2022
Ba Lời Khuyên để Giảm Thiểu Sự Tranh Chấp trong Gia Đình Các Em
Tháng Ba năm 2022


“Ba Lời Khuyên để Giảm Thiểu Sự Tranh Chấp trong Gia Đình Các Em,” Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, Tháng Ba năm 2022.

Giúp Đỡ trong Cuộc Sống

Ba Lời Khuyên để Giảm Thiểu Sự Tranh Chấp trong Gia Đình Các Em

Liệu gia đình các em có đôi khi xảy ra tranh cãi không? Điều đó không chỉ xảy ra với mỗi gia đình em đâu.

em thiếu nữ
em thiếu niên

Hình ảnh minh họa do Alyssa M. Gonzalez thực hiện

  • “Thật là bất công! Giờ thì đến lượt của em mà!”

  • “Nè, em đâu có hỏi mượn anh cái đó!”

  • “Cha ơi! Anita thè lưỡi trêu con!”

Nếu bất cứ lời nói nào ở trên nghe có vẻ quen thuộc, thì các em có thể đang là thành viên của một gia đình. Và không một gia đình nào có thể tránh khỏi chuyện tranh chấp. Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã từng chia sẻ rằng con cái của ông đã phàn nàn là: “Mẹ ơi, nó đang thở không khí của con đó!”1

Việc một gia đình có tranh chấp cũng là điều bình thường. Thực tế, có những người còn cố gắng gây chuyện để tạo ra tranh chấp nữa. Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy rõ ràng rằng: “Kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta mà thuộc về quỷ dữ, vì quỷ dữ là cha của sự tranh chấp, nó khích động trái tim loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau.”(3 Nê Phi 11:29).

Nhưng chớ sợ hãi! Phúc âm dạy chúng ta rằng có nhiều điều chúng ta có thể làm để giảm thiểu việc tranh chấp trong gia đình của mình—và trải nghiệm rất nhiều niềm vui!

Lời khuyên 1: Cất Đi Nguồn Nhiên Liệu

bé gái với bình nhiên liệu

Lửa cần có nhiên liệu để cháy. Sự tranh chấp cũng tương tự như vậy. Và nguồn nhiên liệu của việc tranh cãi chính là tranh cãi nhiều hơn. Vậy thì các em có thể làm gì khi ai đó bắt đầu tranh cãi với mình?

Vâng, các em có thể đơn giản là từ chối tranh cãi. Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hoàn hảo cho chúng ta về điều này. Trong suốt giáo vụ của Ngài, Ngài bị ghét bỏ, bị đối xử tệ bạc, bị phản bội, và cuối cùng bị đóng đinh trên thập tự giá. Tuy nhiên, ngay cả khi những câu trả lời của Ngài mạnh mẽ và thẳng thắn, thì Ngài cũng không bao giờ có tinh thần tranh chấp. Và đến cuối cùng Ngài cũng không hề chống trả, ngay cả khi Ngài có thể gọi xuống “hơn mười hai đạo thiên sứ” để viện trợ Ngài (Ma Thi Ơ 26:53). Thay vì thế, Ngài đã cầu nguyện cho những kẻ nghịch thù của Ngài, ngay cả khi Ngài bị treo trên thập tự giá (xem Lu Ca 23:34).

Việc từ chối tranh cãi cho phép các em trở thành những người biết lắng nghe hơn. Và khi chúng ta lắng nghe tốt hơn, chúng ta có thể giao tiếp tốt hơn và trở thành một người mang lại sự hòa thuận. Từ chối tranh luận cũng bao gồm cả việc phản hồi bằng một giọng nói điềm tĩnh và làm những gì có thể để kiềm chế cảm xúc.

Khi nhiên liệu không được nạp thêm, hầu hết các cuộc tranh luận và tranh chấp sẽ từ từ biến mất. Như thánh thư đã dạy: “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận” (Châm Ngôn 15:1).

Lời khuyên 2: Thể Hiện Tình Yêu Thương

gia đình

Thể hiện tình yêu thương với những người trong gia đình là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn xung đột trong nhà. Làm như vậy thậm chí có thể ngăn chặn sự tranh chấp ngay từ đầu!

Tuy nhiên, ngay cả khi sự tranh chấp có thể lẻn qua được hàng phòng ngự của chúng ta, thì tình yêu thương và sự tử tế vẫn có thể xoay chuyển tình thế.

Hãy xem câu chuyện trong Kinh Thánh về người đàn bà bị bắt vì tội tà dâm. Theo luật Môi Se, lẽ ra bà ấy phải bị ném đá. Một đám đông giận dữ yêu cầu Chúa Giê Su phải kết án bà.

Tuy vậy phản ứng của Đấng Cứu Rỗi là gì? Trước hết, Ngài không trả lời yêu cầu của họ ngay lập tức. Ngài cúi xuống và lấy ngón tay viết trên đất một lúc trước khi cất lời. (Gợi ý: đôi khi tốt nhất là các em không nên trả lời ngay khi cảm xúc đang dâng trào.)

Rồi Ngài cho thấy tình yêu thương và lòng trắc ẩn dành cho người đàn bà ấy, khi Ngài nói với đám đông rằng: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người” (Giăng 8:7).

Chúa Giê Su đã đối xử với người đàn bà phạm tội ấy bằng tình yêu thương, chứ không phải bằng lời chỉ trích. Ngài đã cho thấy sự sẵn lòng tha thứ cho bà khi Ngài nói với bà rằng “hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:11).

Hãy nói với những người trong gia đình là các em yêu thương họ lắm. Hãy thể hiện tình yêu thương đó bằng sự tha thứ và cho phép họ thay đổi—ngay cả khi họ đang tỏ ra tức giận với các em. Tình yêu thương có thể tạo nên mọi sự khác biệt.

Lời khuyên 3: Cầu Nguyện

thiếu nữ đang cầu nguyện

Lời cầu nguyện mang các phước lành của Thượng Đế vào cuộc sống của chúng ta. Trong sách Mặc Môn, A Mu Léc đã dạy rằng: “Các người còn phải dâng hết tâm hồn mình trong phòng kín và những nơi vắng vẻ hay trong vùng hoang dã.

“Phải, … hãy để cho lòng mình được tràn đầy, mở rộng trong sự nguyện cầu Ngài luôn luôn cho sự an lạc của mình, và luôn cả cho sự an lạc của những người chung quanh mình nữa” (An Ma 34:26–27).

Chắc chắn “những người chung quanh mình” gồm có cả gia đình của các em—ngay cả những người hiện giờ có thể không sống cùng các em. Vậy nên, hãy cầu nguyện cùng gia đình các em. Hãy cầu nguyện cho gia đình các em. Hãy cầu nguyện để các em có thể kiềm chế sự nóng giận của mình khi ai đó làm các em phiền lòng. Hãy cầu nguyện rằng các em sẽ biết cách ứng phó với những tình huống khó khăn xảy đến trong gia đình mình. Hãy cầu nguyện để có được sự giúp đỡ thiêng liêng. Hãy cầu nguyện để có nhiều tiếng cười và tình yêu thương tràn vào ngôi nhà của các em. Và rồi hãy làm tất cả những gì các em có thể để biến điều đó thành hiện thực.

Khi các em nỗ lực sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô một cách trọn vẹn hơn, các em sẽ thấy rằng gia đình mình cũng sẽ được ban phước. Sự tranh chấp sẽ giảm đi và niềm vui của các em sẽ tăng lên.