Bảo Đảm Sự Phán Xét Công Bình
Để bảo đảm sự phán xét công bình, sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi sẽ lấy đi sự không hiểu biết và nỗi đau đớn do người khác gây ra.
Sách Mặc Môn Giảng Dạy Giáo Lý của Đấng Ky Tô
Tháng Mười vừa qua, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mời chúng ta suy ngẫm về cuộc sống của mình sẽ khác đi như thế nào nếu “sự hiểu biết đạt được từ Sách Mặc Môn bất ngờ bị lấy đi.”1 Tôi đã nghĩ về câu hỏi của Chủ Tịch, và tôi chắc có nhiều anh chị em cũng nghĩ về điều đó. Có một suy nghĩ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi—nếu không có Sách Mặc Môn và sự rõ ràng của cuốn sách này về giáo lý của Đấng Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài thì tôi sẽ kiếm tìm sự bình an ở đâu?
Giáo lý của Đấng Ky Tô—bao gồm các nguyên tắc cứu rỗi và các giáo lễ về đức tin nơi Đấng Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm, ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng—được dạy vô số lần trong tất cả các thánh thư của Sự Phục Hồi, nhưng Sách Mặc Môn lại có được một quyền năng đặc biệt.2 Giáo lý này bắt đầu bằng đức tin nơi Đấng Ky Tô, và mỗi yếu tố của nó đều phụ thuộc vào sự tin cậy nơi sự hy sinh chuộc tội của Ngài.
Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Sách Mặc Môn cung cấp sự hiểu biết đầy đủ nhất và có căn cứ nhất về Sự Chuộc Tội và về Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể tìm thấy ở bất cứ đâu.”3 Chúng ta càng hiểu về ân tứ thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta càng biết rõ hơn, trong tâm trí và trong tấm lòng của chúng ta,4 tính thực tế trong sự bảo đảm của Chủ Tịch Nelson rằng: “Các lẽ thật của Sách Mặc Môn có quyền năng để chữa lành, khuyên giải, phục hồi, giúp đỡ, củng cố, an ủi, và cổ vũ tâm hồn chúng ta.”5
Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi Làm Thỏa Mãn Tất Cả Các Đòi Hỏi của Công Lý
Một sự đóng góp thiết yếu và mang đến bình an của Sách Mặc Môn cho sự hiểu biết của chúng ta về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là trong lời giảng dạy rằng sự hy sinh đầy thương xót của Đấng Ky Tô đã làm trọn tất cả các đòi hỏi của công lý. Như An Ma đã giải thích, “Chính Thượng Đế sẽ chuộc tội lỗi cho thế gian, để mang lại kế hoạch thương xót, và để thỏa mãn sự đòi hỏi của công lý, ngõ hầu Thượng Đế mới có thể là một Thượng Đế hoàn hảo, công bình, và cũng là một Thượng Đế đầy lòng thương xót.”6 Kế hoạch thương xót của Đức Chúa Cha7—điều mà trong thánh thư gọi là kế hoạch hạnh phúc8 hay kế hoạch cứu rỗi9—không thể đạt được trừ khi tất cả các đòi hỏi của công lý được thỏa mãn.
Vậy một cách chính xác thì “các đòi hỏi của công lý” là gì? Hãy suy ngẫm về kinh nghiệm cá nhân của An Ma. Hãy nhớ rằng khi còn trẻ, An Ma đã tìm cách “phá hoại giáo hội.”10 Trên thực tế, An Ma đã nói với con trai mình là Hê La Man, rằng ông đã “bị giày vò với những nỗi đau đớn của ngục giới” bởi vì ông đã “giết hại biết bao con cái của [Thượng Đế]” bằng cách dẫn “họ vào con đường hủy diệt.”11
An Ma đã giải thích với Hê La Man rằng sự bình an cuối cùng đã đến khi “tâm trí ông vừa nghĩ” đến lời giảng dạy của cha ông, “ về sự hiện đến của … Chúa Giê Su Ky Tô … để chuộc tội lỗi cho thế gian.”12 Một An Ma biết hối cải đã khẩn nài sự thương xót của Đấng Ky Tô13 và sau đó, ông đã cảm thấy được niềm vui và sự nhẹ nhõm khi ông nhận biết Đấng Ky Tô đã chuộc tội cho các tội lỗi của ông và đã trả giá cho tất cả các đòi hỏi của công lý. Một lần nữa, công lý đã đòi hỏi điều gì ở An Ma? Như An Ma đã dạy: “Không một vật ô uế nào có thể thừa hưởng được vương quốc của Thượng Đế.”14 Vì thế, một phần trong sự nhẹ nhõm của An Ma chắc hẳn là bởi vì có được sự thương xót nên công lý sẽ không ngăn cản ông trở lại sống cùng Cha Thiên Thượng.15
Đấng Cứu Rỗi Chữa Lành Được Các Vết Thương Mà Chúng Ta Không Thể Chữa Lành
Nhưng có phải niềm vui của An Ma chỉ là vì bản thân ông—là ông tránh được sự trừng phạt và ông có thể trở lại với Đức Chúa Cha không? Chúng ta biết rằng An Ma cũng chịu nhiều đau đớn vì những người mà ông đã dẫn dắt họ xa rời lẽ thật.16 Nhưng bản thân An Ma không thể chữa lành và phục hồi cho tất cả những người đó. Bản thân ông không thể chắc chắn rằng họ sẽ được cho một cơ hội công bình để học hỏi giáo lý của Đấng Ky Tô và được ban phước khi sống theo các nguyên tắc đầy vui hưởng của giáo lý đó. Ông không thể mang trở lại những người đã chết mà đã bị mù quáng bởi những lời giảng dạy sai trái của ông.
Như Chủ Tịch Boyd K. Packer đã từng dạy: “Ý nghĩ mà đã giải cứu An Ma … chính là: Việc phục hồi điều các anh chị em không thể phục hồi được, việc chữa lành vết thương mà các anh chị em không thể chữa lành đựợc, việc sửa chữa điều các anh chị em đã làm đổ vỡ và không thể sửa chữa được chính là mục đích của sự chuộc tội của Đấng Ky Tô.”17 Lẽ thật vui mừng mà tâm trí An Ma “vừa nghĩ” tới là không chỉ bản thân ông có thể được làm cho thanh sạch mà còn cả những người mà ông đã gây tổn hại cũng có thể được chữa lành và được làm cho trọn lành.
Sự Hy Sinh của Đấng Cứu Rỗi Bảo Đảm Sự Phán Xét Công Bình
Nhiều năm trước khi An Ma được giải cứu bởi giáo lý làm vững lòng này, Vua Bên Gia Min đã giảng dạy về phạm vi của sự chữa lành bởi sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi. Vua Bên Gia Min đã rao truyền rằng “tin lành vui mừng lớn lao” đã được ban cho ông bởi “một thiên sứ của Thượng Đế.”18 Ở giữa những tin lành vui mừng đó chính là lẽ thật rằng Đấng Ky Tô sẽ chịu thống khổ cùng chết cho tội lỗi và sai lầm của chúng ta để bảo đảm “sự phán xét công bình có thể đến với con cái loài người.”19
“Sự phán xét công bình” thực sự đòi hỏi điều gì? Trong câu tiếp theo, Vua Bên Gia Min đã giải thích rằng để bảo đảm sự phán xét công bình, máu của Đấng Cứu Rỗi đã chuộc tội cho “tội lỗi của những người đã sa ngã vì sự phạm giới của A Đam” và cho những người “đã chết mà không được biết ý định của Thượng Đế đối với họ, hay là những người phạm tội vì không hiểu biết.”20 Ông giảng dạy rằng sự phán xét công bình cũng đòi hỏi “máu của Đấng Ky Tô cũng chuộc tội lỗi cho” tội lỗi của con trẻ.21
Các câu thánh thư này dạy một giáo lý vinh quang: sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi (là một ân tứ được ban cho không) chữa lành cho những ai phạm tội mà không có sự hiểu biết—những ai mà, như Gia Cốp đã mô tả, “không có luật pháp được ban hành.”22 Trách nhiệm giải trình cho tội lỗi phụ thuộc vào sự sáng chúng ta được ban cho và phụ thuộc vào khả năng thực hành quyền tự quyết của chúng ta.23 Chúng ta biết lẽ thật về sự chữa lành và an ủi này là nhờ Sách Mặc Môn và các sách thánh thư khác của Sự Phục Hồi.24
Dĩ nhiên, ở nơi có luật pháp ban hành, nơi mà chúng ta biết ý định của Thượng Đế, chúng ta phải chịu trách nhiệm giải trình. Như Vua Bên Gia Min đã nhấn mạnh: “Khốn thay cho những ai biết mình chống đối Thượng Đế! Vì sự cứu rỗi sẽ không đến với những kẻ ấy trừ phi họ hối cải và có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.”25
Đây cũng là tin lành vui mừng của giáo lý của Đấng Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi không những chữa lành và phục hồi những ai phạm tội mà không có sự hiểu biết, mà còn cả những ai phạm tội chống lại sự sáng, Đấng Cứu Rỗi cũng mang đến sự chữa lành với điều kiện họ phải hối cải và có đức tin nơi Ngài.26
An Ma chắc hẳn “vừa nghĩ” tới cả hai lẽ thật này. Có phải An Ma thực sự đã cảm thấy điều ông mô tả là “sự vui mừng … ngọt ngào”27 nếu ông suy nghĩ rằng Đấng Ky Tô cứu ông nhưng lại để cho những người mà ông đã dẫn dắt khỏi lẽ thật bị tổn hại mãi mãi không? Chắc chắn là không. Để An Ma cảm thấy sự bình an hoàn toàn, những ai mà ông đã gây tổn thương cũng cần cơ hội để được làm cho trọn lành.
Nhưng chính xác là làm cách nào để họ—hoặc những người mà chúng ta có thể gây tổn thương—được làm cho trọn lành? Mặc dù chúng ta không hoàn toàn hiểu được các phương thức thiêng liêng mà qua đó, sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi chữa lành và phục hồi, nhưng chúng ta thật sự biết rằng để bảo đảm sự phán xét công bình, Đấng Cứu Rỗi sẽ xóa sạch sự không hiểu biết và những nỗi đau đớn do người khác gây ra.28 Bằng cách như vậy, Ngài bảo đảm rằng tất cả con cái của Thượng Đế sẽ được ban cho cơ hội, với tầm nhìn rõ ràng, để chọn đi theo Ngài và chấp nhận kế hoạch hạnh phúc vĩ đại.29
Đấng Cứu Rỗi Sẽ Sửa Chữa Tất Cả Những Gì Mà Chúng Ta Đã Làm Đổ Vỡ
Chính những lẽ thật này đã mang đến cho An Ma sự bình an. Và chính những lẽ thật này cũng sẽ mang đến cho chúng ta sự bình an lớn lao. Là con người thiên nhiên, tất cả chúng ta đều va chạm, hoặc đôi khi đâm sầm vào nhau và gây tổn hại. Như bất kỳ bậc cha mẹ nào có thể làm chứng, nỗi đau gắn liền với những lỗi lầm của chúng ta không chỉ đơn giản là nỗi sợ bị trừng phạt mà chúng ta còn sợ rằng mình có thể đã giới hạn niềm vui của con cái chúng ta hay theo một cách nào đó, chúng ta làm cản trở chúng nhìn thấy và thấu hiểu được lẽ thật. Lời hứa đầy vinh quang này của sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi là dù lỗi lầm của các bậc làm cha mẹ như chúng ta là gì chăng nữa thì Ngài cũng không khiển trách con cái của chúng ta và hứa sẽ chữa lành cho chúng.30 Và thậm chí khi chúng đã phạm tội chống lại sự sáng—như tất cả chúng ta đều phạm tội—thì cánh tay thương xót của Ngài vẫn dang ra,31 và Ngài sẽ cứu chuộc chúng nếu chúng nhìn lên Ngài và sống theo.32
Mặc dù Đấng Cứu Rỗi có quyền năng sửa chữa những thứ chúng ta không thể sửa được, Ngài truyền lệnh cho chúng ta làm tất cả những gì có thể để bù đắp, như là một phần của sự hối cải của chúng ta.33 Các tội lỗi và sai lầm của chúng ta không chỉ làm đánh mất mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế mà còn cả mối quan hệ của chúng ta với những người khác. Đôi khi, các nỗ lực của chúng ta để chữa lành và khôi phục có thể đơn giản là một lời xin lỗi, nhưng có những lúc mà sự bù đắp có thể đòi hỏi nhiều năm nỗ lực khiêm nhường.34 Tuy vậy, đối với nhiều tội lỗi và sai lầm, chúng ta không thể hoàn toàn chữa lành được cho những người mà chúng ta gây tổn thương. Lời hứa vĩ đại, mang đến sự bình an của Sách Mặc Môn và phúc âm phục hồi, là Đấng Cứu Rỗi sẽ sửa chữa cho tất cả những gì chúng ta đã làm đổ vỡ.35 Và Ngài cũng sửa chỉnh chúng ta nếu chúng ta hướng về Ngài với đức tin và hối cải về sự tổn thương mà chúng ta đã gây ra.36 Ngài mang đến cả hai ân tứ này bởi vì Ngài yêu thương tất cả chúng ta bằng tình yêu thương trọn vẹn37 và bởi vì Ngài đã cam kết để bảo đảm sự phán xét công bình mà tôn vinh công lý và lòng thương xót. Tôi làm chứng điều này là chân chính trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.