Các Chương Trình Phát Sóng Thường Niên
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô Thật Đáng Ngạc Nhiên


Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô Thật Đáng Ngạc Nhiên

Buổi Phát Sóng Chương Trình Huấn Luyện Thường Niên LGL&VGL Năm 2022 với Chủ Tịch Ballard

Thứ Sáu, ngày 21 tháng Một năm 2022

Lời Giới Thiệu

Tôi xin bắt đầu bằng cách bày tỏ lòng biết ơn của mình dành cho tất cả anh chị em vì đã nâng đỡ giới trẻ và các thành niên trẻ tuổi trong khắp Giáo Hội. Anh chị em thực sự đang có tương lai của Giáo Hội trong các lớp học của anh chị em, và tôi được soi dẫn bởi cách thức mà anh chị em phục vụ và quan tâm tới các học viên của mình. Thưa các anh chị em, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thật đáng ngạc nhiên.

Hôm nay, tôi muốn nói về cách thức chúng ta có thể giảng dạy hữu hiệu hơn về đức tin, chứng ngôn, và tính chất ngạc nhiên của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Để giới thiệu chủ đề của mình, tôi sẽ miêu tả một tác phẩm nghệ thuật mà tôi đã ngưỡng mộ từ lâu, nhưng có đôi lúc tôi lại không biết quý trọng nó. Nhiều năm trước, tôi đã nhận được lời tư vấn từ một người bạn, từng là giáo sư ở Bảo Tàng Nghệ Thuật tại Boston. Bà ấy đề nghị rằng khi chúng ta treo tranh nghệ thuật ở trong nhà mình, điều quan trọng là thay đổi vị trí bức tranh đó một cách định kỳ để nó không trở nên bị “mù” trong sự diện diện của nó. Vợ tôi và tôi từ lâu đã ngưỡng mộ bức tranh của Caravaggio, có tựa đề là The Calling of St. Matthew (Lời Kêu Gọi dành cho Thánh Ma Thi Ơ). Bởi vì bức tranh này đã được treo tại một chỗ duy nhất trong nhà tôi trong một vài năm, tôi hiếm khi dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ uy nghi của nó. Mùa thu năm nay, tôi đã chuyển bức tranh đó vào văn phòng tôi trong trụ sở Giáo Hội. Không biết làm sao, việc nhìn nó ở một nơi mới đã làm tôi dừng lại để suy ngẫm thêm về bố cục đáng ngạc nhiên và ý nghĩa thuộc linh của nó. Trong Sách Lu Ca, chúng ta đọc về Ma Thi Ơ có nói như sau: “Kế đó, Đức Chúa Jêsus ra ngoài, thấy một người thâu thuế, tên là Lê Vi, đương ngồi tại sở thâu thuế. Ngài phán cùng người rằng: hãy theo ta. Lê Vi bỏ hết mọi sự, đứng dậy đi theo Ngài.” 1 Thú vị thay, Caravaggio miêu tả khoảnh khắc mà Đấng Ky Tô đưa ra lời kêu gọi, nhưng trước khi Ma Thi Ơ nhìn vào ánh mắt của Đấng Ky Tô. Anh chị em có thể thấy bàn tay mở rộng của Đấng Ky Tô và ánh sáng đang lan tỏa trong khắp căn phòng, Ngài đi tới Ma Thi Ơ đang ở cuối bàn với đôi tay vẫn còn đặt trên tiền của ông. Caravaggio đã nắm bắt được khoảnh khắc mà Ma Thi Ơ quyết định bỏ lại tất cả và đi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Mỗi lần tôi dừng lại để quan sát bức tranh này, tôi đều ngạc nhiên bởi sứ điệp của nó.

Thưa các anh chị em, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thật đáng ngạc nhiên! Sự giáng sinh, cuộc đời, giáo vụ, Sự Chuộc Tội, và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô là câu chuyện phi thường nhất từng được kể. Vả lại, trong những thời kỳ khó khăn này, 2 chúng ta có thể bước đi trong sự ngay chính, qua sứ điệp đáng ngạc nhiên này, ngay cả khi chúng ta tìm cách giúp đỡ người khác mà đang vật lộn với khó khăn. Như Chủ Tịch Nelson gần đây có dạy: “Anh chị em thân mến, đây những ngày sau. Nếu anh chị em và tôi phải chống chọi với những nguy cơ và áp lực sắp tới, thì điều bắt buộc là mỗi người chúng ta phải có một nền móng thuộc linh vững vàng được xây dựng trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.” 3

Trả Lời Các Câu Hỏi của Học Viên Về Đức Tin

Ngày nay, nhiều học viên của chúng ta đang đối mặt với các thử thách về đức tin mà khiến họ thắc mắc về phúc âm phục hồi, tính xác thực của Sách Mặc Môn, và thậm chí là sự hiện diện của Thượng Đế trong cuộc sống họ. Có nhiều lời kể trên mạng mà tìm cách bác bỏ các lẽ thật của phúc âm. Những nguồn thông tin này không phải là nguyên do cho tất cả những khó khăn đến với đức tin, nhưng chúng có thể thổi phồng những sự nghi ngờ hiện có và mở đầu cho những sự nghi ngờ mới. Tôi xin chia sẻ các câu chuyện về ba người mà anh chị em có thể thấy các tình huống tương tự trong cuộc sống của học viên của anh chị em:

Stephanie: Stephanie lớn lên trong Giáo Hội, nhưng luôn cảm thấy không thuộc vào tiểu giáo khu của mình và cộng đồng bè bạn, bởi vì những khó khăn trong hôn nhân của cha mẹ em ấy. Qua thời gian, điều này đã dẫn đến sự đau khổ, em ấy, vì lý do nào đó, đổ lỗi cho Giáo Hội. Stephanie bắt đầu chủ động đi tìm các nguồn thông tin đối nghịch với Giáo Hội, tập trung vào những lời chỉ trích tới Joseph Smith, mà bỏ qua bất cứ bằng chứng nào về vai trò tiên tri của ông. Stephanie giờ đây chủ yếu tham gia vào phương tiện truyền thông xã hội để công kích những điều em ấy thấy là niềm tin sai lạc và lỗi thời của bạn bè mình. Điều này chỉ làm gia tăng sự tức giận, và giờ đây, em ấy ngả về bất kỳ nguyên do hay nhóm nào mà đối nghịch với Giáo Hội.

David: Các thắc mắc của David cũng là hướng tới lịch sử Giáo Hội, nhưng hoàn cảnh của em ấy thì khá khác biệt. Em ấy lúc đầu rất trung tín, nhưng sau công việc truyền giáo của mình, em ấy đã bắt đầu đặt ra các câu hỏi về các đề tài mà em ấy đã không hoàn toàn nắm rõ trước khi đi truyền giáo. Những câu hỏi này đã dẫn em ấy tới các nguồn thông tin mà chống đối với Giáo Hội, và em ấy đã trở nên bối rối về chứng ngôn của riêng mình và về điều em ấy thực sự đã tin tưởng. Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm trước đó về việc nhận được lời chứng về tính xác thực của phúc âm, Dave đã dừng học tập những lời của các vị tiên tri tại thế và dừng đọc Sách Mặc Môn. Những tiếng nói khác đã bắt đầu đeo bám sự nghi ngờ về thuộc linh của David. Em ấy đã không chống đối Giáo Hội, nhưng đã bối rối và thậm chí là bị tê liệt, điều đó đã dẫn tới suy giảm việc tham gia vào viện giáo lý và cả việc thờ phượng ngày Chủ Nhật.

Connie: Connie có cả sự chống đối của Stephanie lẫn sự tê liệt của Dave. Em ấy đã vật lộn với một loạt các thử thách trong cuộc sống mà gắn liền với sự chia ly gần đây của bố mẹ mình, và một dạng ngược đãi bằng lời nói và cảm xúc trong ngôi nhà của em ấy. Chấn thương này đã khiến em ấy sợ hãi và đi tìm sự trợ giúp. Nhưng thay vì tìm kiếm sự chữa lành qua phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, Connie hướng tới những nơi thế tục để có sự cảm thông và thấu hiểu mà em ấy đang rất cần. Em ấy tham gia cùng với những người mà đang vật lộn với những thử thách về sức khỏe tâm thần, các vấn đề LGBTQ, và bất kỳ ai đang đối diện với nỗi thất vọng và sự nghi ngờ trong cuộc sống họ. Connie đã tìm thấy sự khuây khỏa trong những hội nhóm này, nhưng em ấy cũng tìm thấy những thắc mắc mới. Em ấy và bạn bè mình thường xuyên đổ lỗi cho Giáo Hội về những khó khăn của chính họ, hy vọng rằng nếu họ chỉ cần phớt lờ luật pháp của Thượng Đế, nỗi đau của họ, bằng một cách nào đó, mà sẽ biến mất. 4 Em ấy không chỉ dừng tham gia trong Giáo Hội và viện giáo lý, em ấy còn bắt đầu theo đuổi một số hành vi mà em ấy hy vọng sẽ làm biến mất nỗi đau đớn của mình và sẽ khiến em ấy tránh khỏi con đường để thay đổi và tha thứ người khác, là con đường khó khăn.

Mỗi học viên này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về đức tin, và tính chất của những cuộc khủng hoảng đó về cơ bản là khác nhau đối với mỗi người họ. Một người thì đau khổ và nổi loạn công khai, người kia thì chỉ là bối rối và đang bị những tiếng nói bên ngoài đeo bám, và người thứ ba thì đang mắc kẹt trong nỗi đau và đang cố gắng trốn tránh khỏi điều em ấy thấy là một con đường khó khăn trong Giáo Hội. Họ cũng phản ánh một dạng của học viên thế hệ Z khi không còn tin cậy vào các học viện chính thức, suy giảm tham gia trong nhà thờ, và trên hết, một ý thức về thuyết tương đối về mặt đạo đức mà cho rằng không có tiêu chuẩn chính thức về điều đúng và điều sai. Một cuộc nghiên cứu mới đây của Barna Group đã mô tả: “Thuyết tương đối về mặt đạo đức không chỉ len lỏi vào thế giới quan của thế hệ Z; bây giờ là quan điểm đa số.” 5

Là giảng viên phúc âm, chúng ta phải tìm cách tiếp cận các học viên như Stephanie, David, và Connie. Những thắc mắc và mối quan tâm của họ là có thật và không nên bỏ qua. Chúng ta nên tiếp cận mối quan tâm của họ với lòng cảm thông và lòng bác ái, cho phép họ đặt câu hỏi trong một môi trường an toàn và nuôi dưỡng. Chúng ta cũng cần phải phát triển khả năng của mình để thấu hiểu và đáp ứng những mối quan tâm của họ. Nguồn tài liệu “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Lớp Giáo Lý và Viện Tôn Giáo [LGL&VGL] nói rằng: “Đôi khi chúng ta có thể khám phá ra thông tin mới hoặc có thắc mắc về giáo lý, những cách thực hành, hoặc lịch sử của Giáo Hội mà dường như là khó hiểu. Việc đặt các câu hỏi và tìm kiếm các câu trả lời là một phần thiết yếu của nỗ lực của chúng ta để học hỏi lẽ thật.” 6 Nguồn tài liệu của LGL&VGL này cung cấp những ý kiến về cách giải quyết các câu hỏi về đức tin của học viên bằng cách giảng dạy cho họ (1) hành động bằng đức tin, (2) xem xét các khái niệm với một quan điểm vĩnh cửu, và (3) dựa trên các nguồn tài liệu đáng tin cậy. Tương tự như vậy, BYU Studies mới đây đã xuất bản thêm một nguồn tài liệu có tựa đề “A Teacher’s Plea” (Một Lời Khẩn Nài của Giảng Viên), nơi mà tác giả khuyến khích các nhà giáo dục tôn giáo giảng dạy về kỹ năng lựa chọn và tầm quan trọng của các nguồn tài liệu của chúng ta, tránh đơn giản hóa các câu chuyện của chúng ta, và sẵn lòng xác nhận những mối quan tâm chân thành của rất nhiều người. 7 Tương tự như vậy, cuộc nghiên cứu gần đây của Eric và Sarah d‘Evegnée về “sự điều chỉnh” khuyến khích chúng ta giúp mọi người giải quyết những mối quan tâm về tôn giáo theo những cách mà không làm cho họ rời xa mối quan hệ của họ với Thượng Đế. 8 Và dĩ nhiên, chính Giáo Hội đã tạo ra một tập hợp Các Đề Tài Phúc Âm mà có thể được sử dụng như là một nguồn tài liệu để hiểu rõ hơn và giải quyết các câu hỏi lịch sử và giáo lý mà nhiều học viên của chúng ta đặt ra. Thừa nhận, giải quyết, nhưng đừng theo đuổi những câu hỏi phụ này.

Thừa Nhận, Giải Quyết, nhưng Đừng Theo Đuổi Các Câu Hỏi Phụ

Tôi muốn tất cả các nhà giáo dục tôn giáo của chúng ta thấy rõ rằng có nhiều điều đáng khen ngợi trong các nguồn tài liệu này và các nguồn tài liệu khác đã được tạo ra để giúp học viên của chúng ta vượt qua các cuộc khủng hoảng về đức tin và giải quyết những thắc mắc về phúc âm của họ. Thật ra, tôi không chắc rằng chúng ta có thể là những giảng viên phúc âm hữu hiệu trong môi trường ngày nay, trừ khi chúng ta biết những thử thách về đức tin mà nhiều học viên gặp phải. Chúng ta sẽ cần phải gia tăng sử dụng các nguồn tài liệu này để giúp học viên giải quyết các câu hỏi của họ.

Nhưng trong việc giúp học viên giải quyết những mối quan tâm của họ, chúng ta cũng phải cẩn thận để không trở nên quá tập trung vào những câu hỏi về đức tin cụ thể của họ đến nỗi chúng ta bỏ lỡ cơ hội để giảng dạy cho họ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thật sự đáng ngạc nhiên như thế nào. Như Anh Chad H Webb đã giải thích với tôi: “Điều đó giống như việc cố gắng giúp mọi người ra khỏi đám sương mù tối đen bằng cách tập trung vào bóng tối.” Chúng ta không nên bỏ qua sự hiện diện của bóng tối cũng như không nên làm cho nó thành trọng tâm duy nhất của mình. Anh Cả Lawrence E. Corbridge đề cập đến điều này là để cho các câu hỏi phụ thay thế cho các câu hỏi chính. Trong một bài nói chuyện tại buổi họp đặc biệt devotional tại trường BYU, Anh Cả Corbridge đã nói:

“Các câu hỏi phụ là bất tận. Chúng bao gồm các câu hỏi về lịch sử Giáo Hội, tục đa thê, người gốc Châu Phi và chức tư tế, phụ nữ và chức tư tế, cách Sách Mặc Môn được phiên dịch, sách Trân Châu Vô Giá, gen di truyền DNA và Sách Mặc Môn, hôn nhân đồng tính, các bài tường thuật khác nhau về Khải Tượng Thứ Nhất, vân vân và vân vân.

“Nếu các anh chị em trả lời các câu hỏi chính, thì những câu hỏi phụ cũng được trả lời, hoặc tầm quan trọng của chúng ít đi và anh chị em có thể đối phó với những điều anh chị em hiểu và những điều anh chị em không hiểu và những điều anh chị em đồng ý và những điều anh chị em không đồng ý mà không cần phải từ bỏ đức tin.” 9

Vâng, hãy lắng nghe những mối quan tâm của học viên, tạo ra một môi trường an toàn cho họ để đặt câu hỏi, và dựa trên các nguồn tài liệu đáng tin cậy. Nhưng trong tiến trình đó, đừng bỏ lỡ tính chất đáng ngạc nhiên của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Giống như câu chuyện của tôi về kiệt tác của Caravaggio, đừng bỏ lỡ tính chất đáng ngạc nhiên của điều ngay trước mặt anh chị em. Một cách khác để giải quyết vấn đề này là xem xét một chứng rối loạn thị giác được gọi là thoái hóa điểm vàng, có hiệu quả ngăn chặn tất cả các thị lực ngoài tầm nhìn ngoại vi. Những người mắc phải căn bệnh này cuối cùng sẽ “lấp đầy” những gì họ không thể nhìn thấy ngay trước mặt bằng cách diễn giải những gì họ nhìn thấy ở trong ngoại vi của họ. Đừng để cho tầm nhìn ngoại vi của các học viên của anh chị em bóp méo quan điểm của họ về tính chất đáng ngạc nhiên của phúc âm, mà có thể và nên ở ngay trước mắt họ. Như Chủ Tịch Oaks đã dạy: “Trừ phi chúng ta gắn chặt vào các lẽ thật này với tư cách là các vấn đề và các suy đoán [chính yếu] của mình, thì chúng ta không thể chắc chắn rằng những kết luận của mình là đúng.” 10 Ví dụ, ngay cả những nỗ lực đầy soi dẫn của chúng ta để “đổi mới viện giáo lý” cũng sẽ thất bại nếu chúng ta bỏ lỡ sự tập trung chính yếu này. Chúng tôi đã khuyến khích anh chị em gia tăng sự liên quan, tiếp cận, và thuộc vào trong việc giảng dạy của mình. Nhưng những nỗ lực cao quý này có nguy cơ trở thành những câu hỏi phụ nếu chúng không gồm vào nguyên tắc chính yếu của sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô. Một nền tảng thuộc linh được xây đắp trên Đấng Cứu Rỗi là cách duy nhất mà học viên của chúng ta cuối cùng sẽ khắc phục được những khó khăn và áp lực của những ngày sau này. 11

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô Thật Đáng Ngạc Nhiên

Tôi đã nhiều lần tuyên bố ngày hôm nay rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thật đáng ngạc nhiên. Lần đầu tiên tôi nghe nói đến ý kiến này từ Anh Cả Jeffrey R. Holland khi ông nói chuyện với một nhóm các nhà giáo dục tôn giáo về trách nhiệm thiêng liêng của họ để giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tính chất đáng ngạc nhiên của phúc âm đã được đưa ra khi đề cập đến Đấng Cứu Rỗi khi Ngài giảng dạy trong nhà hội cho những người không tin: “Đến ngày Sa Bát, Ngài bắt đầu dạy dỗ trong nhà hội; thiên hạ nghe Ngài, lấy làm lạ mà nói rằng: Người bởi đâu được những điều nầy? Sự khôn sáng mà người được ban cho là gì, và thể nào tay người làm được những phép lạ dường ấy?” 12 Vào lúc kết thúc Bài Giảng trên Núi, chúng ta biết được rằng “khi Đức Chúa Giê Su vừa phán những lời ấy xong, đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ.” 13 La Mô Ni trong Sách Mặc Môn “rất đỗi ngạc nhiên” trước sự trung tín của Am Môn. 14 Trong những ví dụ này và nhiều ví dụ khác, từ ngạc nhiên được sử dụng để nói đến những người vật lộn với niềm tin nhưng cuối cùng nhận ra quyền năng và phép lạ của phúc âm. Chúng ta thấy điều này trong sách Hê La Man, khi dân chúng “vô cùng ngạc nhiên, đến đỗi họ đều ngã xuống đất; vì họ đã không tin những lời Nê Phi nói.” 15 Dường như sự ngạc nhiên này đến khi sự vô tín ngưỡng phải đối phó với tính chất kỳ diệu và lời giảng dạy của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều này đúng với tất cả những người đang vật lộn với nỗi nghi ngờ, và điều đó sẽ đúng đối với Stephanie, David, và Connie, là những người mà tôi đã đề cập lúc trước. Họ sẽ chỉ vượt qua nỗi cay đắng, hoang mang và đau đớn mà họ cảm thấy khi họ hiểu được tính chất đầy ngạc nhiên của chính Đấng Ky Tô.

Thưa các anh chị em, xin hãy lắng nghe, yêu thương và cảm thông với những người đang vật lộn với những câu hỏi về đức tin. Hãy làm như vậy theo một cách đầy yêu thương mà tạo ra một môi trường an toàn cho tất cả học viên, hướng họ đến các nguồn tài liệu đáng tin cậy và giúp giải quyết những mối quan tâm của họ. Nhưng chúng ta đừng quên những câu trả lời đầy ngạc nhiên cho những câu hỏi chính của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Cầu xin cho chúng ta “xoay các bức tranh” trong cuộc sống của mình theo những cách mà giúp học viên của chúng ta ngừng lại và suy ngẫm về tính chất thật sự đáng ngạc nhiên của Đấng Cứu Rỗi ở ngay trước mặt họ. Dĩ nhiên, có những thử thách—đó là một phần của cuộc sống trần thế của chúng ta. Nhưng chúng ta hãy giúp những người trẻ tuổi của chúng ta thức tỉnh theo vô số cách thức mà về cơ bản, Chúa Giê Su Ky Tô thay đổi hoàn cảnh trong cuộc sống của con cái của Thượng Đế.

Ví dụ, tôi ngạc nhiên trước cách mà giới trẻ trong thành phố của tôi từ Boston đã tiếp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và cách thức việc đó đã dẫn dắt họ đi truyền giáo, dẫn dắt họ đi học đại học, đến lễ hôn phối đền thờ, và bây giờ họ là cha mẹ và các vị lãnh đạo trong Giáo Hội. Hầu như không thể nào hiểu được điều đã xảy ra trong cuộc sống của họ khi cân nhắc xem họ đã bắt đầu từ đâu. Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy một người cha trẻ tuổi ở San Antonio, là người mà Chị Gilbert và tôi đã gặp gần đây. Anh ấy sợ rằng anh ấy không bao giờ có thể đáp ứng được những kỳ vọng của phúc âm. Và cuối cùng, để nhận ra rằng không một ai trong chúng ta là hoàn hảo, và chỉ ở trong và qua Chúa Giê Su Ky Tô thì chúng ta mới có thể tự mình tiến triển nhiều hơn. Đây là Anh Luis Vargas với vợ là Andrea, và con gái của họ, Sofia, đêm mà anh ấy cam kết chịu phép báp têm sau năm năm gặp với những người truyền giáo. Tôi ngạc nhiên khi thấy sự thay đổi của anh ấy và niềm tin của anh ấy nơi Đấng Ky Tô. Tương tự như vậy, tôi cũng ngạc nhiên khi gặp người bạn của tôi là John Raass, là người đã ở ngoài Giáo Hội trong 30 năm bất kể là có những tấm gương trung tín của vợ con anh. Trong một giây phút khiêm nhường, gắn liền với một cuộc khủng hoảng gia đình, Anh Raass đã xin một phước lành và cam kết gặp với các chị truyền giáo. Quyết định đó dẫn đến phép báp têm của anh, cùng với phép báp têm của một trong số các con trai và một trong số các con gái của anh, đặt họ trên con đường giao ước. Trong cuộc sống của mình, tôi ngạc nhiên khi nghe Chúa phán cùng tôi, khẳng định chứng ngôn của tôi, đáp ứng lời cầu nguyện của tôi cho những người tôi phục vụ trong những chỉ định của tôi và những người tôi phục sự, kể cả nhu cầu của con cái tôi.

Thưa các anh chị em, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thật đáng ngạc nhiên! Đấng Cứu Rỗi thay đổi cuộc sống của con cái của Thượng Đế trong những cách thức lâu dài và mạnh mẽ. Ngài mời gọi chúng ta thay đổi và trở nên tốt hơn, phục vụ người khác, và trở thành một điều gì đó lớn lao hơn là chúng ta có thể tự mình trở thành. Chúng ta hãy giảng dạy theo những cách mà cho các học viên của chúng ta thấy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thật sự đáng ngạc nhiên như thế nào! Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Lu Ca 5:5:27–28

  2. See 2 Ti Mô Thê 3:1. Xin xem thêm lời phát biểu của Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Trong những thời kỳ khó khăn mà Sứ Đồ Phao Lô đã tiên tri, Sa Tan thậm chí đã không còn cố gắng che giấu những cuộc tấn công của nó vào kế hoạch của Thượng Đế nữa. Có rất nhiều ý tưởng xấu xa đầy phổ biến trên thế giới. Vì vậy, cách duy nhất để tồn tại về phần thuộc linh là quyết tâm để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của chúng ta, học cách nghe tiếng Ngài và sử dụng nghị lực của mình để giúp quy tụ dân Y Sơ Ra Ên.”(Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trịl,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 95).

  3. Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Tảng Thuộc Linh Của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 93.

  4. 2 Nê Phi 2:13 dạy chúng ta về mối quan hệ của luật pháp của Thượng Đế và hạnh phúc của chúng ta. Nó cũng thiết lập sự cần thiết của Đấng Trung Gian vĩ đại, Chúa Giê Su Ky Tô, để giúp chúng ta khắc phục những hậu quả của luật pháp như đã được thảo luận về sau trong chương này. Câu 13 phác thảo lý lẽ của thế gian và hy vọng của nhiều thanh thiếu niên thế hệ Z đang gặp khó khăn, là những người muốn tin rằng nếu luật pháp của Thượng Đế bị loại bỏ, thì nỗi đau khổ và đau khổ của họ sẽ biến mất. Nhưng Lê Hi giảng dạy Gia Cốp lẽ thật mà chúng ta cũng phải giảng dạy cho học viên của mình: nếu không có luật pháp thì sẽ không có hạnh phúc. Lẽ thật này hoàn toàn trái ngược với lời kêu gọi thuyết tương đối về mặt đạo đức ngày nay và một niềm tin rằng nếu không có điều đúng và điều sai, thì không có hậu quả của tội lỗi. Nếu thực sự yêu thương các học viên đang gặp khó khăn của mình, thì chúng ta cần phải cho thấy sự cảm thông, lòng bác ái, và mối quan tâm, nhưng chúng ta cũng phải giảng dạy cho họ lẽ thật về hậu quả của tội lỗi và phép lạ của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Xin xem thêm Russell M. Nelson, “The Love and Laws of God” (Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 17 tháng Chín năm 2019), speeches.byu.edu. Chủ Tịch Nelson đã dạy sinh viên cùng lẽ thật này trong bài nói chuyện của ông tại buổi họp đặc biệt devotional tại trường BYU. Các luật pháp của Thượng Đế không có nghĩa là chối bỏ hạnh phúc của chúng ta mà dẫn dắt chúng ta đến hạnh phúc. Việc chối bỏ các luật pháp đó hoặc ngụ ý rằng những luật pháp đó là tình huống thì sẽ chỉ dẫn đến thêm nỗi buồn phiền và không dẫn đến hạnh phúc lâu dài.

  5. Barna Group, Gen Z Volume 2: Caring for Young Souls and Cultivating Resilience (2021), trang 52.

  6. Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh,” Tài Liệu Chính Yếu để Thông Thạo Giáo Lý (2018), 3.

  7. Xin xem Tyler Johnson, “A Teacher’s Plea,” BYU Studies, vol. 60, no. 2 (2021), trang 81–118.

  8. Xin xem Sarah Jane Weaver, “Episode 57: BYU–Idaho Professors Eric and Sarah d’Evegnée on Faith, Testimony, and Reconversion,” Church News, ngày 16 tháng Mười Một năm 2021, thechurchnews.com.

  9. Lawrence E. Corbridge, “Stand Forever” (Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 22 tháng Một năm 2019), 3 speeches.byu.edu.

  10. Dallin H. Oaks, “As He Thinketh in His Heart” (một buổi họp tối với một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, ngày 8 tháng Hai năm 2013), ChurchofJesusChrist.org.

  11. Xin xem Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Tảng Thuộc Linh Của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 93–96.

  12. Mác 6:2; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  13. Ma Thi Ơ 7:28; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  14. An Ma 18:2; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  15. Hê La Man 9:4; sự nhấn mạnh được thêm vào.

In