2010–2019
Những Buổi Sáng Đẹp Trời
Tháng tư 2013


10:28

Những Buổi Sáng Đẹp Trời

Chúng ta không cần phải lo ngại cho tương lai, cũng không nên ngừng hy vọng và hân hoan, vì Thượng Đế ở với chúng ta.

Vào một buổi tối thứ Năm ở Giê Ru Sa Lem, Chúa Giê Su đã nhóm họp với các môn đồ của Ngài trên một căn gác để kỷ niệm ngày lễ Vượt Qua. Những người hiện diện cùng Ngài ở đó đã không biết rằng bữa ăn này một ngày nào đó sẽ được gọi là Bữa Ăn Tối Cuối Cùng. Nếu biết được như vậy và ý nghĩa của điều này, thì chắc hẳn họ sẽ khóc.

Tuy nhiên, Đức Thầy của họ đã hoàn toàn hiểu rằng thử thách của Vườn Ghết Sê Ma Nê và của Đồi Sọ chẳng bao lâu nữa sẽ bắt đầu. Thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử thế gian sắp xảy ra; tuy nhiên, Chúa Giê Su phán với họ: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi” (16:33).

Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại hỗn loạn và bấp bênh, một thời kỳ mà Chúa đã tiên tri cho Hê Nóc biết là sẽ được đánh dấu bằng “những ngày của sự tà ác và báo thù” (Môi Se 7:60). Thời kỳ thống khổ và khó khăn có thể đến trong tương lai của chúng ta, tuy nhiên chúng ta cũng có lý do để vững lòng và hân hoan, vì chúng ta sống trong gian kỳ sau cùng, là thời kỳ Thượng Đế đã phục hồi Giáo Hội và vương quốc của Ngài trên thế gian để chuẩn bị cho sự trở lại của Vị Nam Tử của Ngài.

Chủ Tịch Boyd K. Packer đã có lần nói về các cháu của ông và chúng đang sống trong một thế giới càng ngày càng có nhiều rắc rối. Ông nói: “Chúng sẽ thấy rất nhiều sự kiện xảy ra trong suốt cuộc đời của chúng. Một số sự kiện này sẽ thử thách lòng can đảm của chúng và gia tăng đức tin của chúng. Nhưng nếu thành tâm tìm kiếm sự giúp đỡ và hướng dẫn, thì chúng sẽ được ban cho quyền năng để chiến thắng nghịch cảnh.”

Và về sau, ông nói thêm: “Nền văn minh của chúng ta phụ thuộc vào các giá trị đạo đức mà đang càng ngày càng xuống dốc nhanh chóng. Tuy nhiên, tôi không lo ngại cho tương lai đâu” (“Do Not Fear,” Liahona, tháng Năm năm 2004, 77, 78).

Thưa các anh chị em, chúng ta không cần phải lo ngại cho tương lai, cũng không nên ngừng hy vọng và hân hoan, vì Thượng Đế ở với chúng ta. Trong số những lời khuyên dạy đầu tiên đã được ghi lại mà Chúa Giê Su đã ban cho các môn đồ của Ngài mới được kêu gọi ở Ga Li Lê là lời khuyên dạy có ba từ: “Đừng sợ chi” (Lu Ca 5:10). Ngài lặp lại lời khuyên dạy đó nhiều lần trong thời gian giáo vụ của Ngài. Đấng Cứu Rỗi đã phán với Các Thánh Hữu của Ngài trong thời kỳ chúng ta: “Hãy vui lên, và chớ sợ hãi, vì ta là Chúa đang ở với các ngươi, và ta sẽ đứng bên các ngươi” (GLGƯ 68:6).

Chúa sẽ đứng bên Giáo Hội và dân của Ngài và giữ cho họ được an toàn cho đến khi Ngài đến. Si Ôn và các giáo khu của ở đó sẽ có bình an, vì Ngài đã phán: “để cho sự quy tụ lại trên đất Si Ôn, và trên các giáo khu của nó có thể để phòng vệ và dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ khi nó được trút nguyên vẹn lên toàn thể thế gian” (GLGƯ 115:6).

Đối với các tín hữu của Giáo Hội, Giáo Hội giống như một bức tường thành an toàn. Mặc dù tình trạng trên thế giới đôi khi có thể trở nên hỗn loạn, nhưng Các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín sẽ tìm thấy nơi trú ẩn trong các giáo khu của Si Ôn. Chúa đã ra lệnh cho hòn đá bị đục ra từ núi mà không có bàn tay giữ lại, sẽ lăn đi cho đến khi nào nó lăn cùng khắp thế gian (xin xem; GLGƯ 65:2). Và không có sức mạnh nào của con người có thể ngăn chặn điều này được, vì Thượng Đế là tác giả của công việc này, và Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà.

Tiên tri Nê Phi thấy trong khải tượng rằng trong những ngày sau cùng, quyền năng của Chiên Con của Thượng Đế sẽ giáng xuống “trên dân giao ước của Chúa” và họ sẽ được “trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại” (1 Nê Phi 14:14).

Mỗi người chúng ta và gia đình mình, có thể được trang bị bằng quyền năng của Thượng Đế với mục đích để bảo vệ nếu chúng ta chỉ chịu luôn luôn trung tín với Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và để cho Thánh Linh hướng dẫn. Thử thách có thể đến, và chúng ta có thể không hiểu tất cả mọi điều xảy ra cho chúng ta hoặc xung quanh mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta khiêm nhường, lặng lẽ tin cậy nơi Chúa, thì Ngài sẽ ban cho chúng ta sức mạnh và sự hướng dẫn trong mọi thử thách mà chúng ta gặp phải. Khi ước muốn duy nhất của chúng ta là để làm vui lòng Ngài, thì chúng ta sẽ được ban phước với cảm giác bình an sâu thẳm trong nội tâm.

Trong những ngày đầu của Sự Phục Hồi, các tín hữu của Giáo Hội đã đối phó với nhiều thử thách nghiêm trọng. Chủ Tịch Brigham Young đã nói về thời kỳ đó: “Khi bị các đám đông khủng bố bao vây, với cái chết và sự hủy diệt đe dọa ở mỗi phía, tôi nhớ đã cảm thấy vui vẻ [và] bình an trong tâm hồn của mình, như tôi cảm thấy bây giờ. Tình huống có thể dường như tuyệt vọng và tối tăm, nhưng tôi chưa bao giờ thấy một thời kỳ nào trong Phúc Âm này mà tôi lại không biết rằng kết quả này sẽ hữu ích cho chính nghĩa của lẽ thật” (Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young [1997], 357).

Paul là người bạn đồng hành truyền giáo của tôi, anh luôn luôn bộc lộ niềm vui. Là một người cha trẻ tuổi, anh bị mắc bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, bất chấp nghịch cảnh, anh vẫn tiếp tục phục vụ người khác với niềm vui và óc hài hước. Có lần anh đến văn phòng của tôi, ngồi trên chiếc xe lăn đầu tiên của mình và nói: “Cuộc sống bắt đầu với một chiếc xe lăn có động cơ!” Tôi sẽ luôn nhớ đến anh, khi anh giương cao ngọn đuốc Thế Vận Hội trong khi ngồi trên chiếc xe lăn trước hàng trăm người cổ vũ, một vài năm trước khi anh qua đời. Giống như ngọn lửa luôn luôn bừng cháy, đức tin của Paul không bao giờ phai mờ trong cơn giông bão của đời.

Khi tôi còn là sinh viên tại trường Brigham Young University, tôi sống cùng với một vài thanh niên trong một ngôi nhà. Người bạn cùng phòng với tôi là Bruce là người lạc quan nhất tôi từng biết. Chúng tôi không bao giờ nghe anh ấy nói xấu bất cứ điều gì về bất cứ người nào hoặc bất cứ hoàn cảnh nào, và không thể nào không cảm thấy vui khi ở gần anh ấy. Tính vui vẻ của anh ấy đến từ một sự tin cậy lâu dài nơi Đấng Cứu Rỗi và nơi phúc âm của Ngài.

Vào một ngày mùa đông lạnh lẽo, một người bạn khác của tôi là Tom đi bộ ngang qua khuôn viên trường đại học. Lúc đó chỉ mới 7 giờ sáng, và khuôn viên đại học đang vắng người và trời còn tối. Tuyết đang rơi nhiều, và gió đang thổi lồng lộng. Tom nghĩ: “Thời tiết thật là xấu.” Anh đi tiếp, và anh nghe thấy ai đó đang hát từ trong bóng tối và giữa trời tuyết.

Đúng như đã đoán, anh bạn Bruce luôn luôn lạc quan của chúng tôi chính là người đang đi trong trận tuyết dữ dội. Với hai cánh tay dang ra hướng lên bầu trời, anh đang hát một bài hát từ vở nhạc kịch Broadway tên là Oklahoma: “Ôi, thật là một buổi sáng đẹp trời! Ôi, thật là một ngày đẹp trời! Tôi đã có một cảm giác tuyệt vời, mọi điều đều sẽ tốt đẹp trong ngày hôm nay” (Richard Rodgers and Oscar Hammerstein II, “Oh, What a Beautiful Morning” [1943]).

Kể từ kinh nghiệm đó, tiếng hát vui vẻ trong một cơn bão tối tăm là một biểu tượng về đức tin và hy vọng đối với tôi. Ngay cả trong một thế giới đen tối, với tư cách là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta cũng đều có thể hát với niềm vui, và biết rằng quyền năng của thiên thượng đang ở với Giáo Hội và dân của Thượng Đế. Chúng ta có thể hân hoan trong sự hiểu biết rằng một buổi sáng đẹp trời đang ở trước mặt—bình minh của thời kỳ ngàn năm, khi Vị Nam Tử của Thượng Đế sẽ trỗi dậy ở phương Đông và trị vì một lần nữa trên thế gian.

Tôi nghĩ về hai buổi sáng đẹp trời khác trong lịch sử thế gian. Mùa xuân năm 1820, vào buổi sáng của một ngày đẹp trời, trong xanh ở Palmyra, New York, một thiếu niên tên là Joseph Smith đã bước vào một khu rừng cây và quỳ xuống cầu nguyện. Sự đáp ứng cho lời cầu nguyện đó, sự hiện đến của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, đã khai mở gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn và Sự Phục Hồi của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô cho thế gian.

Tuy nhiên, cách đây gần 2.000 năm ngay ở bên ngoài bức tường thành Giê Ru Sa Lem đã có một buổi sáng đẹp trời khác hé mở. Chắc chắn là mặt trời chiếu rực với tia nắng rạng ngời vào buổi sáng Phục Sinh hôm đó. Một nhóm nhỏ phụ nữ đã đến thăm một ngôi mộ vườn, hy vọng được xức dầu cho xác của Chúa họ bị đóng đinh. Hai thiên sứ gặp họ và nói: “Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại” (Lu Ca 24:5–6).

Tôi làm chứng về chiến thắng của Chúa Giê Su Ky Tô đối với tội lỗi và cái chết. Tôi làm chứng về kế hoạch thương xót của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và tình yêu thương trường cửu của Ngài. Mỗi buổi sáng khi thức dậy, cầu xin cho chúng ta nhìn lên thiên thượng trong đức tin và nói: “Ôi thật là một buổi sáng đẹp trời,” tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.