2010–2019
Một Di Sản Vô Giá về Niềm Hy Vọng
Tháng tư 2014


20:47

Một Di Sản Vô Giá về Niềm Hy Vọng

Khi chọn để lập hoặc tuân giữ một giao ước với Thượng Đế, thì các anh chị em chọn sẽ để lại một di sản về niềm hy vọng cho những người có thể noi theo tấm gương của mình.

Các anh chị em thân mến, một số anh chị em được những người truyền giáo của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô mời đến buổi họp này. Những người truyền giáo đó có thể đã mời các anh chị em nên chọn lập giao ước với Thượng Đế bằng cách chịu phép báp têm.

Các anh chị em khác đang lắng nghe vì đã chấp nhận lời mời của cha mẹ, vợ hoặc chồng mình hoặc có lẽ từ một đứa con, với hy vọng rằng các anh chị em sẽ làm cho các giao ước mà mình đã lập với Thượng Đế một lần nữa trở thành trung tâm điểm trong cuộc sống của mình. Một số anh chị em đang lắng nghe đã chọn để trở lại noi theo Đấng Cứu Rỗi và cảm thấy vui mừng được Ngài hài lòng chào đón trở lại.

Dù các anh chị em là ai và ở bất cứ đâu, thì các anh chị em vẫn có khả năng để mang lại hạnh phúc cho nhiều người hơn là mình có thể tưởng tượng được bây giờ. Mỗi ngày và mỗi giờ các anh chị em đều có thể chọn để lập hoặc tuân giữ một giao ước với Thượng Đế.

Dù đang ở đâu trên con đường thừa kế ân tứ về cuộc sống vĩnh cửu, các anh chị em vẫn có cơ hội để cho nhiều người thấy con đường dẫn đến hạnh phúc lớn lao hơn. Khi chọn để lập hoặc tuân giữ một giao ước với Thượng Đế, thì các anh chị em chọn sẽ để lại một di sản về niềm hy vọng cho những người có thể noi theo tấm gương của mình.

Các anh chị em và tôi đã được phước để có lời hứa về một sự thừa kế như vậy. Tôi mang ơn một người mà tôi chưa bao giờ gặp trong cuộc sống trần thế về nhiều điều hạnh phúc trong cuộc sống. Ông mồ côi cha mẹ và là ông cố của tôi. Ông để lại cho tôi một di sản vô giá về niềm hy vọng. Tôi xin được nói cho các anh chị em biết về vai trò của ông trong việc tạo ra cho tôi sự thừa kế đó.

Tên của ông là Heinrich Eyring. Ông sinh ra trong một gia đình giàu sang. Cha ông, là Edward, có một bất động sản lớn ở Coburg, mà bây giờ là thuộc nước Đức. Mẹ ông là Nữ Tử Tước Charlotte Von Blomberg. Cha của bà là người quản lý đất đai cho vua nước Prussia.

Heinrich là con trai đầu lòng của Charlotte và Edward. Charlotte qua đời ở tuổi 31, sau khi sinh đứa con thứ ba. Edward đã chết chẳng bao lâu sau đó, vì đã mất tất cả tài sản và của cải trong một cuộc đầu tư thất bại. Ông chỉ mới 40 tuổi. Ông để lại ba đứa con mồ côi.

Heinrich, ông cố của tôi, đã mất cả cha lẫn mẹ và của cải thừa kế lớn lao. Ông rất nghèo. Ông ghi lại trong nhật ký của mình rằng ông cảm thấy có hy vọng để đi Mỹ. Mặc dù ông không có gia đình cũng như bạn bè ở đó, nhưng ông đã có một cảm giác hy vọng về việc đi Mỹ. Trước hết ông đến thành phố New York City. Sau đó ông dọn đến St Louis, Missouri.

Ở St. Louis, một trong những đồng nghiệp của ông là một Thánh Hữu Ngày Sau. Từ người này, ông đã có được một cuốn sách nhỏ do Anh Cả Parley P. Pratt viết. Ông đọc sách đó và sau đó nghiên cứu bất cứ tài liệu nào ông có thể tìm thấy được về Các Thánh Hữu Ngày Sau. Ông cầu nguyện để biết là thực sự có các thiên sứ hiện đến cùng loài người hay không, thực sự có một vị tiên tri tại thế hay không, và ông có thực sự tìm thấy một tôn giáo chân chính và được mặc khải hay không.

Sau hai tháng nghiên cứu kỹ và cầu nguyện, Heinrich đã có một giấc mơ trong đó ông được cho biết là phải chịu phép báp têm. Anh Cả William Brown, một người mà tôi rất kính trọng tên tuổi và thẩm quyền chức tư tế đã thực hiện giáo lễ đó. Heinrich chịu phép báp têm trong một vũng nước mưa vào ngày 11 tháng Ba năm 1855, lúc 7 giờ 30 sáng.

Tôi tin rằng vào lúc ấy Heinrich Eyring cũng biết điều mà tôi đang giảng dạy cho các anh chị em ngày hôm nay là chân chính. Ông biết rằng hạnh phúc của cuộc sống vĩnh cửu đến từ mối quan hệ gia đình và tiếp tục vĩnh viễn. Ngay cả khi mới vừa tìm thấy kế hoạch hạnh phúc của Chúa, ông cũng biết rằng hy vọng của ông về niềm vui vĩnh cửu dựa vào sự tự do lựa chọn của những người khác để noi theo gương của ông. Hy vọng của ông về hạnh phúc vĩnh cửu tùy thuộc vào những người chưa chào đời.

Là một phần thừa kế của gia đình chúng tôi về niềm hy vọng, ông đã để lại một nhật ký cho con cháu của mình.

Trong quyển nhật ký đó, tôi có thể cảm nhận được tình yêu thương của ông đối với những người trong số chúng tôi sẽ noi theo ông. Từ lời nói của ông, tôi cảm nhận được niềm hy vọng của ông rằng các con cháu của ông có thể chọn để noi theo ông trên con đường trở về nhà thiên thượng. Ông biết điều đó sẽ không phải là kết quả của một sự lựa chọn duy nhất mà là nhiều sự lựa chọn nhỏ. Tôi xin trích dẫn từ quyển nhật ký của ông:

“Từ lần đầu tiên tôi nghe Anh Cả Andrus nói … Tôi đã luôn luôn tham dự các buổi họp của Các Thánh Hữu Ngày Sau và những lần tôi đã không đi nhóm họp là rất hiếm, vì đó là bổn phận của tôi để làm như vậy.

“Tôi viết điều này trong nhật ký để con cái tôi có thể noi gương tôi và không bao giờ bỏ bê bổn phận quan trọng này để nhóm họp với Các Thánh Hữu.”1

Heinrich biết rằng trong các buổi lễ Tiệc Thánh, chúng ta có thể tái lập lời hứa của mình là luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và có Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta.

Chính là Thánh Linh đó đã hỗ trợ ông trong công việc truyền giáo mà ông được kêu gọi chỉ vài tháng sau khi chấp nhận giao ước báp têm. Ông đã để lại di sản là tấm gương về việc ông luôn luôn trung tín với công việc truyền giáo trong sáu năm ở nơi mà lúc bấy giờ được gọi là Vùng Lãnh Thổ Dân Da Đỏ. Để được giải nhiệm từ công việc truyền giáo của mình, ông đã đi bộ rồi sau đó gia nhập đoàn xe kéo tay từ Oklahoma đến Salt Lake City, khoảng 1.770 kílômét.

Ngay sau đó ông được vị tiên tri của Thượng Đế kêu gọi dọn đi tới miền nam Utah. Từ đó ông đã chấp nhận một sự kêu gọi khác để phục vụ truyền giáo tại quê hương Đức của mình. Sau đó ông đã chấp nhận lời mời của một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô để giúp xây dựng các thuộc địa Thánh Hữu Ngày Sau ở miền bắc Mexico. Từ đó ông được kêu gọi đến Mexico City với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian một lần nữa. Ông đã làm tròn những sự kêu gọi đó. Ông được an táng trong một nghĩa trang nhỏ tại Colonia Juárez, Chihuahua, Mexico.

Tôi kể ra những sự kiện này không nhằm mục đích cho rằng ông cố tôi hoặc điều ông làm là phi thường, hoặc con cháu của ông là đặc biệt. Tôi kể lại những sự kiện đó để vinh danh ông vì tấm gương về đức tin và hy vọng trong lòng ông.

Ông chấp nhận những sự kêu gọi đó vì đức tin của ông rằng Đấng Ky Tô phục sinh và Cha Thiên Thượng đã hiện đến cùng Joseph Smith trong khu rừng cây ở tiểu bang New York. Ông chấp nhận những sự kêu gọi đó vì ông có đức tin rằng các chìa khóa của chức tư tế trong Giáo Hội của Chúa đã được phục hồi với quyền năng gắn bó gia đình vĩnh viễn, nếu họ có đủ đức tin để tuân giữ các giao ước của họ.

Giống như Heinrich Eyring, tổ tiên của tôi, các anh chị em cũng có thể là người đầu tiên trong gia đình mình dẫn đường đến cuộc sống vĩnh cửu dọc theo con đường giao ước thiêng liêng đã được lập và tuân giữ với sự siêng năng và đức tin. Mỗi giao ước đều có kèm theo các bổn phận và lời hứa. Đối với tất cả chúng ta, cũng giống như đối với Heinrich, các bổn phận đó đôi khi giản dị nhưng thường rất khó khăn. Nhưng hãy ghi nhớ, các bổn phận đôi khi phải khó khăn vì mục đích của các bổn phận đó là để di chuyển chúng ta dọc theo con đường để sống vĩnh viễn với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, trong gia đình.

Các anh chị em còn nhớ những lời từ sách Áp Ra Ham:

“Và ở giữa những linh hồn này có một linh hồn giống Thượng Đế, và Ngài nói với những linh hồn đang đứng với Ngài: Chúng ta sẽ đi xuống, vì dưới đó có khoảng không, và chúng ta sẽ đem theo một số vật liệu này, và chúng ta sẽ làm ra một thế gian cho những linh hồn này trú ngụ;

“Và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng;

“Và những ai giữ trạng thái thứ nhất của mình thì sẽ được ban thêm; còn những ai không giữ trạng thái thứ nhất của mình, thì sẽ không hưởng được vinh quang trong cùng một vương quốc với những người giữ trạng thái thứ nhất của họ; và những ai biết giữ trạng thái thứ nhì của mình thì sẽ được nhận thêm nhiều vinh quang lên đầu họ mãi mãi và đời đời.”2

Việc giữ trạng thái thứ nhì của chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta lập giao ước với Thượng Đế và trung tín thực hiện các bổn phận đòi hỏi. Để tuân giữ các giao ước thiêng liêng suốt đời, thì cần phải có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Vì A Đam và Ê Va đã sa ngã, nên chúng ta sẽ bị cám dỗ, thử thách và chết. Tuy nhiên, Cha Thiên Thượng nhân từ đã ban cho chúng ta ân tứ về Vị Nam Tử Yêu Dấu, Chúa Giê Su Ky Tô, làm Đấng Cứu Rỗi. Món quà và phước lành vĩ đại đó của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mang lại một sự thừa kế cho tất cả: lời hứa về Sự Phục Sinh và khả năng có thể có được cuộc sống vĩnh cửu cho tất cả những ai được sinh ra.

Phước lành lớn nhất trong tất cả các phước lành của Thượng Đế, cuộc sống vĩnh cửu, chỉ đến với chúng ta khi chúng ta lập các giao ước dành sẵn trong Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô bởi các tôi tớ có thẩm quyền của Ngài. Vì Sự Sa Ngã nên chúng ta đều cần tác dụng thanh tẩy của phép báp têm và phép đặt tay để nhận được ân tứ của Đức Thánh Linh. Các giáo lễ này cần phải được thực hiện bởi những người có thẩm quyền chức tư tế thích hợp. Sau đó, với sự giúp đỡ của Ánh Sáng của Đấng Ky Tô và Đức Thánh Linh, chúng ta có thể tuân giữ tất cả các giao ước mà chúng ta lập với Thượng Đế, nhất là các giao ước được ban cho trong các đền thờ của Ngài. Chỉ bằng cách đó, và với sự giúp đỡ đó, nên bất cứ người nào cũng có thể thỉnh cầu sự thừa kế hợp pháp của mình với tư cách là một người con của Thượng Đế trong một gia đình vĩnh cửu.

Đối với một số người đang lắng nghe tôi nói, điều đó có thể dường như là một giấc mơ gần như vô vọng.

Các anh chị em đã thấy các bậc cha mẹ trung thành buồn phiền vì con cái đã khước từ hoặc chọn vi phạm các giao ước với Thượng Đế. Nhưng các bậc cha mẹ đó có thể được an ủi và hy vọng từ những kinh nghiệm của các bậc cha mẹ khác.

Con trai của An Ma và các con trai của Vua Mô Si A đã hối cải từ cuộc nổi loạn mãnh liệt chống lại các giao ước và giáo lệnh của Thượng Đế. An Ma Con thấy con trai của mình là Cô Ri An Tôn thay đổi từ việc phạm tội đến sự phục vụ trung thành. Sách Mặc Môn cũng ghi lại các phép lạ của dân La Man từ bỏ truyền thống ghét sự ngay chính đến việc giao ước chịu chết để duy trì hòa bình.

Một thiên sứ đã được gửi đến với thanh niên An Ma và các con trai của Mô Si A. Vị thiên sứ đã đến vì đức tin và lời cầu nguyện của cha của họ và của dân Thượng Đế. Từ những ví dụ đó về quyền năng của Sự Chuộc Tội tác động tâm hồn của con người, các anh chị em có thể nhận được sự can đảm và an ủi.

Chúa đã ban cho chúng ta tất cả nguồn hy vọng khi chúng ta vật lộn để giúp những người mình yêu thương chấp nhận sự thừa kế vĩnh cửu của họ. Ngài đã thực hiện lời hứa với chúng ta khi chúng ta tiếp tục cố gắng quy tụ mọi người đến với Ngài, ngay cả khi họ chống lại lời mời gọi của Ngài để làm như vậy. Sự chống đối của họ làm buồn lòng Ngài, nhưng Ngài không bỏ cuộc, và chúng ta cũng không nên bỏ cuộc. Ngài nêu lên tấm gương hoàn hảo cho chúng ta với tình yêu thương bền bỉ của Ngài: “Và lại nữa, đã bao lần ta muốn quy tụ các ngươi lại như gà mái túc con mình ấp trong cánh, phải, hỡi các ngươi, gia tộc Y Sơ Ra Ên đã ngã gục; phải, hỡi các ngươi, gia tộc Y Sơ Ra Ên đang cư ngụ tại Giê Ru Sa Lem, các ngươi cũng như những kẻ đã ngã gục; phải, đã biết bao lần ta muốn quy tụ các ngươi lại như gà mái túc con mình, mà các ngươi đâu có khứng.”3

Chúng ta có thể dựa vào ước muốn bền bỉ của Đấng Cứu Rỗi để mang tất cả con cái linh hồn của Cha Thiên Thượng trở về nhà của họ cùng với Ngài. Mỗi người cha hay mẹ, ông hay bà trung tín đều chia sẻ ước muốn đó. Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi là hai tấm gương hoàn hảo của chúng ta về điều chúng ta có thể và phải làm. Hai Ngài không bao giờ ép buộc chúng ta phải chọn điều ngay chính vì sự ngay chính phải được chọn. Hai Ngài làm cho sự ngay chính được thấy rõ để chúng ta nhận ra điều đúng, và hai Ngài cho chúng ta thấy rằng niềm vui đến từ việc chọn điều ngay chính.

Mỗi người sinh ra trên thế gian đều nhận được Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, ánh sáng đó giúp chúng ta nhìn thấy và cảm nhận được điều gì là đúng và điều gì là sai. Thượng Đế đã sai các tôi tớ trên trần thế là những người có thể, qua Đức Thánh Linh, giúp chúng ta nhận ra điều nào Ngài muốn chúng ta làm và điều nào Ngài cấm. Thượng Đế làm cho việc chọn điều đúng thành hấp dẫn bằng cách cho phép chúng ta cảm thấy được kết quả của sự lựa chọn của chúng ta. Nếu chọn điều đúng, cuối cùng chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc. Nếu chúng ta chọn điều ác, cuối cùng sẽ có buồn phiền và hối tiếc. Những kết quả đó là chắc chắn. Tuy nhiên, chúng thường bị trì hoãn vì một mục đích. Nếu các phước lành đến ngay lập tức, thì việc chọn điều đúng sẽ không xây đắp đức tin. Và vì nỗi buồn phiền cũng đôi khi bị trì hoãn rất lâu, thì cũng cần phải có đức tin để cảm thấy cần thiết phải tìm cách tha thứ cho tội lỗi sớm hơn thay vì sau khi chúng ta đã cảm thấy các kết quả buồn phiền và đau đớn.

Tổ Phụ Lê Hi buồn phiền trước những lựa chọn của một số con trai của ông và gia đình họ. Ông là một người tốt và ngay chính—là một vị tiên tri của Thượng Đế. Ông thường làm chứng với họ về Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Ông là một tấm gương về sự vâng lời và sự phục vụ khi Chúa kêu gọi ông phải bỏ lại tất cả của cải vật chất để cứu gia đình ông khỏi bị hủy diệt. Vào cuối đời mình, ông vẫn làm chứng với con cái của ông. Giống như Đấng Cứu Rỗi—và mặc dù khả năng của ông để nhận thức được tấm lòng của họ và nhìn thấy tương lai u buồn lẫn tuyệt vời—Lê Hi cũng vẫn tiếp tục giúp đỡ gia đình của mình để mang họ đến sự cứu rỗi.

Hôm nay hàng triệu con cháu của Tổ Phụ Lê Hi đang khẳng định lý do về niềm hy vọng của ông đối với họ.

Các anh chị em và tôi có thể làm gì để học được từ tấm gương của Lê Hi? Chúng ta có thể học được từ tấm gương của ông bằng cách thành tâm nghiên cứu thánh thư và bằng cách quan sát.

Tôi đề nghị rằng các anh chị em hãy có một tầm nhìn xa lẫn tầm nhìn gần khi các anh chị em cố gắng mang sự thừa kế về niềm hy vọng đến cho gia đình của mình. Trong tầm nhìn gần, sẽ có rắc rối và Sa Tan sẽ gầm thét. Và có những điều để chờ đợi một cách kiên nhẫn, trong đức tin, biết rằng Chúa hành động theo kỳ định riêng và theo cách riêng của Ngài.

Có những điều các anh chị em có thể làm sớm, khi những người các anh chị em yêu thương còn nhỏ. Hãy nhớ rằng việc cầu nguyện chung gia đình hàng ngày, học hỏi thánh thư chung gia đình, và chia sẻ chứng ngôn của chúng ta trong lễ Tiệc Thánh đều dễ dàng hơn và hiệu quả hơn khi con cái còn nhỏ. Trẻ nhỏ thường nhạy cảm đối với Thánh Linh hơn chúng ta biết.

Khi lớn hơn, chúng sẽ nhớ những bài thánh ca chúng hát với các anh chị em. Thậm chí chúng còn nhớ nhiều hơn cả âm nhạc nữa, chúng sẽ nhớ những lời của thánh thư và chứng ngôn. Đức Thánh Linh có thể mang lại tất cả mọi điều để chúng nhớ, nhưng những lời của thánh thư và các bài thánh ca sẽ được nhớ lâu nhất. Ảnh hưởng của những ký ức đó sẽ mang chúng trở lại khi chúng đi lang thang trong một thời gian, có thể trong nhiều năm, khỏi con đường trở về nhà với cuộc sống vĩnh cửu.

Chúng ta sẽ cần có tầm nhìn xa khi những người chúng ta yêu thương cảm thấy sức hút của thế gian và đám mây nghi ngờ dường như áp đảo đức tin của họ. Chúng ta có đức tin, hy vọng, và lòng bác ái để hướng dẫn chúng ta và củng cố họ.

Tôi đã thấy điều đó với tư cách là một cố vấn cho hai vị tiên tri tại thế của Thượng Đế. Họ là những người có cá tính độc đáo. Tuy nhiên, dường như họ cùng có tinh thần lạc quan kiên định. Khi một người nào đó bày tỏ một mối quan tâm về một điều gì đó trong Giáo Hội, thì phản ứng thường thấy nhất của họ là “Ồ, rồi mọi việc cũng sẽ ổn thôi.” Họ thường biết nhiều về vấn đề này hơn những người bày tỏ mối quan tâm.

Họ cũng biết cách thức của Chúa, vậy nên họ luôn luôn hy vọng về vương quốc của Ngài. Họ biết Ngài là Đấng dẫn dắt Giáo Hội. Ngài là Đấng toàn năng và Ngài quan tâm. Nếu các anh chị em để cho Ngài lãnh đạo gia đình mình thì mọi việc sẽ được ổn thỏa.

Một số con cháu của Heinrich Eyring đã không đi theo con đường ngay chính. Nhưng nhiều cháu chắt của ông đi đến đền thờ của Thượng Đế vào lúc 6 giờ sáng để thực hiện các giáo lễ cho các tổ tiên mà họ chưa bao giờ gặp. Họ làm điều đó vì di sản về niềm hy vọng của ông để lại. Ông để lại một sự thừa kế đang được nhiều con cháu của ông thỉnh cầu.

Sau khi đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm trong đức tin, Chúa sẽ biện minh cho niềm hy vọng của chúng ta về các phước lành lớn lao hơn cho gia đình chúng ta hơn là chúng ta có thể tưởng tượng được. Ngài muốn điều tốt nhất cho họ và cho chúng ta, là các con cái của Ngài.

Chúng ta đều là con cái của Thượng Đế hằng sống. Chúa Giê Su ở Na Xa Rét là Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài và là Đấng Cứu Rỗi phục sinh. Đây là Giáo Hội của Ngài. Trong đó có các chìa khóa của chức tư tế, và do đó gia đình có thể được sống với nhau vĩnh viễn. Đây là di sản vô giá của chúng ta về niềm hy vọng. Tôi làm chứng đó là sự thật trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.