Tin Cậy nơi Chúa
Sự tin cậy chắc chắn duy nhất của chúng ta là ở nơi Chúa và tình yêu thương Ngài dành cho con cái Ngài.
Anh chị em thân mến, cách đây đã lâu tôi nhận được một lá thư mà giới thiệu đề tài bài nói chuyện của tôi. Tác giả đang dự tính kết hôn trong đền thờ với một người đàn ông có người bạn đời vĩnh cửu đã qua đời. Cô ấy sẽ trở thành người vợ thứ hai. Cô ấy đã đặt ra câu hỏi này: cô có thể có ngôi nhà của riêng mình trong cuộc sống tiếp theo không, hay là cô sẽ phải sống với chồng và người vợ thứ nhất của anh ấy? Tôi chỉ nói cô ấy hãy tin cậy nơi Chúa.
Tôi xin tiếp tục kể một kinh nghiệm mà tôi đã nghe từ một người bạn đáng quý, và tôi đã được anh cho phép chia sẻ. Sau cái chết của người vợ thân yêu và cũng là người mẹ của con cái mình, người cha tái hôn. Một vài con cái đã lớn phản đối mạnh mẽ việc tái hôn và tìm kiếm lời khuyên bảo từ một người họ hàng gần là một vị lãnh đạo đáng kính của Giáo Hội. Sau khi nghe lý do khiến họ phản đối, mà tập trung vào các điều kiện và mối quan hệ trong thế giới linh hồn hoặc các vương quốc vinh quang sẽ đến sau Sự Phán Xét Cuối Cùng, vị lãnh đạo này đã nói: “Các cháu đang lo lắng nhầm thứ rồi. Các cháu nên lo nghĩ về việc liệu các cháu có đến được những nơi đó không. Hãy tập trung vào điều đó. Nếu các cháu đến được đó, tất cả những chuyện này sẽ tuyệt vời hơn cả những gì các cháu có thể tưởng tượng được.”
Thật là một lời chỉ dạy đầy an ủi! Hãy tin cậy nơi Chúa!
Từ những lá thư tôi nhận được, tôi biết rằng có những người khác đang băn khoăn với những thắc mắc về thế giới linh hồn nơi mà chúng ta sẽ sống sau khi chết và trước khi được phục sinh. Một số người cho rằng thế giới linh hồn sẽ tiếp tục có nhiều sự việc và các vấn đề thế tục mà chúng ta đang trải qua trong cuộc sống trần thế này. Chúng ta thật sự biết được điều gì về cuộc sống trong thế giới linh hồn? Tôi tin là bài viết của một giáo sư về tôn giáo của trường BYU về đề tài này đã nêu ra rất đúng: “Khi chúng ta tự hỏi mình biết gì về thế giới linh hồn từ các tác phẩm tiêu chuẩn, câu trả lời là ‘không nhiều như chúng ta thường nghĩ.’”1
Dĩ nhiên, chúng ta biết từ thánh thư rằng sau khi cơ thể chúng ta chết thì chúng ta tiếp tục sống ở dạng linh hồn trong thế giới linh hồn. Thánh thư cũng dạy rằng thế giới linh hồn này được chia cách giữa những người “ngay chính” hoặc “công minh” trong cuộc sống này với những người tà ác. Thánh thư cũng mô tả cách mà một số linh hồn trung tín giảng dạy phúc âm cho những người tà ác hoặc phản nghịch (xin xem 1 Phi E Rơ 3:19; Giáo Lý và Giao Ước 138:19–20, 29, 32, 37). Quan trọng nhất, sự mặc khải hiện đại tiết lộ rằng công việc cứu rỗi sẽ tiếp tục trong thế giới linh hồn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:30–34, 58), và mặc dù chúng ta được khẩn nài để không trì hoãn sự hối cải của mình trong cuộc sống trần thế (xin xem An Ma 13:27), nhưng chúng ta được dạy rằng một số người vẫn có thể hối cải ở thế giới linh hồn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:58).
Công việc cứu rỗi trong thế giới linh hồn gồm có việc giải thoát các linh hồn khỏi điều mà thánh thư thường mô tả là “một hình thức nô lệ.” Tất cả những ai ở trong thế giới linh hồn đều ở trong một hình thức nô lệ nào đó. Sự mặc khải vĩ đại của Chủ Tịch Joseph F. Smith, mà đã trở thành thánh thư trong tiết 138 sách Giáo Lý và Giao Ước, nêu rằng những người ngay chính đã chết, là những người ở trong một trạng thái “an bình” (Giáo Lý và Giao Ước 138:22) trong khi họ trông mong Sự Phục Sinh đến (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:16), thì “đã coi việc tách rời lâu dài linh hồn khỏi thể xác của mình là một hình thức nô lệ” (Giáo Lý và Giao Ước 138:50).
Người tà ác còn phải chịu thêm một hình thức nô lệ nữa. Bởi những tội lỗi đã không hối cải, họ ở trong tình trạng mà Sứ Đồ Phi E Rơ đã ám chỉ là “ngục tù” linh hồn (1 Phi E Rơ 3:19; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 138:42). Những linh hồn này được mô tả là “bị ràng buộc” hoặc “bị giam cầm” (Giáo Lý và Giao Ước 138:31, 42) hoặc “bị liệng vào chỗ tối tăm bên ngoài” với “tiếng khóc than, rên rỉ, và nghiến răng” trong khi chờ đợi sự phục sinh và phán xét (An Ma 40:13–14).
Sự phục sinh cho tất cả mọi người trong thế giới linh hồn được đảm bảo nhờ Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:22), mặc dù nó xảy ra vào những thời điểm khác nhau đối với những nhóm người khác nhau. Cho đến thời gian đã được ấn định đó, điều mà thánh thư cho chúng ta biết về các việc làm trong thế giới linh hồn đều tập trung chủ yếu vào công việc cứu rỗi. Những điều khác được mặc khải rất ít ỏi. Phúc âm được thuyết giảng cho những người kiêu ngạo, người không hối cải, và kẻ phản nghịch để họ có thể được giải thoát khỏi sự nô lệ và nhận được các phước lành mà Cha Thiên Thượng nhân từ dành sẵn cho họ.
Hình thức nô lệ mà những linh hồn ngay chính đã cải đạo trong thế giới linh hồn phải trải qua chính là việc họ phải chờ đợi—và có lẽ họ được phép gợi nhắc—về các giáo lễ được làm thay cho mình trên thế gian để họ có thể được làm phép báp têm và vui hưởng các phước lành của Đức Thánh Linh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:30–37, 57–58).2 Các giáo lễ làm thay cho người chết này cũng cho phép họ tiến triển dưới thẩm quyền chức tư tế để gia tăng các nhóm người ngay chính mà có thể thuyết giảng phúc âm cho các linh hồn bị cầm tù.
Ngoài các khái niệm cơ bản này, bộ thánh thư của chúng ta có rất ít thông tin về thế giới linh hồn từ khi chết cho đến Ngày Phán Xét Cuối Cùng.3 Vậy thì chúng ta biết điều gì khác về thế giới linh hồn? Nhiều tín hữu của Giáo Hội nhận được những khải tượng hoặc những sự soi dẫn khác cho họ biết về cách thức hoạt động và tổ chức trong thế giới linh hồn, nhưng những kinh nghiệm thuộc linh cá nhân này không thể được xem là hoặc được giảng dạy như là giáo lý chính thức của Giáo Hội. Và, dĩ nhiên, có vô vàn sự suy đoán từ tín hữu và những người khác đã được xuất bản trong các tài liệu như là các quyển sách về kinh nghiệm kề cận cái chết.4
Đối với những suy đoán, ý kiến và kinh nghiệm cá nhân này, điều quan trọng là cần ghi nhớ lời khuyến cáo khôn ngoan của Các Anh Cả D. Todd Christofferson và Neil L. Andersen trong các sứ điệp đại hội trung ương trước đây. Anh Cả Christofferson đã dạy: “Chúng ta cũng nên nhớ rằng không phải bất kỳ lời phát biểu nào do một vị lãnh đạo Giáo Hội đưa ra, thời xưa hay thời nay, đều nhất thiết trở thành giáo lý. Trong Giáo Hội, chúng ta thường hiểu rằng một lời phát biểu do một vị lãnh đạo đưa ra chỉ trong một dịp nào đó thường thể hiện một quan điểm cá nhân, dù đã được suy nghĩ chín chắn, chứ không có nghĩa là tuyên bố chính thức hay ràng buộc toàn thể Giáo Hội.”5
Trong kỳ đại hội trung ương sau đó, Anh Cả Andersen đã dạy nguyên tắc này: “Giáo lý [phải] được tất cả 15 thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai giảng dạy. Giáo lý [thì] không ẩn khuất trong một đoạn văn [không phổ biến] của một bài nói chuyện.”6 Bản tuyên ngôn gia đình cùng thế giới, được ký bởi tất cả 15 vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải, là một minh họa tuyệt vời về nguyên tắc này.
Ngoài những tài liệu chính thức như bản tuyên ngôn gia đình cùng thế giới, những lời giảng dạy mang tính tiên tri của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội, mà được các vị tiên tri và các vị sứ đồ khác xác nhận, cũng là một ví dụ về nguyên tắc này. Nói về những gì sẽ xảy ra trong thế giới linh hồn, Tiên Tri Joseph Smith đã đưa ra hai lời giảng dạy vào gần cuối giáo vụ của ông mà thường hay được những người kế nhiệm ông giảng dạy. Một trong số đó là lời giảng dạy của ông trong bài nói chuyện tại tang lễ của tín hữu King Follett nói rằng các thành viên ngay chính trong gia đình sẽ được ở cùng nhau trong thế giới linh hồn.7 Một ví dụ khác là câu phát biểu sau đây tại một tang lễ trong năm cuối cùng của đời ông: “Linh hồn của người công chính được đưa lên đến một công việc trọng đại và vinh quang hơn … [trong] thế giới linh hồn. … Họ không ở xa chúng ta, mà biết và hiểu những ý nghĩ, cảm nghĩ, cùng hành động của chúng ta, và thường đau buồn bởi những điều đó.”8
Vậy, còn câu hỏi giống với câu tôi đã nói đến từ đầu về nơi mà các linh hồn sống thì sao? Nếu câu hỏi đó dường như lạ lùng hoặc tầm thường đối với anh chị em, thì hãy cân nhắc nhiều câu hỏi của chính mình, hoặc cả những câu mà anh chị em cố trả lời căn cứ theo một điều gì đó mình đã nghe từ một người nào khác trước đây. Đối với mọi câu hỏi về thế giới linh hồn, tôi xin đề nghị hai câu trả lời. Đầutiên, hãy nhớ rằng Thượng Đế yêu thương con cái Ngài và chắc chắn sẽ làm điều tốt nhất cho mỗi người chúng ta. Thứ hai, hãy ghi nhớ lời giảng dạy quen thuộc này trong Kinh Thánh, mà đã rất hữu ích đối với tôi khi gặp nhiều câu hỏi không được trả lời:
“Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.
“Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con” (Châm Ngôn 3:5–6).
Tương tự, Nê Phi đã kết thúc khúc thánh thi tuyệt vời của ông bằng những lời này: “Hỡi Chúa, con đã tin cậy nơi Ngài, và con sẽ tin cậy Ngài mãi mãi. Con sẽ không bao giờ đặt niềm tin cậy vào cánh tay xác thịt” (2 Nê Phi 4:34).
Tất cả chúng ta đều có lẽ thầm tự hỏi điều gì sẽ xảy ra trong thế giới linh hồn hoặc thậm chí thảo luận về đề tài đó hoặc các câu hỏi khác mà không có câu trả lời trong gia đình hoặc với những người thân thiết khác. Nhưng chúng ta không nên giảng dạy hoặc sử dụng như là giáo lý chính thức những gì không nằm trong tiêu chuẩn của giáo lý chính thức. Việc làm như vậy không thúc đẩy công việc của Chúa mà thậm chí còn có thể làm nản lòng những cá nhân muốn tìm kiếm niềm an ủi hoặc sự gây dựng cho chính họ qua sự mặc khải cá nhân mà kế hoạch của Chúa cung ứng cho mỗi người chúng ta. Sự tin cậy quá nhiều vào những lời giảng dạy hoặc suy đoán cá nhân thậm chí có thể khiến chúng ta mất tập trung vào việc học hỏi và nỗ lực mà sẽ giúp mở rộng sự hiểu biết của chúng ta và giúp chúng ta tiến bước trên con đường giao ước.
Tin cậy nơi Chúa là một nguyên tắc giảng dạy quen thuộc và đúng đắn trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là điều Joseph Smith đã giảng dạy khi Các Thánh Hữu thời kỳ đầu đối mặt với sự ngược đãi gay gắt và những trở ngại dường như không thể vượt qua được.9 Đó vẫn là nguyên tắc tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể sử dụng khi những nỗ lực để học hỏi hoặc những cố gắng để tìm sự an ủi của chúng ta gặp trở ngại bởi những vấn đề chưa được mặc khải hoặc không được thu nhận như là giáo lý chính thức của Giáo Hội.
Cũng cùng nguyên tắc đó được áp dụng cho các câu hỏi không có câu trả lời về lễ gắn bó trong cuộc sống kế tiếp hoặc mong muốn sự điều chỉnh bởi vì những sự kiện hoặc sự phạm giới trên trần thế. Có quá nhiều điều chúng ta không biết đến mức sự tin cậy chắc chắn duy nhất là ở nơi Chúa và tình yêu thương Ngài dành cho con cái Ngài.
Kết luận lại, điều chúng ta biết về thế giới linh hồn là công việc cứu rỗi của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con vẫn tiếp diễn ở đó. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã bắt đầu công việc mang lại sự tự do cho những người bị giam cầm (xin xem 1 Phi E Rơ 3:18–19; 4:6; Giáo Lý và Giao Ước 138:6–11, 18–21, 28–37), và công việc đó vẫn tiếp tục khi những sứ giả xứng đáng và đủ điều kiện tiếp tục rao truyền phúc âm, kể cả sự hối cải, đến cho những người vẫn cần ảnh hưởng thanh tẩy của sự hối cải (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:57). Mục đích của tất cả những việc này đã được mô tả trong giáo lý chính thức của Giáo Hội, được đưa ra trong sự mặc khải hiện đại.
“Những người chết nào hối cải sẽ được cứu chuộc, qua sự tuân theo các giáo lễ của ngôi nhà Thượng Đế,
“Và sau khi họ đã trả xong hình phạt về những sự phạm giới của mình, và được tẩy sạch, họ sẽ nhận được phần thưởng tùy theo việc làm của họ, vì họ là những người thừa kế sự cứu rỗi” (Giáo Lý và Giao Ước 138:58–59).
Bổn phận của mỗi người chúng ta là giảng dạy giáo lý của phúc âm phục hồi, tuân giữ các lệnh truyền, yêu mến và giúp đỡ lẫn nhau, và làm công việc cứu rỗi trong các đền thờ thánh.
Tôi làm chứng về lẽ thật của những điều tôi vừa nói ở đây và về lẽ thật đã được giảng dạy và sẽ được giảng dạy trong đại hội này. Tất cả những việc này có thể thực hiện được là nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Theo điều chúng ta biết được từ sự mặc khải hiện đại, Ngài “vinh danh Đức Chúa Cha, và cứu rỗi tất cả những công trình do tay Ngài tạo ra” (Giáo Lý và Giao Ước 76:43; sự nhấn mạnh được thêm vào). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.