2010–2019
Bổn Phận Thiêng Liêng của Các Em để Phục Sự
Tháng tư 2013


10:25

Bổn Phận Thiêng Liêng của Các Em để Phục Sự

Các em đã nhận được quyền năng, thẩm quyền và bổn phận thiêng liêng để phục sự vào lúc được sắc phong chức tư tế.

Niềm Vui của Việc Phục Sự

Các em thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn thân mến, các em là các con trai yêu dấu của Thượng Đế, và Ngài có một công việc vĩ đại cho các em để làm. Để hoàn thành công việc này, các em cần phải làm tròn bổn phận thiêng liêng của mình trong việc phục sự những người khác.1

Các em có biết phục sự là gì không? Hãy suy nghĩ về câu hỏi này trong khi tôi kể cho các em nghe câu chuyện về một cô gái tên là Chy Johnson.

Năm ngoái, khi bắt đầu học trung học, thì Chy trở thành nạn nhân của tình trạng bắt nạt độc ác và nhẫn tâm. Em ấy bị ngược đãi, xô đẩy, và chế giễu khi bước vào lớp học—thậm chí một số học sinh còn ném rác vào em ấy. Có lẽ các em cũng đã thấy cảnh những người bị ngược đãi như vậy trong trường học của mình.

Đối với nhiều người, tuổi niên thiếu là thời gian cô đơn và sợ hãi. Không cần phải là như vậy đâu. May cho Chy là có các thiếu niên ở trường học của em ấy đã hiểu ý nghĩa của việc phục sự.

Mẹ của Chy đã yêu cầu các giáo viên ở trường học giúp ngăn chặn tình trạng bắt nạt, nhưng điều đó vẫn tiếp tục. Sau đó, bà liên lạc với Carson Jones, một em nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn và chơi tiền vệ hàng đầu cho một đội bóng bầu dục. Bà yêu cầu em ấy giúp bà tìm ra ai đang bắt nạt con bà.

Carson đồng ý giúp đỡ, nhưng trong lòng mình, em ấy cảm thấy rằng mình có thể làm nhiều hơn là chỉ tìm ra ai là người bắt nạt. Thánh Linh mách bảo với em ấy rằng em ấy cần phải giúp cho Chy cảm thấy được yêu thương.

Carson yêu cầu một số bạn trong đội bóng cùng phục sự cho Chy. Họ mời em ấy ngồi ăn trưa với họ. Họ đi với em ấy đến lớp học để chắc chắn rằng em ấy được an toàn. Tất nhiên, khi có bạn thân là những người chơi bóng bầu dục, thì không một ai bắt nạt Chy nữa cả.

Đây là một mùa thi đấu đầy thú vị đối với đội bóng bầu dục. Nhưng ngay cả với niềm phấn khởi của một mùa thi đấu chưa ai thắng nổi, các thiếu niên này cũng không quên Chy. Họ mời em ấy đến sinh hoạt với đội sau trận đấu. Chy cảm thấy được yêu thương và biết ơn. Em cảm thấy an toàn. Em cảm thấy hạnh phúc.

Đội bóng bầu dục tiếp tục thắng chức vô địch của tiểu bang. Nhưng có một điều gì đó quan trọng hơn chức vô địch bóng bầu dục đã xảy ra tại trường trung học của họ. Tấm gương của các thiếu niên này đã động viên các học sinh khác cảm thấy được chấp nhận hơn, thân thiện hơn. Giờ đây họ đối xử với nhau tử tế và tôn trọng hơn.

Giới truyền thông tin tức quốc gia biết được điều các thiếu niên này đã làm và chia sẻ câu chuyện về họ trong khắp nước. Điều đã bắt đầu như là một nỗ lực để phục sự chỉ một người giờ đang soi dẫn hằng ngàn người khác để làm như vậy.

Mẹ của Chy gọi các thiếu niên này là “các thiên thần cải trang.” Carson và bạn bè của em nhanh chóng nói rằng Chy đã ban phước cho cuộc sống của họ nhiều hơn là họ ban phước cho cuộc sống của em ấy. Đó là điều xảy ra khi ta hy sinh phục vụ người khác—ta tự tìm thấy chính mình.2 Các em thay đổi và tăng trưởng trong những cách mà sẽ không thể thực hiện được bằng cách nào khác. Các thiếu niên này đã cảm nhận được niềm vui của việc phục sự và tiếp tục tìm kiếm cơ hội để ban phước cho những người khác. Các em ấy đang mong chờ cơ hội để nới rộng việc phục sự của mình trong những tháng tới khi phục vụ với tư cách là những người truyền giáo toàn thời gian.3

Một Nhu Cầu và một Bổn Phận

Trên khắp thế giới, hiện đang có hàng ngàn người cũng có những kinh nghiệm tương tự như Chy Johnson —họ là những người cần được cảm nhận tình yêu thương của Cha Thiên Thượng. Họ ở trong các trường học của các em, trong nhóm túc số của các em, và ngay cả trong gia đình của các em nữa. Một số người được nghĩ đến ngay lập tức. Những người khác có nhu cầu khó nhận thấy hơn. Hầu hết mọi người các em biết đều có thể được ban phước trong một cách nào đó nhờ việc phục sự của các em. Chúa đang trông cậy các em tìm đến những người này.

Các em không cần phải là một vận động viên nổi tiếng để phục sự cho những người khác. Các em đã nhận được quyền năng, thẩm quyền và bổn phận thiêng liêng để phục sự vào lúc được sắc phong chức tư tế. Chủ Tịch James E. Faust đã dạy: “Chức tư tế là thẩm quyền được giao phó cho người đàn ông để phục sự trong danh của Thượng Đế.”4 Chức Tư Tế A Rôn nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ.5

Khi các em yêu thương con cái của Ngài, thì Cha Thiên Thượng sẽ hướng dẫn các em và các thiên sứ sẽ phụ giúp các em.6 Các em sẽ nhận được quyền năng để ban phước cho các cuộc sống và giải cứu các linh hồn.

Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương của các em. Ngài “đã đến không phải để được phục sự, mà đến để phục sự.”7 Phục sự có nghĩa là yêu thương và chăm sóc những người khác. Điều đó có nghĩa là chăm sóc các nhu cầu vật chất và tinh thần của họ. Nói một cách đơn giản, điều đó có nghĩa là phải làm những gì mà Đấng Cứu Rỗi sẽ làm nếu Ngài có mặt ở đây.

Gia Đình của Các Em

Bắt đầu từ trong nhà của các em. Đây là nơi mà các em có thể làm công việc phục sự quan trọng nhất.8

Các em có muốn thử một thí nghiệm thú vị không? Lần sau, mẹ của các em nhờ các em giúp đỡ trong nhà, thì hãy nói một câu giống như sau “Cám ơn mẹ đã nhờ con. Con rất thích giúp đỡ.” Rồi xem phản ứng của mẹ. Một số các em có thể ôn lại những kỹ năng cấp cứu của mình trước khi thử điều này. Các em có thể làm cho mẹ mình bị sốc đấy. Sau khi làm cho mẹ mình hồi sinh, các em sẽ nhận thấy mối quan hệ của các em với mẹ mình được tốt hơn và Thánh Linh gia tăng trong nhà.

Đó chỉ là một cách để phục sự gia đình của các em; còn có rất nhiều cách khác nữa. Các em phục sự khi nói lời tử tế với những người trong gia đình. Các em phục sự khi đối xử với các anh chị em của mình như là những người bạn thân thiết nhất.

Có lẽ điều quan trọng nhất là các em phục sự khi phụ giúp cha mình trong các bổn phận của ông là người lãnh đạo tinh thần trong nhà của các em. Hãy hết lòng hỗ trợ và khuyến khích trong những buổi họp tối gia đình, cầu nguyện chung gia đình, và học thánh thư chung gia đình. Hãy làm phần vụ của các em để bảo đảm rằng Thánh Linh đang hiện diện trong nhà của các em. Điều này sẽ củng cố cha của các em trong vai trò của ông và chuẩn bị cho các em sẽ làm cha trong một ngày nào đó. Nếu các em không có một người cha trong gia đình, thì trách nhiệm của các em để phục sự cho gia đình của mình còn cần thiết hơn nữa.

Nhóm Túc Số của Các Em

Các em cũng có một bổn phận để phục sự trong nhóm túc số của mình.

Chức tư tế được mở rộng trên khắp thế giới. Nhiều người trong số các em đang lưu tâm đến lời kêu gọi của Chủ Tịch Monson để giải cứu. Trong lịch sử của Giáo Hội, thời nay có nhiều người đang tích cực nắm giữ Chức Tư tế A Rôn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vẫn còn có những người không tích cực và đang cần đến các em.

Tháng sáu năm ngoái, khi một chi nhánh mới được thành lập ở Bangalore, Ấn Độ, người thiếu niên duy nhất trong buổi họp chức tư tế là một thầy trợ tế mới vừa được sắc phong tên là Gladwin.

Gladwin, cùng với chủ tịch Hội Thiếu Niên và chủ tịch chi nhánh, bắt đầu gọi điện thoại cho các thiếu niên kém tích cực và đi thăm họ trong nhà của họ. Chẳng bao lâu, một thiếu niên thứ hai, là Samuel, bắt đầu đi nhà thờ lại.

Mỗi tuần Gladwin và Samuel gọi điện thoại cho những người không tham dự buổi họp nhóm túc số và chia sẻ điều họ đã học được. Họ cũng gọi điện thoại hoặc đến thăm những người đó vào ngày sinh nhật của những người đó. Từng người một, các thiếu niên kém tích cực trở thành bạn của họ và bắt đầu chấp nhận lời mời đến các sinh hoạt của nhóm túc số, tham dự các buổi họp của nhóm túc số, và cuối cùng phục sự. Ngày nay, tất cả các thiếu niên trong chi nhánh đều tích cực trong Giáo Hội.

Thánh thư dạy rằng các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn là để tham gia vào các buổi họp hội đồng và gây dựng—hoặc xây đắp và củng cố—lẫn nhau.9 Các em gây dựng khi giảng dạy lẽ thật phúc âm, chia sẻ những kinh nghiệm thuộc linh, và làm chứng. Chương trình giảng dạy của giới trẻ khuyến khích có những sinh hoạt tương tác như thế trong các buổi họp của nhóm túc số, nhưng điều này có thể chỉ xảy ra khi mọi thành viên của nhóm túc số cảm thấy được yêu thương và tôn trọng. Một buổi họp của nhóm túc số không có chỗ cho lời chế nhạo và trêu chọc —nhất là khi những cảm xúc đã được chia sẻ công khai. Các chủ tịch đoàn của nhóm túc số phải dẫn đầu trong việc bảo đảm rằng các buổi họp của nhóm túc số là một nơi an toàn để cho mọi người tham gia.

Sứ Đồ Phao Lô khuyên dạy: “chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.”10

Người nắm giữ chức tư tế không bao giờ sử dụng lời lẽ thô tục hoặc bẩn thỉu. Họ không bao giờ xem thường hoặc làm tổn thương người khác. Họ luôn luôn xây dựng và củng cố những người khác. Đây là một cách đơn giản nhưng mạnh mẽ để phục sự.

Bất Cứ Lúc Nào

Công việc phục sự không phải giới hạn ở các giáo lễ hoặc những lần giảng dạy tại gia hay thỉnh thoảng có các dự án phục vụ. Chúng ta luôn luôn là những người nam của chức tư tế—không phải chỉ vào ngày Chủ Nhật và không phải chỉ khi nào chúng ta đang mặc áo sơ mi trắng và đeo cà vạt mà thôi. Chúng ta có nhiệm vụ phải phục sự bất cứ nơi nào có thể phục sự. Việc phục sự không phải chỉ là một điều gì đó mà chúng ta làm—mà nó còn xác định chúng ta là ai nữa.

Hãy phục sự mỗi ngày. Cơ hội ở xung quanh các em. Hãy tìm kiếm các cơ hội đó. Hãy xin Chúa giúp các em nhận ra các cơ hội đó. Các em sẽ thấy rằng hầu hết các cơ hội đều gồm có các hành vi nhỏ nhặt, chân thành để giúp những người khác trở thành tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.11

Khi cố gắng để được xứng đáng với Thánh Linh, các em sẽ nhận ra những ý nghĩ và cảm nghĩ thúc giục các em phải phục sự. Khi hành động theo những thúc giục này, các em sẽ nhận được thêm nhiều thúc giục nữa; cơ hội và khả năng của các em để phục sự sẽ gia tăng và mở rộng.

Các em thân mến, tôi làm chứng rằng các em đã được ban cho thẩm quyền và quyền năng của Chức Tư Tế A Rôn kỳ diệu để phục sự trong danh của Thượng Đế.

Tôi làm chứng rằng khi làm như vậy, các em sẽ là một công cụ trong tay của Thượng Đế để giúp đỡ những người khác. Cuộc sống của các em sẽ được phong phú và có ý nghĩa hơn. Các em sẽ tìm ra sức mạnh lớn lao hơn để chống lại điều ác. Các em sẽ tìm ra hạnh phúc đích thực—chính là niềm hạnh phúc mà chỉ các tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô mới biết được mà thôi.

Cầu xin cho các em cảm nhận được niềm vui của việc làm tròn bổn phận thiêng liêng của mình để phục sự, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.