Đại Hội Trung Ương
Lẽ Nào Chúng Ta Không Tiếp Tục Chính Nghĩa Cao Quý Như Vậy?
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2020


2:3

Lẽ Nào Chúng Ta Không Tiếp Tục Chính Nghĩa Cao Quý Như Vậy?

Chúng ta nên luôn luôn nhớ cái giá mà Joseph Smith và Hyrum Smith, cùng với biết bao những người nam, người nữ, và trẻ em trung tín khác, đã phải trả để thiết lập Giáo Hội.

Xin cảm ơn Chủ Tịch rất nhiều về một bài nói chuyện mở đầu thật tuyệt vời. Thưa anh chị em, cách đây 215 năm, một cậu bé đã được Joseph và Lucy Mack Smith sinh ra ở Vermont trong một vùng được gọi là New England ở đông bắc Hoa Kỳ.

Joseph và Lucy Mack tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, học hỏi thánh thư, cầu nguyện chân thành, và sống trong đức tin nơi Thượng Đế.

Họ đặt tên đứa bé trai mới chào đời này là Joseph Smith Jr.

Brigham Young đã nói về gia đình Smith như sau: “Chúa đã trông nom [Joseph Smith], cha ông, ông nội ông, và các tổ tiên của họ trở lại đến tận Áp Ra Ham, và từ Áp Ra Ham đến cơn đại hồng thủy, từ cơn đại hồng thủy đến Hê Nóc và từ Hê Nóc đến A Đam. Ngài đã trông nom gia đình đó và dòng máu đó trong khi nó tuần hoàn từ nguồn gốc đó đến sự ra đời của ông ấy. [Joseph Smith] đã được tiền sắc phong trong thời vĩnh cửu.”1

Được gia đình yêu quý, Joseph Jr. đặc biệt gần gũi với anh trai của ông là Hyrum, lúc đó gần được sáu tuổi khi Joseph chào đời.

Vào tháng Mười năm ngoái, tôi đã ngồi cạnh tảng đá lót lò sưởi trong ngôi nhà nhỏ của gia đình Smith ở Sharon, Vermont, nơi Joseph chào đời. Tôi đã cảm thấy tình yêu thương của Hyrum dành cho Joseph và nghĩ về việc ông ấy ôm vào lòng đứa em trai của mình và tập cho em ấy đi.

Ông bà Smith đã có những trở ngại cá nhân, buộc họ phải di chuyển gia đình mình nhiều lần trước khi cuối cùng rời khỏi New England và đưa ra quyết định can đảm để dời đi xa hơn về phía tây đến tiểu bang New York.

Nhờ sự đoàn kết trong gia đình mà họ đã vượt qua được những thử thách này và cùng nhau đối mặt với nhiệm vụ khó khăn của việc làm lại từ đầu trên một mảnh đất rừng rộng khoảng 40,5 héc ta (0.4 km2) ở Manchester, gần Palmyra, New York.

Tôi không chắc rằng nhiều người trong chúng ta nhận ra những thử thách về mặt thể chất và tinh thần khi gia đình Smith phải làm lại từ đầu—khai quang đất đai, trồng trọt những cánh đồng và vườn cây ăn trái, xây dựng một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ và những cấu trúc trang trại khác, làm thuê những công việc chân tay vào ban ngày, và làm ra các vật dụng trong nhà để bán trong thị trấn.

Vào lúc gia đình họ vừa đến miền tây New York, trong khu vực đã có rất nhiều sự sôi động về mặt tôn giáo—được biết đến như là cuộc Đại Tỉnh Thức Lần Thứ Nhì.

Trong khoảng thời gian có nhiều cuộc tranh luận và xung đột giữa các phe phái tôn giáo này, Joseph đã trông thấy một khải tượng kỳ diệu, ngày nay được gọi là Khải Tượng Thứ Nhất. Chúng ta được ban phước để có bốn lời tường thuật chính mà tôi sẽ trích dẫn.2

Joseph đã ghi lại: “Trong thời gian xảy ra sự giao động [tôn giáo] lớn lao nói trên, tâm trí tôi băn khoăn và bất ổn trầm trọng; mặc dù những cảm nghĩ của tôi sâu xa và thường buốt nhói, nhưng tôi vẫn đứng ngoài tất cả các giáo phái này, dù rằng tôi đã tham dự vài buổi họp của họ mỗi khi có thời giờ thuận tiện. … [Tuy nhiên] vì sự tranh chấp và sự hỗn loạn giữa các giáo phái lúc bấy giờ quá lớn lao, nên một người trẻ tuổi, và ít quen thuộc với nhân tình thế thái như tôi lúc đó không thể nào đi đến kết luận chắc chắn là ai đúng và ai sai.”3

Joseph đã tìm đến Kinh Thánh để tìm câu trả lời cho những thắc mắc của ông và đã đọc Gia Cơ 1:5: ″Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.″4

Joseph ghi chú: “Thật chưa có một đoạn thánh thư nào lại có tác dụng xúc động tâm hồn con người mãnh liệt bằng đoạn thánh thư này đối với tôi lúc bấy giờ. Tôi tưởng chừng như có một sức mạnh lớn lao xuyên thẳng vào tận đáy tim tôi. Tôi suy ngẫm mãi về đoạn thánh thư trên.”5

Joseph đã nhận ra rằng Kinh Thánh không chứa đựng lời giải đáp cho tất cả những thắc mắc trong cuộc sống; thay vì thế, sách đó dạy cho những người nam và người nữ biết cách để có thể tìm câu trả lời cho những câu hỏi của họ bằng cách giao tiếp trực tiếp với Thượng Đế qua việc cầu nguyện.

Ông viết thêm: “Vì vậy, để thực hiện quyết định này, quyết định cầu vấn Thượng Đế, tôi đi vào rừng để thử làm việc ấy. Đó là buổi sáng của một ngày xinh đẹp, quang đãng, vào đầu xuân năm một ngàn tám trăm hai mươi.”6

Joseph nói rằng không lâu sau đó, “[một luồng] sáng chan hòa trên người tôi [và] tôi thấy có hai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—[Joseph,] Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy Nghe Lời Người!7

Đấng Cứu Rỗi sau đó phán rằng: “Joseph con trai của ta, tội lỗi của ngươi đã được tha rồi. Hãy đi con đường của ngươi, tuân giữ luật pháp Ta, và giữ gìn các lệnh truyền của Ta. Này, ta là Chúa của vinh quang. Ta đã bị đóng đinh vì thế gian, để cho tất cả những ai tin ở danh Ta có thể có được cuộc sống vĩnh cửu.”8

Joseph viết thêm: “Một khi vừa trấn tĩnh lại và nói lên được, tôi bèn hỏi Hai Nhân Vật đang đứng bên trên tôi trong ánh sáng trước mặt tôi là giáo phái nào trong số tất cả các giáo phái là đúng.”9

Ông nhớ lại: “Hai Ngài nói với tôi rằng tất cả mọi giáo phái đều tin vào những giáo lý sai lầm và rằng không ai trong số các giáo phái đó được Thượng Đế thừa nhận là giáo hội và vương quốc của Ngài. Và… cũng vào lúc đó [tôi] [đã] nhận được một lời hứa rằng sự trọn vẹn của phúc âm sẽ được biểu lộ cho tôi trong tương lai.”10

Joseph cũng ghi chú rằng: “Tôi đã trông thấy nhiều thiên sứ trong khải tượng này.”11

Sau khải tượng đầy vinh quang này, Joseph đã viết: “Linh hồn tôi tràn ngập tình thương yêu, và tôi cảm thấy tràn đầy niềm vui trong nhiều ngày. … Chúa đã ở cùng tôi.”12

Ông bước ra khỏi Khu Rừng Thiêng Liêng để bắt đầu chuẩn bị cho mình trở thành một vị tiên tri của Thượng Đế.

Joseph cũng bắt đầu biết được những điều mà các vị tiên tri thời xưa đã trải qua—sự chối bỏ, sự chống đối, và sự ngược đãi. Joseph nhớ lại việc chia sẻ những điều mà ông đã thấy và nghe với một trong những vị mục sư tích cực trong việc phục hưng tôn giáo:

“Tôi rất đỗi ngạc nhiên về thái độ của ông ta; không những ông ta coi nhẹ sự giao tiếp của tôi, mà còn miệt thị tôi nữa, bảo rằng tất cả câu chuyện đó là do ma quỷ mà ra, vì ngày nay làm gì còn những chuyện khải tượng hay là mặc khải như vậy nữa; rằng những chuyện kiểu đó đã chấm dứt theo với các sứ đồ và không bao giờ còn xảy ra nữa.

“Tuy nhiên, chẳng bao lâu tôi nhận thấy câu chuyện tôi thuật lại đã khiến các vị trong giới giáo sĩ có thành kiến chống đối tôi dữ dội, và đã là nguyên nhân cho sự ngược đãi lớn lao càng ngày càng lan rộng; … và chuyện này đã lan rộng trong tất cả các giáo phái—tất cả đều liên kết với nhau để ngược đãi tôi.”13

Ba năm sau, vào năm 1823, các tầng trời lại một lần nữa được mở ra như một phần của Sự Phục Hồi liên tục phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau cùng. Joseph ghi lại rằng một thiên sứ tên là Mô Rô Ni đã hiện đến với ông và nói “rằng Thượng Đế có một công việc giao cho tôi thực hiện … [và rằng] có một quyển sách đã được chôn giấu, được ghi khắc trên những bảng khắc bằng vàng” có chứa đựng “Phúc Âm trọn vẹn vĩnh viễn … do chính Đấng Cứu Rỗi đã ban cho dân chúng thời xưa [ở Châu Mỹ].”14

Cuối cùng, Joseph đã nhận được, phiên dịch, và xuất bản biên sử cổ xưa đó, ngày nay được gọi là Sách Mặc Môn.

Anh của ông là Hyrum, người đã luôn ủng hộ ông, đặc biệt là sau cuộc phẫu thuật chân đau đớn và đe dọa tính mạng của ông vào năm 1813, là một trong những nhân chứng của các bảng khắc bằng vàng. Ông cũng là một trong sáu tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô khi Giáo Hội được tổ chức vào năm 1830.

Trong suốt cuộc đời của họ, Joseph và Hyrum đã cùng nhau đối mặt với những sự ngược đãi và các đám đông khủng bố. Ví dụ, họ đã mòn mỏi trong những điều kiện tồi tệ nhất trong Ngục Thất Liberty ở Missouri suốt năm tháng trời trong mùa đông lạnh giá vào năm 1838–1839.

Vào tháng Tư năm 1839, Joseph viết thư cho vợ ông là Emma để miêu tả hoàn cảnh của họ trong Ngục Thất Liberty: “Anh tin rằng bây giờ là khoảng năm tháng và sáu ngày kể từ khi anh bị cảnh giam giữ ngày đêm dưới ánh nhìn hung tợn, và trong các bức tường, song sắt, và những cánh cửa sắt kêu cót két của một nhà tù hiu quạnh, tối tăm và dơ bẩn. … Dù sao đi nữa thì bọn anh cũng sẽ được chuyển đi khỏi [nơi] này, và bọn anh vui vì điều đó. Cho dù bất cứ điều gì xảy ra, bọn anh chẳng thể đến một nơi tệ hơn nơi này. … Bọn anh sẽ chẳng bao giờ mơ ước được quay lại Ngục Thất Liberty ở Hạt Clay, Missouri. Bọn anh ở đây đã đủ lắm rồi.”15

Khi đối mặt với sự ngược đãi, Hyrum đã thể hiện đức tin vào những lời hứa của Chúa, bao gồm việc đảm bảo có thể thoát khỏi những kẻ thù của ông nếu ông muốn. Trong một phước lành mà Hyrum nhận được vào năm 1835 từ Joseph Smith, Chúa đã hứa với ông rằng: “Ngươi sẽ có sức mạnh để thoát khỏi tay kẻ thù nghịch ngươi. Chúng sẽ không ngừng nghỉ tìm cách đoạt lấy mạng sống của ngươi, nhưng ngươi sẽ thoát được. Nếu ngươi sẵn lòng, và ngươi mong muốn, thì ngươi sẽ có quyền để tự nguyện hy sinh mạng sống của mình để tôn vinh Thượng Đế.”16

Vào tháng Sáu năm 1844, Hyrum đối mặt trước sự lựa chọn giữa việc sống hoặc hy sinh mạng sống của mình để tôn vinh Thượng Đế và để “đóng ấn chứng ngôn của mình bằng chính máu mình”—bên cạnh người em trai yêu dấu của ông là Joseph.17

Một tuần trước chuyến đi định mệnh đến Carthage, nơi mà họ đã bị giết hại một cách nhẫn tâm bởi một đám đông vũ trang của những kẻ hèn nhát mà đã tô vẽ khuôn mặt của chúng để tránh bị nhận diện, Joseph đã ghi lại rằng “Tôi đã khuyên anh tôi là Hyrum hãy đưa gia đình của anh ấy lên chuyến tàu tiếp theo và đi đến Cincinnati.”

Tôi vẫn còn cảm thấy rất xúc động khi nhớ lại câu trả lời của Hyrum: “Joseph, anh không thể bỏ em lại đây được.18

Vì vậy, Joseph và Hyrum đã đi đến Carthage, nơi mà họ đã tuẫn đạo dưới chính nghĩa và danh của Đấng Ky Tô.

Bản tuyên bố chính thức về sự tuẫn đạo đã viết như sau: “Joseph Smith, Vị Tiên Tri và Tiên Kiến của Chúa, … đã cho ra đời Sách Mặc Môn, là sách ông phiên dịch nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế, và đã cho xuất bản sách này tại hai lục địa; đã gửi phúc âm trọn vẹn vĩnh viễn chứa đựng trong sách này đến khắp bốn phương trời của thế gian; đã cho ra đời những điều mặc khải và các giáo lệnh mà tạo thành sách Giáo Lý và Giao Ước này, cùng nhiều tài liệu và lời giáo huấn thông sáng khác để đem lại lợi ích cho con cái loài người; đã quy tụ lại hàng bao ngàn Thánh Hữu Ngày Sau, lập lên một thành phố vĩ đại, và để lại một thanh danh và tiếng tăm không thể bị lấy mất đi được. … Và giống như đa số những vị được Chúa xức dầu ngày xưa, [Joseph] cũng đóng ấn nhiệm vụ và công nghiệp của mình với chính máu của ông; và luôn cả anh ông là Hyrum cũng vậy. Lúc sống họ không bị chia cách, và lúc chết họ cũng chẳng bị phân ly!19

Sau sự tuẫn đạo, xác của Joseph và Hyrum đã được chuyển về Nauvoo, rửa sạch, và thay quần áo để gia đình Smith có thể nhìn thấy những người thân yêu của họ. Người mẹ yêu dấu của họ hồi tưởng lại: “Tôi đã dành rất lâu để chuẩn bị tinh thần, vận dụng tất cả năng lực trong tâm hồn tôi, và cầu khẩn Thượng Đế hãy củng cố tôi; nhưng khi tôi bước vào phòng, và cùng một lúc trước mắt mình nhìn thấy hai người con trai của tôi đã bị sát hại , và nghe những tiếng nấc và tiếng rên rỉ của gia đình tôi [cùng] những tiếng kêu gào … từ miệng của vợ con và anh chị em của chúng, tôi đã không cầm lòng được. Tôi sụp xuống và khóc với Chúa, trong nỗi thống khổ của tâm hồn mình: ‘Thượng Đế ơi! Thượng Đế ơi! Sao Ngài nỡ lìa bỏ gia đình này?’”20

Tại thời điểm buồn rầu và đau khổ đó, bà nhớ lại rằng họ đã từng nói: “Mẹ ơi, đừng than khóc cho chúng con; chúng con nhờ tình yêu thương mà đã chiến thắng thế gian. ”21

Họ thực sự đã chiến thắng thế gian. Joseph và Hyrum Smith, như các Thánh Hữu trung tín được miêu tả trong sách Khải Huyền, “đã ra khỏi cơn đại nạn, đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con [và] … được ở trước ngôi Đức Chúa Trời, và ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài; còn Ðấng ngồi trên ngôi sẽ che chở chúng dưới trại Ngài.

“Chúng sẽ không đói không khát nữa; cũng không có mặt trời, hoặc cơn nắng gắt nào hại đến mình.

“Vì Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn giữ và đưa chúng đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng.”22

Khi kỷ niệm sự kiện đầy vui mừng này, là lễ kỷ niệm 200 năm của Khải Tượng Thứ Nhất, chúng ta nên luôn luôn nhớ về cái giá mà Joseph và Hyrum Smith, cùng với rất nhiều những người nam, người nữ và trẻ em trung tín khác, đã phải trả để thiết lập Giáo Hội để cho anh chị em và tôi có thể tận hưởng nhiều phước lành và tất cả các lẽ thật được mặc khải cho chúng ta ngày nay. Sự trung tín của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên!

Tôi thường tự hỏi tại sao Joseph và Hyrum và gia đình của họ phải chịu đau khổ quá nhiều. Có thể rằng qua những sự đau khổ này mà họ đã biết được Thượng Đế trong những cách thức mà nếu không có chúng thì họ sẽ không biết được Ngài. Qua những sự đau khổ đó, họ đã suy ngẫm về vườn Ghết Sê Ma Nê và về thập tự giá của Đấng Cứu Rỗi. Như Phao Lô đã nói: “Ngài nhơn Đấng Ky Tô, ban ơn cho anh em, không những tin Đấng Ky Tô mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa.”23

Trước khi qua đời vào năm 1844, Joseph đã viết một lá thư đầy nhiệt huyết gửi đến các Thánh Hữu. Lá thư đó là một lời kêu gọi để hành động, mà vẫn còn tiếp diễn trong Giáo Hội ngày nay:

“Hỡi các anh [chị] em, lẽ nào chúng ta không tiếp tục chính nghĩa cao quý như vậy? Hãy tiến lên, chớ lùi bước. Hãy can đảm lên, hỡi các anh [chị] em; hãy tiến bước mãi cho đến khi chiến thắng! …

“… Vậy chúng ta, là những Thánh Hữu Ngày Sau, là một giáo hội và một dân tộc, hãy dâng của lễ lên Chúa trong sự ngay chính.”24

Khi chúng ta lắng nghe Thánh Linh trong buổi kỷ niệm lần thứ 200 vào cuối tuần này, hãy cân nhắc xem anh chị em sẽ dâng lên Chúa những của lễ ngay chính nào trong những ngày sắp tới. Hãy can đảm lên—hãy chia sẻ điều đó với một người mà anh chị em tin tưởng, và quan trọng nhất là hãy dành thời gian để làm điều đó!

Tôi biết rằng Đấng Cứu Rỗi hài lòng khi chúng ta dâng lên Ngài một của lễ từ tấm lòng ngay chính của mình, cũng giống như Ngài đã hài lòng với những của lễ trung tín từ những người anh em phi thường ấy, là Joseph và Hyrum Smith, và tất cả các Thánh Hữu trung tín khác. Tôi long trọng làm chứng về điều này trong danh thánh và thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta, A Men.