2010–2019
Hãy Vác Thập Tự Giá Mình
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


2:3

Hãy Vác Thập Tự Giá Mình

Việc tự mình mang lấy thập tự giá và noi theo Đấng Cứu Rỗi có nghĩa là tiếp tục với đức tin để tuân giữ các lệnh truyền của Chúa và không buông thả theo những thói quen trần tục.

Anh chị em thân mến, chúng ta đã nhận được những lời chỉ dạy tuyệt vời từ các vị lãnh đạo của mình trong suốt hai ngày qua. Tôi làm chứng với anh chị em rằng nếu chúng ta cố gắng áp dụng những lời giảng dạy đầy soi dẫn, phù hợp và cần thiết cho thời đại này vào cuộc sống của mình, thì Chúa, qua ân điển của Ngài, sẽ giúp mỗi người chúng ta vác thập tự giá của mình và làm nhẹ gánh nặng của chúng ta.1

Trong khi ở vùng phụ cận của thành Sê Sa Rê Phi Líp, Đấng Cứu Rỗi đã tiết lộ cho các môn đồ Ngài rằng Ngài sẽ chịu thống khổ trong tay của các trưởng lão, thầy tế lễ cả, và thầy thông giáo tại Giê Ru Sa Lem. Ngài đặc biệt dạy cho họ về cái chết và sự Phục Sinh đầy vinh quang của Ngài.2 Vào thời điểm này, các môn đồ Ngài đã không hoàn toàn hiểu được sứ mệnh thiêng liêng của Ngài trên thế gian. Chính Phi E Rơ khi nghe điều Đấng Cứu Rỗi phán, đã đem Ngài riêng ra, mà can rằng: “Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!”3

Để giúp các môn đồ Ngài hiểu được rằng sự hiến mình cho công việc của Ngài gồm có việc tuân phục và nỗi thống khổ, Đấng Cứu Rỗi đã tuyên bố dứt khoát rằng:

“Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.

“Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại.

“Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?”4

Qua lời tuyên bố này, Đấng Cứu Rỗi nhấn mạnh rằng tất cả những ai sẵn lòng theo Ngài cần phải quên bản thân họ đi và kiềm chế những mong muốn, khao khát, và cảm xúc mãnh liệt của họ, hy sinh mọi điều, kể cả mạng sống nếu cần thiết, trở nên hoàn toàn phục tùng theo ý muốn của Đức Chúa Cha—giống như Ngài đã làm.5 Thật ra, đây là cái giá phải trả để có được sự cứu rỗi cho linh hồn. Chúa Giê Su đã cố ý sử dụng phép ẩn dụ qua biểu tượng thập tự giá để giúp các môn đồ Ngài hiểu rõ hơn ý nghĩa thật sự của sự hy sinh và hiến mình cho chính nghĩa của Chúa. Hình ảnh cây thập tự đã rất quen thuộc với các môn đồ Ngài và với các cư dân thuộc Đế Quốc La Mã bởi vì người La Mã bắt các nạn nhân chịu đóng đinh phải công khai vác cây thập tự hoặc cây trụ của chính họ đến nơi mà họ sẽ bị hành hình.6

Chỉ sau Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi mà tâm trí các môn đồ mới được mở ra để hiểu tất cả mọi điều đã được viết về Ngài7 và điều sẽ được đòi hỏi ở họ kể từ lúc đó.8

Tương tự như vậy, tất cả chúng ta, các anh chị em, cần phải mở tâm trí và tấm lòng mình để hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc vác thập tự giá mình mà theo Ngài. Chúng ta học trong thánh thư rằng những ai mong muốn vác thập tự giá của họ thì yêu Chúa Giê Su đến mức tự họ từ bỏ mọi sự không tin kính và mọi dục vọng của thế gian và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.9

Quyết tâm của chúng ta để từ bỏ tất cả những gì trái với ý muốn của Thượng Đế cũng như hy sinh mọi điều chúng ta được đòi hỏi phải cho đi và nỗ lực để tuân theo những lời giảng dạy của Ngài sẽ giúp chúng ta kiên trì trên con đường phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô—ngay cả khi đối mặt với nỗi đau khổ, sự yếu kém của tâm hồn chúng ta, hoặc áp lực xã hội và các triết lý thế gian mà trái ngược với những lời Ngài giảng dạy.

Ví dụ, đối với những ai chưa tìm được người bạn đồng hành vĩnh cửu và có thể đang cảm thấy cô đơn và vô vọng, hoặc đối với những ai đã ly hôn và cảm thấy bị ruồng bỏ và bị lãng quên, tôi xin cam đoan với anh chị em rằng việc chấp nhận lời mời của Đấng Cứu Rỗi để vác thập tự giá mình và noi theo Ngài có nghĩa là tiếp tục với đức tin để tuân giữ các lệnh truyền của Chúa, duy trì phẩm cách của mình, và không buông thả theo những thói quen trần tục mà cuối cùng sẽ lấy đi niềm hy vọng của chúng ta vào tình yêu thương và lòng thương xót của Thượng Đế.

Cũng cùng các nguyên tắc này được áp dụng cho những anh chị em đang thích người cùng giới tính và cảm thấy chán nản và vô vọng. Và có lẽ vì lý do này mà một số anh chị em có thể đang cảm thấy rằng mình không cần có phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô nữa. Nếu là như vậy, tôi xin đảm bảo với anh chị em rằng luôn luôn có hy vọng trong Thượng Đế Đức Chúa Cha và kế hoạch hạnh phúc của Ngài, trong Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài, và trong việc sống theo các giáo lệnh đầy tình yêu thương của Hai Ngài. Với sự thông sáng, quyền năng, công bình, và lòng thương xót trọn vẹn của Ngài, thì Chúa có thể gắn bó với chúng ta, và chúng ta có thể được mang đến nơi hiện diện của Ngài và có sự cứu rỗi đời đời, nếu chúng ta vững vàng và cương quyết tuân giữ các lệnh truyền10 và luôn luôn làm những việc tốt lành.11

Đối với những ai đã phạm tội lỗi nghiêm trọng, việc chấp nhận cùng một lời mời này có nghĩa là, ngoài những việc đó, còn phải khiêm nhường trước Chúa, hội ý với các vị lãnh đạo Giáo Hội thích hợp, và hối cải cùng từ bỏ các tội lỗi của mình. Tiến trình này cũng sẽ ban phước cho tất cả những ai đang chiến đấu chống chọi với những thói nghiện gây suy nhược, bao gồm các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, ma túy, bia rượu, và hình ảnh sách báo khiêu dâm. Việc thực hiện những bước này sẽ mang anh chị em đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn, là đấng có thể thật sự giải thoát anh chị em khỏi tội lỗi, nỗi buồn khổ, và cảnh nô lệ về mặt thuộc linh và thể chất. Ngoài ra, anh chị em cũng có thể muốn tìm sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè, và những chuyên viên y khoa và chuyên gia tư vấn thành thạo.

Xin đừng bỏ cuộc bởi những thất bại sau đó và tự xem bản thân anh chị em là không đủ khả năng để từ bỏ tội lỗi và khắc phục thói nghiện. Tình hình sẽ chỉ tệ hơn nếu như anh chị em ngừng cố gắng và sau đó tiếp tục giữ sự yếu kém và tội lỗi! Hãy luôn luôn nỗ lực hết sức mình, biểu lộ qua những việc làm của anh chị em một mong muốn tẩy sạch mặt trong của bình, như điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy.12 Đôi khi giải pháp cho những thử thách nào đó sẽ đến sau một thời gian dài phấn đấu liên tục. Lời hứa được tìm thấy trong Sách Mặc Môn rằng “nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm,”13 áp dụng cho những trường hợp này. Xin hãy nhớ rằng ân tứ về ân điển của Đấng Cứu Rỗi “không nhất thiết bị giới hạn về thời gian ‘sau khi’ chúng ta đã làm tất cả những gì có thể làm. Chúng ta có thể nhận được ân điển của Ngài trước, trong, và sau thời gian mà chúng ta cần để tự nỗ lực.”14

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta tiếp tục cố gắng vượt qua những thử thách của mình, Thượng Đế sẽ ban phước cho chúng ta với các ân tứ đức tin để được chữa lành và khả năng làm phép lạ.15 Ngài sẽ làm cho chúng ta điều mà chúng ta không thể tự mình làm được.

Ngoài ra, đối với những ai cảm thấy cay đắng, giận dữ, cảm thấy bị xúc phạm, hoặc không thể thoát khỏi nỗi buồn bởi một điều gì đó mà mình cảm thấy bất công, thì việc vác thập tự giá và noi theo Đấng Cứu Rỗi có nghĩa là cố gắng để sang một bên những cảm nghĩ đó và hướng về Chúa để Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tâm trạng này và giúp chúng ta tìm được sự bình an. Tiếc thay, nếu chúng ta cứ giữ những cảm nghĩ và cảm giác tiêu cực này thì chúng ta có thể thấy mình đang sống mà không có được ảnh hưởng của Thánh Linh của Chúa trong đời mình. Chúng ta không thể hối cải thay cho người khác, nhưng chúng ta có thể tha thứ cho họ—bằng cách không cho phép những người đã làm tổn thương mình tiếp tục chi phối suy nghĩ và cuộc sống của mình.16

Thánh thư dạy rằng có một cách thức để thoát khỏi những tình cảnh này—là mời Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta thay tấm lòng bằng đá thành tấm lòng mới.17 Để điều này xảy ra, chúng ta cần đến trước Chúa với những yếu kém của mình18 và khẩn nài sự giúp đỡ và tha thứ của Ngài,19 đặc biệt trong giờ phút thiêng liêng khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh mỗi ngày Chủ Nhật. Cầu xin cho chúng ta chọn để tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài và thực hiện một bước quan trọng và khó khăn bằng cách tha thứ những người đã làm tổn thương mình để cho những vết thương đó bắt đầu được lành lặn. Tôi hứa với anh chị em rằng khi làm như vậy anh chị em sẽ cảm thấy khuây khỏa nhờ tâm trí đã được bình an với Chúa.

Trong khi bị giam tại Ngục Thất Liberty vào năm 1839, Tiên Tri Joseph Smith đã viết một lá thư gửi các tín hữu Giáo Hội trong đó có những lời tiên tri có thể áp dụng rất tốt cho mọi trường hợp và tình huống này. Ông đã viết: “Tất cả các ngai vàng và quyền thống trị, vương tước và quyền năng sẽ được tiết lộ và ban cho tất cả những ai đã anh dũng chịu đựng vì phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.”20 Do đó, anh chị em thân mến, những ai mang lấy danh của Đấng Cứu Rỗi, tin cậy lời hứa của Ngài và kiên trì đến cùng, thì sẽ được cứu21 và có thể ở cùng Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.22

Tất cả chúng ta đều đối mặt với nghịch cảnh trong cuộc đời mình mà làm cho chúng ta cảm thấy buồn khổ, bất lực, vô vọng, và đôi khi thậm chí yếu đuối. Một số những cảm nghĩ này có thể khiến chúng ta dâng lên Chúa câu hỏi: “Tại sao con phải trải qua tình cảnh này?” hoặc “Tại sao con không đạt được những điều con trông mong? Mặc dù con đang làm mọi thứ trong khả năng của con để vác thập tự giá và noi theo Đấng Cứu Rỗi!”

Thưa các bạn thân mến, chúng ta phải nhớ rằng việc vác thập tự giá mình gồm cả sự khiêm nhường và tin cậy vào Thượng Đế và sự thông sáng vô hạn của Ngài. Chúng ta phải biết rằng Ngài quan tâm đến mỗi người chúng ta và biết các nhu cầu của chúng ta. Cũng là điều cần thiết để chấp nhận sự thật là kỳ định của Chúa thì khác với của chúng ta. Đôi khi chúng ta tìm kiếm một phước lành và đặt ra giới hạn thời gian cho Chúa để thực hiện nó. Chúng ta không thể ra điều kiện cho lòng thành tín của mình với Ngài bằng cách áp đặt cho Ngài một thời hạn để đáp ứng các mong muốn của chúng ta. Khi làm như vậy, chúng ta giống với những người Nê Phi đầy hoài nghi của thời xưa, là những người chế giễu anh chị em họ khi nói rằng thời gian để những lời nói của Sa Mu Ên người La Man được ứng nghiệm nay đã qua rồi, do đó tạo ra sự hoang mang giữa những người tin.23 Chúng ta cần tin cậy Chúa đủ để vững lòng và biết rằng Ngài là Thượng Đế, Ngài biết mọi điều, và Ngài biết rõ mỗi người chúng ta.24

Anh Cả Soares đang phục sự cho Chị Calamassi

Gần đây tôi có cơ hội để phục sự cho một chị phụ nữ góa bụa tên là Franca Calamassi, bị mắc một căn bệnh suy nhược. Chị Calamassi là người đầu tiên trong gia đình chị gia nhập Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Mặc dù chồng chị không bao giờ chịu phép báp têm, nhưng ông đồng ý gặp những người truyền giáo và thường tham dự các buổi họp của Giáo Hội. Mặc cho những hoàn cảnh này, Chị Calamassi vẫn trung tín và đã nuôi dạy bốn đứa con của mình trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Một năm sau khi chồng chị qua đời, Chị Calamassi mang con cái mình đến đền thờ và họ đã tham dự các giáo lễ thiêng liêng và được làm lễ gắn bó với nhau là một gia đình. Các phước lành đi kèm với các giáo lễ này đã mang đến cho chị nhiều hy vọng, niềm vui, và hạnh phúc mà giúp chị chịu đựng thử thách trong cuộc đời này.

Gia đình Calamassi tại đền thờ

Khi những dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh bắt đầu xuất hiện, vị giám trợ của chị đã ban cho chị một phước lành. Vào lúc đó chị nói với vị giám trợ rằng chị đã sẵn sàng chấp nhận ý muốn của Chúa, cho thấy đức tin của chị để được chữa lành cũng như đức tin để chịu đựng căn bệnh của chị cho đến cuối cùng.

Khi tôi đến thăm, trong khi cầm bàn tay của Chị Calamassi và nhìn vào mắt của chị, tôi thấy một ánh sáng thiên thần phát ra từ diện mạo của chị—cho thấy sự tin tưởng của chị vào kế hoạch của Thượng Đế và niềm hy vọng hết sức xán lạn vào tình yêu thương và kế hoạch mà Đức Chúa Cha dành cho chị.25 Tôi cảm thấy quyết tâm vững vàng của chị để kiên trì trong đức tin cho đến cùng bằng cách vác thập tự giá mình, mặc cho những thử thách chị đã phải đối mặt. Cuộc đời của chị phụ nữ này là một chứng ngôn về Đấng Ky Tô, một lời tuyên bố về đức tin của chị và sự dâng hiến cho Ngài.

Thưa anh chị em, tôi muốn làm chứng với anh chị em rằng việc vác lên mình thập tự giá và theo Đấng Cứu Rỗi đòi hỏi chúng ta noi theo tấm gương của Ngài và nỗ lực trở nên giống Ngài,26 kiên nhẫn đối mặt với các tình huống của cuộc đời, từ chối và khinh miệt những ham muốn của con người thiên nhiên, và trông đợi Chúa. Tác giả sách Thi Thiên đã viết:

“Hãy trông đợi Đức Giê Hô Va; Hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông đợi Đức Giê Hô Va.”27

“Ngài là sự tiếp trợ và cái khiên của chúng tôi.”28

Tôi làm chứng với anh chị em rằng việc làm theo điều Đức Thầy của chúng ta làm và trông đợi Ngài, là Đấng thật sự chữa lành cho cuộc đời chúng ta, sẽ mang lại sự nghỉ ngơi cho tâm hồn chúng ta và làm cho gánh nặng của chúng ta dễ dàng và nhẹ nhàng.29 Tôi làm chứng những điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.