Các Chương Trình Phát Sóng Thường Niên
Những Người Đại Diện của Ngài


Những Người Đại Diện của Ngài

Buổi Phát Sóng Chương Trình Huấn Luyện Thường Niên dành cho Lớp Giáo Lý & Viện Giáo Lý Năm 2022 với Chủ Tịch Ballard

Thứ Sáu, ngày 21 tháng Một năm 2022

Có lần, tôi xếp hàng phía sau một giáo sĩ Do Thái tại một sân bay. Đứng trước ông là một người đàn ông đang cầm hộ chiếu Mexico, đang đi cùng với đứa con gái nhỏ của anh ấy. Và trước mặt người đàn ông là một người Mỹ mặc áo thi đấu và đội mũ của các đội thể thao yêu thích của mình. Tôi bắt đầu tự hỏi, tôi có nhiều điểm chung nhất với ai trong ba người này? Đầu tiên tôi nghĩ có lẽ là người Mỹ. Chúng tôi có lẽ đã có những kinh nghiệm rất giống nhau khi lớn lên, và cả hai chúng tôi có lẽ đã dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm về đội yêu thích của mình. Rồi tôi cân nhắc về người đàn ông thứ hai trong hàng. Vì tình yêu của tôi dành cho Mexico, nên rất có thể chúng tôi yêu thích cùng một món ăn và cùng một ban nhạc mariachi. Nhưng hơn thế nữa, tôi đã cảm thấy mối liên hệ với người đàn ông ấy khi tôi nhìn thấy người đàn ông ấy tương tác với con gái của anh ấy và nghĩ về việc làm cha của sáu đứa con gái của tôi. Cuối cùng, tôi nghĩ về vị giáo sĩ. Hầu hết mọi người nhìn thấy chúng tôi trong hàng có thể không nghĩ rằng chúng tôi có nhiều điểm chung. Nhưng tôi và ông ấy có chung một mối ràng buộc trong ước muốn dâng hiến cuộc đời mình để phục vụ Thượng Đế, học hỏi và giảng dạy lời Ngài, và cố gắng tuân theo các lệnh truyền của Ngài.

Trong khi vẫn còn suy nghĩ về câu hỏi của mình, khi lên máy bay, tôi lấy ra một tờ giấy và bắt đầu viết. Tôi bắt đầu với những từ đơn giản: “Tôi là …” Rồi tôi đã viết ra tất cả mọi điều nảy ra trong tâm trí tôi. Tôi là con của Thượng Đế, một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, một người chồng. Tôi đã viết xuống những đặc điểm, mối quan hệ, những sự kêu gọi trong Giáo Hội, và những chỉ định công việc. Tôi thêm vào các sở thích như: “Tôi là một fan hâm mộ nhạc Motown và phô mai raclette.” Trước khi kết thúc, tôi đã viết được gần 300 cách để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” Sau đó, tôi sắp xếp các câu trả lời của mình theo thứ tự câu trả lời nào là quan trọng nhất trong việc xác định sự tập trung và ưu tiên trong cuộc sống của tôi. Ví dụ, trong khi tôi vừa là một người ông vừa là một người chơi gôn dễ nóng tính, thì việc tôi đặt bổn phận làm ông lên hàng đầu tiên trong bản liệt kê của mình và tình yêu với môn đánh gôn gần cuối nhắc tôi nhớ rằng tôi cần phải dành thời gian và công sức của mình để chọn điều gì nếu những điều đó xung đột với nhau.

Một thời gian sau, tôi bắt đầu hiểu rõ hơn lý do tại sao kinh nghiệm này lại có ý nghĩa rất lớn đối với tôi khi tôi đọc về lời Chủ Tịch Henry B. Eyring đã nói: “Cách anh chị em trả lời câu hỏi mình là ai sẽ quyết định hầu như tất cả mọi điều.” 1

Gần đây hơn, tôi suy ngẫm về câu hỏi này và suy nghĩ về học viên của chúng ta. Tôi lấy ra một tờ giấy khác và bắt đầu viết—bắt đầu lần này với những lời đơn giản: “Các học viên của chúng ta là …”

Tôi tin rằng các học viên của chúng ta là những người mà các vị tiên tri đã nói. Họ là con cái yêu dấu của cha mẹ thiên thượng, là những người đã chọn tuân theo kế hoạch của Đức Chúa Cha và chiến thắng kẻ nghịch thù bằng đức tin của họ nơi Chiên Con của Thượng Đế và quyền năng từ chứng ngôn của họ. 2 Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói, Chúa đã bảo tồn họ để đến thế gian “vào thời điểm chính xác này, thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử thế giới.” 3 Ngài đã chọn lựa họ để “giúp chuẩn bị dân của thế gian này cho … triều đại ngàn năm [của Đấng Cứu Rỗi].” 4 “[Họ] là niềm hy vọng của Y Sơ Ra Ên, ‘con cái của ngày được hứa’ [“Hope of Israel, Hymns, bài số 259].”! 5

Họ “đều khát khao những sự việc của Thánh Linh; họ thiết tha học phúc âm, … muốn phúc âm phải thuần khiết, đầy ý nghĩa. … Giờ đây họ không còn là những người nghi ngờ nữa mà là những người tìm hiểu, tìm kiếm lẽ thật. …

[Họ] khao khát … đức tin … [và] muốn chính bản thân họ có thể thực hành đức tin đó.” 6

Đúng là một số người đã quên đi nguồn gốc của họ là con cái của Thượng Đế hoặc đã trở nên quá tập trung vào những đặc điểm phụ tạm thời hoặc ít quan trọng hơn. Sa Tan là kẻ trộm nguồn gốc tài giỏi. Những sự lừa gạt của nó đã làm cho một số người trở nên hoang mang hoặc bị xao lãng bởi một thế giới đầy biến động và thay đổi, nơi làm hạ thấp đức tin và đức hạnh, nơi mà thông tin thì có mặt khắp nơi còn sự khôn ngoan thì rất hiếm hoi—đây chính là thời kỳ đã được tiên tri khi người ta “vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được” 7 ; một thế giới gọi “dữ là lành, và gọi lành là dữ,” 8 nơi mà nhiều người “đi giữa ngọn lửa và giữa những đuốc [họ] đã đốt” 9 trong khi chối bỏ Ánh Sáng của Thế Gian. 10

Tuy nhiên, chúng ta biết một điều khác về giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi của chúng ta. Đấng Cứu Rỗi phán:

“Các ngươi là con cháu của các tiên tri; và các ngươi thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên; … Nhờ dòng dõi của ngươi, mà tất cả các dân trên thế gian này đều sẽ được phước.

“Đức Chúa Cha đã dấy ta lên cho các ngươi trước nhất, rồi sai ta xuống ban phước cho các ngươi để dẫn dắt mỗi người trong các ngươi ra khỏi điều bất chính của mình; và sở dĩ phải làm vậy là vì các ngươi là con cái của giao ước.” 11

Chúa đã hứa rằng Ngài sẽ tìm đến họ không phải để cứu họ trong tội lỗi của họ, mà là cứu họ khỏi tội lỗi của họ. 12 Đó là lý do tại sao chúng ta bắt buộc phải giúp học viên của chúng ta tiến đến việc biết Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và có một sự hiểu biết đúng đắn về kế hoạch vĩnh cửu của Đức Chúa Cha và giáo lý chân chính của Đấng Cứu Rỗi. Họ cần phải biết họ là ai và Chúa muốn họ làm gì 11 —và cách thức để làm điều đó.

Tôi tin rằng việc giúp học viên của chúng ta biết những điều này phần lớn tùy thuộc vào việc chúng ta biết chúng ta là ai với tư cách là những người giảng dạy, phục vụ, và hỗ trợ trong lớp giáo lý và viện giáo lý. Ý nghĩ này đã dẫn tôi đến việc lập một bản liệt kê cuối cùng. Tôi lấy ra một tờ giấy khác và viết hết trang này đến trang khác về những đặc tính và thuộc tính mà tôi biết ơn và ngưỡng mộ ở tất cả các anh chị em. Trong khi viết, tôi quay trở lại với một ý nghĩ quan trọng. Tôi tin rằng câu trả lời quan trọng nhất cho câu hỏi chúng ta là ai, đó là chúng ta được yêu cầu trở thành người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô. 14

Trọng tâm trong các nỗ lực của chúng ta là nhằm giúp giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi tiến đến việc biết Chúa Giê Su Ky Tô và trông cậy nơi Ngài và sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Chúng ta trông cậy vào Ngài là đấng gương mẫu của mình và trông cậy vào ân điển của Ngài để làm theo ý muốn của Ngài. Bất chấp những thử thách và thất bại cá nhân, chúng ta vẫn sống với niềm hy vọng và lạc quan. Vì chúng ta liên tục hối cải, nên chúng ta đã nếm trải tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài, và chúng ta dành lòng thương xót đó cho những người khác khi chúng ta giảng dạy từ tấm lòng thay đổi và biết ơn. Chúng ta thường nói về Ngài, làm chứng về Ngài, vui mừng nơi lòng nhân từ và vĩ đại của Ngài, và giúp những người khác biết “được nguồn gốc nào [họ] có thể tìm kiếm một sự xá miễn các tội lỗi của mình.” 15 Chúng ta cố gắng mỗi ngày để làm người đại diện của Ngài.

Khi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi, tôi đã biết được tầm quan trọng của ý nghĩ này khi người bạn đồng hành của tôi và tôi đang đi gõ cửa. Tại một ngôi nhà nọ, tôi bắt đầu mở lời: “Xin chào, chúng tôi là những người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô.” Trước khi tôi có thể tiếp tục, người đàn ông đó đã ngắt lời tôi bằng cách nói: “Không, các anh không phải. Các anh còn không biết điều đó có nghĩa là gì.” Ông giải thích rằng một người đại diện là một người thay mặt cho một người khác, là người nói và làm những điều người kia sẽ nói và làm nếu chính người ấy có mặt ở đó. Ông kết thúc bằng cách nói: “Nếu các anh là những người đại diện cho Ngài, thì các anh sắp nói cho tôi biết điều Ngài sẽ nói với tôi nếu Ngài hiện diện ở đây.” Tôi lắng nghe kỹ và sau đó đồng ý với người này rằng sự hiểu biết của ông ấy về người đại diện là chính xác. Rồi tôi cảm ơn ông ấy và hỏi nếu, với sự hiểu biết này, tôi có thể bắt đầu lại được không. Rồi tôi nói: “Chào buổi sáng. Đây là Anh Cả Aranda, và tôi là Anh Cả Webb. Chúng tôi là những người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô, và chúng tôi đến để chia sẻ với anh một sứ điệp từ Ngài.”

Mỗi người chúng ta đều được ban cho một sự tin cậy thiêng liêng. Khi cầu nguyện hoặc kết thúc lời giảng dạy và chứng ngôn của mình trong danh Ngài, chúng ta đang xác nhận rằng điều đã được nói ra đại diện cho tâm trí và ý muốn của Ngài. Để trung thành với sự tin cậy đó, chúng ta phải có một tình yêu thương sâu đậm và sự hiểu biết về phúc âm của Ngài và sẵn lòng trả cái giá để thực sự hiểu biết thánh thư và giáo lý mà thánh thư giảng dạy. Bởi vì chúng ta hiểu rằng lời của Thượng Đế có một “ảnh hưởng mạnh mẽ” hơn bất cứ điều gì khác 16 và nó thực sự có câu trả lời cho những câu hỏi của cuộc sống, nên thánh thư là nguồn gốc chính yếu của những kinh nghiệm của chúng ta với học viên của chúng ta. Trong khi tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy của mình để kết nối với nhiều học viên hơn, thì chúng ta không bao giờ được đổi mới khỏi việc có được sự hiểu biết sâu sắc về thánh thư.

Điều quan trọng không kém là phải hướng tâm trí và tấm lòng của chúng ta vào các tôi tớ đã được chọn của Chúa—nhất là các thành viên hiện tại trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ—không bao giờ biện giải những lời giảng dạy của họ, giải thích sai ý nghĩa của những lời giảng dạy đó, hoặc làm chúng mâu thuẫn với “triết lý [của chúng ta], bất kể nguồn gốc của triết lý đó là gì hoặc nó có thể dễ chịu hay hợp lý … ra sao.” 17 Trong một thế giới có rất nhiều tiếng nói và chương trình xã hội hấp dẫn, thật là một phước lành lớn lao để biết được ý định của Thượng Đế qua vị tiên tri tại thế của Ngài. Khi chúng ta điều chỉnh việc giảng dạy, lòng trung thành, và sự ưu tiên của mình theo Chúa và vị tiên tri của Ngài, thì chúng ta sẽ ở trên một nền móng vững chắc, và giống như các cành nho thật, chúng ta sẽ có quyền năng để sinh ra nhiều trái. 18

Đôi khi, việc giảng dạy lẽ thật và bày tỏ tình yêu thương có vẻ mâu thuẫn với nhau. Đó là vì có những sự giả mạo hai điều đó, thứ có thể làm chúng ta hoang mang. Anh chị em có thể cảm thấy mình có sự ảnh hưởng lớn lao và đang cố gắng giúp trả lời những câu hỏi khó và phức tạp và rằng nếu anh chị em nói lẽ thật, thì một người nào đó có thể bị tổn thương hoặc bị phật lòng. Để trả lời một cách đầy yêu thương và hữu ích, chúng ta cần phải thực hành đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô rằng Ngài hướng dẫn Giáo Hội của Ngài qua những người Ngài đã sắc phong để dẫn dắt Giáo Hội. Chúng ta cần phải cầu nguyện để được giúp đỡ và khuyến khích học viên của mình tìm đến Cha Thiên Thượng với những thắc mắc và nghi ngờ của họ. Chúa Giê Su Ky Tô là ánh sáng cho những người ở trong tình thế hoang mang và tối tăm. Ngài là tấm gương hoàn hảo của việc giảng dạy sự vâng lời một cách rõ ràng, nhưng Ngài cũng là nhũ hương của Ga La Át, là sự chữa lành cho những người đang đau khổ vì hậu quả của lỗi lầm của chính họ. Ngài là tấm gương hoàn hảo về điều chúng ta đang cố gắng trở thành với tư cách là những giảng viên giảng dạy lẽ thật trong tình yêu thương.

Một lý do rất quan trọng để chúng ta bày tỏ tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi 19 là sự chống đối mà học viên của chúng ta gặp phải. Một nghiên cứu dài hạn gần đây về giới trẻ Thánh Hữu Ngày Sau cho thấy rằng những người đang gặp khó khăn để giữ vững đức tin và luôn luôn tích cực trong Giáo Hội thường phải đối phó với một hoặc nhiều hơn ba thử thách cụ thể sau:

  • Họ cảm thấy bị xét đoán vì những thay đổi trong hoàn cảnh của họ, chẳng hạn như sự ly hôn của cha mẹ hoặc một người trong gia đình rời bỏ Giáo Hội.

  • Họ cảm thấy tội lỗi và thất vọng vì những lỗi lầm họ đã phạm phải.

  • Hoặc họ không tin rằng họ đã có những kinh nghiệm thuộc linh. 20

Khi cố gắng yêu thương giống như Đấng Cứu Rỗi, chúng ta sẽ có thể giúp học viên của mình làm chủ những tình huống này.

Anh chị em sẽ làm thế nào để giúp một người trẻ tuổi đang cảm thấy bị xét đoán? 21 Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách hiểu rằng những thay đổi lớn trong các mối quan hệ và hoàn cảnh có thể gây ra một sự khủng hoảng về nguồn gốc, khiến cho học viên của chúng ta thắc mắc họ là ai và họ hòa hợp như thế nào. Trong những giây phút này, anh chị em có thể giúp họ ghi nhớ mối quan hệ bất biến của mình với Cha Thiên Thượng. Tôi biết một thiếu nữ đã đặt giá trị của mình vào hoàn cảnh của em ấy và việc những người khác nghĩ gì về em ấy. Em ấy cảm thấy lạc lõng không biết mình là ai. Em ấy bắt đầu cầu nguyện để được giúp đỡ. Một ngày nọ, em ấy đã có một ấn tượng rõ ràng rằng nếu em ấy muốn biết mình là ai, thì trước hết em ấy cần phải biết Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi. Ý nghĩ này đã giúp em ấy bắt đầu một cuộc tìm kiếm. Em ấy bắt đầu học thánh thư, cầu nguyện và phục vụ, với trọng tâm là tiến đến việc biết Thượng Đế. Theo thời gian, Chúa bắt đầu biểu lộ bản thân Ngài cho em ấy. Em ấy cảm nhận được tình yêu thương, sự an ủi, và sự hiểu biết của Ngài. Khi tiến đến việc biết Cha Thiên Thượng, em ấy đã tiến đến việc biết bản thân mình và hiểu được mối quan hệ của mình với Ngài. Em ấy đã biết được nguồn gốc thiêng liêng và giá trị của mình với tư cách là con của Thượng Đế. Sự hiểu biết này đã làm cho em ấy tràn đầy ánh sáng và niềm vui.

Anh chị em có thể giúp các học viên của mình đối mặt với những thử thách bằng cách giúp họ biết rằng họ được Cha Thiên Thượng yêu thương. Anh chị em có thể cho thấy tình yêu thương của mình dành cho họ với thời gian, sự đồng cảm, và sự sẵn lòng lắng nghe của mình. Anh chị em có thể cầu xin Cha Thiên Thượng giúp anh chị em nhìn nhận từng người họ và nhận ra những thử thách, cơ hội, và nhu cầu riêng của họ. Khi họ có câu hỏi hoặc gặp khó khăn với chứng ngôn của mình, thì anh chị em có thể giúp họ cảm thấy an toàn và biết rằng họ có thể tìm đến anh chị em và Chúa.

Chúng ta giúp những người đang vật lộn với cảm giác tội lỗi và sự thất vọng vì những lỗi lầm của họ bằng cách nào? Giống như Đấng Cứu Rỗi, chúng ta không bỏ cuộc. Chúng ta tôn trọng nỗi vất vả của họ để tiếp tục cố gắng làm điều đúng trong một thế giới khó khăn. Chúng ta dạy họ rằng xứng đáng không có nghĩa là không có khuyết điểm. 22 Chúng ta giúp họ đứng vững trên con đường giao ước bằng cách làm chứng về niềm vui của sự hối cải, giúp họ biết rằng điều đó là trọng tâm kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Chúng ta giúp họ biết rằng Ngài vẫn yêu thương họ và sẵn sàng giúp đỡ họ.

Tôi thích bài học được giảng dạy trong Môi Se 4, mà tất cả chúng ta đã học tuần trước. Sau khi A Đam và Ê Va phạm giới, mắt của họ được mở ra, và họ nhận ra rằng họ đang trần truồng. Nỗ lực đầu tiên của họ để che sự lõa lồ là may lá vả. Khi nghe tiếng nói của Chúa trong khu vườn, họ quyết định “ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê Hô Va Đức Chúa Trời (Môi Se 4:14).” Thật là thú vị để biết ai là người đã bảo họ phải trốn tránh Thượng Đế. Bây giờ, tôi không muốn nói rõ điều này, nhưng điều đó sẽ hữu hiệu như thế nào? Anh chị em có thể tưởng tượng Cha Thiên Thượng của chúng ta đang đi qua vô số tạo vật, tìm ra hệ mặt trời này, hành tinh này, và khu vườn đó, và không thể tìm ra A Đam và Ê Va ở giữa đám cây cối không? Vào lúc đó, Chúa đã hỏi họ một câu hỏi: “Ngươi đi đâu rồi?” (Môi Se 4:15). Hoặc từ Kinh Cựu Ước: “Ngươi ở đâu?” (Sáng Thế Ký 3:9). Anh chị em có nghĩ rằng Ngài thực sự không biết không? Vậy thì Ngài hỏi điều gì? Có lẽ đó là một điều gì đó giống như: “Bây giờ ngươi đã phạm giới rồi, ngươi sẽ đi đâu?” Ngươi sẽ trốn tránh ta, hay ngươi sẽ đến với ta và để ta bao bọc ngươi? Từ chuộc tội trong tiếng Hê Bơ Rơ nguyên thủy là kippur, có nghĩa là “che đậy.” 23 Cha Thiên Thượng có một cách tốt hơn nhiều so với lá vả và cây để bao bọc tội lỗi của chúng ta. Nhưng kẻ ngịch thù thì thầm nói dối để khiến chúng ta muốn trốn tránh Thượng Đế. Nó cố gắng thuyết phục chúng ta rằng Thượng Đế không yêu thương chúng ta và Ngài sẽ không tha thứ cho chúng ta vì chúng ta nên biết rõ hơn, hoặc vì tội lỗi của chúng ta quá nghiêm trọng.

Có lần tôi mời một thiếu nữ đi đền thờ cùng với một nhóm giới trẻ. Câu trả lời của em ấy là em ấy không xứng đáng để đi đền thờ. Tôi nói với em ấy rằng chúng tôi chỉ đi bộ quanh khuôn viên đền thờ và tôi rất thích em ấy đi cùng chúng tôi. Câu trả lời của em ấy là: “Chưa ạ. Em không muốn Thượng Đế chú ý đến mình ngay bây giờ.” Khi phạm sai lầm, chúng ta thường không muốn cầu nguyện, đọc thánh thư, hoặc đi nhà thờ. Có lẽ chúng ta đang hy vọng không được Thượng Đế để ý đến.

Xin giúp học viên của anh chị em biết rằng khi họ phạm sai lầm, họ có thể tìm thấy sự tha thứ và bình an bằng cách tìm đến vòng tay nhân từ và rộng mở của Cha Thiên Thượng đầy lòng thương xót, là Đấng đã chuẩn bị một cách thức để bao bọc chúng ta. Ngài đã chuẩn bị một đường lối cho sự cứu chuộc của chúng ta.

Làm thế nào anh chị em giúp đỡ một học viên mà cảm thấy mình chưa có những kinh nghiệm thuộc linh? Đôi khi các em giới trẻ của chúng ta nghe những câu chuyện đầy phép lạ mà không nhận ra rằng Đức Thánh Linh cũng phán bảo với họ theo nhiều cách thức đơn giản khác nhau, như khi họ có một câu hỏi đầy soi dẫn hoặc khi họ nghĩ phải đánh dấu thánh thư. Chúng ta hãy giúp họ học cách thức mà Chúa giao tiếp với cá nhân họ và không gợi ra rằng cách Chúa phán bảo với chúng ta là cách duy nhất Ngài có thể phán bảo với họ. Chúng ta hãy cẩn thận đừng nói cho học viên của chúng ta biết khi nào họ đang cảm nhận được Đức Thánh Linh. Chỉ vì chúng ta có thể cảm nhận được Thánh Linh với tư cách là giảng viên không nhất thiết có nghĩa là mỗi học viên đều cảm thấy như vậy vào lúc ấy. Hãy hiểu rằng những người trải qua nỗi lo lắng và trầm cảm có thể cảm thấy khó để có được những kinh nghiệm này. Nhưng Chúa không bị giới hạn bởi bệnh tâm thần. Ngài biết và hiểu họ và có thể tìm ra những cách để truyền đạt tình yêu thương và sự hướng dẫn của Ngài. Có rất ít điều chúng ta có thể làm mà sẽ giúp họ nhiều hơn việc học cách tiếp nhận và hành động theo sự mặc khải cá nhân.

Gần đây tôi đã nghe một câu chuyện về một thanh niên đang theo học một trường đại học danh tiếng ở miền đông Hoa Kỳ. Anh ấy ghi danh vào một lớp học lý luận rất khó. Vì muốn làm tốt, nên anh ấy quyết định thuê một gia sư. Anh đã có thể thuê một người đã từng là trợ giảng cho giáo sư và thậm chí còn dạy lớp học đó tại cùng một trường đại học. Người gia sư đã giúp ích rất nhiều, nhưng người thanh niên đó vẫn lo lắng về bài thi cuối cùng. Vị giáo sư nói với các sinh viên rằng bài thi sẽ vô cùng khó nên ông sẽ cho phép họ mang theo một tờ giấy và đặt lên đó bất cứ điều gì họ nghĩ là họ có thể cần. Các sinh viên bắt đầu viết chữ càng nhỏ càng tốt, sử dụng kính lúp để viết và đọc những điều họ có thể cần cho bài thi cuối cùng. Ngày thi cuối cùng đã đến, và người thanh niên bước vào lớp học. Ở bên cạnh anh là người gia sư của mình. Vị giáo sư hỏi họ đang làm gì, và người thanh niên lấy ra một tờ giấy trắng và đặt nó lên sàn nhà. Sau đó người gia sư đứng trên tờ giấy. Người thanh niên giải thích: “Thầy nói rằng em có thể đặt bất cứ thứ gì em muốn trên tờ giấy này. Em muốn gia sư của mình.” Người thanh niên này được phép làm bài thi với gia sư của mình bên cạnh, thì thầm những câu trả lời vào tai anh.

Với tư cách là tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta là những người đã được ban cho ân tứ Đức Thánh Linh, tại sao chúng ta phải trải qua bất cứ thử thách nào trong cuộc sống mà không nhận sự giúp đỡ có sẵn cho mình? Cám ơn anh chị em đã cố gắng để được xứng đáng với Đức Thánh Linh trong mọi khía cạnh của cuộc sống của mình và tìm kiếm sự ảnh hưởng của Ngài trong tất cả những gì anh chị em làm.

Tôi cầu nguyện rằng giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi của chúng ta sẽ tiến đến việc biết Cha Thiên Thượng của chúng ta và rằng bằng cách biết Ngài là ai, họ sẽ hiểu họ thực sự là ai. Nhờ vào quyền năng tha thứ của Ngài, họ có thể được trong sạch. Nhờ vào quyền năng chữa lành của Ngài, họ có thể trở nên toàn vẹn. Và nhờ vào quyền năng tôi luyện của Ngài, họ có thể trở nên giống như Ngài. Với tư cách là những người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô—là người giảng dạy giáo lý của Ngài và chia sẻ tình yêu thương của Ngài—anh chị em sẽ có thể giúp họ nhận ra nguồn gốc vĩnh cửu của họ. Điều đó không có nghĩa là anh chị em sẽ luôn luôn hoàn hảo. Anh chị em không cần phải hoàn hảo. Khi anh chị em cố gắng giảng dạy phúc âm phục hồi—tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô, tập trung vào học viên của mình, và dựa trên lời của Thượng Đế—thì Đức Thánh Linh sẽ ban cho phúc âm sự sống, và sự liên quan cùng sự làm chứng về lẽ trung thực của phúc âm. Tôi làm chứng rằng anh chị em, gia đình, và học viên của anh chị em là con cái của ngày đã được hứa, là hy vọng của Y Sơ Ra Ên, và là những người thân yêu của Thượng Đế. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Henry B. Eyring, “A Steady, Upward Course” (buổi họp đặc biệt tại trường Brigham Young University–Idaho, ngày 18 tháng Hai năm 2001), trang 8, byui.edu.

  2. Xin xem Khải Huyền 12:11.

  3. (Russell M. Nelson và Wendy W. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018), phần phụ lục của tạp chí New EraEnsign, trang 12, ChurchofJesusChrist.org.

  4. Russell M. Nelson, “Hãy Sống Đúng Theo Tiềm Năng của Mình Là Những Người của Thiên Niên Kỷ,” Ensign, tháng Mười năm 2016, trang 24.

  5. Russell M. Nelson, “Hope of Israel,” ChurchofJesusChrist.org.

  6. J. Reuben Clark Jr., The Charted Course of the Church in Education , tái bản (1994, bài nói chuyện cùng các nhà giáo dục tôn giáo của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 8 tháng Tám năm 1938), ChurchofJesusChrist.org.

  7. 2 Ti Mô Thê 3:7.

  8. 2 Nê Phi 15:20.

  9. 2 Nê Phi 7:11.

  10. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 95:6.

  11. 3 Nê Phi 20:25–26.

  12. Xin xem An Ma 11:37, 40.

  13. Đây là ý kiến được giảng dạy trong Môi Se 1 khi Chúa mặc khải cho Môi Se: “Ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng” (câu 3) Ngươi là con trai của ta” (câu 4) “ta có một công việc cho ngươi” (câu 6).

  14. Chủ Boyd K. Packer nói: “Khi bắt đầu tự xem xét mình và tìm cách để cải thiện bản thân mình với tư cách là giảng viên, thì chúng ta có thể tìm ra mẫu mực nào tốt hơn … là phân tích các mục tiêu và phương pháp của chúng ta, và so sánh chúng với những mục tiêu và phương pháp của Chúa Giê Su Ky Tô?” Teach Ye Diligently,[1991], 22– 22). Về sau, ông nói thêm: “Tôi tin rằng mức độ các anh chị em thực hiện, theo thử thách và lệnh truyền mà mình có, hình ảnh của Đấng Ky Tô thật sự đã được thụ nhận trong vẻ mặt của anh chị em. Và vì tất cả những mục đích thiết thực, trong lớp học đó vào lúc đó và trong lối diễn tả đó cùng với sự soi dẫn đó, các anh chị em là Ngài và Ngài là các anh chị em” (“The Ideal Teacher” [bài ngỏ cùng nhóm giảng viên lớp giáo lý và viện giáo lý, ngày 28 tháng Sáu năm 1962]).

  15. 2 Nê Phi 25:26.

  16. An Ma 31:5.

  17. J. Reuben Clark Jr., The Charted Course of the Church in Education , ChurchofJesusChrist.org.

  18. Xin xem Giăng 15:1–5.

  19. Xin xem 3 Nê Phi 18:24; Mô Rô Ni 7:48; Giăng 13:35.

  20. Cuộc nghiên cứu này cũng cho thấy rằng giới trẻ đang gia tăng phần thuộc linh khi họ cảm thấy gần gũi hơn với Cha Thiên Thượng, có một mục tiêu thuộc linh mà họ đang cố gắng hoàn thành, hoặc nhận ra rằng họ có nhu cầu và tin rằng Giáo Hội và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp đáp ứng nhu cầu đó.

  21. Để hiểu rõ hơn cách tạo ra sự thuộc vào, tôi đề nghị một bài nói chuyện của Phillip D. Rash tên là “Looking to the Margins: Creating Belongingspeeches.byu.edu.

  22. Xin xem Bradley R. Wilcox, “Được Xứng Đáng Không Có Nghĩa Là Không Có Khuyết Điểm,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 61–67.

  23. “Ý nghĩa ban đầu của tiếng Hê Bơ Rơ của rễ ‘K-P-R’ {כ-פ-ר} – mà dẫn đến ‘Yom Kippur’ – thực sự có nghĩa là ‘bao phủ’ và có thể được tìm thấy trong tên gốc của tiếng Hê Bơ Rơ cho ‘Nắp Thi Ân’ của ‘Hòm Giao Ước’ được gọi trong Kinh Thánh Hê Bơ Rơ ‘Kaporet’ {כפורת} (‘bao phủ’). Khái niệm ‘bao phủ’ trong Kinh Thánh Hê Bơ Rơ cũng có thể được hiểu trong một cách trừu tượng như là ‘bao bọc tội lỗi’—có nghĩa là ‘ban cho sự chuộc tội.’ Đúng như tên tiếng Anh cho ngày chí thánh nhất trong lịch do Thái - ‘ Ngày Chuộc Tội’ (‘Yom Kippur’)” (“What Is the Deeper Hebrew Meaning of ‘Yom Kippur’?,” hebrewversity.com).

In