2010–2019
Hãy Cho Thấy Đức Tin của Mình
Tháng tư 2014


14:56

Hãy Cho Thấy Đức Tin của Mình

Ngày này qua ngày khác, trên con đường của các anh chị em hướng tới số mệnh vĩnh cửu của mình, hãy gia tăng đức tin của mình. Hãy công bố đức tin của mình! Hãy cho thấy đức tin của mình!

Thưa các anh chị em, chúng tôi bày tỏ những cảm nghĩ yêu thương và lòng biết ơn sâu đậm nhất đối với các anh chị em. Chúng tôi biết ơn về những chỉ định để làm việc với các anh chị em.

Trên một chuyến bay gần đây, phi công của chúng tôi loan báo rằng chiếc máy bay sẽ rung chuyển nhiều vì gặp dòng xoáy trong không khí trong khi bay thấp xuống và tất cả các hành khách đều phải buộc chặt dây an toàn. Như đã được biết trước, dòng xoáy đến và máy bay dằn xóc rất mạnh. Ngang qua lối đi và ở một vài hàng ghế ngồi phía sau tôi, có một người phụ nữ vô cùng kinh hãi và hoảng sợ. Mỗi khi máy bay xuống thấp và chuyển động bất ngờ thì cô ấy la hét ầm ĩ. Người chồng đã cố gắng an ủi cô ấy nhưng không có kết quả. Cô ấy tiếp tục la hét cuồng loạn cho đến khi chúng tôi qua khỏi khu vực có dòng xoáy đó và máy bay hạ cánh an toàn. Trong khoảng thời gian đầy lo lắng của cô ấy, tôi cảm thấy tội nghiệp cho cô ấy. Vì đức tin làm giảm nỗi sợ hãi, nên tôi thầm ước ao rằng tôi đã có thể củng cố đức tin của cô ấy.

Về sau, khi hành khách đang rời khỏi máy bay, thì chồng của người phụ nữ này đã nói chuyện với tôi. Anh ta nói: “Tôi xin lỗi vì vợ tôi đã quá sợ hãi. Cách duy nhất tôi có thể an ủi cô ấy là nói với nàng rằng ‘Anh Cả Nelson cũng đang ở trên chuyến bay này, vậy em không cần phải lo lắng đâu.’”

Tôi không chắc rằng sự hiện diện của tôi trên chuyến bay đó có giúp an ủi cô ấy được phần nào không, nhưng tôi sẽ nói rằng một trong những thực tế của cuộc sống trần thế là đức tin của chúng ta sẽ được thử nghiệm và thử thách. Đôi khi những thử nghiệm đó đến khi chúng ta đối phó với điều mà dường như là những kinh nghiệm sống chết. Đối với người phụ nữ sợ hãi này, một chiếc máy bay rung chuyển dữ dội tiêu biểu cho những lúc chúng ta khám khá ra đức tin của mình vững mạnh như thế nào.

Khi nói về đức tin—đức tin mà có thể dời núi—chúng ta không nói về đức tin theo một cách tổng quát mà là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có thể được củng cố khi chúng ta học hỏi về Ngài và sống theo tôn giáo của mình. Giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô được Chúa thiết kế để giúp chúng ta gia tăng đức tin của mình. Tuy nhiên, trong biệt ngữ phổ biến hiện nay, từ tôn giáo có thể có ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người.

Từ tôn giáo theo nghĩa đen có nghĩa là “gắn lại” hoặc “buộc lại” với Thượng Đế.1 Chúng ta nên tự hỏi là, chúng ta có được ràng buộc chặt với Thượng Đế để cho thấy đức tin của mình không? hay là chúng ta thực sự được ràng buộc với một thứ gì khác? Ví dụ, tôi đã nghe các cuộc trò chuyện vào những buổi sáng thứ Hai về các môn thể thao chuyên nghiệp diễn ra vào ngày Chủ Nhật hôm trước. Đối với một số những người hâm mộ thể thao cuồng nhiệt này, tôi đã tự hỏi liệu “tôn giáo” của họ sẽ “buộc họ lại” với thể thao chăng.

Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi, đức tin của mình ở đâu? Có phải là đức tin nơi một đội bóng không? Có phải là đức tin nơi một thương hiệu không? Có phải nơi một người nổi tiếng không? Thậm chí những đội bóng giỏi nhất cũng có thể thất bại. Những người nổi tiếng có thể phai mờ. Chỉ có một Đấng mà đức tin của các anh chị em luôn được an toàn, và đó là nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Và các anh chị em cần phải cho thấy đức tin của mình!

Trong Giáo Lệnh thứ nhất trong Mười Điều Giáo Lệnh của Ngài, Thượng Đế phán: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.”2 Ngài cũng phán: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.”3 Tuy nhiên, rất nhiều người chỉ nhìn vào số tiền họ có trong ngân hàng để được bình an hoặc đặt con người đồng loại làm mẫu mực để đi theo.

Các chuyên gia về y tế, giáo dục và các nhà chính trị thường được thử nghiệm về đức tin. Trong việc theo đuổi mục tiêu của họ, điều họ tin sẽ được rõ ràng hay ẩn giấu? Họ có được ràng buộc với Thượng Đế hay với loài người?

Cách đây nhiều thập niên, tôi đã có một cuộc thử nghiệm như vậy khi một trong các đồng nghiệp cùng giảng dạy trong ngành y của tôi trách tôi vì đã không tách rời kiến thức chuyên môn với niềm tin tôn giáo của tôi. Người này đã yêu cầu tôi không nên kết hợp cả hai. Làm thế nào tôi có thể làm điều đó được? Sự thật vẫn là sự thật! Điều đó không thể được phân chia, và bất cứ phần nào của sự thật cũng không thể bác bỏ được.

Cho dù lẽ thật từ một phòng thí nghiệm khoa học hoặc qua sự mặc khải, thì tất cả lẽ thật đều phát xuất từ Thượng Đế. Tất cả lẽ thật là một phần phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.4 Tuy nhiên, tôi đã được yêu cầu phải giấu kín niềm tin của mình. Tôi đã không nghe theo lời yêu cầu của người đồng nghiệp ấy. Tôi đã cho thấy đức tin của mình!

Trong tất cả các nỗ lực chuyên nghiệp, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về độ chính xác đều rất cần thiết. Các học giả quý trọng quyền tự do ngôn luận. Nhưng không thể có được tự do hoàn toàn nếu một phần kiến thức của một người bị luật lệ của con người chi phối “vượt quá giới hạn”.

Lẽ thật thuộc linh không thể bác bỏ được—nhất là các giáo lệnh thiêng liêng. Mỗi lần tuân giữ các giáo lệnh thiêng liêng đều mang lại phước lành, Mỗi lần vi phạm các giáo lệnh thiêng liêng đều bị mất phước lành!5

Trên thế giới này có rất nhiều vấn đề xảy ra vì trong đó có đầy dẫy những người không hoàn hảo. Mục tiêu và ước muốn của họ được ảnh hưởng nặng nề bởi đức tin hay thiếu đức tin. Nhiều người đặt ưu tiên khác trước Thượng Đế. Một số người thách thức tầm quan trọng của tôn giáo trong đời sống hiện đại. Như trong mọi thời đại, thì ngày nay cũng có những người chế giễu hoặc chê bai việc tự do có tôn giáo. Một số người còn đổ lỗi cho tôn giáo về bất cứ vấn đề nào trên thế giới. Nhưng phải thừa nhận rằng đã có những lúc mà sự tàn bạo đã xảy ra nhân danh tôn giáo. Nhưng việc sống theo đạo tinh sạch của Chúa, có nghĩa là cố gắng để trở thành một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô, là một cách sống và là một sự cam kết hàng ngày mà sẽ đưa đến sự hướng dẫn thiêng liêng. Khi thực hành theo tôn giáo của mình, các anh chị em đang sử dụng đức tin của mình. Các anh chị em đang cho thấy đức tin của mình.

Chúa biết rằng con cái của Ngài sẽ cần phải học cách tìm kiếm Ngài. Ngài phán: “Vì cổng hẹp và đường chật dẫn đến sự tôn cao … , và kẻ tìm được thì ít.”6

Thánh thư cung ứng một trong những cách tốt nhất để tìm kiếm hướng đi của chúng ta và tiếp tục ở trên hướng đi đó. Sự hiểu biết về thánh thư cũng mang đến sự bảo vệ quý báu. Ví dụ, trong suốt lịch sử, căn bệnh nhiễm trùng như “sốt sản” là nguyên nhân gây ra cái chết của nhiều người mẹ và trẻ sơ sinh vô tội. Tuy nhiên, Kinh Cựu Ước đã có các nguyên tắc chính xác cho việc giải quyết các bệnh nhân bị nhiễm bệnh, và đã được viết ra cách đây hơn 3.000 năm!7 Nhiều người đã thiệt mạng vì con người đi tìm kiếm kiến thức mà không lưu tâm đến lời của Chúa!

Thưa các anh chị em, chúng ta thiếu điều gì trong cuộc sống của mình nếu chúng ta “vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được”?8 Chúng ta có thể có được nhiều kiến thức từ thánh thư và có được nguồn soi dẫn qua lời cầu nguyện trong đức tin.

Việc làm như vậy sẽ giúp chúng ta khi chúng ta chọn quyết định hàng ngày. Nhất là khi luật pháp của con người được tạo ra và thực thi thì luật pháp của Thượng Đế bao giờ cũng phải là tiêu chuẩn của chúng ta. Khi đối phó với các vấn đề gây tranh cãi, trước hết chúng ta nên tìm kiếm sự hướng dẫn của Thượng Đế.

Chúng ta nên “áp dụng tất cả các thánh thư cho [mình] … ngõ hầu đem lại nhiều lợi ích cho sự học hỏi của chúng [ta].”9 Nguy hiểm rình rập bên cạnh khi chúng ta cố gắng phân chia bản thân mình với các từ ngữ như “đời tư của tôi” hoặc thậm chí “hành vi tốt nhất của tôi.” Nếu một người cố gắng phân đoạn cuộc đời của mình thành các phần riêng biệt như vậy, thì người ấy sẽ hoàn toàn không bao giờ vươn lên đến tính toàn vẹn cá nhân của mình—không bao giờ hoàn toàn trở thành con người thật của mình.

Sự cám dỗ để được nổi tiếng có thể làm cho ý kiến công chúng được ưu tiên hơn lời của Thượng Đế. Các chiến dịch chính trị và chiến lược tiếp thị sử dụng rộng rãi các cuộc thăm dò dư luận để phát triển các kế hoạch của họ. Các kết quả của các cuộc thăm dò đó là nhằm cung cấp thông tin. Nhưng những điều này khó có thể được sử dụng làm lý do để biện minh cho việc không tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế! Cho dù “tất cả mọi người đều đang làm điều đó,” thì sai vẫn là sai. Điều xấu xa, lỗi lầm, và bóng tối sẽ không bao giờ là sự thật cả, cho dù những điều này có phổ biến đi nữa. Một lời cảnh cáo trong thánh thư đã ghi như sau: “Khốn thay cho kẻ gọi dữ là lành, gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối.”10

Sau Đệ Nhất Thế Chiến, một bài hát khá táo bạo đã trở nên nổi tiếng. Trong việc thúc đẩy sự vô luân, bài hát này quả quyết rằng 50 triệu người không thể sai được. Nhưng trên thực tế, 50 triệu người có thể sai— sai hoàn toàn. Sự vô luân thì vẫn là vô luân dưới mắt của Thượng Đế, là Đấng sẽ phán xét tất cả các hành động và ước muốn của chúng ta một ngày nào đó.11

Hãy đối chiếu nỗi sợ hãi và tình trạng vô tôn giáo rất thịnh hành trên thế giới ngày nay với đức tin và lòng can đảm của đứa con gái yêu dấu của tôi là Emily, hiện đang ở bên kia tấm màn che. Trong khi sắp chết vì căn bệnh ung thư đang hoành hành thể xác của nó, nó không thể nói được nhiều. Nhưng với một nụ cười trên mặt, nó nói với tôi: “Cha ơi, đừng lo lắng cho con. Con biết con không sao cả!” Đức tin của Emily đã được thể hiện—thể hiện một cách rực rỡ—trong giây phút cảm động ấy, đúng vào lúc chúng tôi cần đức tin đó nhất.

Con gái tôi, người mẹ trẻ đẹp có năm con này đã có đức tin trọn vẹn nơi Cha Thiên Thượng của nó, nơi kế hoạch của Ngài, và nơi sự an sinh vĩnh cửu của gia đình nó. Nó được ràng buộc an toàn trở lại với Thượng Đế. Con gái tôi đã hoàn toàn trung thành với các giao ước lập với Chúa và với chồng nó. Nó yêu thương các con của nó nhưng đã được bình an, mặc dù sắp phải rời xa chúng. Con gái tôi có đức tin vào tương lai của nó, cũng như tương lai của chúng, vì nó đã có đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử.

Vào năm 1986, Chủ Tịch Thomas S. Monson nói: “Dĩ nhiên chúng ta sẽ đối phó với nỗi sợ hãi, bị chế giễu, và chống đối. Chúng ta hãy có can đảm để chống lại điều mà đa số dân chúng có thể tin, can đảm để bênh vực cho các nguyên tắc của mình. Lòng can đảm, không thỏa hiệp, sẽ làm cho Thượng Đế hài lòng chấp thuận. … Hãy nhớ rằng tất cả mọi người đều sợ hãi, nhưng những người nào đối phó với nỗi sợ hãi của mình bằng [đức tin] thì cũng có can đảm.”12

Lời khuyên dạy của Chủ Tịch Monson sẽ luôn luôn là đúng! Vậy nên, tôi khẩn nài với các anh chị em là các anh chị em thân mến của tôi: Ngày này qua ngày khác, trên con đường của các anh chị em hướng tới số mệnh vĩnh cửu của mình, hãy gia tăng đức tin của mình. Hãy công bố đức tin của mình! Hãy cho thấy đức tin của mình!13

Tôi cầu nguyện rằng các anh chị em sẽ được an toàn ràng buộc với Thượng Đế, để các lẽ thật vĩnh cửu của Ngài sẽ được ghi khắc vào lòng của các anh chị em vĩnh viễn. Và tôi cầu nguyện rằng, trong suốt cuộc đời của các anh chị em, các anh chị em sẽ cho thấy đức tin của mình! Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Khi một em bé chào đời, dây rốn được thắt gấp đôi lại và cắt đứt giữa hai chỗ thắt đó. Một chỗ thắt là một nút buộc—buộc chặt. Từ religion (tôn giáo) xuất phát từ nguồn gốc La Tinh: re có nghĩa là “một lần nữa” hoặc “trở lại”, và có lẽ ligare, có nghĩa là “buộc lại” hoặc “thắt lại.” Vì vậy, chúng ta hiểu rằng tôn giáo “ràng buộc những người tin với Thượng Đế.”

  2. Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3. Ngoài ra, Chúa đã phán: “Hãy trở lại, xây bỏ thần tượng các ngươi, xây mặt khỏi … mọi sự gớm ghiếc của các ngươi” (Ê Xê Chi Ên 14:6).

  3. Giáo Lý và Giao Ước 6:36.

  4. Xin xem Spencer W. Kimball, The Teachings of Spencer W. Kimball, do Edward L. Kimball xuất bản (1982), 391.

  5. Xin xem Mô Si A 2:41; Giáo Lý và Giao Ước 58:30–33; 82:10. Nguyên tắc này đúng với mọi người, vì “Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34; xin xem thêm Mô Rô Ni 8:12).

  6. Giáo Lý và Giao Ước 132:22.

  7. Xin xem Lê Vi Ký 15:13.

  8. 2 Ti Mô Thê 3:7.

  9. 1 Nê Phi 19:23.

  10. Ê Sai 5:20.

  11. Thánh thư dạy rằng: “Hãy đến với Chúa, Đấng Thánh. Hãy ghi nhớ rằng, các nẻo đường của Ngài đều ngay chính. Này, con đường dành cho nhân loại tuy chật hẹp, nhưng nó nằm trong một lộ trình thẳng trước mặt họ, và người giữ cổng là Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên; và Ngài không thu dụng tôi tớ nào ở đó cả; và cũng không có một lối nào khác ngoài lối vào bởi cổng đó; vì Ngài không thể nào bị lừa gạt được đâu, vì Đức Chúa Trời là danh Ngài” (2 Nê Phi 9:41).

  12. Thomas S. Monson, “Lòng Can Đảm Mới Đáng Kể,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 41. Trong một dịp khác, Chủ Tịch Monson đã đưa ra lời khuyên bảo đầy soi dẫn này: “Để sống ngay chính, chúng ta cần phải phát huy khả năng để đối phó với nỗi lo lắng phiền muộn bằng lòng can đảm, với nỗi thất vọng bằng tính vui vẻ, và chiến thắng bằng lòng khiêm nhường. … Chúng ta là các con trai và con gái của Thượng Đế hằng sống; chúng ta đã được tạo ra theo hình ảnh của Ngài. … Chúng ta không thể chân thành giữ vững niềm tin này nếu không trải qua một cảm giác mới sâu sắc về sức mạnh và khả năng, chính là sức mạnh để sống theo các giáo lệnh của Thượng Đế, khả năng để chống lại những cám dỗ của Sa Tan” (“Yellow Canaries with Gray on Their Wings,” Ensign, tháng Bảy năm 1973, 43).

  13. “Hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính” (Mô Rô Ni 10:32). Không nên sợ loài người hơn sợ Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 3:7; 59:5).