Đại Hội Trung Ương
Ghi Sâu vào Lòng Chúng Ta
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2020


11:33

Ghi Sâu vào Lòng Chúng Ta

Chúa đang cố gắng giúp chúng ta—tất cả chúng ta—ghi sâu phúc âm của Ngài vào lòng mình hơn.

Các anh chị em, thật là một thời kỳ tuyệt vời mà chúng ta đang sống. Trong khi chúng ta kỷ niệm sự khởi đầu của Sự Phục Hồi, thì cũng là điều hợp lý để kỷ niệm Sự Phục Hồi liên tục mà chúng ta đang chứng kiến. Cùng với anh chị em, tôi hân hoan được sống trong thời kỳ này.1 Chúa tiếp tục sắp đặt tất cả mọi điều cần thiết, qua các vị tiên tri của Ngài, để giúp chúng ta chuẩn bị tiếp nhận Ngài.2

Một trong những điều cần thiết này là sáng kiến mới Trẻ Em và Giới Trẻ. Nhiều người trong số anh chị em đã quen thuộc với trọng tâm của chương trình này là việc đặt mục tiêu, các biểu tượng mới về sự thuộc vào, và đại hội Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ. Nhưng chúng ta cũng không nên để cho những điều này làm che khuất khả năng của mình để nhận ra các nguyên tắc mà chương trình này dựa vào và mục đích của chúng: để giúp ghi sâu phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vào lòng của trẻ em và giới trẻ của chúng ta.3

Tôi tin rằng khi thấy được rõ hơn các nguyên tắc này, chúng ta sẽ nhận thấy rằng chương trình này không chỉ dành riêng cho các tín hữu từ 8 đến 18 tuổi. Chúng ta sẽ nhận thấy cách Chúa đang cố gắng giúp chúng ta—tất cả chúng ta—ghi sâu phúc âm của Ngài vào lòng mình hơn. Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta cùng nhau học hỏi.

Các Mối Quan Hệ—“Hãy ở cùng Họ”4

Nguyên tắc thứ nhất là mối quan hệ. Bởi vì chúng là một phần hiển nhiên của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, nên đôi khi chúng ta quên đi tầm quan trọng của các mối quan hệ trong cuộc hành trình liên tục của mình đến với Đấng Ky Tô. Chúng ta không được kỳ vọng phải một mình tìm kiếm hoặc bước đi trên con đường giao ước. Chúng ta cần tình yêu thương và sự hỗ trợ của cha mẹ, những người khác trong gia đình, bạn bè, và các vị lãnh đạo là những người cũng đang đi trên con đường đó.

Những kiểu mối quan hệ này cần có thời gian. Thời gian để ở bên nhau. Thời gian để cười đùa, vui chơi, học hỏi, và phục vụ lẫn nhau. Thời gian để nhận thấy rõ mối quan tâm và thử thách của nhau. Thời gian để cởi mở và thật lòng với nhau trong khi cùng nhau cố gắng trở thành những người tốt hơn. Các mối quan hệ này là một trong những mục đích chính yếu của việc họp mặt chung với gia đình, nhóm túc số, lớp học, và giáo đoàn. Chúng là nền tảng cho công việc phục sự hữu hiệu.5

Anh Cả Dale G. Renlund đã cho chúng ta thấy điểm then chốt trong việc phát triển các mối quan hệ này khi nói: “Để phục vụ hữu hiệu những người khác, chúng ta cần phải nhìn họ … qua góc nhìn của Cha Thiên Thượng. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể bắt đầu thấu hiểu giá trị thật sự của một con người. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể cảm nhận được tình yêu thương mà Cha Thiên Thượng đã dành cho tất cả con cái của Ngài.”6

Để nhìn thấy người khác như Thượng Đế nhìn họ là một ân tứ. Tôi xin mời tất cả chúng ta hãy tìm kiếm ân tứ này. Khi mở mắt ra để thấy,7 chúng ta cũng có thể giúp những người khác thấy được bản thân họ như Thượng Đế nhìn họ.8 Chủ Tịch Henry B. Eyring đã nhấn mạnh đến quyền năng của điều này khi ông nói: “Điều quan trọng nhất là những gì [người khác] học được từ [anh chị em] về con người thực sự của họ và họ có thể thực sự trở thành người như thế nào. Tôi đoán là họ sẽ không học hỏi được điều đó nhiều từ những bài giảng. Họ sẽ học được từ những cảm giác về con người thực sự của anh chị em, anh chị em nghĩ họ là người như thế nào, và anh chị em nghĩ họ có thể trở thành người như thế nào.”9 Việc giúp đỡ người khác hiểu được danh tính thực sự và mục đích của họ là một trong các ân tứ lớn lao nhất mà chúng ta có thể ban cho.10 Việc nhìn thấy những người khác và bản thân mình như Thượng Đế nhìn thấy sẽ “đồng tâm đoàn kết [chúng ta] trong tình thương yêu lẫn nhau.”11

Với những lực lượng trên trần thế ngày càng gia tăng đang lôi kéo chúng ta, chúng ta cần sức mạnh có được từ những mối quan hệ yêu thương. Vì thế, khi hoạch định các buổi sinh hoạt, buổi họp, và những buổi nhóm họp khác, chúng ta hãy nhớ mục đích chính yếu của các buổi nhóm họp này là để xây đắp mối quan hệ đầy yêu thương nhằm đoàn kết chúng ta, và giúp ghi sâu phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vào lòng chúng ta hơn.12

Sự Mặc Khải, Quyền Tự Quyết, và Sự Hối Cải—“Kết Nối Họ với Thiên Thượng”13

Dĩ nhiên, chỉ được đoàn kết với nhau thôi thì không đủ. Có nhiều nhóm và nhiều tổ chức đạt được tình đoàn kết vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng tình đoàn kết mà chúng ta tìm kiếm là để trở nên hiệp một trong Đấng Ky Tô, để kết nối bản thân mình với Ngài.14 Để kết nối lòng mình với thiên thượng, chúng ta cần những kinh nghiệm thuộc linh cá nhân, như Anh Cả Andersen mới vừa hùng hồn nói cho chúng ta về điều đó.15 Những kinh nghiệm này có được khi Đức Thánh Linh mang tình yêu thương và lời của Thượng Đế vào tâm trí và tấm lòng chúng ta.16

Sự mặc khải này đến qua thánh thư, đặc biệt là Sách Mặc Môn; qua những lời đầy soi dẫn của các vị tiên tri tại thế và các môn đồ trung tín khác của Ngài, và qua tiếng nói êm dịu, nhỏ nhẹ.17 Những lời này không chỉ là mực trên giấy, sóng âm thanh trong tai, ý nghĩ trong tâm trí, hoặc cảm giác trong lòng chúng ta. Lời của Thượng Đế là quyền năng thuộc linh.18 Nó là lẽ thật và ánh sáng.19 Nó là cách chúng ta nghe lời Ngài! Lời Ngài đặt nền móng và gia tăng đức tin của chúng ta nơi Đấng Ky Tô và làm cho chúng ta tràn đầy ước muốn để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, đó là phải hối cải và bước đi trên con đường giao ước.20

Tháng Tư năm ngoái, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giúp chúng ta hiểu vai trò chính yếu của sự hối cải trong cuộc hành trình mặc khải này.21 Ông nói: “Khi chọn hối cải, chúng ta đã chọn thay đổi! Chúng ta để cho Đấng Cứu Rỗi biến chúng ta thành con người tốt nhất của mình. … Chúng ta đã chọn trở thành giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn!”22 Tiến trình thay đổi này, được hỗ trợ bởi lời của Thượng Đế, chính là cách chúng ta kết nối với thiên thượng.

Bản chất của lời mời gọi của Chủ Tịch Nelson để hối cải là nguyên tắc quyền tự quyết. Chúng ta phải tự mình chọn hối cải. Chúng ta không thể ép buộc phúc âm vào lòng mình. Như Anh Cả Renlund đã nói: “Mục tiêu của Cha Thiên Thượng trong việc nuôi nấng con cái Ngài không phải bảo con cái Ngài làm điều gì ngay chính; mà chính là bảo con cái Ngài chọn làm điều gì ngay chính.”23

Trong các chương trình đã được thay thế bằng chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ, có hơn 500 điều kiện đòi hỏi khác nhau cần phải hoàn thành để nhận được những sự công nhận khác nhau.24 Hiện nay, về cơ bản chỉ có một điều kiện đòi hỏi. Đó là lời mời gọi để chọn trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn. Chúng ta làm như vậy bằng cách tiếp nhận lời của Thượng Đế qua Đức Thánh Linh và cho phép Đấng Ky Tô thay đổi chúng ta thành con người tốt nhất của mình.

Điều này còn có ý nghĩa nhiều hơn là tập đặt mục tiêu hay cải thiện bản thân. Mục tiêu chỉ đơn giản là một công cụ để giúp chúng ta kết nối với thiên thượng qua sự mặc khải, quyền tự quyết, và sự hối cải—để đến cùng Đấng Ky Tô và ghi sâu phúc âm của Ngài vào lòng chúng ta hơn.

Sự Tham Gia và Hy Sinh—“Hãy Để cho Họ Lãnh Đạo”25

Cuối cùng, để ghi sâu phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vào lòng mình, chúng ta cần phải tham gia trong phúc âm—phải cống hiến thời giờ và tài năng cho phúc âm, hy sinh cho phúc âm.26 Chúng ta đều muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa, và điều này đặc biệt đúng với thế hệ đang vươn lên. Họ mong muốn thuộc vào một chính nghĩa.

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là chính nghĩa lớn nhất trên thế gian. Chủ tịch Ezra Taft Benson nói: “Chúng ta được Thượng Đế truyền lệnh phải mang phúc âm này đến khắp thế gian. Đó là chính nghĩa mà cần phải đoàn kết chúng ta ngày nay. Chỉ có phúc âm mới cứu vớt thế gian ra khỏi tai họa của sự tự hủy diệt. Chỉ có phúc âm mới đoàn kết những người nam [và người nữ] thuộc mọi chủng tộc và quốc gia trong hòa bình. Chỉ có phúc âm mới mang niềm vui, niềm hạnh phúc, và sự cứu rỗi đến với gia đình nhân loại.”27

Anh Cả David A. Bednar hứa rằng: “Khi chúng ta tiếp sức cho giới trẻ bằng cách mời gọi và cho phép các em hành động, thì Giáo Hội sẽ tiến bước theo những cách thức đáng kinh ngạc.”28 Chúng ta rất thường không mời gọi và cho phép giới trẻ hy sinh vì chính nghĩa trọng đại này của Đấng Ky Tô. Anh Cả Neal A. Maxwell nhận xét: “Nếu giới trẻ [của chúng ta] không cảm thấy choáng nghợp [bởi công việc của Thượng Đế] thì nhiều khả năng chúng sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi thế gian.”29

Chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ tập trung vào việc tiếp sức cho giới trẻ. Các em tự chọn mục tiêu của riêng mình. Các chủ tịch đoàn nhóm túc số và lớp học đã được đặt vào đúng vai trò của họ. Hội đồng giới trẻ tiểu giáo khu, cũng giống như hội đồng tiểu giáo khu, tập trung vào công việc cứu rỗi và sự tôn cao.30 Và các nhóm túc số và các lớp học bắt đầu buổi họp của họ bằng cách bàn thảo về cách thức để làm công việc Thượng Đế ban cho họ.31

Chủ Tịch Nelson nói với giới trẻ của Giáo Hội: “Nếu các em chọn, nếu các em muốn … thì các em có thể là một phần tử quan trọng của một cái gì đó lớn lao, một cái gì đó vĩ đại, một cái gì đó hùng vĩ! … Các em là trong số những người tốt nhất mà Chúa đã từng gửi đến thế gian này. Các em có khả năng thông minh và khôn ngoan hơn và có nhiều ảnh hưởng đối với thế gian hơn bất cứ thế hệ nào trước đây!”32 Trong một dịp khác, Chủ Tịch Nelson nói với giới trẻ: “Tôi tin tưởng hoàn toàn nơi các em. Tôi yêu thương các em và Chúa cũng vậy. Chúng ta là dân của Ngài—cùng nhau tham gia vào công việc thiêng liêng của Ngài.”33 Các em thanh thiếu niên, các em có cảm thấy là Chủ Tịch Nelson tin cậy các em biết bao và các em thật sự quan trọng đối với công việc này không?

Thưa các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo thành niên, tôi mời anh chị em hãy nhìn thấy giới trẻ như Chủ Tịch Nelson nhìn thấy họ. Khi giới trẻ cảm nhận được tình yêu thương và lòng tin cậy của anh chị em, khi anh chị em khuyến khích và dạy họ cách thức lãnh đạo—rồi để cho họ tự mình làm—thì họ sẽ làm anh chị em ngạc nhiên với những hiểu biết sâu sắc, khả năng, và sự cam kết với phúc âm.34 Họ sẽ cảm thấy niềm vui khi chọn tham gia vào và hy sinh cho chính nghĩa của Đấng Ky Tô. Phúc âm của Ngài sẽ ghi sâu vào lòng họ hơn, và công việc này sẽ tiến triển theo những cách thức đáng kinh ngạc.

Lời Hứa và Chứng Ngôn

Tôi hứa rằng, khi chúng ta tập trung vào các nguyên tắc này—các mối quan hệ, sự mặc khải, quyền tự quyết, sự hối cải, và sự hy sinh—thì phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ ghi sâu vào lòng của tất cả chúng ta hơn. Chúng ta sẽ thấy Sự Phục Hồi tiến triển tới mục đích tột bậc của nó, sự cứu chuộc Y Sơ Ra Ên và việc thiết lập Si Ôn,35 nơi mà Đấng Ky Tô sẽ trị vì với tư cách là Vua của các vua.

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế tiếp tục làm tất cả những gì cần thiết để chuẩn bị dân Ngài cho ngày đó. Cầu xin cho chúng ta có thể nhìn thấy bàn tay Ngài trong công việc vinh quang này trong khi tất cả chúng ta cố gắng “đến cùng Đấng Ky Tô, để được toàn thiện trong Ngài.”36 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 45:12. Chủ Tịch Nelson nói: “Hãy nghĩ tới niềm phấn khởi và sự cấp bách của sự quy tụ đó: mỗi vị tiên tri, bắt đầu từ A Đam, đã nhìn thấy thời kỳ này của chúng ta. Và mỗi vị tiên tri đã nói về thời kỳ của chúng ta khi Y Sơ Ra Ên sẽ được quy tụ và thế gian sẽ được sẵn sàng cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Hãy nghĩ về điều đó! Trong số tất cả những người từng sống trên trái đất, chúng ta là những người được tham gia vào sự kiện quy tụ cuối cùng vĩ đại này. Thật là phấn khởi biết bao!” (“Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” [buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018], HopeofIsrael.ChurchofJesusChrist.org).

    Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy:

    “Thật là tuyệt vời được sống trong thời kỳ này!

    “Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là lẽ thật chắc chắn nhất, đảm bảo nhất, đáng tin cậy nhất, và bổ ích nhất trên thế gian và trên thiên thượng, trong thời tại thế và thời vĩnh cửu. Không có điều gì—không có bất cứ điều gì, không có bất cứ ai, không có bất cứ ảnh hưởng nào—sẽ ngăn cản Giáo Hội này làm tròn sứ mệnh của nó và nhận ra số mệnh của nó mà đã được tuyên bố kể từ trước khi thế gian được tạo dựng. … Không cần phải sợ hãi hay không chắc chắn về tương lai.

    “Không giống như mọi thời đại khác trước đây, gian kỳ này sẽ không gặp phải sự bội giáo nào về thể chế; nó sẽ không chứng kiến sự mất đi các chìa khóa của chức tư tế; nó sẽ không phải trải qua tình trạng ngừng nhận được sự mặc khải từ tiếng nói của Thượng Đế Toàn Năng. … Thật là một thời kỳ tuyệt đẹp để sống trong đó!

    “… Nếu anh chị em chưa nhận thấy, tôi rất lạc quan về những ngày sau. … Hãy tin tưởng. Hãy chỗi dậy. Hãy trung tín. Và hãy tận hưởng thời kỳ đặc biệt mà chúng ta đang sống trong đó!” (Bài đăng trên Facebook, ngày 27 tháng Năm năm 2015; xin xem thêm “Be Not Afraid, Only Believe” [bài nói chuyện dành cho các nhà giáo dục tôn giáo của Hệ Thống Giáo Dục Giáo Hội, ngày 6 tháng Hai năm 2015], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org).

  2. Xin xem Giăng 1:12.

  3. Ngay sau khi chúng tôi được kêu gọi với tư cách là Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Niên, Chủ Tịch Henry B. Eyring thảo luận với chúng tôi về những khó khăn riêng và cơ hội mà giới trẻ của Giáo Hội gặp phải ngày nay. Ông khuyên chúng tôi nên tập trung vào những điều này mà sẽ giúp làm cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô ghi sâu vào lòng họ. Lời khuyên đó đã là ngọn hải đăng cho chúng tôi với tư cách là Chủ Tịch Đoàn Hội Thiếu Niên.

  4. Xin xem “Be with Them,” ChurchofJesusChrist.org/callings/aaronic-priesthood-quorums/my-calling/leader-instruction/be-with-them.

  5. Xin xem Mô Si A 18:25; Mô Rô Ni 6:5.

  6. Dale G. Renlund, “Xuyên Qua Góc Nhìn của Thượng Đế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 94; xin xem thêm Môi Se 1:4–6.

    Chủ Tịch Thomas S. Monson dạy: “Chúng ta có trách nhiệm để thấy những người không phải qua con người hiện tại của họ mà thay vì thế qua con người mà họ có thể trở thành. Tôi khẩn nài các anh em hãy nghĩ tới họ trong cách này” (“Nhìn Thấy Những Người Khác như là Con Người Họ Có Thể Trở Thành,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 70).

    Anh Cả Neal A. Maxwell dạy: “Thường thường, khi một người trẻ tuổi có thái độ rõ rệt là không tuân thủ các tiêu chuẩn của Giáo Hội, hoặc có câu hỏi dường như dễ gây cấn, hoặc bày tỏ cảm giác nghi ngờ thì sẽ bị người khác phân biệt liền. Kết quả có thể là sự xa lánh, và đôi khi là việc loại trừ. Tình yêu thương thực sự không ưa thích sự phân biệt!” (“Unto the Rising Generation,” Ensign, tháng Tư năm 1985, trang 9).

  7. Xin xem 2 Các Vua 6:17.

  8. Stephen L. Richards, một thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, nói: “Hình thức phân biệt tốt nhất là khả năng nhận thức nơi người khác và mở ra cho họ bản tính tốt hơn của họ, sự tốt lành vốn có bên trong họ” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1950, trang 162; trong David A. Bednar, “Quick to Observe,” Ensign, tháng Mười Hai năm 2006, trang 35; Liahona, tháng Mười Hai năm 2006, trang 19). Xin xem thêm 2 Các Vua 6:17.

  9. Henry B. Eyring, “Teaching Is a Moral Act” (bài nói chuyện tại trường Brigham Young University, ngày 27 tháng Tám năm 1991), trang 3, speeches.byu.edu; sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm Henry B. Eyring, “Hãy Giúp Họ Đặt Mục Tiêu Cao,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 60–67.

  10. Xin xem Môi Se 1:3-6.

  11. Mô Si A 18:21; xin xem thêm Môi Se 7:18.

  12. “Những thiếu niên nào có mối quan hệ mật thiết, tích cực với một gia đình [Thánh Hữu Ngày Sau] tích cực, bạn bè, và các vị lãnh đạo, mà giúp họ phát triển mối quan hệ với Cha Thiên Thượng, thì nhiều khả năng sẽ luôn tích cực. Các yếu tố cụ thể của một chương trình—chẳng hạn như chương trình giảng dạy ngày Chủ Nhật, chương trình sinh hoạt [Hội Thiếu Niên], những kỳ vọng về thành tích cá nhân … có thể có ảnh hưởng rất ít đến những mối quan hệ này. … Câu hỏi quan trọng không phải là những yếu tố của một chương trình cụ thể được áp dụng thế nào, mà là chúng góp phần như thế nào vào mối quan hệ tích cực nhằm củng cố danh tính của các thiếu niên [Thánh Hữu Ngày Sau]” (“Be with Them,” ChurchofJesusChrist.org/callings/aaronic-priesthood-quorums/my-calling/leader-instruction/be-with-them).

  13. Xin xem “Connect Them with Heaven,” ChurchofJesusChrist.org/callings/aaronic-priesthood-quorums/my-calling/leader-instruction/connect-them-with-heaven.

  14. Xin xem Giăng 15:1–5; 17:11; Phi Líp 4:13; 1 Giăng 2:6; Gia Cốp 1:7; Ôm Ni 1:26; Mô Rô Ni 10:32.

  15. Thánh thư chứa đầy các ví dụ về điều này; đây chỉ là hai ví dụ: 1 Nê Phi 2:16; Ê Nót 1:1–4.

  16. Xin xem Lu Ca 24:32; 2 Nê Phi 33:1–2; Gia Cốp 3:2; Mô Rô Ni 8:26; Giáo Lý và Giao Ước 8:2–3.

  17. Xin xem 2 Ti Mô Thê 3:15–16; Giáo Lý và Giao Ước 68:3-4; 88:66; 113:10.

  18. Xin xem 1 Tê Sa Lô Ni Ca 1:5; An Ma 26:13; 31:5; Hê La Man 3:29; 5:17; Giáo Lý và Giao Ước 21:4–6; 42:61; 43:8–10; 50:17–22; 68:4.

  19. Xin xem Giăng 6:63; 17:17; An Ma 5:7; Giáo Lý và Giao Ước 84:43–45; 88:66; 93:36.

  20. Xin xem Giăng 15:3; 1 Phi E Rơ 1:23; Mô Si A 1:5; An Ma 5:7, 11–13; 32:28, 41–42; 36:26; 62:45; Hê La Man 14:13.

  21. Xin xem 2 Nê Phi 31:19–21; 32:3, 5.

  22. Russell M. Nelson, “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Nên Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67.

  23. Dale G. Renlund, “Ngày Nay Hãy Chọn Ai,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 104.

  24. Con số này gồm có những điều kiện đòi hỏi của chương trình Hướng Đạo, mà cho tới gần đây đã là một phần của chương trình sinh hoạt của Giáo Hội dành cho các em trai và các thiếu niên, chủ yếu là ở Hoa Kỳ và Canada. Trong những khu vực không tham gia vào chương trình Hướng Đạo, con số những đòi hỏi này lên tới hơn 200. Ngoài ra, các chương trình sinh hoạt khác nhau dành cho các em trai, em gái, và thiếu niên, thiếu nữ đều được sắp xếp khác nhau, làm cho toàn bộ trải nghiệm phức tạp hơn cho các gia đình.

  25. Xin xem “Let Them Lead,” ChurchofJesusChrist.org/callings/aaronic-priesthood-quorums/my-calling/leader-instruction/let-them-lead.

  26. Xin xem Ôm Ni 1:26; 3 Nê Phi 9:20; 12:19; Giáo Lý và Giao Ước 64:34. “Một tôn giáo mà không đòi hỏi hy sinh tất cả mọi điều thì không bao giờ có đủ quyền năng để sinh ra đức tin cần thiết cho cuộc sống và sự cứu rỗi” (Lectures on Faith [năm 1985], trang 69).

  27. Ezra Taft Benson, The Teachings of Ezra Taft Benson (Năm 1988), trang 167; trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (Năm 2019), trang 13; xin xem thêm Russell M. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên,” HopeofIsrael.ChurchofJesusChrist.org.

  28. Buổi họp mặt với Anh Cả David A. Bednar; xin xem thêm “2020 Temple and Family History Leadership Instruction,” ngày 27 tháng Hai năm 2020, ChurchofJesusChrist.org/family-history.

  29. Neal A. Maxwell, “Unto the Rising Generation,” trang 11. Anh Cả Maxwell nói tiếp: “Về mặt chức năng, có bao nhiêu chủ tịch đoàn nhóm túc số thầy trợ tế và các thầy giảng chỉ có mỗi việc mời một người nào đó dâng lời cầu nguyện hoặc chuyền Tiệc Thánh? Thưa các anh em, những người này thật sự là các linh hồn đặc biệt, và họ có thể làm những việc quan trọng nếu có cơ hội!”

  30. Xin xem Sách Hướng Dẫn Chung: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mục 2.2, ChurchofJesusChrist.org.

  31. Nhiều nguồn tài liệu có sẵn trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm để giúp giới trẻ lãnh đạo, bao gồm “Quorum and Class Presidency Resources,” “Sử dụng Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ,” và trong các nguồn tài liệu dành cho các lớp học Hội Thiếu Nữ và các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn trong “Ward or Branch Callings.”

  32. Russell M. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên,” HopeofIsrael.ChurchofJesusChrist.org. Cũng trong buổi họp đặc biệt này, Chủ Tịch Nelson đã nói: “Cha Thiên Thượng đã dành riêng nhiều linh hồn cao quý nhất của Ngài—tôi có thể nói rằng có lẽ là nhóm người tốt nhất của Ngài—cho giai đoạn cuối cùng này. Những linh hồn cao quý đó—những người lành nghề nhất, những anh hùng đó—chính là các em!”

  33. Russell M. Nelson, lời nói đầu trong buổi phát sóng “Trẻ Em và Giới Trẻ: Chương Trình Hội Thoại Face to Face với Anh Cả Gerrit¬W. Gong,” ngày 17 tháng Mười Một năm 2019, broadcasts.ChurchofJesusChrist.org.

  34. Chủ Tịch Nelson nói: “Chúng ta cần để cho những người trẻ tuổi dẫn đường, nhất là những em đã được kêu gọi và phong nhiệm để phục vụ trong các chủ tịch đoàn của lớp học và nhóm túc số. Thẩm quyền chức tư tế sẽ được ủy nhiệm cho các em. Các em sẽ học cách nhận được sự soi dẫn để hướng dẫn lớp học hoặc nhóm túc số của các em” (trong ““Children and Youth Introductory Video Presentation,” ngày 29 tháng Chín năm 2019, ChurchofJesusChrist.org).

    Anh Cả Quentin L. Cook nói: “Giới trẻ của chúng ta đang được yêu cầu nên chịu trách nhiệm cá nhân nhiều hơn ở độ tuổi trẻ hơn mà không cần cha mẹ và các vị lãnh đạo làm thay những điều mà giới trẻ có thể tự làm cho mình” (“Những Sự Điều Chỉnh để Củng Cố Giới Trẻ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 40).

  35. Chủ Tịch George Q. Cannon dạy: “Thượng Đế đã để dành các linh hồn cho gian kỳ này là những người có lòng can đảm và quyết tâm để đối phó với thế gian và tất cả các quyền năng của quỷ dữ hữu hình lẫn vô hình, để rao giảng phúc âm và duy trì lẽ thật và thiết lập cùng xây đắp Si Ôn của Thượng Đế mà không hề sợ hãi về mọi hậu quả. Ngài đã gửi các linh hồn này trong thế hệ này đến để đặt nền tảng của Si Ôn mà sẽ không bao giờ bị phá đổ nữa, mà để nuôi dưỡng một hạt giống mà sẽ ngay chính, và sẽ tôn vinh Thượng Đế, và tôn vinh Ngài một cách tột bậc, và tuân theo Ngài trong mọi hoàn cảnh” (“Remarks,” Deseret News, ngày 31 tháng Năm năm 1866, trang 203); xin xem thêm Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (Năm 2007), trang 186.

  36. Mô Rô Ni 10:32.