2010–2019
“Nếu Các Ngươi Yêu Mến Ta, thì Giữ Gìn Các Điều Răn Ta”
Tháng tư 2014


16:5

“Nếu Các Ngươi Yêu Mến Ta, thì Giữ Gìn Các Điều Răn Ta”

Việc sử dụng quyền tự quyết của chúng ta để vâng lời có nghĩa là chọn “làm điều đúng [và để cho] kết quả theo sau.

Thưa các anh chị em, trong tất cả các bài học chúng ta học được từ cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi, thì không có bài học nào rõ ràng và mạnh mẽ hơn bài học về sự vâng lời.

Tấm Gương của Đấng Cứu Rỗi

Trong Hội Đồng tiền dương thế trên Thiên Thượng, Lu Xi Phe nổi loạn chống lại kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Những người đi theo Lu Xi Phe đã kết thúc sự tiến triển vĩnh cửu của họ—hãy cẩn thận đối với những người nào các anh chị em đi theo!

Sau đó, Chúa Giê Su đã biểu lộ lòng cam kết của Ngài để vâng lời khi nói: “Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi.”1 Trong suốt giáo vụ của Ngài, “Ngài chịu những sự cám dỗ, nhưng Ngài không nhượng bộ những cám dỗ đó.”2 Quả thật, “Ngài … đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu.”3

Bởi vì Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã vâng lời, nên Ngài đã chuộc tội lỗi cho chúng ta, làm cho sự phục sinh của chúng ta có thể thực hiện được và chuẩn bị con đường cho chúng ta trở về cùng Cha Thiên Thượng, là Đấng biết chúng ta sẽ có lỗi lầm khi chúng ta học cách vâng lời trên trần thế. Khi vâng lời, chúng ta chấp nhận sự hy sinh của Ngài, vì chúng ta “tin rằng nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp, các giáo lễ, và các giáo lệnh được ban cho trong phúc âm.”4

Chúa Giê Su dạy chúng ta phải vâng lời bằng lời lẽ giản dị dễ hiểu: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta,”5 và “Hãy đến mà theo ta.”6

Khi chịu phép báp têm, chúng ta “mang danh Đấng Ky Tô vào mình” và “lập giao ước với Thượng Đế, là [chúng ta] sẽ vâng lời cho đến ngày cuối cùng của đời mình.”7 Mỗi Chủ Nhật, chúng ta tái lập giao ước báp têm đó bằng cách dự phần Tiệc Thánh và làm chứng rằng chúng ta sẵn lòng tuân giữ các giáo lệnh. Chúng ta tìm kiếm sự tha thứ cho bất cứ ý nghĩ, cảm nghĩ, hoặc hành động nào không hòa hợp với ý muốn của Cha Thiên Thượng. Khi hối cải bằng cách từ bỏ hành động bất tuân của mình và bắt đầu vâng lời lại, chúng ta cho thấy tình yêu mến của chúng ta đối với Ngài.

Loại Vâng Lời

Khi sống theo phúc âm, chúng ta tiến triển trong sự hiểu biết của mình về sự vâng lời. Đôi khi chúng ta có thể bị cám dỗ để làm theo điều tôi gọi là “sự vâng lời của con người thiên nhiên,” mà trong đó chúng ta đã không vâng lời và chối bỏ luật pháp của Thượng Đế để theo đuổi sự khôn ngoan hay ước muốn hoặc thậm chí cả sự nổi tiếng của mình. Bởi vì nhiều người thường xuyên làm như vậy, nên sự vâng lời một cách sai lầm này làm giảm bớt giá trị các tiêu chuẩn của Thượng Đế trong văn hóa và trong luật pháp của chúng ta.

Đôi khi, các tín hữu có thể tham gia vào “sự vâng lời có lựa chọn,” tuyên bố là mình yêu mến Thượng Đế và tôn vinh Thượng Đế trong khi lựa chọn để hoàn toàn tuân theo giáo lệnh nào và lời giảng dạy nào trong số các giáo lệnh và những lời giảng dạy của Ngài—và những lời giảng dạy và lời khuyên bảo của các vị tiên tri của Ngài.

Một số người lựa chọn rồi mới vâng lời vì họ không thể hiểu được tất cả những lý do đối với một lệnh truyền, cũng giống như trẻ em không luôn luôn hiểu được lý do đối với lời khuyên dạy và các luật lệ của cha mẹ. Nhưng chúng ta luôn luôn biết lý do tại sao chúng ta tuân theo các vị tiên tri, vì đây là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, và chính là Đấng Cứu Rỗi đã hướng dẫn tất cả các vị tiên tri của Ngài trong mọi gian kỳ.

Khi hiểu rõ về sự vâng lời hơn, thì chúng ta nhận ra vai trò quan trọng của quyền tự quyết. Khi Chúa Giê Su ở trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Ngài đã cầu nguyện ba lần lên Cha Ngài ở trên trời: “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.”8 Thượng Đế sẽ không lấy đi quyền tự quyết của Đấng Cứu Rỗi, nhưng Ngài đã thương xót gửi một thiên sứ đến để củng cố cho Con Trai Yêu Dấu của Ngài.

Đấng Cứu Rỗi đã trải qua một thử thách khác trên Đồi Sọ, là nơi Ngài có thể kêu gọi đạo quân thiên sứ để mang Ngài xuống khỏi cây thập tự, nhưng Ngài đã chọn để ngoan ngoãn kiên trì đến cùng và hoàn thành sự hy sinh chuộc tội của Ngài, mặc dù điều đó có nghĩa là nỗi đau khổ cùng cực và ngay cả cái chết.

Sự vâng lời một cách chín chắn về phần thuộc linh là “sự vâng lời mà Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy.” Sự vâng lời này được thúc đẩy bởi tình yêu mến đích thực dành cho Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử. Khi sẵn lòng vâng lời, như Đấng Cứu Rỗi đã làm, chúng ta trân quý những lời của Cha Thiên Thượng: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.”9 Và khi bước vào nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng, chúng ta trông mong được nghe nói: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; … hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi.”10

Việc sử dụng quyền tự quyết của chúng ta để vâng lời có nghĩa là chọn “làm điều đúng [và để cho] kết quả theo sau.”11 Điều này đòi hỏi phải tự chủ và mang lại lòng tự tin, và một cảm giác hài lòng cho chúng ta và, bằng tấm gương, cho những người xung quanh chúng ta; và điều này luôn luôn bao gồm một cam kết cá nhân vững mạnh để tán trợ các vị lãnh đạo chức tư tế và làm theo những lời dạy và khuyên bảo của họ.

Các Kết Quả

Đối với việc chúng ta lựa chọn sẽ vâng lời hay không, thì luôn luôn là điều hữu ích để nhớ những kết quả của sự lựa chọn của chúng ta. Lu Xi Phe và những người theo nó có hiểu được các hậu quả của việc chọn từ chối kế hoạch của Cha Thiên Thượng không? Nếu vậy, tại sao họ đã lựa chọn một điều khủng khiếp như vậy? Chúng ta có thể tự hỏi một câu hỏi tương tự: tại sao bất cứ ai trong chúng ta cũng chọn để không vâng lời khi biết những hậu quả vĩnh cửu của tội lỗi? Thánh thư đưa ra một câu trả lời: lý do tại sao Ca In và một số con cái của A Đam và Ê Va đã chọn để không vâng lời là vì “họ yêu mến Sa Tan nhiều hơn Thượng Đế.”12

Tình yêu mến của chúng ta đối với Đấng Cứu Rỗi là thiết yếu cho sự vâng lời giống như Đấng Cứu Rỗi. Khi cố gắng vâng lời trong thế giới ngày nay, chúng ta tuyên bố về tình yêu thương và sự kính trọng đối với tất cả con cái của Cha Thiên Thượng. Tuy nhiên, không thể chấp nhận được nếu tình yêu thương dành cho những người khác là nhằm mục đích sửa đổi các giáo lệnh của Thượng Đế, mà đã được ban cho vì lợi ích của chúng ta! Ví dụ, giáo lệnh “Các ngươi … chớ giết người hay làm bất cứ điều gì tương tự điều này”13 được căn cứ trên luật thuộc linh để bảo vệ tất cả con cái của Thượng Đế, ngay cả những đứa trẻ chưa chào đời. Kinh nghiệm lâu năm cho thấy rằng khi chúng ta làm ngơ đối với luật này, thì hậu quả là nỗi đau khổ không thể lường được. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng việc kết thúc mạng sống của một thai nhi vì các lý do ưa thích hoặc tiện lợi và là điều có thể chấp nhận được.

Việc hợp lý hóa để không vâng lời không làm thay đổi luật pháp thuộc linh hoặc các hậu quả của nó nhưng dẫn đến tình trạng hoang mang, không ổn định, đi lang thang trên những con đường xa lạ, lạc đường và đau buồn. Là các môn đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta có một nghĩa vụ thiêng liêng để duy trì các luật pháp và các giáo lệnh của Ngài cùng các giao ước mà chúng ta đã lập.

Vào tháng Mười Hai năm 1831, một số các anh em đã được kêu gọi để giúp làm giảm bớt những cảm nghĩ không thân thiện đã phát triển nhắm vào Giáo Hội. Qua Tiên Tri Joseph Smith, Chúa hướng dẫn họ trong một cách khác thường thậm chí còn đáng ngạc nhiên nữa:

“Hãy làm cho kẻ thù của mình bối rối; hãy yêu cầu chúng đến gặp các ngươi cả nơi công cộng lẫn nơi kín đáo… .

“Vậy nên, hãy để chúng đem hết lý lẽ mạnh mẽ của chúng ra chống lại Chúa.

“… Chẳng một vũ khí nào được dùng để chống lại các ngươi mà sẽ hiệu quả;

“Và nếu có kẻ nào cất tiếng chống lại các ngươi thì kẻ đó sẽ bị bối rối vào đúng giờ riêng của ta.

“Vậy nên, hãy tuân giữ các giáo lệnh của ta; những giáo lệnh này chân thật và trung thực.”14

Các Bài Học được Chứa Đựng trong Thánh Thư

Thánh thư có đầy dẫy các tấm gương của các vị tiên tri là những người đã học được các bài học về sự vâng lời bằng kinh nghiệm riêng của họ.

“Joseph Smith đã được dạy về những hậu quả vì nhượng bộ trước áp lực của ân nhân, người bạn, và người ghi chép của ông là Martin Harris. Để đáp ứng lời khẩn khoản của Martin, Joseph đã xin phép Chúa cho mượn 116 trang đầu tiên của bản thảo Sách Mặc Môn để Martin có thể cho gia đình của ông thấy, nhưng Chúa phán với Joseph là không được. Martin khẩn nài với Joseph cầu vấn Chúa mộtlần nữa. Sau lời yêu cầu thứ ba của Joseph, Chúa đã cho phép riêng năm người để xem xét bản thảo. “Trong một giao ước long trọng nhất, Martin đã hứa sẽ tuân theo thỏa thuận này. Khi về đến nhà, và bị áp lực phải cho những người khác thấy tập bản thảo, ông đã quên lời thề trang trọng của mình và cho phép những người khác xem bản thảo, và kết quả là do mưu kế nên tập bản thảo đã tuột ra khỏi bàn tay của ông.”15 và bị đánh mất. Do đó, Joseph bị Chúa khiển trách và đã không được cho phép để tiếp tục phiên dịch Sách Mặc Môn. Joseph đau khổ và hối cải về sự phạm giới của mình vì đã nhượng bộ trước các áp lực của những người khác. Sau một thời gian ngắn, Joseph đã được phép tiếp tục công việc phiên dịch của mình. Joseph đã học được một bài học quý giá về sự vâng lời; điều này rất có ích cho ông trong suốt cuộc đời còn lại của ông!

Tiên tri Môi Se cung ứng một tấm gương khác. Khi Môi Se vâng lời lấy một người vợ Ê Thi Ô Bi, thì Mi Ri Am và A Rôn không đồng ý. Nhưng Chúa khiển trách họ và phán rằng: “Ta nói chuyện cùng [Môi Se] miệng đối miệng.”16 Chúa sử dụng sự kiện lạ thường này để dạy cho các tín hữu của Giáo Hội trong gian kỳ của chúng ta. Vào năm 1830, Hiram Page cho rằng mình đã nhận được mặc khải về Giáo Hội. Chúa sửa dạy ông và dạy Các Thánh Hữu: “Ngươi phải tuân theo những điều ta sẽ ban cho [Joseph], giống như A Rôn,”17 “vì hắn nhận được những điều đó giống như Môi Se vậy.”18

Sự vâng lời mang đến các phước lành, “và khi chúng ta nhận được bất cứ một phước lành nào từ Thượng Đế, thì đó là vì chúng ta tuân theo luật pháp mà phước lành này được căn cứ vào đó.”19

Sự vâng lời được giảng dạy bằng tấm gương. Qua cách mình sống, chúng ta dạy con cái mình: “Hãy học sự thông sáng trong tuổi thanh xuân của con; phải, hãy học tập tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế trong tuổi thanh xuân của mình.”20

Sự vâng lời làm cho chúng ta dần dần mạnh mẽ hơn, có khả năng kiên trì chịu đựng những nỗi gian nan và thử thách trong tương lai. Sự vâng lời trong Vườn Ghết Sê Ma Nê đã chuẩn bị cho Đấng Cứu Rỗi để vâng lời và chịu đựng đến cùng trên Đồi Sọ.

Các anh chị em thân mến, những lời của An Ma đã thể hiện những cảm nghĩ của lòng tôi:

“Và giờ đây, hỡi đồng bào thân mến của tôi, tôi nói lên những điều này với đồng bào là để thức tỉnh đồng bào ý thức được bổn phận của mình đối với Thượng Đế, ngõ hầu đồng bào có thể bước đi một cách vô tội trước mặt Ngài. …

“Và giờ đây, tôi mong rằng đồng bào hãy khiêm nhường, biết phục tùng và hiền lành; … chuyên tâm tuân giữ những lệnh truyền của Thượng Đế bất cứ lúc nào.”21

Tôi đặc biệt làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống. Vì Ngài đã vâng lời, nên “mọi đầu gối sẽ phải quỳ xuống và mọi lưỡi sẽ phải thú nhận … rằng Ngài là [Đấng Cứu Rỗi] của chúng ta.”22 Cầu xin cho chúng ta có thể yêu mến Ngài một cách sâu đậm và tin nơi Ngài trong đức tin hoàn toàn đến mức chúng ta cũng vâng lời, tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, và trở lại sống với Ngài mãi mãi trong vương quốc của Thượng Đế chúng ta là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.