“Chương 3: Bài 3—Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)
“Chương 3: Bài 3,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta
Chương 3: Bài 3
Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là cách chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô. Phúc âm này đủ đơn giản đến mức một đứa trẻ cũng có thể hiểu được. Bài học này tập trung vào phúc âm và giáo lý của Đấng Ky Tô, kể cả đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm, ân tứ Đức Thánh Linh và kiên trì đến cùng. Nó cũng tập trung vào cách phúc âm ban phước cho tất cả con cái của Thượng Đế.
Từ phúc âm có nghĩa thực sự là “tin mừng.” Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là một tin mừng vì nó mang đến giáo lý—lẽ thật vĩnh cửu—chúng ta cần phải đến cùng Ngài và được cứu (xin xem 1 Nê Phi 15:14). Phúc âm dạy chúng ta cách sống một cuộc sống thiện lành, có ý nghĩa. Tin mừng của phúc âm mang đến con đường để chúng ta được tha tội, được thánh hóa và trở về nơi hiện diện của Thượng Đế.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Phần này đưa ra một đại cương mẫu để giúp anh chị em chuẩn bị giảng dạy. Nó cũng bao gồm các ví dụ về những câu hỏi và lời mời mà anh chị em có thể sử dụng.
Khi anh chị em chuẩn bị giảng dạy, hãy thành tâm xem xét hoàn cảnh và nhu cầu thuộc linh của mỗi người. Quyết định điều gì sẽ hữu ích nhất để giảng dạy. Chuẩn bị để định nghĩa các thuật ngữ mà người khác có thể không hiểu. Hoạch định theo lượng thời gian anh chị em sẽ có và nhớ giữ cho bài học ngắn gọn.
Chọn những câu thánh thư để sử dụng khi anh chị em giảng dạy. Phần “Nền Tảng Giáo Lý” của bài học gồm có nhiều câu thánh thư hữu ích.
Cân nhắc những câu hỏi nào cần hỏi khi anh chị em giảng dạy. Hoạch định đưa ra những lời mời mà sẽ khuyến khích mỗi người hành động.
Nhấn mạnh đến các phước lành đã được hứa của Thượng Đế và chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về điều anh chị em giảng dạy.
Những Điều mà Anh Chị Em Có Thể Giảng Dạy trong 15 đến 25 phút
Hãy chọn một hoặc nhiều nguyên tắc hơn sau đây để giảng dạy. Nền tảng giáo lý cho mỗi nguyên tắc được đưa ra sau đại cương này.
Sứ Mệnh Thiêng Liêng của Chúa Giê Su Ky Tô
-
Thượng Đế đã gửi Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đến thế gian để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết.
-
Nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su nên chúng ta mới có thể được tẩy sạch tội lỗi của mình và được thánh hóa khi chúng ta hối cải.
-
Sau khi Chúa Giê Su bị đóng đinh, Ngài đã phục sinh. Nhờ vào Sự Phục Sinh của Ngài nên chúng ta cũng sẽ đều được phục sinh sau khi chết. Điều này có nghĩa là linh hồn và thể xác của mỗi người sẽ được tái hợp và mỗi người chúng ta sẽ sống vĩnh viễn trong một thể xác hoàn hảo, phục sinh.
Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô
-
Đức tin là nguyên tắc đầu tiên của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô gồm có việc tin tưởng rằng Ngài là Con Trai của Thượng Đế và tin cậy nơi Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.
-
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là một nguyên tắc về hành động và quyền năng.
-
Chúng ta củng cố đức tin của mình bằng cách cầu nguyện, học tập thánh thư và tuân theo các lệnh truyền.
Sự Hối Cải
-
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô dẫn chúng ta đến sự hối cải. Sự hối cải là tiến trình hướng tới Thượng Đế và từ bỏ tội lỗi. Khi chúng ta hối cải, những hành động, ước muốn và ý nghĩ của chúng ta thay đổi để phù hợp hơn với ý muốn của Thượng Đế.
-
Khi chúng ta thành tâm hối cải, Thượng Đế sẽ tha thứ cho chúng ta. Chúng ta có thể được tha thứ vì Chúa Giê Su Ky Tô đã chuộc tội lỗi cho chúng ta.
-
Khi hối cải, chúng ta cảm thấy bình an vì cảm giác tội lỗi và đau khổ của mình được chữa lành.
-
Sự hối cải là một tiến trình suốt đời. Thượng Đế chào đón chúng ta trở lại mỗi khi chúng ta hối cải. Ngài sẽ không bao giờ từ bỏ chúng ta.
Phép Báp Têm: Giao Ước Đầu Tiên của Chúng Ta với Thượng Đế
-
Phép báp têm là cách chúng ta lần đầu tiên lập mối quan hệ giao ước với Thượng Đế.
-
Phép báp têm có hai phần: phép báp têm bằng nước và bằng Thánh Linh. Khi chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận, chúng ta được tẩy sạch tội lỗi của mình và điều này mang đến cho chúng ta một khởi đầu mới trong cuộc sống.
-
Chúng ta chịu phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước, noi theo gương của Chúa Giê Su.
-
Trẻ em không được báp têm cho đến khi chúng tám tuổi. Trẻ em chết trước tuổi đó thì được cứu chuộc nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Chúng ta dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần để tưởng nhớ đến sự hy sinh của Chúa Giê Su và để lập lại các giao ước của chúng ta với Thượng Đế.
Ân Tứ Đức Thánh Linh
-
Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn.
-
Sau khi chịu phép báp têm, chúng ta nhận được ân tứ Đức Thánh Linh qua giáo lễ xác nhận.
-
Khi nhận được ân tứ Đức Thánh Linh, chúng ta có thể có được sự đồng hành của Ngài trong suốt cuộc sống của mình nếu chúng ta thành tín.
-
Đức Thánh Linh thánh hóa chúng ta, hướng dẫn chúng ta, an ủi chúng ta và giúp chúng ta biết được lẽ thật.
Kiên Trì đến Cùng
-
Sự kiên trì chịu đựng gồm có việc tiếp tục vận dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô mỗi ngày. Chúng ta tiếp tục tuân giữ các giao ước của mình với Thượng Đế, hối cải, tìm kiếm sự đồng hành của Đức Thánh Linh và dự phần Tiệc Thánh.
-
Khi chúng ta tìm cách noi theo Chúa Giê Su Ky Tô với lòng thành tín thì Thượng Đế hứa rằng chúng ta sẽ có cuộc sống vĩnh cửu.
Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô Ban Phước Cho Tất Cả Con Cái của Thượng Đế
-
Việc sống theo phúc âm làm gia tăng niềm vui của chúng ta, truyền cảm hứng cho các hành động của chúng ta và làm phong phú thêm các mối quan hệ của chúng ta.
-
Chúng ta gần như có thể cảm thấy hạnh phúc—với tư cách riêng cá nhân mình lẫn chung gia đình—khi chúng ta sống theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Qua phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, các gia đình được ban phước trong cuộc sống này và có thể được kết hợp vĩnh viễn cùng sống nơi hiện diện của Thượng Đế.
Những Câu Hỏi mà Anh Chị Em Có Thể Hỏi Mọi Người
Các câu hỏi sau đây là ví dụ về những câu hỏi mà anh chị em có thể hỏi mọi người. Những câu hỏi này có thể giúp anh chị em có những cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa và hiểu được nhu cầu cũng như quan điểm của một người.
-
Anh (chị, em) biết gì về Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là gì đối với anh (chị, em)?
-
Những thay đổi nào anh (chị, em) muốn thực hiện trong cuộc sống của mình?
-
Anh (chị, em) hiểu như thế nào về sự hối cải?
-
Anh (chị, em) hiểu như thế nào về phép báp têm? Anh (chị, em) có thể làm gì bây giờ để chuẩn bị cho phép báp têm?
-
Đức Thánh Linh có thể giúp anh (chị, em) như thế nào trong hành trình trở về nơi hiện diện của Thượng Đế?
-
Anh (chị, em) hoặc gia đình anh (chị, em) đang gặp phải một thử thách nào? Chúng tôi xin phép được chia sẻ một số cách thức mà phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp đỡ nhé?
Những Lời Mời mà Anh Chị Em Có Thể Đưa Ra
-
Anh (chị, em) sẽ cầu xin Thượng Đế khi cầu nguyện để giúp anh (chị, em) biết rằng những gì chúng tôi đã giảng dạy là chân chính chứ? (Xin xem “Giảng Dạy với Sự Hiểu Biết Thấu Đáo: Cầu Nguyện” trong phần cuối của bài 1.)
-
Anh (chị, em) sẽ tham dự nhà thờ vào Chủ Nhật này để tìm hiểu thêm về những gì chúng tôi đã giảng dạy chứ?
-
Anh (chị, em) sẽ đọc Sách Mặc Môn và cầu nguyện để biết rằng đó là lời của Thượng Đế chứ? (Anh chị em có thể đề nghị các chương hoặc các câu thánh thư cụ thể.)
-
Anh (chị, em) sẽ noi theo gương của Chúa Giê Su và chịu phép báp têm chứ? (Xin xem “Lời Mời Chịu Phép Báp Têm và Được Làm Lễ Xác Nhận,” ngay trước bài 1.)
-
Chúng tôi có thể ấn định giờ cho chuyến thăm tiếp theo của mình không?
Nền Tảng Giáo Lý
Phần này đưa ra giáo lý và các câu thánh thư để anh chị em nghiên cứu nhằm củng cố sự hiểu biết và chứng ngôn của anh chị em về phúc âm cũng như giúp đỡ anh chị em giảng dạy.
Sứ Mệnh Thiêng Liêng của Chúa Giê Su Ky Tô
Cha Thiên Thượng đã gửi Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đến thế gian để làm cho tất cả chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui trong thế giới này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau. “Và đây là phúc âm, tin lành, … rằng [Chúa Giê Su Ky Tô] đã đến với thế gian … để mang tội lỗi của thế gian, và để thánh hóa thế gian, và tẩy sạch nó khỏi mọi sự bất chính; rằng nhờ Ngài mà tất cả đều có thể được cứu rỗi.” (Giáo Lý và Giao Ước 76:40–42).
Là con người trần thế, chúng ta đều phạm tội và chúng ta đều chết. Tội lỗi và cái chết sẽ ngăn cản chúng ta có được cuộc sống vĩnh cửu với Thượng Đế trừ khi chúng ta có một Đấng Cứu Chuộc (xin xem 2 Nê Phi 9). Trước khi thế gian được tạo dựng, Cha Thiên Thượng đã chọn Chúa Giê Su Ky Tô để cứu chuộc chúng ta. Để thể hiện tình yêu thương tột bậc, Chúa Giê Su đã đến thế gian và làm tròn sứ mệnh thiêng liêng này. Ngài đã làm cho chúng ta có thể được cứu chuộc khỏi tội lỗi của mình, và Ngài bảo đảm rằng chúng ta đều sẽ được phục sinh sau khi chết.
Chúa Giê Su Ky Tô sống một cuộc sống không phạm tội. Vào cuối giáo vụ của Ngài trên trần thế, Ngài đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta bằng nỗi đau đớn của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và khi Ngài bị đóng đinh (xin xem 1 Nê Phi 11:33). Nỗi đau đớn của Chúa Giê Su cùng cực đến mức đã khiến cho Ngài “phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông” (Giáo Lý và Giao Ước 19:18). Sau khi bị đóng đinh, Chúa Giê Su đã phục sinh và chiến thắng cái chết. Tất cả những sự kiện này chính là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Các tội lỗi của chúng ta làm cho chúng ta trở nên dơ bẩn về phần thuộc linh, và “không một vật gì dơ bẩn có thể ở được cùng Thượng Đế” (1 Nê Phi 10:21). Ngoài ra, luật công lý đòi hỏi một hậu quả cho tội lỗi của chúng ta.
Sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su ban cho cách thức để chúng ta trở nên được tẩy sạch tội lỗi và được thánh hóa khi chúng ta hối cải. Sự hy sinh này cũng ban cho cách thức để đáp ứng những đòi hỏi của công lý (xin xem An Ma 42:15, 23–24). Đấng Cứu Rỗi phán: “Ta … đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải; Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy” (Giáo Lý và Giao Ước 19:16–17). Nếu không nhờ Chúa Giê Su Ky Tô, thì tội lỗi sẽ chấm dứt mọi hy vọng về cuộc sống mai sau với Cha Thiên Thượng.
Khi phó mạng Ngài để hy sinh cho chúng ta, Chúa Giê Su đã không loại bỏ trách nhiệm cá nhân của chúng ta. Chúng ta cần phải có đức tin nơi Ngài, hối cải và cố gắng tuân theo các lệnh truyền. Khi chúng ta hối cải, Chúa Giê Su sẽ thay mặt chúng ta đòi quyền thương xót của Ngài nơi Cha Ngài (xin xem Mô Rô Ni 7:27–28). Nhờ sự can thiệp của Đấng Cứu Rỗi nên Cha Thiên Thượng đã tha thứ cho chúng ta, giảm bớt gánh nặng và mặc cảm tội lỗi của chúng ta (xin xem Mô Si A 15:7–9). Chúng ta được thanh tẩy về phần thuộc linh và cuối cùng có thể được chào đón vào nơi hiện diện của Thượng Đế.
Sứ mệnh thiêng liêng của Chúa Giê Su cũng là để cứu chúng ta khỏi cái chết. Nhờ vào Chúa Giê Su đã được phục sinh nên chúng ta đều sẽ được phục sinh sau khi chết. Điều này có nghĩa là linh hồn và thể xác của mỗi người sẽ được tái hợp và mỗi người chúng ta sẽ sống vĩnh viễn trong một thể xác hoàn hảo, phục sinh. Nếu không nhờ Chúa Giê Su Ky Tô, thì cái chết sẽ chấm dứt mọi hy vọng về một cuộc sống mai sau với Cha Thiên Thượng.
Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô
Nguyên tắc đầu tiên của phúc âm là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đức tin là nền tảng cho tất cả các nguyên tắc phúc âm khác.
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô gồm có việc tin tưởng rằng Ngài là Con Trai Độc Sinh của Thượng Đế. Điều này gồm có việc tin cậy nơi Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta—rằng Ngài là con đường độc nhất của chúng ta để trở về nơi hiện diện của Thượng Đế (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 4:10–12; Mô Si A 3:17; 4:6–8). Chúng ta được mời vận dụng “đức tin nơi Ngài không bị lay chuyển và sự trông cậy hoàn toàn vào công nghiệp của Đấng có quyền năng cứu rỗi” (2 Nê Phi 31:19).
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô gồm có sự tin tưởng rằng Ngài đã chịu đau khổ vì tội lỗi của chúng ta trong sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Nhờ vào sự hy sinh của Ngài nên chúng ta mới có thể được thanh tẩy và cứu chuộc khi chúng ta hối cải. Sự thanh tẩy này giúp chúng ta tìm thấy bình an và hy vọng trong cuộc sống này. Nó cũng cho phép chúng ta nhận được niềm vui trọn vẹn sau khi chết.
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô gồm có sự tin tưởng rằng qua Ngài, chúng ta đều sẽ được phục sinh sau khi chết. Đức tin này có thể nâng đỡ và an ủi chúng ta trong những lúc mất người thân. Nỗi buồn phiền về cái chết có thể bị xua tan bởi lời hứa được phục sinh.
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô gồm có việc tin tưởng và tin cậy rằng Ngài đã gánh lấy những nỗi khổ sở và bệnh tật của chúng ta (xin xem Ê Sai 53:3–5). Qua kinh nghiệm, Ngài biết cách thương xót và giúp chúng ta vượt qua những thử thách của cuộc sống (xin xem An Ma 7:11–12; Giáo Lý và Giao Ước 122:8). Khi chúng ta vận dụng đức tin, Ngài giúp chúng ta tiến bước qua những khó khăn.
Qua đức tin của chúng ta nơi Ngài, Chúa Giê Su có thể chữa lành chúng ta về mặt thể chất và thuộc linh. Ngài luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta khi chúng ta nhớ tới lời mời gọi của Ngài là “hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi” (Giáo Lý và Giao Ước 6:36).
Một Nguyên Tắc về Hành Động và Quyền Năng
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô dẫn đến hành động. Chúng ta cho thấy đức tin của mình bằng cách tuân theo các giáo lệnh và làm việc thiện mỗi ngày. Chúng ta hối cải tội lỗi của mình. Chúng ta trung thành với Ngài. Chúng ta cố gắng trở nên giống như Ngài hơn.
Khi vận dụng đức tin, chúng ta có thể cảm nhận được quyền năng của Chúa Giê Su trong cuộc sống hằng ngày của mình. Ngài sẽ gia tăng những nỗ lực tốt nhất của chúng ta. Ngài sẽ giúp chúng ta tăng trưởng và chống lại cám dỗ.
Củng Cố Đức Tin của Chúng Ta
Tiên Tri An Ma đã dạy rằng việc xây đắp đức tin có thể bắt đầu bằng việc chỉ là “muốn tin” (An Ma 32:27). Sau đó, để đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô phát triển, chúng ta cần nuôi dưỡng đức tin đó bằng cách học hỏi những lời của Ngài, áp dụng những điều giảng dạy của Ngài và tuân theo các lệnh truyền của Ngài. An Ma đã dạy rằng khi chúng ta kiên nhẫn, nuôi dưỡng lời của Thượng Đế trong lòng mình một cách chuyên tâm thì “nó sẽ mọc rễ và sẽ trở thành một cây lớn mạnh cho tới cuộc sống vĩnh viễn”—do đó củng cố đức tin của chúng ta (An Ma 32:41; xin xem các câu 26–43).
Sự Hối Cải
Sự Hối Cải Là Gì?
Sự Hối Cải là nguyên tắc thứ hai của phúc âm. Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tình yêu kính của chúng ta đối với Ngài sẽ đưa dẫn chúng ta đến sự hối cải (xin xem Hê La Man 14:13). Sự hối cải là tiến trình hướng tới Thượng Đế và từ bỏ tội lỗi. Khi chúng ta hối cải, những hành động, ước muốn và ý nghĩ của chúng ta thay đổi để phù hợp hơn với ý muốn của Thượng Đế. Sự tha thứ tội lỗi có thể thực hiện được nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài.
Sự hối cải không chỉ là vận dụng sức mạnh ý chí để thay đổi một hành vi hoặc khắc phục một sự yếu kém. Sự hối cải là chân thành hướng tới Đấng Ky Tô, là Đấng ban cho chúng ta quyền năng để cảm nhận được một “sự thay đổi lớn lao” trong lòng mình (An Ma 5:12–14). Khi trải qua sự thay đổi này trong lòng, chúng ta được sinh lại về phần thuộc linh (xin xem Mô Si A 27:24–26).
Qua sự hối cải, chúng ta phát triển một cái nhìn mới mẻ về Thượng Đế, bản thân mình và thế gian. Chúng ta cảm thấy một lần nữa tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta với tư cách là con cái của Ngài—và tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta. Cơ hội hối cải là một trong những phước lành lớn nhất mà Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta qua Vị Nam Tử của Ngài.
Tiến Trình của Sự Hối Cải
Khi hối cải, chúng ta nhận ra tội lỗi của mình và cảm thấy hối hận thực sự. Chúng ta thú nhận tội lỗi của mình với Thượng Đế và cầu xin Ngài tha thứ. Chúng ta cũng thú nhận những tội lỗi rất nghiêm trọng với các vị lãnh đạo Giáo Hội là những người sẽ giúp đỡ chúng ta khi chúng ta hối cải. Chúng ta làm những gì có thể làm để bồi thường, nghĩa là cố gắng sửa đổi những vấn đề mà hành động của chúng ta có thể đã gây ra. Sự hối cải thật sự được cho thấy tốt nhất bằng những hành động ngay chính trong một thời gian.
Sự hối cải là một tiến trình hằng ngày trong suốt cuộc đời chúng ta. “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô Ma 3:23). Chúng ta nên liên tục hối cải, ghi nhớ rằng chúng ta “có thể làm được mọi sự nhờ Đấng Ky Tô ban thêm sức cho” chúng ta (Phi Líp 4:13). Chúa đã cam đoan với chúng ta rằng “bất cứ lúc nào dân của ta biết hối cải, thì ta sẽ tha thứ cho họ về những điều họ đã xúc phạm cùng ta” (Mô Si A 26:30).
Các Phước Lành của Sự Hối Cải
Sự hối cải là một nguyên tắc tích cực mang lại niềm vui và sự bình an. Nó mang chúng ta “đến quyền năng của Đấng Cứu Chuộc và dẫn đến sự cứu rỗi linh hồn [chúng ta]” (Hê La Man 5:11).
Khi chúng ta hối cải, cảm giác tội lỗi và đau khổ của mình sẽ được chữa lành theo thời gian. Chúng ta cảm thấy ảnh hưởng của Thánh Linh một cách dồi dào hơn. Ước muốn của chúng ta để noi theo Thượng Đế trở nên mạnh mẽ hơn.
“Có quá nhiều người coi sự hối cải là hình phạt—một điều gì đó nên tránh. … Nhưng cảm giác bị trừng phạt này là do Sa Tan gây ra. Nó cố gắng ngăn chúng ta tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng với vòng tay mở rộng đang hy vọng và sẵn lòng chữa lành, tha thứ, gột sạch, củng cố, thanh tẩy và thánh hóa chúng ta” (Russell M. Nelson, “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Thành Người Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67).
Phép Báp Têm: Giao Ước Đầu Tiên của Chúng Ta với Thượng Đế
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải chuẩn bị chúng ta cho các giáo lễ báp têm và xác nhận. Phép Báp Têm là giáo lễ cứu rỗi đầu tiên của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi tiếp nhận giáo lễ đầy hy vọng và vui mừng này, chúng ta lập giao ước đầu tiên với Thượng Đế.
Một giáo lễ là một hành động hay nghi lễ thiêng liêng được thực hiện bởi thẩm quyền của chức tư tế. Một số giáo lễ, như phép báp têm, là thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta.
Qua các giáo lễ, chúng ta lập giao ước với Thượng Đế. Các giao ước này là những lời hứa thiêng liêng giữa chúng ta và Thượng Đế. Ngài hứa ban phước cho chúng ta khi chúng ta tuân giữ những lời hứa của mình với Ngài. Chúng ta nên có một cam kết mạnh mẽ để tuân giữ những lời hứa của mình với Thượng Đế.
Thượng Đế đã ban cho các giáo lễ và giao ước để giúp chúng ta đến cùng Ngài và có được cuộc sống vĩnh cửu. Khi nhận được các giáo lễ của chức tư tế và tuân giữ các giao ước liên quan, chúng ta có thể cảm nhận được “quyền năng của sự tin kính” trong cuộc sống của mình (Giáo Lý và Giao Ước 84:20).
Giao Ước Báp Têm
Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng phép báp têm là cần thiết cho chúng ta để bước vào vương quốc thiên thượng của Thượng Đế (xin xem Giăng 3:5). Chúng ta cũng cần phải trở thành tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta nêu gương bằng cách chịu phép báp têm (xin xem Ma Thi Ơ 3:13–17).
Khi chúng ta chịu phép báp têm và tuân giữ giao ước của mình thì Thượng Đế hứa sẽ tha thứ tội lỗi của chúng ta (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 22:16; 3 Nê Phi 12:1–2). Phước lành lớn lao này có thể thực hiện được nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng “yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta” (Khải Huyền 1:5). Thượng Đế cũng hứa ban phước cho chúng ta với sự đồng hành của Đức Thánh Linh để chúng ta có thể được thánh hóa, hướng dẫn và an ủi.
Trong phần vụ của mình trong giao ước báp têm, chúng ta làm chứng rằng chúng ta sẵn lòng mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cũng hứa sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Chúng ta hứa sẽ yêu thương và phục vụ những người khác, “than khóc với những ai than khóc; … an ủi những ai cần được an ủi và đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu” (Mô Si A 18:9; xin xem các câu 8–10, 13). Chúng ta bày tỏ quyết tâm phục vụ Chúa Giê Su Ky Tô cho đến cuối đời (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:37; Mô Si A 2:17).
Những cam kết giao ước của chúng ta liên quan đến phép báp têm là một trách nhiệm lớn lao. Chúng cũng truyền cảm hứng và đầy vui mừng. Chúng tạo ra một mối quan hệ đặc biệt giữa chúng ta và Cha Thiên Thượng mà qua đó Ngài luôn luôn ban cho tình yêu thương của Ngài.
Phép Báp Têm bằng cách Dìm Mình Xuống Nước
Chúa Giê Su đã dạy rằng chúng ta cần phải chịu phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi của mình (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:72–74). Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước tượng trưng cho cái chết, sự chôn cất và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Rô Ma 6:3–6).
Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước cũng có biểu tượng mạnh mẽ đối với cá nhân chúng ta. Phép báp têm tượng trưng cho cái chết của cuộc sống cũ của chúng ta, sự chôn cất của cuộc sống đó và sự trổi dậy của chúng ta vì được sinh lại phần thuộc linh. Khi chịu phép báp têm, chúng ta bắt đầu tiến trình được sinh lại và trở thành các con trai và con gái linh hồn của Đấng Ky Tô (xin xem Mô Si A 5:7–8; Rô Ma 8:14–17).
Các Trẻ Em
Các trẻ em không được báp têm cho đến khi chúng đủ tuổi chịu trách nhiệm, tức là tám tuổi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 68:27). Những đứa trẻ chết trước độ tuổi đó đều được cứu chuộc nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 8:4–24; Giáo Lý và Giao Ước 137:10). Trước khi các trẻ em chịu phép báp têm, chúng nên được giảng dạy phúc âm để chúng sẽ được chuẩn bị cho bước quan trọng này trong cuộc sống của chúng nhằm lập giao ước với Thượng Đế.
Tiệc Thánh
Cha Thiên Thượng của chúng ta muốn chúng ta phải thành tín với các giao ước mà chúng ta lập với Ngài. Để giúp chúng ta làm điều này, Ngài đã truyền lệnh cho chúng ta phải thường xuyên nhóm họp để dự phần Tiệc Thánh. Tiệc Thánh là một giáo lễ của chức tư tế mà Chúa Giê Su đã giới thiệu cho Các Sứ Đồ của Ngài ngay trước khi Ngài thực hiện Sự Chuộc Tội.
Việc dự phần Tiệc Thánh là mục đích chính của lễ Tiệc Thánh mỗi tuần. Bánh và nước được ban phước và chuyền đến giáo đoàn. Bánh tượng trưng cho sự hy sinh thể xác của Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta. Nước tượng trưng cho máu của Ngài, mà Ngài đã đổ ra cho chúng ta.
Chúng ta dự phần các biểu tượng này để tưởng nhớ đến sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi và để lập lại các giao ước của chúng ta với Thượng Đế. Một lần nữa chúng ta nhận được lời hứa rằng Thánh Linh sẽ ở cùng chúng ta.
Ân Tứ Đức Thánh Linh
Tiếp Nhận Ân Tứ Đức Thánh Linh
Phép báp têm có hai phần. Chúa Giê Su đã dạy rằng chúng ta cần phải “nhờ nước và Thánh Linh mà sanh” để bước vào vương quốc của Thượng Đế (Giăng 3:5; sự nhấn mạnh được thêm vào). Joseph Smith đã dạy: “Phép báp têm bằng nước chỉ là một nửa phép báp têm, và không mang lại lợi ích gì nếu không có nửa kia—tức là phép báp têm bằng Đức Thánh Linh” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch của Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 95).
Phép báp têm bằng nước cần phải được tiếp theo sau bởi phép báp têm của Thánh Linh để được đầy đủ. Khi nhận được cả hai phép báp têm thì chúng ta được tẩy sạch tội lỗi và được sinh lại về phần thuộc linh. Sau đó, chúng ta bắt đầu một cuộc sống thuộc linh mới với tư cách là môn đồ của Đấng Ky Tô.
Chúng ta tiếp nhận phép báp têm bằng Thánh Linh qua một giáo lễ gọi là lễ xác nhận. Giáo lễ này được thực hiện bởi một hoặc nhiều người nắm giữ chức tư tế là những người đặt tay lên đầu chúng ta. Đầu tiên họ xác nhận chúng ta là tín hữu của Giáo Hội, rồi họ truyền giao ân tứ Đức Thánh Linh cho chúng ta. Đây cũng là giáo lễ được nhắc đến trong Kinh Tân Ước và Sách Mặc Môn (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 8:14–17; 3 Nê Phi 18:36–37).
Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn. Ngài làm việc trong sự hiệp nhất với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Khi nhận được ân tứ Đức Thánh Linh, chúng ta có thể có được sự đồng hành của Ngài trong suốt cuộc sống của mình khi chúng ta thành tín.
Cách Đức Thánh Linh Ban Phước Cho Chúng Ta
Ân tứ Đức Thánh Linh là một trong các ân tứ quý báu nhất của Cha Thiên Thượng. Đức Thánh Linh tẩy sạch và thánh hóa chúng ta, làm cho chúng ta trở nên thánh thiện hơn, hoàn thiện hơn, giống như Thượng Đế hơn (xin xem 3 Nê Phi 27:20). Ngài giúp chúng ta thay đổi và phát triển về phần thuộc linh khi chúng ta cố gắng tuân theo các giới luật của Thượng Đế.
Đức Thánh Linh giúp chúng ta học hỏi và nhận ra lẽ thật (xin xem Mô Rô Ni 10:5). Ngài cũng xác nhận lẽ thật với tâm trí của chúng ta. Ngoài ra, Đức Thánh Linh cũng giúp chúng ta giảng dạy lẽ thật (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:14). Khi chúng ta học hỏi và giảng dạy lẽ thật bằng quyền năng của Đức Thánh Linh, thì Ngài mang lẽ thật đó vào lòng chúng ta (xin xem 2 Nê Phi 33:1).
Khi chúng ta khiêm nhường tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh thì Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta (xin xem 2 Nê Phi 32:5). Điều này gồm có việc thúc giục chúng ta về cách chúng ta có thể phục vụ những người khác.
Đức Thánh Linh ban cho sức mạnh thuộc linh để giúp chúng ta khắc phục sự yếu kém. Ngài giúp chúng ta chống lại cám dỗ. Ngài có thể cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm thuộc linh và thể chất.
Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta vượt qua những thử thách của cuộc sống. Ngài sẽ an ủi chúng ta trong lúc thử thách hay đau buồn, làm cho lòng chúng ta tràn đầy hy vọng (xin xem Mô Rô Ni 8:26). Qua Đức Thánh Linh, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế dành cho mình.
Kiên Trì đến Cùng
Khi chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận, chúng ta lập giao ước với Thượng Đế. Ngoài những điều khác ra, chúng ta còn hứa sẽ tuân giữ các giáo lệnh của Ngài và phục vụ Ngài cho đến hết cuộc đời (xin xem Mô Si A 18:8–10, 13; Giáo Lý và Giao Ước 20:37).
Sau khi đã bước vào con đường phúc âm qua phép báp têm và lễ xác nhận, chúng ta dốc hết nỗ lực để ở trên con đường đó. Khi lạc lối dù chỉ một chút, chúng ta cũng vận dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô để hối cải. Phước lành của sự hối cải cho phép chúng ta trở lại con đường phúc âm và giữ lại các phước lành của các giao ước của chúng ta lập với Thượng Đế. Khi chúng ta thành tâm hối cải, Thượng Đế luôn sẵn lòng tha thứ và đón nhận chúng ta trở về.
Sự kiên trì đến cùng có nghĩa là luôn thành tín với Thượng Đế cho đến cuối cuộc đời của chúng ta—qua những thời gian thuận lợi lẫn thời gian khó khăn, qua lúc thịnh vượng lẫn lúc nghịch cảnh. Chúng ta khiêm nhường để cho Đấng Ky Tô uốn nắn chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giống Ngài hơn. Chúng ta hướng về Đấng Ky Tô với đức tin, sự tin cậy và hy vọng bất kể điều gì xảy đến trong cuộc sống của mình.
Sự kiên trì đến cùng không chỉ có nghĩa là bám chắc cho đến khi chúng ta chết. Thay vì thế, nó có nghĩa là tập trung cuộc sống, ý nghĩ và hành động của chúng ta vào Chúa Giê Su Ky Tô. Nó gồm có việc tiếp tục vận dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô mỗi ngày. Chúng ta cũng tiếp tục hối cải, tuân giữ các giao ước của mình với Thượng Đế và tìm kiếm sự đồng hành của Đức Thánh Linh.
Sự kiên trì đến cùng gồm có “[việc] tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người.” Cha Thiên Thượng của chúng ta hứa rằng khi chúng ta kiên trì đến cùng thì chúng ta “sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu” (2 Nê Phi 31:20).
Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô Ban Phước Cho Tất Cả Con Cái của Thượng Đế
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là dành cho tất cả con cái của Thượng Đế. Thánh thư dạy rằng “tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế” bất kể gốc tích hay hoàn cảnh của chúng ta. Ngài mời gọi “mọi người … đến cùng Ngài và thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài; Ngài không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài” (2 Nê Phi 26:33).
Phúc âm ban phước cho chúng ta trong suốt cuộc sống trần thế của mình và trong suốt thời vĩnh cửu. Chúng ta gần như có thể cảm thấy hạnh phúc—với tư cách riêng cá nhân lẫn chung gia đình—khi chúng ta sống theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mô Si A 2:41; “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Việc sống theo phúc âm làm gia tăng niềm vui của chúng ta, truyền cảm hứng cho các hành động của chúng ta và làm phong phú thêm các mối quan hệ của chúng ta.
Việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cũng có thể bảo vệ chúng ta khỏi những lựa chọn có thể gây tai hại cho chúng ta về mặt thể chất hoặc thuộc linh. Nó giúp chúng ta tìm thấy sức mạnh và sự an ủi trong những lúc thử thách và đau buồn. Nó cung cấp con đường dẫn đến một cuộc sống vĩnh cửu vui vẻ.
Một trong những sứ điệp quan trọng của phúc âm phục hồi là chúng ta đều thuộc vào gia đình của Thượng Đế. Chúng ta là các con trai và con gái yêu dấu của Ngài. Bất kể hoàn cảnh gia đình của chúng ta trên thế gian như thế nào đi nữa thì mỗi người chúng ta đều thuộc vào gia đình của Thượng Đế.
Một phần quan trọng khác trong sứ điệp của chúng ta là các gia đình có thể được kết hợp suốt thời vĩnh cửu. Gia đình là do Thượng Đế quy định. Kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng làm cho mối quan hệ gia đình có thể được tồn tại sau cái chết. Các giáo lễ và giao ước thiêng liêng trong đền thờ làm cho các gia đình có thể được sống chung với nhau vĩnh viễn.
Qua ánh sáng của phúc âm, các gia đình có thể giải quyết những sự hiểu lầm, tranh cãi và thử thách. Các gia đình bị chia rẽ bởi sự bất hòa có thể được chữa lành nhờ vào sự hối cải, sự tha thứ và đức tin nơi quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta phát triển các mối quan hệ gia đình được vững mạnh hơn. Mái ấm gia đình là nơi tốt nhất để giảng dạy và học hỏi các nguyên tắc phúc âm. Một mái ấm gia đình được thiết lập trên các nguyên tắc phúc âm sẽ là một nơi trú ẩn và an toàn. Đó sẽ là nơi mà Thánh Linh của Chúa có thể ngự trị.
Đại Cương Ngắn hoặc Trung Bình cho Bài Học
Đại cương sau đây là một ví dụ mẫu về những gì anh chị em có thể giảng dạy cho một người nào đó nếu anh chị em chỉ có một khoảng thời gian ngắn. Khi sử dụng đại cương này, hãy chọn một hoặc nhiều nguyên tắc hơn để giảng dạy. Nền tảng giáo lý cho mỗi nguyên tắc đã được đưa ra trước đó trong bài học.
Khi anh chị em giảng dạy, hãy đặt câu hỏi và lắng nghe. Đưa ra những lời mời mà sẽ giúp mọi người học cách đến gần Thượng Đế hơn. Một lời mời quan trọng là để người đó gặp lại anh chị em. Thời lượng bài học dài hay ngắn sẽ tùy thuộc vào các câu hỏi mà anh chị em hỏi và cách anh chị em lắng nghe.
Những Điều mà Anh Chị Em Có Thể Giảng Dạy từ 3 đến 10 Phút
-
Thượng Đế đã gửi Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đến thế gian để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết.
-
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là một nguyên tắc về hành động và quyền năng. Đức tin giúp chúng ta cảm nhận được quyền năng củng cố của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình.
-
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô dẫn chúng ta đến sự hối cải. Sự hối cải là tiến trình hướng tới Thượng Đế và từ bỏ tội lỗi. Khi chúng ta hối cải, những hành động, ước muốn và ý nghĩ của chúng ta thay đổi để phù hợp hơn với ý muốn của Thượng Đế.
-
Khi chúng ta hối cải, Thượng Đế sẽ tha thứ cho chúng ta. Chúng ta có thể được tha thứ vì Chúa Giê Su Ky Tô đã chuộc tội lỗi cho chúng ta.
-
Phép báp têm có hai phần: phép báp têm bằng nước và bằng Thánh Linh. Khi chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận, chúng ta được tẩy sạch tội lỗi của mình và điều này mang đến cho chúng ta một khởi đầu mới trong cuộc sống.
-
Sau khi chịu phép báp têm bằng nước, chúng ta nhận được ân tứ Đức Thánh Linh qua giáo lễ xác nhận.
-
Khi chúng ta thành tín đi theo con đường phúc âm cho đến cuối cuộc đời mình thì Thượng Đế hứa rằng chúng ta sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.