2010–2019
Bốn Danh Hiệu
Tháng tư 2013


19:19

Bốn Danh Hiệu

Tôi xin được đề nghị bốn danh hiệu … mà có thể giúp chúng ta nhận ra vai trò cá nhân của mình trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế và tiềm năng của chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế.

Các anh em thân mến và các bạn yêu quý của tôi, lòng tôi tràn đầy biết ơn và niềm vui được có mặt với các anh em. Tôi có lời khen ngợi các anh em là những người cha và người ông đã mang các con trai và cháu trai của mình đến đây. Tôi xin chúc mừng các em thiếu niên đã chọn có mặt ở đây hôm nay. Đây đúng là nơi dành cho các em. Tôi hy vọng rằng các em có thể cảm nhận được tình huynh đệ đoàn kết chúng ta, và tôi cầu nguyện rằng ở đây, trong số các anh em mình, các em sẽ cảm thấy mình thuộc vào, được hỗ trợ, và tình bạn.

Đôi khi giới đàn ông chúng ta tự xưng bằng các danh hiệu. Nhiều người trong chúng ta có rất nhiều danh hiệu, và mỗi danh hiệu nói lên một điều gì đó quan trọng về nguồn gốc của chúng ta. Ví dụ, một số danh hiệu mô tả vai trò của chúng ta trong gia đình, như là con trai, anh em trai, chồngcha. Các danh hiệu khác mô tả nghề nghiệp của chúng ta trên thế giới, như là bác sĩ, người lính, hoặc thợ thủ công. Và một số danh hiệu khác mô tả sự kêu gọi của chúng ta trong Giáo Hội.

Hôm nay tôi xin được đề nghị bốn danh hiệu mà tôi tin rằng áp dụng cho tất cả những người nắm giữ chức tư tế trên khắp thế giới—những danh hiệu mà có thể giúp chúng ta nhận ra vai trò cá nhân của mình trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế và tiềm năng của chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Con Trai của Cha Thiên Thượng

Một danh hiệu để định nghĩa tất cả chúng ta trong một cách cơ bản nhất, là con trai của Cha Thiên Thượng. Bất kể mình là ai hoặc làm gì trong cuộc đời, chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng chúng ta thật sự là con cái linh hồn của Thượng Đế. Chúng ta là con cái của Ngài trước khi đến thế gian này, và chúng ta sẽ là con cái của Ngài vĩnh viễn. Lẽ thật cơ bản này sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn vào bản thân mình, các anh chị em của mình, và vào chính cuộc sống.

Rủi thay, không một ai trong chúng ta hoàn toàn sống theo mọi điều ngụ ý trong danh hiệu này: “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.”1

Đôi khi thật là điều nản lòng khi đã biết được ý nghĩa của việc là một con trai của Thượng Đế nhưng lại không làm tròn tiềm năng đó của mình. Kẻ nghịch thù thích tận dụng lợi thế của những cảm nghĩ này. Sa Tan muốn các anh em tự xác định mình dựa vào tội lỗi của mình thay vì tiềm năng thiêng liêng của các anh em. Thưa các anh em, đừng nghe theo lời nó.

Chúng ta đều đã thấy một đứa bé tập đi. Nó đi chập chững từng bước nhỏ. Nó ngã xuống. Chúng ta có la mắng một nỗ lực như vậy không? Dĩ nhiên là không. Có người cha nào lại trừng phạt một đứa bé vấp ngã? Chúng ta khuyến khích, chúng ta tán thưởng, và chúng ta khen ngợi, vì với từng bước nhỏ, đứa bé đang càng ngày càng trở nên giống như cha mẹ của nó.

Thưa các anh em, bây giờ so với sự hoàn hảo của Thượng Đế, vì là người trần thế, chúng ta không khác gì những đứa bé vụng về, bước đi loạng choạng. Nhưng Cha Thiên Thượng nhân từ muốn chúng ta trở nên giống như Ngài, và thưa các anh em thân mến, điều đó cũng nên là mục tiêu vĩnh cửu của chúng ta. Thượng Đế hiểu rằng chúng ta không trở thành giống như Ngài ngay lập tức, mà thay vì thế là bằng cách bước đi từng bước một.

Tôi không tin là có một Thượng Đế thiết lập các quy tắc và giáo lệnh chỉ nhằm chờ đợi chúng ta thất bại để Ngài có thể trừng phạt chúng ta. Tôi tin rằng có một Cha Thiên Thượng yêu thương, chăm sóc và vui mừng trước mọi nỗ lực của chúng ta để tiến triển và trở thành giống như Ngài. Ngay cả khi chúng ta vấp ngã, Ngài cũng khuyên nhủ chúng ta đừng chán nản—đừng đầu hàng hoặc chạy trốn trách nhiệm của mình—mà phải lấy lại can đảm, tìm kiếm đức tin của mình, và tiếp tục cố gắng.

Cha Thiên Thượng dạy dỗ con cái của Ngài và thường gửi tới sự giúp đỡ không thấy được từ thiên thượng cho những người mong muốn noi theo Đấng Cứu Rỗi.

Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô

Và điều đó dẫn chúng ta đến danh hiệu kế tiếp mà chúng ta đều có chung với nhau: tất cả những người chân thành cố gắng noi theo Đấng Ky Tô thì đều được gọi là môn đồ của Ngài. Mặc dù chúng ta nhận ra rằng không một ai trong chúng ta là hoàn hảo cả, nhưng chúng ta không sử dụng sự thật ấy để làm một cái cớ nhằm hạ thấp kỳ vọng của mình, để không sống theo đặc ân của mình, để trì hoãn ngày hối cải của mình, hoặc từ chối không trở thành các tín đồ tốt hơn, hoàn hảo hơn, được tinh lọc hơn của Đức Thầy và Vua của chúng ta.

Xin nhớ rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được thiết lập, không phải cho những người nam và người nữ mà hoàn hảo hay không bị ảnh hưởng bởi cám dỗ trần thế—mà thay vì thế, Giáo Hội này được thiết lập cho những người giống như các anh em và tôi. Và Giáo Hội này được xây dựng trên đá của Đấng Cứu Chuộc, Chúa Giê Su Ky Tô,2 mà nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta có thể được thanh tẩy và trở thành “người đồng quốc … và là người nhà của Đức Chúa Trời.”3

Nếu không có Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, cuộc sống sẽ không có ý nghĩa, không có hy vọng hay tương lai gì cả. Với Sự Chuộc Tội, cuộc sống là một cuộc hành trình cao quý đầy soi dẫn về sự tăng trưởng và phát triển dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu trong sự hiện diện của Cha Thiên Thượng.

Mặc dù nhằm mục đích giúp tất cả chúng ta trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn, nhưng Sự Chuộc Tội không có nghĩa là làm cho chúng ta đều phải giống như nhau. Đôi khi chúng ta lầm tưởng rằng cá tính khác biệt là dấu hiệu của tội lỗi. Chúng ta còn có thể lầm tưởng rằng vì một người nào đó khác với mình thì điều đó có nghĩa là họ không làm đẹp lòng Thượng Đế. Suy nghĩ như vậy khiến cho một số người tin rằng Giáo Hội muốn làm cho mọi tín hữu đều giống nhau như đúc—rằng mỗi tín hữu phải nhìn, cảm nhận, suy nghĩ, và cư xử giống như mọi tín hữu khác. Điều này sẽ mâu thuẫn với sự thông sáng của Thượng Đế, là Đấng đã tạo ra mỗi con người đều khác biệt với đồng bào của họ, mỗi đứa con trai đều khác với cha mình. Ngay cả những cặp sinh đôi cũng không giống hệt nhau về cá tính và bản sắc thuộc linh.

Điều này cũng mâu thuẫn với ý định và mục đích của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, mà thừa nhận và bảo vệ quyền tự quyết về mặt đạo đức của mỗi con cái của Thượng Đế, với tất cả các kết quả kèm theo. Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta hiệp nhất trong chứng ngôn của mình về phúc âm phục hồi và cam kết của mình để tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Nhưng sở thích của chúng ta về văn hóa, xã hội, và chính trị đều rất đa dạng.

Giáo Hội phát triển mạnh khi chúng ta tận dụng lợi thế của tính đa dạng này và khuyến khích lẫn nhau để phát triển và sử dụng tài năng của mình nhằm nâng đỡ và củng cố những người cũng là môn đồ như chúng ta.

Thưa các anh em, vai trò môn đồ là một cuộc hành trình suốt đời để noi theo Đấng Cứu Rỗi. Dọc theo con đường ẩn dụ của mình từ Bết Lê Hem đến Đồi Sọ, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để từ bỏ cuộc hành trình này của mình. Đôi khi con đường này dường như khó khăn hơn đối với ước muốn của chúng ta. Nhưng là những người của chức tư tế, chúng ta phải can đảm để noi theo Đấng Cứu Chuộc, cho dù những thử thách của chúng ta dường như quá khó khăn để chịu đựng.

Với mỗi bước của mình để noi theo Vị Nam Tử của Thượng Đế, chúng ta có thể được nhắc nhở rằng mình chưa được hoàn hảo. Nhưng chúng ta cần phải là các môn đồ bền bỉ và kiên định. Chúng ta không nên đầu hàng. Chúng ta cần phải trung thành với các giao ước của mình. Chúng ta phải luôn luôn hướng tới Đấng Biện Hộ và Cứu Chuộc của mình trong khi hướng tới Ngài, một bước không hoàn hảo này đến một bước không hoàn hảo khác.

Người Chữa Lành Những Người Khác

Thưa các anh em, nếu thật sự noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta phải hoàn toàn chấp nhận danh hiệu thứ ba: người chữa lành những người khác. Vì đã được sắc phong chức tư tế của Thượng Đế nên chúng ta được kêu gọi phải chữa lành những người khác.4

Công việc của chúng ta là xây dựng, sửa chữa, củng cố, nâng đỡ và chữa lành. Nhiệm vụ của chúng ta là noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi và tìm đến những người đau khổ. Chúng ta “than khóc với những ai than khóc … và an ủi những ai cần được an ủi.”5 Chúng ta băng bó vết thương của người bị thương tích. Chúng ta “cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”6

Là các thầy giảng tại gia, chúng ta cũng là những người chữa lành. Là các vị lãnh đạo chức tư tế, chúng ta cũng là những người chữa lành. Là những người cha, con trai, anh em trai, và chồng, chúng ta nên là những người chữa lành đầy cam kết và tận tâm. Chúng ta cầm trong một tay một lọ dầu đã được thánh hóa để ban phước lành cho người bệnh; trong tay kia, chúng ta cầm một ổ bánh mì để nuôi người đói; và trong tâm hồn của mình, chúng ta mang lời phán bình an của Thượng Đế, “những lời làm hàn gắn một tâm hồn bị tổn thương.”7

Đây là trách nhiệm đầu tiên và trước hết của chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế—và trách nhiệm áp dụng đối với cả những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn lẫn Mên Chi Xê Đéc. Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô ban phước cho những cuộc sống không phải chỉ khi chúng ta tin phúc âm mà còn nhiều hơn nữa khi chúng ta sống theo phúc âm. Các cá nhân được nâng lên và gia đình được củng cố khi họ sống theo các nguyên tắc phúc âm. Chúng ta có đặc ân và trách nhiệm không chỉ nói điều đúng mà còn phải làm điều đúng nữa.

Đấng Cứu Rỗi là Đấng làm phép lạ. Ngài là Đấng Chữa Lành đại tài. Ngài là tấm gương, sự sáng của chúng ta, ngay cả trong những thời gian khó khăn nhất, và Ngài cho chúng ta thấy con đường đúng.

Chúng ta hãy noi theo Ngài. Chúng ta hãy làm tròn vai trò của mình và trở thành những người chữa lành bằng cách phục vụ Thượng Đế và đồng bào của mình.

Người Kế Tự Cuộc Sống Vĩnh Cửu

Danh hiệu thứ tư mà chúng ta đều cùng chia sẻ mang chúng ta trở lại với danh hiệu thứ nhất trong danh sách ở trên. Với tư cách là các con trai của Cha Thiên Thượng, chúng ta là người kế tự tất cả những gì Ngài có.

“Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời.

“Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Ky Tô, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài.”8

Các anh em thân mến, hãy suy nghĩ về điều này. Chúng ta là đồng kế tự với Đấng Ky Tô!

Vậy thì, việc nhiều người trong chúng ta dành ra rất nhiều thời gian quý báu, suy nghĩ, phương tiện, và nghị lực quý báu của mình để theo đuổi danh lợi hay vật chất thế gian hoặc được giải trí bằng các thiết bị điện tử mới nhất và hiện đại nhất thì có ý nghĩa gì chăng?

Chúa đã đặt trước mặt chúng ta lời hứa thiêng liêng rằng “những ai trung thành để nhận được hai chức tư tế, … làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của họ, … [sẽ] tiếp nhận ta, lời Chúa phán vậy; … và kẻ nào tiếp nhận ta tức là tiếp nhận Cha ta; … vậy nên tất cả những gì Cha ta có sẽ được ban cho kẻ đó.”9

Tôi không thể tưởng tượng được tất cả mọi điều bao gồm trong lời hứa này. Nhưng tôi thật sự biết lời hứa này là kỳ diệu, thiêng liêng, vĩnh cửu, và xứng đáng đối với tất cả các nỗ lực của chúng ta trong cuộc sống.

Khi biết được điều này, làm thế nào chúng ta lại không thể sẵn sàng và vui vẻ tham gia vào việc phục vụ Chúa, đồng bào của chúng ta và làm tròn trách nhiệm của chúng ta trong chức tư tế của Thượng Đế?

Việc phục vụ và làm tròn các trách nhiệm của chúng ta là một việc làm cao quý mà sẽ thử thách chúng ta trong mọi phương diện và đòi hỏi chúng ta phải sử dụng tất cả các khả năng của mình. Chúng ta có mong muốn thấy các tầng trời được mở ra và chứng kiến những thúc giục của Đức Thánh Linh để chỉ cho chúng ta thấy con đường không? Vậy thì, chúng ta hãy bắt đầu làm việc và đặt hết nỗ lực của mình vào công việc vĩ đại này, một chính nghĩa vĩ đại hơn chúng ta đấy!

Việc phục vụ Thượng Đế và đồng bào mình sẽ thử thách và biến đổi chúng ta thành một điều gì đó vĩ đại hơn chúng ta có thể tưởng tượng nổi.

Có lẽ các anh em có thể nghĩ rằng mình là không cần thiết, rằng mình bị bỏ quên hoặc không cần đến, rằng mình là không quan trọng.

Tôi thật sự thấy hối tiếc nếu có người nắm giữ chức tư tế nào đã cảm thấy như vậy. Chắc chắn là các anh em không bị Cha Thiên Thượng bỏ quên hoặc không cần đến đâu. Ngài yêu thương các anh em. Và tôi quả quyết với các anh em rằng các anh em đang được Giáo Hội cần đến.

Các anh em không biết rằng “Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh” ư?10

Có lẽ quả thật chúng ta còn yếu kém. Có lẽ chúng ta không khôn ngoan hay mạnh mẽ. Nhưng khi Thượng Đế tác động đến chúng ta, thì không một ai và không có điều gì có thể chống lại chúng ta được.11

Đây là lý do tại sao các anh em được cần đến. Các anh em có đóng góp đặc biệt của riêng mình, và Thượng Đế có thể làm vinh hiển những đóng góp đó trong một cách mạnh mẽ. Khả năng đóng góp của các anh em không tùy thuộc vào sự kêu gọi của các anh em trong Giáo Hội. Cơ hội phục vụ của các anh em là vô tận. Nếu các anh em hiện đang không tham gia, thì tôi khuyến khích các anh em hãy tham gia vào công việc của Chúa.

Đừng chờ đợi một sự kêu gọi cụ thể trước khi các anh em trở nên hoàn toàn tham gia vào việc xây đắp vương quốc của Thượng Đế. Là một người nắm giữ chức tư tế, các anh em đã được kêu gọi để làm công việc của Ngài rồi. Hãy học hỏi lời của Thượng Đế hằng ngày, cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng mỗi ngày, tiếp thu các nguyên tắc của phúc âm phục hồi, cảm tạ Thượng Đế, và cầu xin được sự hướng dẫn của Ngài. Rồi sau đó hãy sống theo điều các anh em học được, trước hết trong gia đình mình nhưng cũng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Trong công việc vĩ đại của Đấng Cứu Rỗi, các anh em đóng một vai trò đặc biệt của riêng mình—đó là làm tròn trách nhiệm của mình. Cho dù các anh em không chu toàn trách nhiệm của mình, thì công việc của Ngài chắc chắn cũng được tiến hành. Nhưng nếu hành động và cùng với những anh em khác làm việc và để cho quyền năng của Thượng Đế tác động qua các anh em, thì các anh em sẽ thấy “các cửa sổ trên trời” mở ra, và Ngài sẽ “đổ phước xuống cho các [anh em] đến nỗi không chỗ chứa.”12 Hãy làm tròn tiềm năng thật sự của các anh em với tư cách là con trai của Thượng Đế, và các anh em có thể có ảnh hưởng tốt trong mái gia đình, cộng đồng, quốc gia của các anh em, và quả thật trên thế giới.

Và trong tiến trình này, khi các anh em “mất sự sống mình” trong sự phục vụ những người khác,13 thì các anh em sẽ tăng trưởng và phát triển cho đến khi đạt được “tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô.”14 Sau đó, các anh em sẽ được chuẩn bị để thừa tự, với Đấng Ky Tô, tất cả mọi thứ mà Đức Chúa Cha có.

Các Anh Em Rất Quan Trọng đối với Thượng Đế

Các anh em thân mến, các bạn thân mến, các anh em rất quan trọng. Các anh em được yêu thương, được cần đến. Công việc này là chân chính. Chức tư tế các anh em có đặc ân để mang, quả thật là của Thượng Đế.

Tôi cầu nguyện rằng khi suy ngẫm về nhiều danh hiệu của một người nắm giữ chức tư tế xứng đáng, thì các anh em sẽ khám phá ra rằng mình có được sự phụ giúp thiêng liêng, luôn luôn giúp đỡ các anh em tiến triển hướng tới sự kế tự lớn lao mà Cha Thiên Thượng đã dành cho các anh em. Tôi xin để lại cho các anh em phước lành này và chứng ngôn của tôi trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.