2010–2019
Được Chúa Chấp Nhận
Tháng tư 2013


11:11

Được Chúa Chấp Nhận

Việc tìm kiếm và nhận được sự chấp nhận của Chúa sẽ dẫn đến sự hiểu biết rằng chúng ta được Ngài chọn và ban phước.

Khi còn bé, tôi nhớ thỉnh thoảng vẫn đi theo cha tôi để làm công việc nhà cửa. Chúng tôi có một khu vườn nhỏ cách xa nơi chúng tôi sinh sống một vài kilômét, và luôn luôn có rất nhiều việc phải làm để chuẩn bị khu vườn cho mỗi mùa. Chúng tôi xây một cái ban công nhỏ hoặc dựng hay sửa hàng rào. Tôi còn nhớ công việc này luôn luôn diễn ra trong lúc trời rất lạnh, khi trời tuyết hoặc đổ mưa. Nhưng tôi rất thích công việc đó. Cha tôi thường dạy cho tôi cách làm việc với lòng kiên nhẫn và chấp nhận.

Một ngày nọ, cha tôi kêu tôi xiết chặt một con vít và khuyên răn: “Hãy nhớ rằng nếu con vặn vít quá chặt thì nó sẽ gãy nghe.” Tôi tự hào muốn để cho ông thấy điều tôi có thể làm. Tôi vặn vít thật chặt với hết sức mình, và, dĩ nhiên, tôi đã làm gãy con vít đó. Ông đưa ra một lời nhận xét khôi hài, và chúng tôi bắt đầu lại. Ngay cả khi tôi “lầm lỗi,” tôi cũng luôn luôn cảm nhận được tình yêu thương và sự tin tưởng của ông nơi tôi. Ông đã qua đời hơn 10 năm rồi nhưng tôi vẫn có thể nghe tiếng ông nói, cảm nhận được tình yêu thương của ông, vui hưởng lời khuyên của ông, và cảm thấy sự chấp nhận của ông.

Cảm nghĩ được người mình yêu thương chấp nhận là nhu cầu cơ bản của con người. Việc được những người tốt chấp nhận giúp động viên chúng ta, gia tăng ý thức về giá trị bản thân và sự tự tin của chúng ta. Những người không thể tìm thấy sự chấp nhận từ các nguồn mong muốn thì thường tìm kiếm sự chấp nhận ở nơi khác. Họ có thể cố gắng được những người không quan tâm đến sự an lạc của họ chấp nhận. Họ có thể gắn bó với bạn bè giả dối và làm những việc đáng nghi ngờ để cố gắng được thừa nhận, là điều mà họ đang tìm kiếm. Họ có thể tìm kiếm sự chấp nhận bằng cách mặc quần áo của một thương hiệu đặc biệt để tạo ra cảm giác được thuộc vào hoặc thuộc một địa vị xã hội. Đối với một số người, việc cố gắng để có được một vai trò hay vị thế nổi bật cũng có thể là những cách để tìm kiếm sự chấp nhận. Họ có thể xác định giá trị của mình bằng một chức vụ họ đang nắm giữ hoặc một vị thế họ đạt được.

Ngay cả trong Giáo Hội, chúng ta cũng không luôn luôn được miễn khỏi lối suy nghĩ này. Việc tìm kiếm sự chấp nhận từ các nguồn sai lạc hoặc vì những lý do không đúng đặt chúng ta trên một con đường nguy hiểm–một con đường mà có thể dẫn chúng ta đi lạc lối và thậm chí còn đưa đến sự hủy diệt. Thay vì cảm thấy được yêu mến và tự tin, chúng ta sẽ cảm thấy cuối cùng bị bỏ rơi và thua kém.

An Ma khuyên dạy con trai Hê La Man của ông: “Con hãy chú tâm hướng về Thượng Đế để sống.”1 Cuối cùng, nguồn gốc của việc làm cho có khả năng và chấp nhận lâu dài là Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Hai Ngài biết chúng ta, yêu thương chúng ta. Hai Ngài không chấp nhận chúng ta vì tước vị hoặc chức vụ của chúng ta. Hai Ngài không nhìn vào địa vị của chúng ta. Hai Ngài nhìn vào tâm hồn của chúng ta. Hai Ngài chấp nhận chúng ta vì con người hiện tại và con người chúng ta đang cố gắng để trở thành. Việc tìm kiếm và nhận được sự chấp nhận của hai Ngài sẽ luôn luôn nâng cao và khuyến khích chúng ta.

Tôi sẽ chia sẻ một khuôn mẫu giản dị, mà nếu áp dụng, thì có thể giúp mỗi người chúng ta tìm thấy được sự chấp nhận tột bậc. Khuôn mẫu này được Chúa đưa ra qua Tiên Tri Joseph Smith: “Thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, tất cả những người nào trong bọn họ biết rằng lòng mình chân thật và đau khổ, và tâm hồn mình thống hối, và sẵn lòng tuân giữ các giao ước bằng sự hy sinh—phải, mọi sự hy sinh mà ta là Chúa sẽ truyền lệnh—họ được ta chấp nhận.”2

Khuôn Mẫu này gồm có ba bước giản dị:

  1. Biết rằng tấm lòng chúng ta là chân thật và đau khổ,

  2. Biết rằng tâm hồn của chúng ta là thống hối, và

  3. Hãy sẵn sàng tuân giữ các giao ước của chúng ta bằng sự hy sinh như đã được Chúa truyền lệnh.

Trước hết, chúng ta cần phải biết rằng tấm lòng của mình phải chân thật và đau khổ. Làm thế nào để chúng ta biết được điều đó? Chúng ta bắt đầu bằng cách chân thành xem xét cuộc sống của mình. Tấm lòng là trung tâm của các mối cảm xúc của chúng ta. Khi nhìn vào tấm lòng của mình, chúng ta đánh giá bản thân mình. Điều mà không có ai xung quanh chúng ta biết, thì chúng ta chắc chắn biết. Chúng ta biết các động cơ và ước muốn của mình. Khi suy ngẫm với sự chân thành và thành thật, chúng ta không biện minh hoặc tự lừa dối mình.

Ngoài ra còn có một cách xét đoán xem nếu tấm lòng của chúng ta có đau khổ không. Một tấm lòng đau khổ là một tấm lòng dịu dàng, cởi mở, và dễ tiếp thu. Khi tôi nghe Đấng Cứu Rỗi phán: “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ.”3 Tôi nghe Ngài gõ cửa lòng tôi. Nếu mở cánh cửa này cho Ngài, thì tôi đáp ứng lời mời gọi của Thánh Linh, và tôi dễ chấp nhận ý muốn của Thượng Đế hơn.

Khi chân thành và thành tâm suy ngẫm về mức độ chân thật và đau khổ, chúng ta sẽ được Đức Thánh Linh giảng dạy. Chúng ta sẽ nhận được một sự xác nhận dịu dàng hoặc sự sửa đổi nhẹ nhàng để mời gọi chúng ta hành động.

Thứ hai, chúng ta phải biết rằng tâm hồn của chúng ta phải thống hối. Từ thống hối trong Từ Điển Oxford được định nghĩa là “cảm giác hoặc bày tỏ sự hối hận khi thừa nhận rằng mình đã làm sai.”4 Nếu có một tâm hồn thống hối, thì chúng ta sẽ thừa nhận tội lỗi và những yếu kém của mình. Chúng ta dễ dạy đối với “tất cả mọi điều thuộc về sự ngay chính.”5 Chúng ta cảm thấy buồn bã theo ý Chúa và sẵn sàng hối cải. Một tâm hồn thống hối sẵn sàng lắng nghe “theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh.”6

Một tâm hồn thống hối được thể hiện qua việc chúng ta sẵn sàng và quyết tâm hành động. Chúng ta sẵn sàng hạ mình trước Thượng Đế, sẵn sàng hối cải, sẵn sàng học hỏi, và sẵn sàng thay đổi. Chúng ta sẵn sàng cầu nguyện: “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi.”7

Bước thứ ba dẫn đến việc được Chúa chấp nhận là một quyết định có ý thức để tuân thủ các giao ước của chúng ta qua sự hy sinh, “phải, mọi sự hy sinh mà ta là Chúa sẽ truyền lệnh.”8 Thông thường chúng ta nghĩ rằng từ hy sinh dùng để chỉ một điều gì đó lớn lao hay khó khăn cho chúng ta để làm. Trong vài trường hợp nào đó, điều này có thể đúng, nhưng điều này chủ yếu đề cập đến cuộc sống từng ngày một với tư cách là một môn đồ chân thật của Đấng Ky Tô.

Một cách để chúng ta tuân thủ các giao ước của mình bằng cách hy sinh là xứng đáng dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần. Chúng ta có ý thức tự chuẩn bị mình cho giáo lễ thiêng liêng. Chúng ta thay đổi và xác nhận những lời hứa thiêng liêng của mình với Chúa. Bằng cách này, chúng ta cảm thấy được Ngài chấp nhận và nhận được sự bảo đảm của Ngài rằng các nỗ lực của chúng ta được công nhận và tội lỗi được tha thứ nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong giáo lễ này, Thượng Đế hứa với chúng ta rằng khi chúng ta tình nguyện mang danh Vị Nam Tử của Ngài, và luôn luôn tưởng nhớ tới Chúa, cùng tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, thì chúng ta sẽ luôn có được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta. Việc có được Đức Thánh Linh làm bạn đồng hành thường xuyên của chúng ta là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy rằng mình được Thượng Đế chấp nhận.

Những cách khác để tuân thủ các giao ước của chúng ta bằng cách hy sinh thì cũng giản dị như chấp nhận một sự kêu gọi trong Giáo Hội và trung tín phục vụ trong sự kêu gọi đó, hoặc tuân theo lời mời của vị tiên tri của chúng ta là Thomas S. Monson để tìm đến những người đang vấp ngã và cần được giải cứu phần thuộc linh. Chúng ta tuân thủ các giao ước của mình bằng cách hy sinh, bằng cách âm thầm phục vụ trong khu phố hay cộng đồng của mình hoặc bằng cách tìm tên của tổ tiên mình và làm công việc đền thờ cho họ. Chúng ta tuân thủ các giao ước của mình bằng cách hy sinh và hoàn toàn cố gắng được ngay chính, sống cởi mở, và lắng nghe theo những thúc giục của Thánh Linh trong cuộc sống hàng ngày của mình. Đôi khi việc tuân thủ các giao ước của mình có nghĩa là không có gì hơn là đứng vững vàng và trung thành khi những cơn bão dữ dội của cuộc đời nổi lên xung quanh chúng ta.

Sau khi giải thích khuôn mẫu về cách làm thế nào để được Ngài chấp nhận, Chúa sử dụng một ví dụ minh họa tuyệt vời cho thấy làm thế nào chúng ta có thể hưởng lợi ích khi tìm kiếm sự chấp nhận của Ngài, với tư cách là cá nhân và gia đình. Ngài phán: “Vì ta, là Chúa, sẽ làm cho họ giống như một cây sai trái, được trồng trên đất tốt lành, bên dòng suối trong, và kết được nhiều trái quý.”9

Khi cá nhân chúng ta hòa hợp với Thánh Linh của Chúa và cảm thấy sự chấp nhận của Ngài, thì chúng ta sẽ được phước vượt quá sự hiểu biết của mình và sinh ra nhiều trái của sự ngay chính. Chúng ta sẽ thuộc vào trong số những người mà Ngài đã phán cùng: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi.”10

Việc tìm kiếm và nhận được sự chấp nhận của Chúa sẽ giúp chúng ta hiểu rằng mình được Ngài chọn và ban phước. Chúng ta sẽ tin tưởng nhiều hơn rằng Ngài sẽ dẫn dắt và hướng dẫn chúng ta trong một cách có lợi. Tấm lòng thương xót dịu dàng của Ngài sẽ trở nên hiển nhiên trong tấm lòng chúng ta, trong cuộc sống và trong gia đình chúng ta.

Tôi hết lòng mời các anh chị em tìm kiếm sự chấp nhận của Chúa và vui hưởng các phước lành đã được hứa của Ngài. Khi noi theo khuôn mẫu giản dị mà Chúa đã đặt ra, chúng ta sẽ bắt đầu biết rằng chúng ta đã được Ngài chấp nhận, bất kể vị thế, địa vị, hoặc những nhược điểm trần thế của chúng ta là gì đi nữa. Sự chấp nhận đầy yêu thương của Ngài sẽ động viên chúng ta, gia tăng đức tin của chúng ta, và giúp đối phó với tất cả mọi điều mà chúng ta trải qua trong cuộc sống. Mặc dù có những thử thách, nhưng chúng ta sẽ thành công, thịnh vượng,11 và cảm thấy bình an.12 Chúng ta sẽ là những người mà Chúa phán cùng:

“Chớ sợ hãi, hỡi các con trẻ, vì các ngươi là của ta, và ta đã thắng thế gian, và các ngươi ở trong số những người mà Cha ta đã ban cho ta;

“Và không một người nào do Cha ta ban cho ta sẽ bị thất lạc.”13

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.