Những Sự Kêu Gọi trong Phái Bộ Truyền Giáo
Sử Dụng Công Nghệ Một Cách Khôn Ngoan: Trách Nhiệm Giải Trình đối với Thiết Bị


Sử Dụng Công Nghệ Một Cách Khôn Ngoan: Trách Nhiệm Giải Trình đối với Thiết Bị

Phát triển và củng cố các thói quen sử dụng công nghệ của anh chị em bằng cách tạo cơ hội nâng cao trách nhiệm giải trình của anh chị em với bản thân, với người bạn đồng hành, với các lãnh đạo phái bộ truyền giáo và với Chúa. Những thói quen này sẽ ban phước cho việc sử dụng công nghệ của anh chị em trong khi phục vụ truyền giáo và trong suốt cuộc đời của anh chị em.

Trách nhiệm giải trình, hoặc chịu “trách nhiệm đối với động cơ, thái độ, ước muốn và hành động của [chính bản thân] mình (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Trách Nhiệm,” Thư Viện Phúc Âm), là một bước quan trọng để sử dụng công nghệ một cách khôn ngoan và phát triển các thói quen sử dụng công nghệ ngay chính trong suốt cuộc đời. Nếu không có trách nhiệm giải trình, thì rất dễ rơi vào những thói quen sử dụng công nghệ gây lãng phí thời gian và có hại mà không suy nghĩ nhiều. Việc xây dựng các thói quen tích cực đòi hỏi nỗ lực và sự tự giác.

Anh chị em có thể nâng cao khả năng tự giác và sự an toàn của mình thông qua một số phương tiện: tính năng quản lý thời gian (như Digital Well-Being), các tính năng lọc thiết bị, sử dụng công nghệ với sự hiện diện của người khác, và đánh giá trách nhiệm giải trình đối với thiết bị với người bạn đồng hành và người khác. (Xin xem Những Tiêu Chuẩn Truyền Giáo dành cho Các Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, đoạn 7.5.2.)

Tìm kiếm sự hướng dẫn từ những người lãnh đạo truyền giáo và người bạn đồng hành của anh chị em về cách tiếp tục cải thiện việc sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và ngay chính. Thường xuyên ôn lại phần “Tuân Thủ Các Biện Pháp An Toàn khi Sử Dụng Công Nghệ” trong chương 2 của Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023, trang 20–22) và các bài học Xây Dựng Các Biện Pháp An Toàn cho Việc Sử Dụng Công Nghệ. Hãy đảm bảo rằng anh chị em có một kế hoạch hành động mới nhất. (Xin xem phần “Lập và Tuân Theo một Kế Hoạch Hành Động” trong Tài Liệu Hướng Dẫn Người Truyền Giáo: Giải Quyết Vấn Đề về Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm; xin xem thêm các bài học Xây Dựng Các Biện Pháp An Toàn.)

Làm thế nào tôi có thể có trách nhiệm nhiều hơn với bản thân và với Chúa?

Chị Linda S. Reeves đã dạy rằng “các bộ lọc là những công cụ hữu ích, nhưng bộ lọc quan trọng nhất trên thế gian, là bộ lọc duy nhất mà cuối cùng sẽ được hữu hiệu, chính là bộ lọc nội bộ cá nhân xuất phát từ một chứng ngôn sâu sắc và vĩnh cửu về tình yêu thương của Cha Thiên Thượng cũng như sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi dành cho mỗi người chúng ta” (“Sự Bảo Vệ Khỏi Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm—Một Gia Đình Tập Trung vào Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 16).

Giúp củng cố bộ lọc cá nhân theo những cách thức sau đây:

  • Cân nhắc những điều anh chị em có thể làm bây giờ để củng cố bộ lọc cá nhân của mình.

  • Tận dụng các tính năng Digital Well-Being có sẵn trên điện thoại của anh chị em để quản lý thời lượng anh chị em sử dụng các ứng dụng khác nhau và điều chỉnh các cài đặt nếu cần.

  • So sánh thời lượng anh chị em sử dụng các ứng dụng khác nhau với cách các ứng dụng này giúp anh chị em tìm thấy niềm vui và hoàn thành mục đích truyền giáo của mình.

  • Hãy suy ngẫm trong lời cầu nguyện về cách sử dụng công nghệ của anh chị em. Hãy lưu ý đến bất cứ cách thức nào anh chị em cảm thấy được soi dẫn để thay đổi.

Làm thế nào tôi có thể có tránh nhiệm hơn với người bạn đồng hành và các lãnh đạo truyền giáo của mình?

Để giúp đỡ lẫn nhau sử dụng công nghệ một cách an toàn và hiệu quả:

  • Hãy xem lại các bài đăng trên mạng xã hội hoặc các tin nhắn văn bản với người bạn đồng hành trước khi anh chị em gửi tin nhắn hoặc đăng bài.

  • Hãy bảo đảm rằng người bạn đồng hành luôn thấy điện thoại thông minh của anh chị em trừ khi anh chị em đang có cuộc trò chuyện riêng với gia đình hoặc người lãnh đạo phái bộ truyền giáo của mình.

  • Hãy khuyến khích nhau sống theo bốn biện pháp an toàn được mô tả trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta (trang 20–21).

  • Xem lại thiết bị của nhau và thảo luận về các câu hỏi và mối lo ngại.

Những phương thức này có thể tạo ra một văn hóa cởi mở bởi vì “hầu như tất cả những thử thách liên quan tới Internet hoặc với hình ảnh sách báo khiêu dâm đều xảy ra trong khi ở một mình” (Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 21).

Khi nào tôi thực hiện việc xem xét trách nhiệm giải trình đối với thiệt bị?

Cặp bạn đồng hành nên thường xuyên kiểm tra thiết bị của nhau. Việc kiểm tra này có thể được gồm vào trong hoạch định hằng tuần của anh chị em.

Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta mời anh chị em “hãy giúp phái bộ truyền giáo của anh chị em phát triển một văn hóa đoàn kết, tin cậy, có trách nhiệm giải trình và lòng trắc ẩn để anh chị em có thể củng cố và hỗ trợ lẫn nhau” (trang 21).

Tôi nên kiểm tra điều gì trên thiết bị của người bạn đồng hành?

Khi anh chị em kiểm tra thiết bị của người bạn đồng hành, hãy tôn trọng thông tin cá nhân của người đó bằng cách không xem những email, nhật ký, và ghi chú cá nhân. Cân nhắc những điều sau đây khi anh chị em thực hiện việc kiểm tra:

  • Anh chị em thấy được bằng chứng nào về việc sử dụng công nghệ một cách tích cực và hiệu quả?

  • Thiết bị này có phải là một điện thoại thông minh đã được chấp thuận mà được đăng ký hợp lệ trong các biện pháp bảo vệ của Giáo Hội không? Nếu điện thoại thông minh được đăng ký hợp lệ, nó sẽ hiển thị “Thiết bị này được quản lý (hoặc thuộc sở hữu) bởi tổ chức của anh chị em” trên màn hình khóa.

  • Xem xét và thảo luận các số liệu thống kê gần đây trên Digital Well-Being của họ. Hãy thảo luận những điều đang diễn ra tốt và những thử thách mà họ có thể đang gặp phải. Hãy hỏi về cách anh chị em hoặc các lãnh đạo phái bộ truyền giáo của anh chị em có thể giúp đỡ và cung ứng sự hỗ trợ tốt nhất.

Nếu chúng tôi dùng chung một thiết bị, làm thế nào người bạn đồng hành của tôi và tôi có thể thực hiện việc kiểm tra thiết bị?

Nếu anh chị em phục vụ trong một phái bộ truyền giáo nơi anh chị em và người bạn đồng hành của mình dùng chung một cái điện thoại thông minh, thì anh chị em có thể cùng nhau xem lại những điều tương tự được liệt kê ở trên hoặc nhờ cặp bạn đồng hành khác để kiểm tra điện thoại của anh chị em.

Nếu tôi tìm thấy điều gì đó đáng lo ngại trên thiết bị hoặc phương tiện truyền thông xã hội của người truyền giáo kia thì sao?

Hãy nhạy bén và thận trọng khi anh chị em kiểm tra thiết bị của người truyền giáo kia. Nếu thấy có điều gì đáng lo ngại, anh chị em có thể hỏi người truyền giáo đó một vài câu hỏi cơ bản theo cách không đe dọa và không phán xét. Cho họ cơ hội để chịu trách nhiệm giải trình và nhận lấy trách nhiệm bằng cách xin chủ tịch phái bộ truyền giáo để được giúp đỡ. Bày tỏ tình yêu thương và sự hỗ trợ. Nếu anh chị em vẫn cảm thấy lo ngại sau khi nói chuyện với người truyền giáo đó hoặc họ không sẵn lòng thảo luận vấn đề với chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em, hãy xin chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em để được giúp đỡ.

Không chia sẻ những vấn đề cá nhân với những người truyền giáo khác (xin xem phần “Hãy Hiệp Làm Một” trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 21). Nếu những gì anh chị em tìm thấy trên thiết bị của người bạn đồng hành có ảnh hưởng tiêu cực hoặc khiến anh chị em xao lãng, thì điều quan trọng là hãy minh bạch và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người khác. Hãy tìm đến chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em để được hỗ trợ.

In