2010–2019
Sự Cứu Chuộc
Tháng tư 2013


15:21

Sự Cứu Chuộc

Bởi vì chúng ta theo Đấng Ky Tô nên chúng ta tìm cách tham gia và đẩy mạnh công việc cứu chuộc của Ngài.

Trong thời thuộc địa, công nhân rất cần ở Châu Mỹ. Trong thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19, những người muốn di cư đến Châu Mỹ để làm công nhân đều được tuyển mộ ở nước Anh, Đức và các nước Châu Âu khác, nhưng có nhiều người sẵn sàng đi thì lại không đủ khả năng để trang trải chi phí cho chuyến đi. Thông thường những người này hành trình với một bản giao kèo hoặc hợp đồng, hứa sẽ làm việc sau khi đến nơi trong một thời gian nhất định mà không được lãnh lương nhằm thanh toán cho chi phí của chuyến đi của họ. Những người khác đến với lời hứa rằng những người trong gia đình đã ở Châu Mỹ sẽ trả tiền vé của họ khi đến nơi, nhưng nếu điều đó không xảy ra, những người mới có bổn phận phải trả các chi phí riêng của mình bằng cách lao động trong một thời gian nhất định như đã được ghi trong hợp đồng. Những người nhập cư theo hợp đồng này được gọi là “những người trả nợ.” Họ phải trả nợ cho chuyến đi của họ—theo một ý nghĩa là mua tự do —bằng cách lao động.1

Đấng Cứu Chuộc là một trong các danh hiệu quan trọng nhất để mô tả Chúa Giê Su Ky Tô. Như đã được nêu ra trong câu chuyện ngắn của tôi về người nhập cư “trả nợ,” từ chuộc lại có nghĩa là trả hết một nghĩa vụ hay một khoản nợ. Chuộc lại cũng có thể có nghĩa là giải cứu hoặc trả tự do, ví dụ như trả một khoản tiền chuộc. Nếu một người nào đó phạm một lỗi lầm và rồi sửa chữa lỗi lầm đó hoặc sửa đổi, thì chúng ta nói rằng người đó đã tự cứu chuộc mình. Mỗi nghĩa này cho thấy nhiều khía cạnh khác nhau của Sự Cứu Chuộc vĩ đại do Chúa Giê Su Ky Tô thực hiện qua Sự Chuộc Tội của Ngài, mà theo như tự điển thì gồm có “giải thoát khỏi tội lỗi và hình phạt của nó, nhờ vào một sự hy sinh cho người phạm tội.”2

Sự Cứu Chuộc của Đấng Cứu Rỗi có hai phần. Truớc hết, nó chuộc tội cho sự phạm giới của A Đam và hậu quả của Sự Sa Ngã của con người bằng cách khắc phục điều có thể được gọi là kết quả trực tiếp của Sự Sa Ngã—cái chết thể xác và cái chết thuộc linh. Cái chết thể xác được mọi người hiểu rõ; cái chết thuộc linh là sự tách rời con người ra khỏi Thượng Đế. Bằng những lời của Phao Lô: “Như trong A Đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Ky Tô mọi người đều sẽ sống lại” (1 Cô Rinh Tô 15:22). Sự cứu chuộc khỏi cái chết thể xác và thuộc linh này đều áp dụng cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi họ phải làm gì cả.3

Khía cạnh thứ hai của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là sự cứu chuộc từ điều mà có thể được gọi là hậu quả gián tiếp của Sự Sa Ngã—tội lỗi của chúng ta trái với sự phạm giới của Adam. Nhờ vào Sự Sa Ngã, chúng ta được sinh vào một thế giới hữu diệt nơi mà tội lỗi là phổ biến—tức là không tuân theo luật pháp đã được Chúa quy định. Khi nói về tất cả chúng ta, Chúa đã phán:

“Khi chúng bắt đầu lớn lên, tội lỗi thành hình trong tâm hồn chúng, và chúng nếm mùi cay đắng, để có thể hiểu giá trị của điều thiện.

“Và chúng được ban cho khả năng phân biệt điều thiện với điều ác; vậy nên chúng có quyền tự do lựa chọn” (Môi Se 6:55–56).

Vì chúng ta chịu trách nhiệm và chúng ta có những lựa chọn, nên sự cứu chuộc khỏi tội lỗi của chúng ta là có điều kiện—có điều kiện về việc thú nhận và từ bỏ tội lỗi cũng như chuyển sang một cuộc sống tin kính, hay nói cách khác, có điều kiện về sự hối cải (xin xem GLGƯ 58:43). Chúa truyền lệnh: “Vậy nên hãy giảng dạy điều này cho con cái của ngươi biết rằng tất cả mọi người bất cứ ở đâu cũng phải hối cải, bằng không thì họ không có cách gì được thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế cả, vì không có một vật ô uế nào có thể ở trong đó, hay ở trong chốn hiện diện của Ngài” (Môi Se 6:57).

Nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và nỗi thống khổ của Ngài trên cây thập tự cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi bằng cách làm thỏa mãn những đòi hỏi của công lý trên chúng ta. Ngài mở rộng lòng thương xót và tha thứ cho những ai hối cải. Sự Chuộc Tội còn chữa lành và đền bù chúng ta cho bất cứ nỗi đau khổ nào mà chúng ta phải chịu đựng một cách oan ức theo công lý. “Vì này, Ngài sẽ hứng lấy những sự đau đớn của mọi người, phải, những sự đau đớn của từng sinh linh một, cả đàn ông lẫn đàn bà và trẻ con, là những người thuộc gia đình A Đam” (2 Nê Phi 9:21; xin xem thêm An Ma 7:11–12).4

Bởi vì chúng ta theo Đấng Ky Tô nên chúng ta tìm cách tham gia và đẩy mạnh công việc cứu chuộc của Ngài. Sự phục vụ quan trọng nhất mà chúng ta có thể mang đến cho những người khác trong cuộc sống này, bắt đầu với những người trong gia đình của mình, là để mang họ đến với Đấng Ky Tô qua đức tin và sự hối cải để họ có thể cảm nhận được Sự Chuộc Tội—cảm giác bình an và niềm vui ngay lúc này, còn sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau. Công việc của những người truyền giáo của chúng ta là một cách bày tỏ kỳ diệu về tình yêu thương cứu chuộc của Chúa. Là các sứ giả đã được Ngài cho phép, họ mang đến các phước lành vô song của đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm, và ân tứ Đức Thánh Linh, mở đường cho sự sinh lại phần thuộc linh và sự cứu chuộc.

Chúng ta cũng có thể phụ giúp trong công việc cứu chuộc của Chúa cho những người đã chết. “Các anh cả trung thành của gian kỳ này, khi họ rời khỏi cuộc sống hữu diệt, tiếp tục công việc thuyết giảng phúc âm về sự hối cải và sự cứu chuộc, qua sự hy sinh của Con Độc Sinh của Thượng Đế, giữa những linh hồn đang ở trong bóng tối và dưới vòng nộ lệ của tội lỗi trong thế giới bao la của những linh hồn người chết” (GLGƯ 138:57). Bởi vì lợi ích của việc chúng ta thực hiện các giáo lễ thay cho họ trong các đền thờ của Thượng Đế, nên ngay cả những người đã qua đời trong vòng nô lệ của tội lỗi cũng có thể được giải thoát.5

Trong khi các khía cạnh quan trọng nhất của sự cứu chuộc liên quan tới sự hối cải và tha thứ, thì cũng có một cách áp dụng về mặt thế tục rất quan trọng. Người ta nói rằng Chúa Giê Su đã đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38), điều đó gồm có việc chữa lành người bệnh và tật nguyền, cung cấp thực phẩm cho đám đông đói khát, và cho thấy con đường tốt hơn. “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma Thi Ơ 20:28). Dưới ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, chúng ta cũng có thể đi làm phước theo mẫu mực cứu chuộc của Đức Thầy.

Loại công việc cứu chuộc này bao gồm việc giúp đỡ người ta với vấn đề của họ, làm bạn với những người nghèo và yếu đuối, làm giảm bớt nỗi đau khổ, sửa sai thành đúng, bênh vực lẽ thật, củng cố thế hệ đang vươn lên, và được an toàn và hạnh phúc ở nhà. Phần lớn công việc cứu chuộc của chúng ta trên thế gian là để giúp đỡ người khác phát triển và đạt được hy vọng cũng như nguyện vọng ngay chính của họ.

Một ví dụ từ cuốn tiểu thuyết Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo, mặc dù là giả tưởng, nhưng đã luôn luôn làm tôi xúc động và được soi dẫn. Gần phần đầu câu chuyện, Giám Mục Bienvenu cho người vô gia cư tên là Jean Valjean thức ăn và nơi trú ngụ qua đêm, ông mới vừa được thả ra sau 19 năm ở tù vì đã đánh cắp một ổ bánh mì để nuôi mấy đứa con đang đói của chị mình. Vì cứng lòng và cay đắng, Valjean đáp lại lòng tốt của Giám Mục Bienvenu bằng cách đánh cắp đồ bằng bạc của Giám Mục. Về sau, bị cảnh sát nghi ngờ bắt giữ, Valjean khai gian rằng ông đã được tặng cho đồ bằng bạc đó. Khi cảnh sát giải ông trở lại nhà của vị giám mục, trước nỗi ngạc nhiên của Valjean, Giám Mục Bienvenu xác nhận câu chuyện của Valjean là đúng và để thuyết phục thêm, ông nói: “Nhưng tôi còn cho anh những cái giá đỡ nến cũng bằng bạc như những cái khác, để anh có thể bán được hai trăm phật lăng. Tại sao anh không lấy chúng theo với mấy cái dĩa của anh?’ …

“Vị giám mục đến gần anh ta, và nói nhỏ:

“‛Đừng quên, đừng bao giờ quên là anh đã hứa với tôi rằng anh sẽ sử dụng đồ bằng bạc này để trở thành một người lương thiện.’

“Jean Valjean đã không nhớ đến lời hứa này, đứng ngây người ra ngạc nhiên. Vị giám mục … trịnh trọng nói tiếp:

“‘Jean Valjean, người anh em của tôi ơi: anh không còn thuộc vào điều ác nữa, mà thuộc vào điều thiện. Chính là linh hồn của anh mà tôi đang mua cho anh đây. Tôi mang nó ra khỏi những ý nghĩ đen tối và từ tinh thần diệt vong, và tôi dâng nó lên Thượng Đế!”

Jean Valjean đã thực sự trở thành một con người mới, một người lương thiện và là ân nhân đối với nhiều người. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã gìn giữ hai cái giá đỡ nến bằng bạc, để nhắc cho ông nhớ rằng mạng sống của ông đã được cứu chuộc để phục vụ Thượng Đế.6

Một số hình thức cứu chuộc về mặt thế tục đều từ nỗ lực và sự hợp tác mà ra. Sự cứu chuộc về mặt thế tục là một trong những lý do mà Đấng Cứu Rỗi đã thiết lập một giáo hội. Vì được tổ chức trong các nhóm túc số và các tổ chức bổ trợ và trong các giáo khu, tiểu giáo khu và chi nhánh, nên chúng ta có thể giảng dạy và khuyến khích lẫn nhau trong phúc âm, nhưng chúng ta cũng có thể yêu cầu được những người khác giúp đỡ và có năng lực để đối phó với các nhu cầu cấp bách của cuộc sống. Những người hành động một mình hoặc trong các nhóm được thành lập vì một mục đích đặc biệt thì không phải lúc nào cũng có thể có đủ sức để giúp đối phó với những thử thách lớn hơn. Là tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta là một cộng đồng Các Thánh Hữu được tổ chức để giúp đỡ các nhu cầu của những người đồng Thánh Hữu với chúng ta và nhiều người khác nữa mà chúng ta có thể tìm đến trên toàn cầu.

Nhờ vào các nỗ lực nhân đạo của chúng ta như đã được Anh Cả Dallin H. Oakds đề cập, đặc biệt là trong năm qua, nên có 890.000 người trong 36 quốc gia có được nước sạch, 70.000 người trong 57 quốc gia có được xe lăn, 75.000 người trong 25 quốc gia được cải thiện thị lực, và những người khác tại 52 quốc gia đã nhận được viện trợ sau thiên tai. Cùng với những người khác, Giáo Hội đã giúp chủng ngừa cho khoảng 8 triệu trẻ em và đã giúp người Syria trong các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, và Jordan với các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Đồng thời, các tín hữu hoạn nạn của Giáo Hội cũng đã nhận được hằng triệu đô la từ quỹ của lễ nhịn ăn và sự phụ giúp an sinh khác trong năm 2012. Xin cám ơn lòng rộng rãi của các anh chị em.

Tất cả những điều này không bắt đầu bao gồm các hành động nhân từ và sự hỗ trợ của cá nhân—quà tặng thực phẩm, quần áo, tiền bạc, sự chăm sóc và hằng ngàn hình thức an ủi và trắc ẩn khác—qua đó chúng ta có thể tham gia trong công việc cứu chuộc giống như Đấng Ky Tô. Khi còn bé, tôi đã chứng kiến hành động của mẹ tôi để cứu chuộc một người phụ nữ đang hoạn nạn. Cách đây nhiều năm, khi con cái của bà còn nhỏ, mẹ tôi đã trải qua một cuộc giải phẫu nghiêm trọng làm cho bà suýt nữa bị thiệt mạng và làm cho bà nằm liệt giường gần như cả một năm. Trong thời gian này, những người trong gia đình và các tín hữu của tiểu giáo khu đã giúp đỡ Mẹ tôi và gia đình chúng tôi. Để giúp đỡ thêm, chủ tịch Hội Phụ Nữ của tiểu giáo khu là Chị Abraham, đã đề nghị cha mẹ tôi thuê một phụ nữ trong tiểu giáo khu đang rất cần việc làm. Khi kể lại câu chuyện này, tôi sẽ sử dụng tên giả của người phụ nữ này là Sara và con gái của bà là Annie. Đây là câu chuyện của mẹ tôi:

“Tôi còn có thể nhớ rõ chuyện đó như mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi nằm ở đó trên giường, và Chị Abraham dẫn Sara đến cửa phòng ngủ. Tôi cảm thấy thất vọng. Đó là một người xấu xí nhất tôi từng gặp—rất gầy gò; xộc xệch, tóc tai rối bù, lưng còng, đầu cúi xuống nhìn sàn nhà. Cô ấy mặc một cái áo cũ xềnh xoàng rộng thùng thình. Cô ấy không nhìn lên và nói nhỏ đến nỗi tôi không thể nghe cô ấy nói gì. Một cô bé khoảng ba tuổi núp đằng sau cô ấy. Hỡi ôi, tôi phải làm gì với một người như thế này đây? Sau khi họ ra khỏi phòng, tôi khóc. Tôi cần được giúp đỡ, chứ không cần thêm khó khăn. Chị Abraham ở lại một lát với Sara, và rồi họ nhanh chóng dọn dẹp căn nhà sạch sẽ và chuẩn bị một vài bữa ăn ngon. Chị Abraham yêu cầu tôi cho cô ấy làm thử trong một vài ngày, và nói rằng cô ấy đang trải qua một thời kỳ rất khó khăn và đang cần được giúp đỡ.

“Sáng hôm sau khi Sara đến, cuối cùng tôi đã gọi được cô ấy đến bên giường để tôi có thể nghe cô ấy nói gì. Cô ấy hỏi tôi muốn cô ấy làm gì. Tôi nói cho cô ấy biết và sau đó nói: ‛Nhưng điều quan trọng nhất là mấy đứa con trai của tôi; hãy dành nhiều thời giờ với chúng, đọc cho chúng nghe—chúng còn quan trọng hơn căn nhà.’ Cô ấy là một người nấu ăn giỏi và giữ nhà cửa sạch sẽ, giặt đồ xong xuôi, và cô ấy rất tốt với mấy đứa con trai của tôi.

“Nhiều tuần trôi qua, tôi biết được chuyện về Sara. [Vì cô ấy nghe không được rõ, không học giỏi trong trường và cuối cùng đã bỏ học. Cô ấy kết hôn lúc còn rất trẻ với một người bê tha. Annie ra đời và trở thành niềm vui cho cuộc sống của Sara. Một đêm đông nọ, người chồng say xỉn trở về nhà, bắt Sara và Annie vào xe trong khi họ còn đang mặc quần áo ngủ, và sau đó bỏ họ lại bên lề đường cao tốc. Họ không bao giờ gặp lại anh ta nữa. Sara và Annie đi bộ chân không và lạnh cóng suốt mấy dặm đường để đến nhà của mẹ cô.] Mẹ cô đồng ý cho họ ở lại và để đổi lại, họ phải làm tất cả công việc nhà và nấu ăn, cũng như chăm sóc cho em gái và em trai của cô còn đang học trung học.

“Chúng tôi đưa Sara đến bác sĩ tai, và cô ấy đã nhận được một cái máy trợ thính. … Chúng tôi khuyên cô nên đi học lớp học dành cho người lớn, và cô ấy đã có bằng tốt nghiệp trung học. Cô ấy đi học vào buổi tối, và về sau đã tốt nghiệp đại học và giảng dạy chương trình giáo dục đặc biệt. Cô đã mua một căn nhà nhỏ. Annie đã kết hôn trong đền thờ và có hai con. Sara trải qua một vài cuộc giải phẫu tai và cuối cùng đã có thể nghe rõ được. Nhiều năm sau, cô nghỉ hưu và phục vụ truyền giáo. … Sara thường cám ơn chúng tôi và nói rằng cô đã học được rất nhiều từ tôi, nhất là khi tôi nói với cô ấy rằng mấy đứa con trai của tôi còn quan trọng hơn cả căn nhà. Cô ấy nói điều đó đã dạy cho cô có thể làm như vậy với Annie. … Sara là một người phụ nữ rất đặc biệt.”

Là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta phải làm hết sức mình để giúp đỡ những người khác thoát khỏi cảnh khổ đau và gánh nặng. Dù vậy, sự phục vụ cứu chuộc lớn nhất của chúng ta sẽ là dẫn họ đến với Đấng Ky Tô. Nếu không có Sự Cứu Chuộc của Ngài khỏi cái chết và tội lỗi, thì chúng ta chỉ có một phúc âm về công lý xã hội. Nó có thể mang đến một số sự trợ giúp và hòa giải trong hiện tại, chứ không có quyền năng để kéo xuống từ thiên thượng công lý hoàn hảo và lòng thương xót vô hạn. Sự cứu chuộc tột bậc là từ Chúa Giê Su Ky Tô và chỉ ở Ngài mà thôi. Tôi khiêm nhường biết ơn và công nhận Ngài là Đấng Cứu Chuộc, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary, xuất bản lần thứ 10 (1993), “redemptioner.”

  2. Webster’s New World College Dictionary, xuất bản lần thứ 3 (1988), “redeem.”

  3. “Vị Nam Tử của Thượng Đế đã chuộc tội nguyên thủy, nhờ đó mà những tội lỗi của cha mẹ không thể đổ trên đầu của con cái, vì chúng vô tội từ lúc thế gian mới được tạo dựng” (Môi Se 6:54). Nhờ vào Sự Cứu Chuộc của Đấng Ky Tô, tất cả mọi người đều khắc phục cái chết và được phục sinh để trở nên bất diệt. Ngoài ra, tất cả mọi người đều khắc phục cái chết thuộc linh bằng cách được mang trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế để chịu sự phán xét. Chúa Giê Su đã phán: “Ta đã bị loài người nhấc lên [thập tự giá] như thể nào thì loài người cũng sẽ được Đức Chúa Cha nhấc lên thể ấy, để họ đứng trước mặt ta và chịu sự phán xét qua những việc làm của mình” (3 Nê Phi 27:14). Những người được thanh tẩy khỏi tội lỗi đều sẽ ở lại với Thượng Đế trong vương quốc thiên thượng, còn những người nào đã không hối cải và không thanh sạch đều không thể sống với một Thượng Đế thánh, và sau sự phán xét, họ phải ra đi và do đó phải chịu cái chết thuộc linh một lần nữa. Điều này đôi khi được gọi là cái chết thứ hai hoặc chịu chết phần thuộc linh lần thứ hai (Xin xem Hê La Man 14:15–18).

  4. Chính là vì tội lỗi của chúng ta mà thánh thư nói về một số người không nhận được lợi ích của sự cứu chuộc: “Những kẻ độc ác sẽ bị giữ nguyên tình trạng cũ, như không có sự cứu chuộc nào xảy ra cả, ngoại trừ việc những dây trói buộc của sự chết sẽ được cởi bỏ” (An Ma 11:41). “Kẻ nào không thực hành đức tin đưa đến sự hối cải thì sẽ bị phơi bày ra trước luật pháp trọn vẹn về những đòi hỏi của công lý; vậy nên, chỉ có kẻ nào có đức tin đưa lại sự hối cải mới hưởng được kế hoạch cứu chuộc vĩ đại và vĩnh cửu (An Ma 34:16). Nếu chối bỏ Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, thì một người phải tự mình chuộc lại khoản nợ của mình cho sự đòi hỏi của công lý. Chúa Giê Su phán: “Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải; Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy” (Giáo Lý và Giao Ước 19: 16–17). Nỗi đau khổ vì tội lỗi không được cứu chuộc của một cá nhân được biết đến như là địa ngục. Nó có nghĩa là phải chịu lệ thuộc vào quỷ dữ và được mô tả bằng phép ẩn dụ trong thánh thư là bị xiềng xích hoặc là hồ lửa với diêm sinh. Lê Hi van nài các con trai của mình nên chọn Sự Cứu Chuộc của Đấng Ky Tô “Và chớ chọn lựa cái chết vĩnh cửu theo ý muốn của xác thịt cùng điều tà ác bên trong, khiến cho linh hồn của quỷ dữ có đủ quyền năng bắt giữ và đem các con xuống ngục giới ngõ hầu nó có thể thống trị các con trong lãnh giới của nó” (2 Nê Phi 2:29). Mặc dù vậy, nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, địa ngục bị đóng lại, và những người bị bắt buộc phải đi qua đó “sẽ … được cứu khỏi tay quỷ dữ cho đến khi có lần phục sinh sau cùng” (Giáo Lý và Giao Ước 76:85). Tương đối có rất ít “những đứa con trai diệt vong” là “những kẻ duy nhất mà cái chết thứ hai có quyền đụng đến [lâu dài]; phải, thật vậy, là những kẻ duy nhất mà sẽ không được cứu chuộc vào kỳ định của Chúa, sau những khốn khổ bởi cơn thịnh nộ của Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 76:32, 37–38).

  5. Tiên Tri Joseph Smith đã hân hoan nói rằng: “Những người chết hãy hát lên những bài ca tán mỹ vĩnh cửu Vua Em Ma Nu Ên, Đấng đã lập lên, trước khi có thế gian này, những gì giúp chúng ta có thể cứu chuộc được họ ra khỏi ngục tù của họ; vì những người bị giam cầm sẽ được tự do” (Giáo Lý và Giao Ước 128:22).

  6. Xin xem Victor Hugo, Les Misérables (1992), 91–92.