“Chương 3: Lời Mời để Chịu Phép Báp Têm và Được Làm Lễ Xác Nhận,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)
“Lời Mời để Chịu Phép Báp Têm và Được Làm Lễ Xác Nhận,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta
Chương 3
Lời Mời để Chịu Phép Báp Têm và Được Làm Lễ Xác Nhận
Nền Tảng Giáo Lý
Chúng ta đều là con cái của Cha Thiên Thượng. Chúng ta đến thế gian để có cơ hội học hỏi, tăng trưởng và trở nên giống như Ngài hơn hầu cho chúng ta có thể trở lại nơi hiện diện của Ngài (xin xem Môi Se 1:39). Chúng ta không thể trở nên giống như Ngài hoặc quay trở lại với Ngài mà không có sự giúp đỡ thiêng liêng. Cha Thiên Thượng đã sai Con Trai của Ngài, là Chúa Giê Su Ky Tô, đến chuộc tội cho chúng ta và cắt đứt những dây trói buộc của sự chết (xin xem 3 Nê Phi 27:13–22).
Chúng ta được tiếp cận quyền năng cứu chuộc của Đấng Ky Tô bằng cách vận dụng đức tin nơi Ngài mà dẫn đến sự hối cải, chịu phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh qua lễ xác nhận, và kiên trì đến cùng. Việc tuân giữ giao ước báp têm là bước đầu tiên trong việc ràng buộc chúng ta với Thượng Đế để Đức Thánh Linh có thể thanh tẩy, củng cố và thay đổi bản tính của chúng ta trở nên tốt hơn. Việc cảm nhận ảnh hưởng thánh hóa này được gọi là sinh lại phần thuộc linh. (Xin xem 2 Nê Phi 31:7, 13–14, 20–21; Mô Si A 5:1–7; 18; 27:24; 3 Nê Phi 27:20; Giăng 3:5.)
Sự sinh lại phần thuộc linh bắt đầu khi chúng ta chịu phép báp têm bằng nước và Thánh Linh. Phép báp têm là một giáo lễ vui mừng và đầy hy vọng. Khi chịu phép báp têm với tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối, chúng ta bắt đầu cuộc sống mới với quyền năng nâng đỡ của Thượng Đế. Sau khi chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận, chúng ta có thể tiếp tục được củng cố bằng cách dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng. (Xin xem 2 Nê Phi 31:13; Mô Si A 18:7–16; Mô Rô Ni 6:2; Giáo Lý và Giao Ước 20:37.)
Đưa Ra Lời Mời
Khi anh chị em cảm thấy được Thánh Linh hướng dẫn thì hãy mời họ chịu phép báp têm và làm lễ xác nhận. Điều này có thể xảy ra trong bất cứ bài học nào.
Giảng dạy giáo lý về phép báp têm và giúp mọi người hiểu giáo lý của Đấng Ky Tô (xin xem bài học 3). Giảng dạy về tầm quan trọng và niềm vui của giao ước báp têm, của việc nhận được sự xá miễn tội lỗi và nhận được ân tứ Đức Thánh Linh qua lễ xác nhận.
Chuẩn bị họ cho lời mời để chịu phép báp têm bằng cách bảo đảm rằng họ hiểu điều mà anh chị em đã giảng dạy và giao ước mà họ sẽ lập. Giao ước báp têm là như sau:
-
Sẵn lòng mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.
-
Phục vụ Thượng Đế và những người khác.
-
Kiên trì đến cùng. (Xin xem bài học 4.)
Anh chị em có thể chia sẻ điều sau đây:
“Khi chịu phép báp têm, chúng ta ‘chứng tỏ trước mặt [Thượng Đế] rằng [chúng ta] đã lập giao ước với Ngài, rằng [chúng ta] sẽ phụng sự Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.’ Khi chúng ta lập giao ước này, Ngài hứa rằng Ngài sẽ ‘trút Thánh Linh của Ngài xuống [chúng ta] một cách dồi dào hơn’ (Mô Si A 18:10).”
Lời mời để chịu phép báp têm của anh chị em phải cụ thể và trực tiếp. Anh chị em có thể nói:
“Anh (chị, em) sẽ noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách chịu phép báp têm bởi một người đã được sắc phong để thực hiện giáo lễ này chứ? Chúng tôi sẽ giúp anh (chị, em) chuẩn bị cho lễ báp têm. Chúng tôi tin rằng anh (chị, em) có thể sẵn sàng vào [ngày]. Anh (chị, em) sẽ chuẩn bị chịu phép báp têm vào ngày đó chứ?”
Như với bất cứ lời mời nào mà anh chị em đưa ra, hãy hứa các phước lành lớn lao mà họ sẽ nhận được khi chấp nhận lời mời để chịu phép báp têm và tuân giữ các giao ước liên quan. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về các phước lành này.
Giảng dạy rằng phép báp têm và lễ xác nhận không phải là điểm đến cuối cùng. Đúng hơn, đó là một điểm trên con đường cải đạo mà mang lại hy vọng, niềm vui và quyền năng của Thượng Đế một cách trọn vẹn hơn cho cuộc sống của một người (xin xem Mô Si A 27:25–26). Sau khi đã chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận, họ có thể mong đợi được Thánh Linh thánh hóa khi họ tiến triển trên con đường giao ước.
Nếu có thể, hãy mời những người mà anh chị em đang giảng dạy tham dự một lễ báp têm và một lễ Tiệc Thánh mà trong đó một người nào đó được làm lễ xác nhận.