2010–2019
Chúng Ta Đừng Đi Sai Đường
Tháng tư 2014


9:17

Chúng Ta Đừng Đi Sai Đường

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ không đánh mất con đường mà mình có thể luôn luôn được kết nối với các tầng trời.

Một cậu bé đang tập đánh dương cầm, và khi một người bán hàng nhìn thấy cậu bé đó qua cửa sổ, đã hỏi: “Mẹ cháu có ở nhà không?”

Đứa bé đáp: “Ông nghĩ sao khi thấy cảnh này?”

Năm đứa con yêu quý của chúng tôi đều chơi dương cầm, nhờ vào sự thúc đẩy của vợ tôi! Khi thầy dạy nhạc đến nhà chúng tôi, con trai của chúng tôi Adrián thường chạy trốn để khỏi phải học. Nhưng một ngày nọ, một điều kỳ diệu đã xảy ra! Nó bắt đầu yêu âm nhạc nhiều đến nỗi đã tiếp tục tự tập một mình.

Nếu chúng ta có thể đạt được đến mức độ đó trong tiến trình cải đạo của mình, thì thật là tuyệt vời để có một ước muốn sâu thẳm trong lòng để tuân giữ các lệnh truyền mà không cần bất cứ ai liên tục nhắc nhở và có được một sự tin chắc rằng, nếu đi theo con đường đúng, thì chúng ta sẽ có các phước lành đã được hứa trong thánh thư.

Cách đây vài năm, tôi đã đến Arches National Park (Công Viên Quốc Gia Arches) với vợ tôi, con gái của chúng tôi là Evelin, và một người bạn của gia đình. Một trong những vòm cung nổi tiếng nhất ở đó được gọi là Delicate Arch. Chúng tôi quyết định đi bộ khoảng 2 kilômét, leo lên núi để đến vòm cung đó.

Chúng tôi bắt đầu hăng hái đi trên con đường của mình, nhưng sau khi đi bộ được một đoạn đường ngắn, thì mấy người kia cần phải nghỉ chân. Vì mong muốn được đến đó, nên tôi quyết định tiếp tục đi một mình. Tôi đã đi theo một người đàn ông ở trước mặt mà không hề chú ý đến con đường tôi phải đi; người đàn ông ấy dường như rất chắc chắn về con đường đi về phía trước. Con đường càng lúc càng trở nên khó đi hơn, và tôi đã phải nhảy từ tảng đá này đến tảng đá khác. Vì thấy đường đi khó khăn như vậy, tôi chắc chắn mấy người phụ nữ trong nhóm của tôi sẽ không bao giờ đi tới đó được. Rồi bỗng nhiên, tôi thấy Delicate Arch, nhưng tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy rằng nó nằm trong một khu vực không thể đi tới được.

Vì cảm thấy vô cùng thất vọng, nên tôi quyết định quay trở lại. Tôi sốt ruột chờ đợi cho đến khi chúng tôi gặp lại nhau. Tôi hỏi ngay: “Có đi tới Delicate Arch được không?” Họ vui vẻ cho tôi biết là họ đã tới đó rồi. Họ giải thích rằng họ đã đi theo những tấm biển chỉ đường, và bằng cách đi cẩn thận và gắng sức, họ đã đi tới đích.

Thật không may, tôi đã đi sai đường. Ngày hôm đó tôi đã học được một bài học vô cùng quan trọng!

Đã bao lần chúng ta lầm tưởng là con đường đúng, để cho mình bị dẫn dắt bởi các khuynh hướng của thế gian? Chúng ta cần phải liên tục tự hỏi liệu mình có phải là người làm theo lời của Chúa Giê Su Ky Tô hay không.

Một lời dạy bảo tuyệt vời được tìm thấy trong sách Giăng:

“Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được.

“Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:4–5).

Khi sử dụng cách so sánh này, chúng ta có thể thấy mối quan hệ siêu việt rất gần mà chúng ta có với Chúa Giê Su Ky Tô và tầm quan trọng Ngài đặt trên mỗi người chúng ta. Ngài là gốc rễ và thân cây để dẫn nước sự sống đến với chúng ta, nhựa cây mà sẽ cho phép chúng ta được nuôi dưỡng để có thể cho ra nhiều quả. Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy rằng trong một phương diện, chúng ta giống như các nhánh cây—hay là tùy thuộc vào Ngài—chúng ta sẽ không bao giờ đánh thấp giá trị của những lời giảng dạy của Ngài.

Một số lỗi lầm có thể rất nghiêm trọng, và nếu chúng ta không sửa đổi đúng lúc, thì chúng có thể vĩnh viễn dẫn dắt chúng ta ra khỏi con đường đúng. Nếu hối cải và chấp nhận sự sửa đổi, những kinh nghiệm này sẽ cho phép chúng ta hạ mình, thay đổi hành động của mình, và một lần nữa đến gần Cha Thiên Thượng hơn.

Tôi muốn đưa ra một ví dụ về khái niệm này bằng cách đề cập đến một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất mà Tiên Tri Joseph Smith đã có được. Qua kinh nghiệm này, Đấng Cứu Rỗi đã ban cho chúng ta những lời dạy vô giá về các nguyên tắc mà chúng ta phải ghi nhớ trong suốt cuộc đời của mình. Điều này đã xảy ra khi Martin Harris làm mất 116 trang dịch của phần đầu tiên của Sách Mặc Môn.

Sau khi hối cải vì đã không tuân theo lời khuyên dạy của Thượng Đế, Vị Tiên Tri nhận được điều mặc khải được tìm thấy trong tiết 3 của sách Giáo Lý và Giao Ước (xin xem Những Lời Giảng dạy của Các Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 69–71). Từ những gì được viết trong các câu 1 đến 10, tôi muốn nhấn mạnh đến ba nguyên tắc mà chúng ta nên luôn luôn ghi nhớ:

  1. Các công việc và mục đích của Thượng Đế không thể thất bại.

  2. Chúng ta không được sợ người đời hơn sợ Thượng Đế.

  3. Cần phải hối cải liên tục.

Trong câu 13, Chúa dạy chúng ta bốn hành động mà chúng ta không bao giờ nên làm:

  1. Coi thường lời dạy của Thượng Đế.

  2. Vi phạm những lời hứa thiêng liêng nhất đã được lập trước mặt Thượng Đế.

  3. Phụ thuộc vào óc xét đoán của chúng ta.

  4. Tự hào trong sự khôn ngoan của chúng ta.

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ không đánh mất con đường mà mình có thể luôn luôn được kết nối với các tầng trời, để không bị lôi cuốn theo khuynh hướng của thế gian.

Nếu có một người nào trong số các anh chị em đã tới thời điểm để từ bỏ con đường của Chúa—vào bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống—thì các anh chị em sẽ cảm thấy hối tiếc nhiều về việc xem thường những lời dạy của Thượng Đế, đã vi phạm những lời hứa thiêng liêng nhất đã được lập trước mặt Thượng Đế, phụ thuộc vào óc xét đoán của mình, hoặc tự hào về sự khôn ngoan của mình.

Nếu đúng là trường hợp như vậy thì tôi khuyên các anh chị em hãy hối cải và trở lại con đường đúng.

Một lần nọ, một đứa cháu gọi điện thoại cho ông nội nó để chúc ông sinh nhật vui vẻ. Nó hỏi ông bao nhiêu tuổi. Ông nó nói rằng ông đã 70 tuổi rồi. Đứa cháu nội suy nghĩ một lúc rồi hỏi: “Ông nội ơi, ông nội đã bắt đầu lại từ 1 tuổi à?”

Trong thời thơ ấu và niên thiếu, người ta nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ già; ý nghĩ về cái chết dường như không bao giờ có thật—đó là cho những người rất già—và còn lâu lắm mới đến thời điểm đó. Khi thời gian trôi qua, nhiều tháng và năm trôi qua, cho đến khi các nếp nhăn trên mặt bắt đầu xuất hiện, năng lực giảm bớt, nhu cầu đi khám bác sĩ trở nên thường xuyên hơn, và vân vân.

Sẽ đến ngày mà chúng ta sẽ gặp lại Đấng Cứu Chuộc và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi cầu xin rằng vào dịp thiêng liêng và cao quý đó, chúng ta có thể nhận ra Ngài vì sự hiểu biết chúng ta có về Ngài và vì đã tuân theo những lời dạy của Ngài. Ngài sẽ cho chúng ta thấy những dấu đóng đinh ở trên tay chân Ngài, và chúng ta sẽ cùng ôm nhau rất lâu, khóc vì niềm vui đã đi theo con đường của Ngài.

Tôi làm chứng cùng mọi người trên thế gian rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Ngài khuyên nhủ chúng ta: “Hãy nghe đây, Hỡi các quốc gia trên trái đất, hãy nghe lời nói của Thượng Đế là Đấng đã sáng tạo ra các ngươi” (GLGƯ 43:23). Cầu xin cho chúng ta chú ý, lưu tâm, thấu hiểu, và am hiểu chính xác sứ điệp “Thượng Đế là Đấng đã sáng tạo ra [chúng ta]” để chúng ta không đi sai đường, tôi cầu xin trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.