Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ
Khi Nỗi Buồn Ập Đến
Tháng Ba năm 2024


“Khi Nỗi Buồn Ập Đến,” Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, tháng Ba năm 2024.

Sức Mạnh trong Những Lúc Đau Buồn

Khi Nỗi Buồn Ập Đến

Khi cuộc sống khiến các em suy sụp, Chúa Giê Su Ky Tô có thể nâng đỡ các em với niềm hy vọng.

cậu bé trông buồn bã với đám mây đen trên đầu

Hình ảnh minh họa do Dean MacAdam thực hiện

Các em có thể tiến khá xa trong cuộc sống nhờ sự siêng năng và lòng quyết tâm. Các em có thể lên giường, thức dậy sớm (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:124), và lấp đầy mỗi ngày với những thói quen ngay chính và kỷ luật tự giác.

Tuy là thế, nhưng sẽ có một số ngày khó khăn hơn những ngày khác.

Và rồi một số ngày khác nữa … ừ thì, những ngày đó sẽ khiến các em cảm thấy quá khó khăn đến nỗi các em có thể bắt đầu nghĩ rằng những ngày tươi đẹp đã trôi qua mãi mãi.

Các em sẽ làm gì vào những ngày ấy? Các em sẽ làm gì khi những nỗ lực tốt nhất của mình, kể cả các nỗ lực tốt nhất để sống một cuộc sống ngay chính (cầu nguyện, nhịn ăn, học thánh thư, tham dự nhà thờ và đền thờ, v.v.), dường như là không đủ? Khi các em cố gắng chống lại sự tuyệt vọng, thì dường như sự tuyệt vọng ấy càng trở nên mãnh liệt hơn?

Các em sẽ hướng về Chúa Giê Su Ky Tô, tất nhiên rồi. Niềm hy vọng là một ân tứ thuộc linh (xin xem Mô Rô Ni 8:26). Và tất cả các ân tứ thuộc linh đều đến từ Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 10:17).

Khi những khó khăn của cuộc sống giáng xuống các em giống như núi trời sụp đổ, thì ân tứ thuộc linh về niềm hy vọng có thể thuộc về các em khi các em tập trung nhiều hơn vào Chúa Giê Su Ky Tô.

“Chúa Làm Nhẹ Gánh Nặng Của Tôi”

Cuộc sống vốn đã đầy thử thách đối với nhiều người dân Venezuela trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020, nhưng rồi sau đó ngay cả việc sinh tồn cơ bản cũng trở nên khó khăn. Đối với cậu bé 11 tuổi Sebastian và gia đình của em ấy, thì sức mạnh từ Chúa Giê Su Ky Tô là cần thiết để giữ tinh thần lạc quan và vui vẻ trong những lúc buồn bã. Sebastian nói: “Em thấy buồn khi gia đình em không thể mua các nhu yếu phẩm như thực phẩm, quần áo, và thuốc men.” “Nhưng em có đức tin rằng Chúa sẽ tiếp tục ban phước cho gia đình em. Em cảm thấy được phước vì em đã có thể nhận được phước lành tộc trưởng của mình. Phước lành đó cho em biết về những điều mà em đã được hứa trước khi đến thế gian.”

Tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô là một phần của chủ đề giới trẻ năm ngoái (“Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng Ky Tô” [Phi Líp 4:13]) đã chứng tỏ là một sự giúp đỡ lớn lao. “Vì những khó khăn mà đất nước em đang phải đối diện, chủ đề của giới trẻ năm ngoái đã nhắc nhở em rằng Đấng Ky Tô sẽ giúp em vượt qua và làm tất cả mọi sự nhờ Ngài,” Sebastian nói.

Đó là một hành trình dài, nhưng Sebastian và gia đình của em ấy đã thấy các phước lành và niềm hy vọng trên hành trình đó. Em ấy nói: “Chúa làm nhẹ gánh nặng của em.” “Khi đau buồn, em cầu nguyện, học thánh thư, và đọc phước lành tộc trưởng của mình. Nhờ có Ngài mà công việc kinh doanh văn phòng phẩm của gia đình chúng em, bắt đầu cách đây ba năm, đã có nhiều thành công hơn trong năm nay. Em muốn nói với những người trẻ khác rằng họ nên luôn luôn sẵn sàng trông cậy vào Chúa Giê Su Ky Tô. Khi em làm điều đó, em có thể vượt qua được những thử thách của mình.”

Sức Mạnh qua Sự Tập Trung Tốt Hơn

Tiên tri Nê Phi, là người đã chịu đựng những nỗi gian khổ tột cùng trong suốt cuộc đời ông, đã giảng dạy lẽ thật tuyệt vời này:

“Phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người. Vậy nên, nếu các người tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu” (2 Nê Phi 31:20).

Niềm hy vọng, một nguồn năng lực mạnh mẽ chống lại sự phiền muộn, sẽ đến khi chúng ta tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. Liệu đây có phải là lúc mà các em nên chuyển sự tập trung của mình vào Ngài nhiều hơn một chút không?