Hãy Đến, Tất Cả Các Ngươi là Con Trai của Thượng Đế
Cầu xin cho mỗi người chúng ta chuyên tâm tìm tòi thánh thư, lập kế hoạch cho cuộc sống của mình với mục đích, giảng dạy lẽ thật với chứng ngôn; và phục vụ Chúa với tình yêu thương.
Mỗi năm hai lần, Trung tâm Đại Hội vĩ đại này dường như nói với chúng ta, bằng một giọng nói đầy thuyết phục: “Hãy đến, tất cả các ngươi là con trai của Thượng Đế đã nhận được chức tư tế.”1 Có một tinh thần đặc biệt lan khắp buổi họp chức tư tế trung ương của Giáo Hội.
Tối nay có hàng ngàn người nắm giữ chức tư tế của chúng ta trên khắp thế giới, họ là những người đang phục vụ Chúa với tư cách là những người truyền giáo của Ngài. Như tôi đã đề cập trong sứ điệp của mình sáng hôm nay, chúng ta hiện đang có hơn 65.000 người đang đi truyền giáo, với hàng ngàn người nữa đang chờ đợi đến ngày vào trung tâm huấn luyện truyền giáo hoặc đơn của họ hiện đang được giải quyết. Chúng tôi yêu thương và khen ngợi những người đã sẵn lòng và thiết tha phục vụ.
Thánh thư không chứa lời phán nào quan trọng hơn, trách nhiệm nào có sức ràng buộc hơn, lời chỉ dẫn trực tiếp hơn lệnh truyền do Chúa phục sinh đưa ra khi Ngài hiện đến cùng mười một môn đồ ở Ga Li Lê. Ngài phán:
“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ,
“Và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”2
Lệnh truyền thiêng liêng này, kèm theo với lời hứa vinh quang của nó, là khẩu hiệu của chúng ta ngày nay cũng như trong thời trung thế. Công việc truyền giáo là một đặc tính để nhận dạng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Đặc tính này đang và sẽ luôn luôn là như vậy. Như Tiên Tri Joseph Smith đã nói: “Sau khi tất cả đã được nói rồi, thì bổn phận lớn lao và quan trọng nhất là để thuyết giảng Phúc Âm.”3
Trong vòng hai năm ngắn ngủi, tất cả những người truyền giáo toàn thời gian hiện đang phục vụ trong đạo quân hoàng gia này của Thượng Đế sẽ kết thúc công việc của họ và sẽ trở về nhà cùng những người thân yêu của họ. Đối với các anh cả này, những người thay thế họ được tìm thấy buổi tối hôm nay trong hàng ngũ của Chức Tư Tế A Rôn của Giáo Hội. Các thiếu niên thân mến, các em đã sẵn sàng để đáp ứng chưa? Các em có sẵn sàng làm việc không? Các em có sẵn sàng để phục vụ không?
Trong điều kiện tốt nhất, công việc truyền giáo đòi hỏi một người phải được chỉnh đốn triệt để theo một cuộc sống mẫu mực. Điều này đòi hỏi phải cam kết về thời gian và tận tâm, có sự hy sinh vị tha và cầu nguyện khẩn thiết. Kết quả là công việc phục vụ truyền giáo mang đến một phần thưởng về niềm vui vĩnh cửu, mà kéo dài trong suốt trần thế và vào thời vĩnh cửu.
Thử thách đó là trở thành các tôi tớ hữu dụng trong vườn nho của Chúa. Điều này áp dụng cho tất cả chúng ta, bất kể tuổi tác, và không phải chỉ cho những người đang chuẩn bị để phục vụ truyền giáo toàn thời gian không thôi, mà mỗi người chúng ta đều có lệnh truyền phải chia sẻ phúc âm của Đấng Ky Tô.
Tôi xin đề nghị một công thức sẽ bảo đảm cho chúng ta được thành công: trước hết, hãy chuyên tâm tìm tòi thánh thư; thứ hai, lập kế hoạch cho cuộc sống của các anh em với mục đích (và, tôi có thể nói thêm, là hãy hoạch định cuộc sống của các anh em bất kể tuổi tác của mình là bao nhiêu); thứ ba, giảng dạy lẽ thật với chứng ngôn; và thứ tư, phục vụ Chúa với tình yêu thương.
Chúng ta hãy xem xét mỗi phần trong bốn phần của công thức này.
Trước hết, hãy chuyên tâm tìm tòi thánh thư.
Thánh thư làm chứng về Thượng Đế và chứa đựng những lời về cuộc sống vĩnh cửu. Thánh thư trở thành nền tảng của sứ điệp chúng ta.
Trọng tâm chương trình giảng dạy của Giáo Hội là thánh thư, được soạn thảo và phối hợp qua nỗ lực tương quan. Chúng ta cũng được khuyến khích nên học thánh thư mỗi ngày, học riêng cá nhân lẫn chung với gia đình của chúng ta.
Tôi sẽ chỉ đưa ra một đoạn tham khảo có thể áp dụng ngay lập tức cho cuộc sống của chúng ta. Trong Sách Mặc Môn, chương 17 sách An Ma, chúng ta đọc câu chuyện về niềm vui của An Ma khi ông gặp lại các con trai của Mô Si A và ghi nhận sự kiên trì trong chính nghĩa của lẽ thật. Câu chuyện cho chúng ta biết rằng “Họ đã trở nên mạnh mẽ trong sự hiểu biết lẽ thật, vì họ là những người có một sự hiểu biết vững chắc và rất chuyên tâm tìm tòi thánh thư để có thể hiểu thấu được lời của Thượng Đế.
“Nhưng như vậy chưa phải là hết; họ đã hết lòng cầu nguyện và nhịn ăn; vậy nên họ có được tinh thần tiên tri và tinh thần mặc khải, và khi giảng dạy, họ đã giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế.”4
Thưa các anh em, hãy chuyên tâm tìm tòi thánh thư.
Điểm thứ hai trong công thức của chúng ta: lập kế hoạch cho cuộc sống của các anh em với mục đích.
Có lẽ không có thế hệ trẻ nào đã đối diện với quyết định có ảnh hưởng sâu rộng như vậy như giới trẻ thời nay. Việc chuẩn bị cần phải gồm có trường học, công việc truyền giáo và hôn nhân. Đối với một số các em, còn bao gồm sự phục vụ trong quân ngũ.
Việc chuẩn bị cho một công việc truyền giáo bắt đầu từ sớm. Ngoài việc chuẩn bị phần thuộc linh ra, một người cha hay mẹ sáng suốt sẽ tạo điều kiện cho một đứa con trai nhỏ có thể bắt đầu quỹ truyền giáo cá nhân của nó. Đứa con trai này cũng có thể được khuyến khích học một ngôn ngữ nước ngoài để nếu cần thiết, các kỹ năng về ngôn ngữ của nó có thể được sử dụng. Cuối cùng, rồi cũng đến cái ngày vinh quang đó khi vị giám trợ và chủ tịch giáo khu mời người thiếu niên đó vào để thăm hỏi. Sự xứng đáng được xác định; một giấy giới thiệu người truyền giáo được hoàn thành.
Không có thời gian nào khác mà toàn bộ gia đình lại nôn nóng trông chờ người đưa thư và lá thư có địa chỉ người gửi là 47 East South Temple, Salt Lake City, Utah đến mức như vậy. Lá thư đến; thật là hồi hộp vô cùng; sự kêu gọi được đọc lên. Thường thì công việc truyền giáo được chỉ định rất xa nhà. Tuy nhiên, bất cứ địa điểm nào, thì phản ứng của người truyền giáo đã được chuẩn bị và biết vâng lời thì cũng giống nhau: “Tôi sẽ phục vụ.”
Việc chuẩn bị cho ngày khởi hành bắt đầu. Các em thiếu niên, tôi hy vọng rằng các em biết ơn sự hy sinh mà cha mẹ các em đã sẵn lòng tạo ra để cho các em có thể phục vụ. Nhưng công việc nặng nhọc của họ sẽ hỗ trợ các em, đức tin của họ sẽ khuyến khích các em, những lời cầu nguyện của họ sẽ giữ vững các em. Công việc truyền giáo là một vấn đề của gia đình. Mặc dù các em và gia đình mình bị ngăn cách bởi các lục địa hay đại dương, nhưng lòng các em và họ đều hiệp một.
Thưa các anh em, khi các anh em hoạch định cuộc sống mình với mục đích, hãy nhớ rằng các cơ hội truyền giáo của các anh em không phải bị giới hạn chỉ trong thời kỳ được kêu gọi chính thức. Đối với những người phục vụ trong quân ngũ, thời gian như vậy có thể và nên là hữu ích. Mỗi năm, các thanh niên của chúng ta trong quân phục đều mang nhiều linh hồn vào vương quốc của Thượng Đế bằng cách tôn vinh chức tư tế của họ, sống theo các giáo lệnh của Thượng Đế, và dạy cho những người khác những lời thiêng liêng của Chúa.
Đừng bỏ qua đặc ân của các em để làm người truyền giáo trong khi theo đuổi việc học hành chính thức. Tấm gương của các em là người Thánh Hữu Ngày Sau sẽ được người khác quan sát, cân nhắc và đôi khi làm theo.
Thưa các anh em, cho dù các anh em bao nhiêu tuổi, cho dù hoàn cảnh của các anh em là gì đi nữa, thì tôi cũng khuyên các anh em nên lập kế hoạch cho cuộc sống của mình với mục đích.
Điểm thứ ba trong công thức của chúng ta: giảng dạy lẽ thật với chứng ngôn.
Hãy tuân theo lời khuyên bảo của Sứ Đồ Phi E Rơ: “Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em.”5 Hãy cất cao tiếng nói của các anh em và làm chứng về bản tính thật sự của Thiên Chủ Đoàn. Hãy làm chứng về Sách Mặc Môn. Truyền đạt các lẽ thật vinh quang và tuyệt vời được chứa đựng trong kế hoạch cứu rỗi.
Khi tôi phục vụ với tư cách là một chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Canada cách đây hơn 50 năm, một người truyền giáo trẻ đến từ một cộng đồng nhỏ ở nông thôn, kinh ngạc trước thành phố Toronto rộng lớn. Anh ấy thấp bé nhưng có chứng ngôn rất mạnh. Chẳng bao lâu sau khi anh ấy đến, thì anh ấy và người bạn đồng hành đến thăm nhà của Elmer Pollard ở Oshawa, Ontario, Canada. Vì cảm thấy thương hại cho hai thanh niên này phải đi từ nhà này đến nhà khác trong một trận bão tuyết mù mịt, ông Pollard đã mời hai người truyền giáo này vào nhà ông. Họ trình bày cho ông nghe sứ điệp của họ. Ông đã không cảm nhận được Thánh Linh. Vào lúc thích hợp, ông đã yêu cầu họ ra về và đừng trở lại. Khi họ ra khỏi cửa nhà ông, ông đã nói với hai anh cả một cách đầy chế nhạo: “Hai anh không thể nói với tôi là hai anh thật sự tin rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế đâu!”
Cánh cửa đóng lại. Hai anh cả bước xuống lối đi. Anh chàng nhà quê của chúng tôi nói với bạn đồng hành của mình: “Anh Cả này, chúng ta đã không trả lời cho Ông Pollard. Ông ấy nói rằng chúng ta không tin rằng Joseph Smith là một vị tiên tri chân chính. Chúng ta hãy quay trở lại và làm chứng với ông ấy.” Lúc đầu, người truyền giáo có kinh nghiệm hơn đã do dự, nhưng cuối cùng đã đồng ý để đi trở lại với người bạn đồng hành của mình. Lòng đầy sợ hãi, họ tiến đến cánh cửa là nơi họ đã bị khước từ. Họ gõ cửa, đối diện với ông Pollard, chờ đợi trong một khoảnh khắc đầy khó khăn, và sau đó với quyền năng của Thánh Linh, người truyền giáo thiếu kinh nghiệm của chúng ta đã nói: “Thưa ông Pollard, ông nói rằng chúngtôi không thực sự tin rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế. Tôi làm chứng với ông rằng Joseph quả thật là một vị tiên tri. Ông ấy quả thật đã dịch Sách Mặc Môn. Ông ấy đã nhìn thấy Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử Chúa Giê Su. Tôi biết điều đó.”
Một thời gian sau, Ông Pollard, giờ đây là Anh Pollard, đứng trong một buổi họp chức tư tế và nói: “Đêm đó tôi không thể ngủ được. Tôi vẫn nghe văng vẳng trong tai những lời: ‛Joseph Smith quả thật là vị tiên tri của Thượng Đế. Tôi biết điều đó. Tôi biết điều đó. Tôi biết điều đó.’ Ngày hôm sau tôi gọi điện thoại cho hai người truyền giáo đó và yêu cầu họ quay trở lại. Sứ điệp của họ, kèm theo chứng ngôn của họ, đã thay đổi cuộc sống của tôi và cuộc sống của gia đình tôi.” Thưa các anh em, hãy giảng dạy lẽ thật với chứng ngôn.
Điểm cuối cùng trong công thức của chúng ta là phục vụ Chúa với tình yêu thương. Không có điều gì có thể thay thế cho tình yêu thương cả. Những người truyền giáo thành công yêu thương người bạn đồng hành của họ, các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo của họ, và những người quý báu mà họ giảng dạy. Trong tiết thứ tư của sách Giáo Lý và Giao Ước, Chúa đã thiết lập những điều kiện cho các công việc của giáo vụ. Chúng ta hãy xem một vài câu thánh thư sau đây:
“Vậy, hỡi các ngươi là kẻ bắt tay vào công việc phục vụ Thượng Đế, các ngươi hãy chú tâm phục vụ Ngài với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh, để các ngươi có thể đứng vô tội trước mặt Thượng Đế vào ngày sau cùng. …
“Và đức tin, hy vọng, lòng bác ái, và tình thương, với con mắt duy nhất hướng về vinh quang của Thượng Đế, làm cho kẻ đó có đủ tư cách để làm công việc của Ngài.
“Hãy ghi nhớ đức tin, đức hạnh, sự hiểu biết, tính ôn hòa, lòng kiên nhẫn, tình thương yêu anh em, sự tin kính, lòng bác ái, sự khiêm nhường, sự cần mẫn.”6
Mỗi người trong số các anh em đang nghe tôi nói có thể tự hỏi kỹ câu hỏi này: “Hôm nay, tôi có làm gia tăng đức tin, đức hạnh, sự hiểu biết, sự tin kính, tình yêu thương không?”
Qua lòng tận tụy của các anh em ở trong nhà hay ở ngoài nhà, những người mà các anh em giúp cứu vớt cũng có thể là những người mà các anh em yêu thương nhất.
Cách đây nhiều năm, hai người bạn thân của tôi, Craig Sudbury và mẹ của em ấy là Pearl, đến văn phòng tôi trước khi Craig lên đường phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Australia Melbourne. Cha của Craig là Fred Sudbury được thấy là vắng mặt. Hai mươi lăm năm trước, mẹ của Craig đã kết hôn với Fred, ông ấy không chia sẻ tình yêu mến của bà đối với Giáo Hội và thật vậy, ông ấy không phải là một tín hữu.
Craig tâm sự với tôi về tình yêu thương sâu đậm và bền bỉ của mình dành cho cha mẹ mình và hy vọng rằng bằng cách nào đó, cha em sẽ được Thánh Linh cảm động và mở rộng lòng của cha em cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi cầu nguyện để có được sự soi dẫn để làm thế nào một ước muốn như vậy có thể được thực hiện. Sự soi dẫn đến, và tôi nói với Craig: “Hãy hết lòng phục vụ Chúa. Hãy tuân theo sự kêu gọi gọi thiêng liêng của em. Mỗi tuần hãy viết thư cho cha mẹ của em; và thỉnh thoảng hãy viết thư riêng cho cha em, và cho ông biết là em yêu thương ông biết bao, và nói cho ông biết lý do tại sao em biết ơn được làm con trai của ông.” Em ấy cám ơn tôi và cùng với mẹ mình rời văn phòng tôi ra về.
Trong khoảng 18 tháng, tôi đã không gặp lại mẹ của Craig cho đến khi bà tới văn phòng tôi và vừa khóc vừa nói với tôi: “Đã gần hai năm kể từ khi Craig đi truyền giáo. Nó không bao giờ quên viết thư cho chúng tôi mỗi tuần. Mới đây, chồng tôi là Fred đã lần đầu tiên đứng trong một buổi họp chứng ngôn và làm cho tôi ngạc nhiên cùng mọi người ở đó sửng sốt khi anh loan báo rằng anh ấy đã quyết định để trở thành một tín hữu của Giáo Hội. Anh ấy cho biết rằng anh và tôi sẽ đi tới Úc để gặp Craig vào lúc kết thúc công việc truyền giáo của nó để Fred có thể là người cuối cùng được Craig làm báp têm trong khi còn là người truyền giáo toàn thời gian.”
Không một người truyền giáo nào lại hãnh diện bằng Craig Sudbury khi ở nước Úc xa xôi, em ấy đã giúp cha mình bước vào nước ngập tới hông và giơ cánh tay phải lên thành góc vuông, lặp lại những lời thiêng liêng đó: “Frederick Charles Sudbury, với tư cách là người đã được Chúa Giê Su Ky Tô phong quyền, con làm phép báp têm cho cha trong danh của Đức Chúa Cha, và của Đức Chúa Con và của Đức Thánh Linh.”
Tình yêu thương đã giành được chiến thắng. Hãy phục vụ Chúa với tình yêu thương.
Thưa các anh em, cầu xin cho mỗi người chúng ta chuyên tâm tìm tòi thánh thư, lập kế hoạch cho cuộc sống của mình với mục đích, giảng dạy lẽ thật với chứng ngôn; và phục vụ Chúa với tình yêu thương.
Đấng Chăn hoàn hảo linh hồn của chúng ta, Đấng truyền giáo cứu chuộc nhân loại, đã ban cho chúng ta sự bảo đảm thiêng liêng của Ngài:
“Và nếu các ngươi phải lao nhọc suốt đời để rao truyền sự hối cải cho dân này, và chỉ đem được một người về cho ta thôi, thì sự vui mừng của các ngươi cùng với kẻ đó trong vương quốc của Cha ta sẽ lớn lao biết bao!
“Và giờ đây, nếu sự vui mừng của các ngươi sẽ lớn lao với một người mà các ngươi đem về cho ta vào trong vương quốc của Cha ta, thì sự vui mừng của các ngươi còn lớn lao hơn biết bao nếu các ngươi đem về cho ta nhiều người!”7
Về Đấng đã phán những lời này, tôi xin làm chứng: Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Chuộc, và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể mãi mãi đáp ứng lời mời gọi dịu dàng của Ngài: “Hãy theo ta.”8 Trong thánh danh của Ngài—chính là danh của Chúa Giê Su Ky Tô—A Men.