Đại Hội Trung Ương
Những Căn Nhà Đẹp Nhất
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2020


11:14

Những Căn Nhà Đẹp Nhất

Đấng Cứu Rỗi là kỹ sư, người thợ xây, và nhà thiết kế nội thất hoàn hảo. Dự án của Ngài là sự trọn vẹn và niềm vui vĩnh cửu cho tâm hồn chúng ta.

Mới gần đây, một tấm bảng quảng cáo ở Salt Lake City khiến tôi chú ý. Nó quảng cáo một công ty thiết kế và bán đồ nội thất. Tấm bảng có ghi đơn giản là: “Phục Vụ Những Căn Nhà Đẹp Nhất ở Salt Lake City.”

Thông điệp đó thật hấp dẫn—thế nào là một “căn nhà đẹp nhất”? Tôi thấy mình suy nghĩ về câu hỏi đó, đặc biệt là về con cái mà vợ tôi là Kathy và tôi đã nuôi dạy và con cái mà chúng đang nuôi dạy ngày nay. Giống như các bậc cha mẹ ở khắp mọi nơi, chúng ta lo lắng và cầu nguyện cho gia đình mình. Chúng ta vẫn làm thế. Chúng ta thiết tha mong muốn điều tốt nhất đến với họ. Làm sao để họ và con cái họ sống trong những căn nhà đẹp nhất? Tôi có suy nghĩ về những căn nhà của các tín hữu Giáo Hội mà Kathy và tôi đã có đặc ân đến thăm. Chúng tôi đã được mời đến những căn nhà ở Hàn Quốc và Kenya, ở Philippines và Peru, ở Lào và Latvia. Tôi xin chia sẻ bốn nhận xét về những căn nhà đẹp.

Thứ nhất, từ quan điểm của Chúa, việc thiết lập những căn nhà đẹp nhất hoàn toàn liên quan đến phẩm chất riêng của những người sống trong đó. Những căn nhà này không được làm cho đẹp đẽ theo bất cứ phương diện quan trọng hay lâu bền nào bởi đồ nội thất trong nhà hay giá trị tài sản hay địa vị xã hội của chủ nhà. Điểm đẹp nhất của bất kỳ căn nhà nào chính là nằm ở cách mà những lời giảng dạy của Đấng Ky Tô có thể được nhận thấy ở những người sống trong nhà. Điều quan trọng là tính cách của những người sống trong nhà, chứ không phải là nội thất bên trong.

Những đức tính giống như Đấng Ky Tô có thể đạt được “ít lâu sau”1 qua tiến trình có chủ ý dọc trên con đường giao ước. Những đức tính giống như Đấng Ky Tô làm tô điểm cho cuộc sống của những người cố gắng sống theo những điều tốt lành. Chúng làm tràn đầy căn nhà với ánh sáng phúc âm, bất kể sàn nhà làm bằng bùn hay lát đá cẩm thạch. Thậm chí nếu anh chị em là người duy nhất trong gia đình tuân theo lời khuyên bảo để “theo đuổi những điều này,”2 anh chị em có thể tham gia vào việc trang trí nội thất về mặt thuộc linh cho căn nhà của gia đình mình.

Chúng ta tuân theo lời khuyên bảo của Chúa để “tự tổ chức; … chuẩn bị mọi điều cần thiết; và … thiết lập một ngôi nhà” bằng cách tổ chức, chuẩn bị, và thiết lập cuộc sống thuộc linh, chứ không phải bất động sản của chúng ta. Khi chúng ta kiên nhẫn đi theo con đường giao ước của Đấng Cứu Rỗi, nhà của chúng ta trở thành “ngôi nhà của sự vinh quang, ngôi nhà của sự trật tự, [và] ngôi nhà của Thượng Đế.”3

Thứ hai, những người sống trong những căn nhà đẹp nhất dành ra thời gian để học tập thánh thư và lời của các vị tiên tri tại thế mỗi ngày. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mời gọi chúng ta hãy “biến [đổi]” và “tổ chức lại” nhà cửa của mình qua việc học tập phúc âm.4 Lời mời gọi của ông ghi nhận rằng căn nhà đẹp là nơi dành cho công việc quan trọng, nhạy cảm của sự tiến triển cá nhân và chỉnh sửa những yếu kém của chúng ta. Sự hối cải hằng ngày là một công cụ chuyển đổi mà cho phép chúng ta trở nên tử tế hơn, yêu thương hơn, và thấu hiểu hơn một chút. Việc học tập thánh thư mang chúng ta lại gần Đấng Cứu Rỗi hơn, mà tình yêu thương dồi dào và ân điển của Ngài giúp chúng ta tiến triển.

Kinh Thánh, Sách Mặc Môn, và Trân Châu Vô Giá có ghi lại những câu chuyện về các gia đình, vì thế không có gì là ngạc nhiên khi các quyển thánh thư thiêng liêng này là các sách hướng dẫn có một không hai để tạo nên căn nhà đẹp nhất. Các quyển sách này thuật lại những nỗi lo lắng của cha mẹ, mối nguy hiểm của cám dỗ, chiến thắng của điều ngay chính, những thử thách vì nạn đói và sự giàu có, và nỗi kinh hoàng của chiến tranh và phần thưởng của hòa bình. Thánh thư nhiều lần cho chúng ta thấy các gia đình đã thành công biết bao khi sống ngay chính và họ đã thất bại ra sao khi đi theo con đường khác.

Thứ ba, những căn nhà đẹp được xây cất theo đồ họa do Chúa thiết kế cho căn nhà đẹp đẽ cũng như cao quý nhất của Ngài, là đền thờ. Việc xây cất đền thờ bắt đầu bằng những bước cơ bản—dọn sạch cây cối và san bằng đất. Những nỗ lực ban đầu để chuẩn bị cho khu vực xây cất có thể được so sánh với việc tuân giữ các giáo lệnh cơ bản. Các giáo lệnh này là nền tảng của việc làm môn đồ. Việc làm một môn đồ vững mạnh khiến cho chúng ta trở nên vững chắc, bền bỉ, và bất di bất dịch,5 giống như kết cấu khung bằng thép của một đền thờ. Kết cấu khung vững chắc này cho phép Chúa gửi Thánh Linh của Ngài đến để thay đổi lòng chúng ta.6 Việc có được sự thay đổi lớn lao trong lòng cũng giống như việc thêm vào đồ nội thất đẹp đẽ bên trong đền thờ.

Khi chúng ta tiếp tục trong đức tin, dần dần Chúa sẽ thay đổi chúng ta. Chúng ta thụ nhận hình ảnh của Ngài trong sắc mặt mình và bắt đầu phản chiếu tình yêu thương và vẻ đẹp của tính cách Ngài.7 Khi chúng ta trở nên giống như Ngài hơn, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái trong nhà của Ngài, và Ngài sẽ cảm thấy thoải mái trong nhà chúng ta.

Chúng ta có thể duy trì mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà của mình với nhà của Ngài bằng cách hội đủ điều kiện nhận được và sử dụng giấy giới thiệu đi đền thờ càng thường xuyên càng tốt khi hoàn cảnh cho phép. Khi làm như vậy, sự thánh thiện trong nhà của Chúa cũng sẽ ngự trong nhà của chúng ta.

Đền Thờ Salt Lake tráng lệ ở ngay cạnh đây. Những người tiền phong xây cất ngôi đền thờ này từ năm 1853 đến năm 1893, bằng những công cụ thô sơ, vật liệu địa phương, và vô số công việc khó nhọc. Các tín hữu Giáo Hội thời kỳ đầu đã làm hết khả năng của họ về kỹ thuật xây dựng, kiến trúc, và thiết kế nội thất để tạo ra một kiệt tác được hàng triệu người biết đến.

Đã gần 130 năm trôi qua kể từ khi ngôi đền thờ này được làm lễ cung hiến. Như Anh Cả Gary E. Stevenson đã đề cập đến hôm qua, các nguyên tắc về kỹ thuật xây dựng được sử dụng để thiết kế ngôi đền thờ này đã được thay thế bằng các tiêu chuẩn mới hơn và an toàn hơn. Nếu thất bại trong việc nâng cấp kỹ thuật xây dựng đền thờ và sửa chữa những khuyết điểm trong cấu trúc, thì chúng ta sẽ phụ lòng tin của những người tiền phong đã làm hết khả năng của họ và sau đó để lại ngôi đền thờ cho các thế hệ mai sau chăm sóc.

Giáo Hội đã khởi động một dự án tu sửa bốn năm để cải thiện cấu trúc và khả năng chịu đựng các cơn địa chấn của đền thờ.8 Nền móng, sàn nhà, và tường sẽ được làm cho kiên cố hơn. Kiến thức về kỹ thuật xây dựng tối tân nhất hiện nay sẽ làm cho ngôi đền thờ đạt được những tiêu chuẩn hiện đại. Chúng ta sẽ không thể thấy được những thay đổi về mặt cấu trúc, nhưng hiệu ứng của chúng sẽ rất rõ rệt và quan trọng. Trong tất cả công việc này, các thiết kế nội thất đặc trưng tuyệt đẹp trong đền thờ đều sẽ được bảo tồn.

Chúng ta cần làm theo như ví dụ đã được ban cho chúng ta về công trình tu sửa Đền Thờ Salt Lake và dành ra thời gian đánh giá việc xây dựng phần thuộc linh của riêng mình để chắc chắn là nó thích hợp với thời điểm hiện tại. Việc tự đánh giá theo định kỳ, kết hợp với cầu vấn Chúa: “Còn thiếu chi cho tôi nữa?”9 có thể giúp mỗi chúng ta góp phần làm nên một căn nhà đẹp nhất.

Thứ tư, những căn nhà đẹp nhất là nơi trú ẩn khỏi bão tố của cuộc đời. Chúa đã hứa rằng những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế sẽ “được thịnh vượng trong xứ.”10 Sự thịnh vượng của Thượng Đế là quyền năng để tiến bước bất kể có vấn đề gì trong cuộc sống.

Vào năm 2002, tôi đã học được một bài học quan trọng về những vấn đề. Khi đang ở Asunción, Paraguay, tôi đã họp với các chủ tịch giáo khu trong thành phố này. Vào lúc đó, Paraguay đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng, và nhiều tín hữu Giáo Hội gặp khó khăn và không đủ sống. Tôi chưa trở lại Nam Mỹ lần nào kể từ khi đi truyền giáo và chưa bao giờ đến Paraguay. Tôi mới phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng đó được vài tuần. Lo lắng rằng tôi không có đủ khả năng để hướng dẫn các vị chủ tịch giáo khu này, nên tôi đã yêu cầu họ cho tôi biết về điều gì đang tiến triển tốt trong giáo khu của họ. Vị chủ tịch giáo khu đầu tiên kể cho tôi nghe về những sự việc đang tiến triển tốt. Vị chủ tịch kế tiếp đề cập đến những gì đang tiến triển tốt và một vài vấn đề. Khi đến lượt vị chủ tịch giáo khu cuối cùng, ông chỉ đề cập đến một loạt những thử thách đáng lo ngại. Trong khi các vị chủ tịch giáo khu giải thích mức độ của tình hình, tôi cảm thấy lo lắng hơn, gần như tuyệt vọng, vì không biết phải nói gì.

Ngay sau khi vị chủ tịch giáo khu cuối cùng phát biểu xong, một ý nghĩ đến với tâm trí tôi: “Anh Cả Clayton, hãy hỏi họ câu hỏi này: ‘Thưa các chủ tịch, trong số các tín hữu trong giáo khu của các anh em mà đóng tiền thập phân đầy đủ, rộng lượng đóng góp của lễ nhịn ăn, làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của họ trong Giáo Hội, thực sự đi thăm các gia đình họ được chỉ định giảng dạy tại gia và thăm viếng giảng dạy11 hằng tháng, tổ chức buổi họp tối gia đình, học tập thánh thư, và cầu nguyện gia đình mỗi ngày, thì có bao nhiêu người có những vấn đề họ không tự mình giải quyết được nếu không có Giáo Hội can thiệp và giải quyết cho họ?’”

Đáp ứng với ấn tượng mình nhận được, tôi đã hỏi các vị chủ tịch giáo khu câu hỏi đó.

Họ im lặng nhìn tôi đầy ngạc nhiên, rồi nói: “Pues, ninguno,” có nghĩa là, “Đúng là không có ai cả.” Sau đó họ nói với tôi rằng không có tín hữu nào làm tất cả những điều trên mà lại có những vấn đề họ không thể tự mình giải quyết được. Tại sao vậy? Bởi vì họ sống trong những căn nhà đẹp nhất. Lối sống trung tín của họ mang đến cho họ sức mạnh, tầm nhìn xa hiểu rộng, và sự giúp đỡ thượng thiên mà họ cần giữa tình trạng hỗn loạn kinh tế ở quốc gia của họ.

Điều đó không có nghĩa là người ngay chính sẽ không bị bệnh, gặp tai nạn, đối mặt với tình trạng kinh doanh bấp bênh, hoặc đương đầu với nhiều khó khăn khác trong cuộc sống. Cuộc sống trần thế luôn luôn có thử thách, nhưng tôi đã thấy nhiều lần rằng những ai cố gắng vâng theo các lệnh truyền đều được phước để tìm cách tiếp tục tiến bước với sự bình an và niềm hy vọng. Các phước lành này có sẵn cho tất cả mọi người.12

Đa Vít tuyên bố rằng: “Nếu Đức Giê Hô Va không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công.”13 Dù anh chị em sống ở đâu, dù nhà của anh chị em trông giống như thế nào, và dù gia đình anh chị em gồm có những ai, thì anh chị em có thể giúp xây lên căn nhà đẹp nhất cho gia đình mình. Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô cung ứng bản thiết kế cho căn nhà đó. Đấng Cứu Rỗi là kỹ sư, người thợ xây, và nhà thiết kế nội thất hoàn hảo. Dự án của Ngài là sự trọn vẹn và niềm vui vĩnh cửu cho tâm hồn chúng ta. Với sự giúp đỡ đầy yêu thương của Ngài, tâm hồn anh chị em có thể trở thành tất cả những gì Ngài muốn nó trở thành và anh chị em có thể trở thành con người tốt nhất của mình, chuẩn bị để thiết lập và sống trong một căn nhà đẹp nhất.

Tôi làm chứng với lòng biết ơn rằng Thượng Đế và Đức Chúa Cha của chúng ta hằng sống. Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của tất cả nhân loại. Hai Ngài yêu thương chúng ta một cách trọn vẹn. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vương quốc của Chúa trên thế gian. Các vị tiên tri và các sứ đồ tại thế hướng dẫn giáo hội ngày nay. Sách Mặc Môn là chân chính. Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là bản thiết kế hoàn hảo để thiết lập căn nhà đẹp nhất. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.