Đại Hội Trung Ương
Một Nhân Chứng Sống về Đấng Ky Tô Hằng Sống
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2020


10:42

Một Nhân Chứng Sống về Đấng Ky Tô Hằng Sống

Sứ điệp chính yếu của Sách Mặc Môn là nhằm khôi phục sự hiểu biết thực sự về vai trò thiết yếu của Chúa Giê Su Ky Tô trong sự cứu rỗi và sự tôn cao của nhân loại.

Vào một ngày mùa xuân nắng ấm năm 2017, trong thời gian Đền Thờ Paris France mở cửa cho công chúng vào tham quan, thì một người đàn ông có nét mặt buồn rầu đã đến nói chuyện với một trong số những người hướng dẫn đoàn tham quan. Ông ta nói rằng ông sống ở cạnh đền thờ và thú nhận rằng ông ta là người kịch liệt phản đối việc xây cất đền thờ này. Ông kể rằng một ngày nọ trong khi đang nhìn ra ngoài cửa sổ căn hộ của mình, ông thấy một cái xe cần cẩu lớn hạ bức tượng Chúa Giê Su từ trên trời xuống và nhẹ nhàng đặt bức tượng xuống khuôn viên đền thờ. Người đàn ông đó đã tuyên bố rằng kinh nghiệm này hoàn toàn thay đổi cảm nghĩ của ông ta đối với Giáo Hội chúng ta. Ông nhận thấy chúng tôi là tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô và nài xin sự tha thứ của chúng tôi cho tổn hại mà ông có thể đã gây ra trước đây.

Bức tượng được đặt ở Đền Thờ Paris France

Bức tượng Chúa Giê Su, mà làm tô điểm cho khuôn viên Đền Thờ Paris và các tòa nhà khác của Giáo Hội, làm chứng về tình yêu thương của chúng ta dành cho Đấng Cứu Rỗi. Bức tượng nguyên thủy bằng đá cẩm thạch là tác phẩm của nghệ sĩ người Đan Mạch tên là Bertel Thorvaldsen, đã điêu khắc nó vào năm 1820—cùng năm diễn ra Khải Tượng Thứ Nhất. Bức tượng này khác xa với hầu hết các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ đó, mà phần lớn mô tả nỗi đau khổ của Đấng Ky Tô trên thập tự giá. Tác phẩm của Thorvaldsen tượng trưng cho Đấng Ky Tô hằng sống, là đấng đã chiến thắng cái chết, và với cánh tay rộng mở, mời gọi tất cả mọi người đến cùng Ngài. Chỉ có những dấu đinh trên tay và chân Ngài cùng vết thương ở hông Ngài mới làm chứng về nỗi đau đớn không thể tả xiết mà Ngài đã phải chịu đựng để cứu rỗi tất cả nhân loại.

Bàn tay của Đấng Cứu Rỗi như được miêu tả trên Bức Tượng Chúa Giê Su

Có lẽ một lý do tại sao chúng ta, các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, yêu thích bức tượng này là vì nó nhắc nhở chúng ta về lời mô tả được đưa ra trong Sách Mặc Môn về sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi trên lục địa Châu Mỹ:

Chúa Giê Su Ky Tô viếng thăm Châu Mỹ

“Và này, họ thấy một Người từ trên trời giáng xuống; Ngài mặc y phục trắng dài; Ngài giáng xuống đứng giữa họ. …

“Và chuyện rằng, Ngài dang tay ra và phán cùng dân chúng rằng:

“Này, ta là Giê Su Ky Tô, …

“… Ta đã uống cạn chén đắng mà Đức Chúa Cha đã ban cho ta, và ta đã tôn vinh Đức Chúa Cha bằng cách gánh lấy tội lỗi của thế gian.”1

Rồi Ngài mời gọi mỗi người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em hãy tiến lại và đặt tay họ lên hông Ngài và rờ thấy vết đinh đóng trên tay và chân Ngài, bằng cách đó nhận được một sự làm chứng cá nhân rằng Ngài quả thật là Đấng Mê Si mà họ trông đợi từ lâu.2

Sự kiện uy nghi này là sự kiện điển hình của Sách Mặc Môn. Toàn bộ “tin mừng” của phúc âm chứa đựng trong hình ảnh này về Đấng Cứu Rỗi, đang trìu mến dang “cánh tay thương xót” của Ngài3 để mời gọi mỗi người hãy đến cùng Ngài và tiếp nhận các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài.

Sứ điệp chính yếu của Sách Mặc Môn là nhằm khôi phục sự hiểu biết thực sự về vai trò thiết yếu của Chúa Giê Su Ky Tô trong sự cứu rỗi và sự tôn cao của nhân loại. Đề tài này phản ảnh từ trang tựa của sách cho tới những từ cuối cùng của chương cuối cùng. Qua nhiều thế kỷ của sự bội giáo và sự hoang mang về mặt thuộc linh, ý nghĩa sâu đậm hơn của những điều mà Đấng Ky Tô đã làm ở Ghết Sê Ma Nê và trên Đồi Sọ đã bị mất đi hoặc bị hủy hoại. Joseph Smith chắc hẳn đã cảm thấy phấn khởi biết bao khi ông phiên dịch sách 1 Nê Phi, ông khám phá ra lời hứa tuyệt diệu này: “Những biên sử cuối cùng này [Sách Mặc Môn] … sẽ chứng nhận sự xác thực của [Kinh Thánh] đầu tiên … và sẽ cho thấy những điều minh bạch quý báu đã bị lấy đi khỏi các biên sử này; và sẽ cho tất cả các sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc biết rằng, Chiên Con của Thượng Đế là Vị Nam Tử của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và là Đấng Cứu Rỗi của thế gian; và tất cả mọi người phải đến với Ngài, bằng không, họ sẽ không được cứu.”4

Các lẽ thật minh bạch và quý báu về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi được tìm thấy trong khắp Sách Mặc Môn. Trong khi tôi liệt kê một vài lẽ thật này, tôi mời anh chị em hãy suy ngẫm xem các lẽ thật đó đã thay đổi hoặc có thể thay đổi cuộc sống của anh chị em như thế nào.

  1. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là một ân tứ ban không cho tất cả những người nào đã sống, đang sống, và sẽ sống trên thế gian.5

  2. Ngoài việc mang những gánh nặng tội lỗi của chúng ta, Đấng Ky Tô đã tự mang lấy nỗi buồn phiền, yếu đuối, khổ sở, và bệnh tật cùng tất cả những nỗi thống khổ vốn có trong cuộc sống trần thế của con người. Không có nỗi đau khổ, không có đau đớn, hoặc nỗi buồn phiền nào mà Ngài không phải chịu đựng cho chúng ta.6

  3. Sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi cho phép chúng ta vượt qua những hậu quả tiêu cực của Sự Sa Ngã của A Đam, kể cả cái chết thể xác. Nhờ Đấng Ky Tô, nên tất cả con cái của Thượng Đế sinh ra trên thế gian này, bất kể sự ngay chính của họ ra sao, đều sẽ trải qua sự tái hợp của linh hồn với thể xác của họ qua quyền năng của Sự Phục Sinh7 và trở về với Ngài để “được phán xét tùy theo việc làm của mình.”8

  4. Ngược lại, việc nhận được các phước lành trọn vẹn của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi tùy thuộc vào lòng tận tụy của chúng ta9 trong việc sống theo “giáo lý của Đấng Ky Tô.”10 Trong giấc mơ của mình, Lê Hi đã thấy “con đường chật và hẹp”11 dẫn đến cây sự sống. Trái của cây đó, mà tượng trưng cho tình yêu thương của Thượng Đế như đã được bày tỏ qua các phước lành tuyệt diệu của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô , “là cây có những trái quý giá và được hấp dẫn hơn hết thảy … [và] là một ân tứ lớn lao hơn hết thảy mọi ân tứ khác của Thượng Đế.”12 Để có được trái của cây sự sống, chúng ta cần phải thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải, “biết nghe theo lời của Thượng Đế,”13 nhận được các giáo lễ thiết yếu, và tuân giữ các giao ước thiêng liêng cho đến cuối đời.14

  5. Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ tẩy sạch tội lỗi của chúng ta, mà Ngài còn cung ứng quyền năng làm cho có khả năng mà qua đó các môn đồ của Ngài có thể “cởi bỏ con người thiên nhiên,”15 tiến triển “từng hàng chữ một,”16 và gia tăng sự thánh thiện17 để một ngày nào đó họ có thể trở thành những người hoàn hảo trong hình ảnh của Đấng Ky Tô,18 hội đủ điều kiện để được sống lại với Thượng Đế19 và thừa hưởng tất cả các phước lành của vương quốc thượng thiên.20

Một lẽ thật đầy an ủi khác chứa đựng trong Sách Mặc Môn là, mặc dù khả năng tiếp cận tới nhiều người là vô hạn và phổ quát, Sự Chuộc Tội của Chúa là một ân tứ hết sức riêng tư và cá nhân, phù hợp với riêng từng người chúng ta.21 Cũng giống như Chúa Giê Su đã mời từng môn đồ người Nê Phi một rờ vào các vết thương của Ngài, Ngài đã hy sinh vì mỗi chúng ta, riêng mỗi cá nhân, như thể anh chị em hoặc tôi là người duy nhất trên thế gian. Ngài đưa ra lời mời cho riêng mỗi người chúng ta hãy đến cùng Ngài và trông cậy vào các phước lành tuyệt diệu của Sự Chuộc Tội của Ngài.22

Tính chất riêng tư của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô thậm chí còn trở nên thực tế hơn khi chúng ta xem xét các tấm gương của những người nam và người nữ phi thường trong Sách Mặc Môn. Trong số đó là Ê Nót, An Ma, Giê Rôm, Vua La Mô Ni và vợ ông, và dân của Vua Bên Gia Min. Những câu chuyện cải đạo và chứng ngôn mạnh mẽ của họ cung ứng một bằng chứng sống về cách mà tấm lòng chúng ta có thể được thay đổi và cuộc sống của chúng ta được biến đổi nhờ lòng nhân từ và thương xót vô hạn của Chúa.23

Tiên tri An Ma đã hỏi dân ông câu hỏi khẩn thiết này. Ông nói: “Nếu các người có cảm thấy được một sự thay đổi trong lòng mình, và các người có muốn hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc, tôi xin hỏi, các người có cảm thấy như vậy ngay giờ phút này không?”24 Câu hỏi này rất quan trọng ngày nay, bởi vì với tư cách là các môn đồ của Chúa, chúng ta cần quyền năng cứu chuộc của Ngài ở cùng với chúng ta, thúc đẩy chúng ta, và thay đổi chúng ta mỗi ngày và mọi ngày.

Câu hỏi của An Ma cũng có thể được diễn đạt lại để hỏi: Lần gần đây nhất anh chị em cảm thấy ảnh hưởng tuyệt vời của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình là khi nào? Điều này xảy ra khi anh chị em cảm thấy một niềm vui “ngọt ngào êm dịu”25 đến với mình, làm chứng với tâm hồn anh chị em rằng tội lỗi của anh chị em đã được tha thứ; hoặc khi những thử thách đau đớn bỗng nhiên trở nên dễ dàng chịu đựng hơn; hoặc khi tấm lòng của anh chị em được xoa dịu và anh chị em có thể bày tỏ sự tha thứ cho người nào đó đã làm tổn thương mình. Hoặc có thể là mỗi khi anh chị em nhận thấy khả năng của mình để yêu thương và phục vụ người khác đang gia tăng, hoặc tiến trình thanh tẩy đang làm cho anh chị em trở thành một con người khác, theo mẫu mực của Đấng Cứu Rỗi.26

Tôi làm chứng rằng tất cả những kinh nghiệm này là có thật và là bằng chứng rằng cuộc sống có thể được thay đổi nhờ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Sách Mặc Môn làm sáng tỏ và mở mang sự hiểu biết của chúng ta về ân tứ vô cùng thiêng liêng này. Khi anh chị em học tập sách này, anh chị em sẽ nghe tiếng nói của Đấng Ky Tô hằng sống mời gọi anh chị em đến cùng Ngài. Tôi hứa rằng nếu anh chị em chấp nhận lời mời này và sống theo như mẫu mực của Ngài, thì ảnh hưởng cứu chuộc của Ngài sẽ đến với cuộc sống anh chị em. Qua quyền năng của Đức Thánh Linh, Đấng Cứu Rỗi sẽ biến đổi anh chị em ngày này qua ngày khác “cho đến ngày hoàn toàn”27 khi mà anh chị em sẽ, như Ngài đã tuyên phán là hãy “trông thấy mặt ta và biết rằng ta hằng sống.”28 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.