi những người thân yêu. Thật khó để có thể kiên nhẫn và chờ đợi đến lúc mà chúng ta sẽ gặp lại họ.
Một năm sau khi em ấy mất, chúng tôi cảm thấy như một đám mây đen bao phủ chúng tôi. Chúng tôi tìm nơi ẩn náu trong việc nghiên cứu thánh thư, cầu nguyện nhiệt thành hơn và đi đền thờ thường xuyên hơn. Những câu trong bài thánh ca này ghi lại cảm xúc của chúng tôi vào thời điểm đó: “Màn đêm âm u dần lui, ngàn cây đang thức giấc nồng, trời đông vươn lên tia nắng ban mai xinh đẹp thay” (“The Day Dawn Is Breaking,” Hymns, bài số 52).
Gia đình chúng tôi xác định rằng năm 2020 sẽ là một năm mới mẻ! Khi chúng tôi đang học sách Gia Cơ trong Kinh Tân Ước theo tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta vào cuối tháng Mười Một năm 2019 thì một chủ đề tự biểu lộ cho chúng tôi. Gia Cơ chương 1 câu 2 viết: “Hỡi các anh em, hãy coi sự lâm vào nhiều nỗi đau khổ như là điều vui mừng trọn vẹn” (Bản Dịch Joseph Smith, Gia Cơ 1:2 [trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư]). Với mong muốn mở ra một năm mới, một thập kỷ mới với nhiều niềm vui, chúng tôi quyết định rằng vào năm 2020, chúng tôi sẽ “coi [hết thảy] là điều vui mừng trọn vẹn.” Chúng tôi cảm thấy mạnh mẽ về điều đó đến nỗi vào Giáng Sinh năm ngoái, chúng tôi đã tặng cho anh chị em của mình những chiếc áo phông in dòng chữ đậm: “Coi [Hết Thảy] Là Điều Vui Mừng Trọn Vẹn.” Năm 2020 chắc chắn sẽ là một năm của niềm vui và sự hân hoan.
Nhưng giờ đây—năm 2020 lại mang đến đại dịch COVID-19 toàn cầu, sự bất ổn dân sự, nhiều thiên tai và khó khăn về kinh tế. Cha Thiên Thượng của chúng ta có thể đang cho chúng ta thời gian để suy ngẫm và xem xét sự hiểu biết của mình về tính kiên nhẫn và quyết định có ý thức rõ ràng của chúng ta để chọn lấy niềm vui.
Kể từ đó, sách Gia Cơ mang ý nghĩa mới đối với chúng tôi. Gia Cơ chương 1 câu 3 và 4 viết tiếp:
“Vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục.
“Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.”
Trong nỗ lực tìm kiếm niềm vui giữa những thử thách, chúng tôi đã quên rằng sự kiên nhẫn là chìa khóa để những thử thách đó có lợi cho mình.
Vua Bên Gia Min đã dạy chúng ta phải cởi bỏ con người thiên nhiên và trở thành “một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa, và trở thành như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả [mọi] điều” (Mô Si A 3:19).
Chương 6 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm Của Ta giảng dạy các thuộc tính chính yếu của Đấng Ky Tô mà chúng ta có thể noi theo: “Sự kiên nhẫn là khả năng chịu đựng sự chậm trễ, rắc rối, chống đối hoặc khổ sở mà không trở nên tức giận, khó chịu hoặc lo âu. Đó là khả năng làm theo ý muốn của Thượng Đế và chấp nhận kỳ định của Ngài. Khi kiên nhẫn, các anh chị em chịu đựng những thử thách mà đến với mình và có thể đối phó với nghịch cảnh một cách bình tĩnh và đầy hy vọng” (Thuyết Giảng Phúc Âm Của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo, ấn bản đã hiệu đính [năm 2019], trang 139).
Làm trọn việc của sự kiên nhẫn cũng có thể được minh họa trong cuộc đời của một trong những môn đồ đầu tiên của Đấng Ky Tô, là Si Môn người Ca Na An. Người Xê Lốt là một nhóm người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc phản đối mạnh mẽ sự cai trị của người Rô Ma. Phong trào Xê Lốt ủng hộ bạo lực chống lại người Rô Ma, những người Do Thái hợp tác với họ, và người Sa Đu Sê bằng cách tấn công các nguồn cung cấp thực phẩm và theo đuổi các hoạt động khác để hỗ trợ chính nghĩa của họ (xin xem Encyclopedia Britannica, “Zealot,” britannica.com). Si Môn người Ca Na An là một người Xê Lốt (xin xem Lu Ca 6:15). Hãy tưởng tượng Si Môn đang cố gắng thuyết phục Đấng Cứu Rỗi cầm vũ khí, lãnh đạo một nhóm quân hoặc tạo ra sự hỗn loạn ở Giê Ru Sa Lem. Chúa Giê Su dạy:
“Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất. …
“Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót. …
“Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời” (Ma Thi Ơ 5:5, 7, 9).
Si Môn có thể đã đón nhận và ủng hộ triết lý của mình với lòng nhiệt thành và đam mê, nhưng thánh thư gợi ý rằng qua ảnh hưởng và tấm gương của Đấng Cứu Rỗi, trọng tâm của ông đã thay đổi. Tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đã trở thành trọng tâm của mọi nỗ lực trong cuộc đời ông.
Khi chúng ta lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta “được tái sinh; phải, được Thượng Đế sinh ra, được chuyển từ [một] trạng thái trần tục và sa ngã qua trạng thái ngay chính, được Thượng Đế cứu chuộc, và trở thành những con trai và con gái của Ngài” (Mô Si A 27:25).
Trong tất cả những nỗ lực nhiệt thành về xã hội, tôn giáo và chính trị trong thời đại của chúng ta, hãy để việc làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô là tư cách rõ ràng và chắc chắn nhất của chúng ta. “Vì của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma Thi Ơ 6:21). Chúng ta cũng đừng quên rằng ngay cả sau khi các môn đồ trung tín đã “làm theo ý muốn Đức Chúa Trời rồi,” thì họ “cần phải nhịn nhục” (Hê Bơ Rơ 10:36).
Giống như sự thử thách đức tin của chúng ta sinh ra sự kiên nhẫn, khi chúng ta thực hành sự kiên nhẫn, thì đức tin của chúng ta sẽ gia tăng. Khi đức tin của chúng ta gia tăng, thì niềm vui của chúng ta cũng vậy.
Tháng Ba vừa qua, cô con gái thứ hai của chúng tôi, Emma, giống như nhiều người truyền giáo trong Giáo Hội, đã buộc phải đi cách ly. Nhiều người truyền giáo đã trở về nhà. Nhiều người truyền giáo phải chờ đợi để được tái chỉ định. Nhiều người đã không nhận được các phước lành đền thờ của họ trước khi đi làm công việc truyền giáo. Xin cảm ơn các anh cả và các chị truyền giáo. Chúng tôi yêu mến các anh chị em.
Emma và người bạn đồng hành của nó ở Hà Lan đã rất căng thẳng trong vài tuần đầu tiên đó—nhiều lần đến rơi nước mắt. Chỉ với những cơ hội ngắn ngủi để tương tác trực tiếp với người khác và hạn chế tiếp xúc bên ngoài, sự tin cậy của Emma vào Thượng Đế càng gia tăng. Chúng tôi đã cầu nguyện trực tuyến với nó và hỏi làm thế nào chúng tôi có thể giúp đỡ. Nó yêu cầu chúng tôi kết nối với những người bạn mà nó đang giảng dạy trực tuyến!
Gia đình chúng tôi bắt đầu kết nối trực tuyến, từng người một, với những người bạn của Emma ở Hà Lan. Chúng tôi đã mời họ tham gia học tập tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta hằng tuần, trực tuyến, của đại gia đình chúng tôi. Floor, Laura, Renske, Freek, Benjamin, Stal và Muhammad đều đã trở thành bạn của chúng tôi. Một số người bạn của chúng tôi từ Hà Lan đã bước “vào cửa hẹp” (3 Nê Phi 14:13). Những người khác được cho thấy “con đường chật và cổng hẹp mà họ phải đi vào” (2 Nê Phi 31:9). Họ là anh chị em của chúng tôi trong Đấng Ky Tô. Mỗi tuần, chúng tôi “coi [hết thảy] là điều vui mừng trọn vẹn” khi cùng nhau nỗ lực tiến bộ trên con đường giao ước.
Chúng ta để “sự nhịn nhục … làm trọn việc nó” (Gia Cơ 1:4) khi chúng ta không thể gặp mặt trực tiếp với gia đình tiểu giáo khu trong một khoảng thời gian vô chừng. Nhưng chúng tôi coi đó là niềm vui khi đức tin của gia đình chúng tôi ngày càng gia tăng thông qua các công nghệ mới và tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta để học tập Sách Mặc Môn.
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã hứa: “Những nỗ lực kiên định của anh chị em trong lĩnh vực này—cho dù trong những giây phút mà anh chị em có thể cảm thấy rằng mình không thành công một cách đặc biệt—cũng sẽ thay đổi cuộc sống của anh chị em, của gia đình anh chị em và thế giới” (“Hãy Tiến Bước với Đức Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 114).
Đền thờ—nơi chúng ta lập giao ước thiêng liêng với Thượng Đế đang đóng cửa. Mái nhà—nơi chúng ta tuân giữ các giao ước với Thượng Đế đang mở rộng cửa! Chúng ta có cơ hội ở nhà để nghiên cứu và suy ngẫm về vẻ đẹp đặc biệt của các giao ước trong đền thờ. Ngay cả khi thiếu đi việc bước vào chốn thiêng liêng đó, “lòng [ chúng ta] sẽ hết sức hân hoan vì những phước lành sẽ được trút xuống” (Giáo Lý và Giao Ước 110:9).
Nhiều người đã mất việc làm; những người khác đã mất cơ hội. Tuy nhiên, chúng ta vui mừng, cùng với Chủ Tịch Nelson, người gần đây đã nói: “Các khoản hiến tặng của lễ nhịn ăn tự nguyện từ các tín hữu của chúng ta đã thực sự gia tăng, và các khoản đóng góp tự nguyện cho quỹ nhân đạo của chúng ta cũng vậy. … Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua khoảng thời gian khó khăn này. Chúa sẽ ban phước cho anh chị em khi anh chị em tiếp tục ban phước cho những người khác” (Trang Facebook của Russell M. Nelson, đăng vào ngày 16 tháng Tám năm 2020, facebook.com/russell.m.nelson).
Lệnh truyền từ Chúa là “Các ngươi hãy yên lòng”, không phải là các ngươi hãy sợ hãi (Ma Thi Ơ 14:27).
Đôi khi chúng ta mất kiên nhẫn khi nghĩ rằng mình “làm đúng mọi việc” nhưng vẫn không nhận được những phước lành mà chúng ta mong muốn. Hê Nóc đã đi cùng Thượng Đế trong 365 năm trước khi ông và dân của ông được cất lên trên trời. Ba trăm sáu mươi lăm năm phấn đấu để làm đúng mọi việc, và rồi điều đó đã xảy ra! (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:49.)
Em trai Chad của tôi qua đời chỉ vài tháng sau khi chúng tôi được giải nhiệm khỏi việc chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo Utah Ogden. Thật kỳ diệu khi mà chúng tôi đang sống ở Nam California, trong số tất cả 417 phái bộ mà chúng tôi có thể được chỉ định trong năm 2015, chúng tôi lại được chỉ định đến miền bắc Utah. Nhà phái bộ truyền giáo cách nhà của Chad 30 phút lái xe. Bệnh ung thư của Chad được chẩn đoán sau khi chúng tôi nhận được sự chỉ định truyền giáo của mình. Ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, chúng tôi biết rằng Cha Thiên Thượng luôn lưu tâm đến chúng tôi và giúp chúng tôi tìm thấy niềm vui.
Tôi làm chứng về quyền năng cứu chuộc, thánh hóa, khiêm nhường và vui mừng của Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng khi chúng ta cầu nguyện với Cha Thiên Thượng trong danh Chúa Giê Su, Ngài sẽ nhậm lời chúng ta. Tôi làm chứng rằng khi chúng ta tập trung chú ý lắng nghe và lưu tâm đến tiếng nói của Chúa và vị tiên tri tại thế của Ngài, Chủ Tịch Russell M. Nelson, thì chúng ta có thể để “sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó” và “coi [hết thảy] là điều vui mừng trọn vẹn.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.