Đại Hội Trung Ương
Niềm Hy Vọng ở Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2021


15:45

Niềm Hy Vọng ở Đấng Ky Tô

Chúng tôi mong muốn giúp đỡ tất cả những người nào cảm thấy cô đơn hoặc lạc lõng với những người xung quanh. Đặc biệt, tôi xin đề cập đến những người hiện đang độc thân.

Thưa anh chị em, vào thời gian lễ Phục Sinh này, chúng ta tập trung vào Sự Phục Sinh đầy vinh quang của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta nhớ tới lời mời gọi trìu mến của Ngài “hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”1

Lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để đến với Ngài là lời mời gọi tất cả mọi người không chỉ đến với Ngài mà còn thuộc về Giáo Hội của Ngài nữa.

Trong câu ở trước lời mời gọi trìu mến này, Chúa Giê Su dạy cách thực hiện điều này bằng cách tìm cách noi theo Ngài. Ngài phán: “Ngoài Cha không có ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha.”2

Chúa Giê Su muốn chúng ta biết Thượng Đế là Cha Thiên Thượng nhân từ.

Việc biết rằng chúng ta được Cha Thiên Thượng yêu thương sẽ giúp chúng ta biết mình là ai và biết rằng chúng ta thuộc về gia đình vĩnh cửu vĩ đại của Ngài.

Viện Mayo Clinic gần đây đã ghi nhận: “Việc có một cảm giác thuộc về là rất quan trọng. … Hầu như mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta đều được sắp xếp quanh việc thuộc về một điều gì đó.” Báo cáo này cho biết thêm: “Chúng ta không thể tách tầm quan trọng của cảm giác thuộc về khỏi sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.”3.—và tôi xin thêm vào sức khỏe thuộc linh của chúng ta nữa.

Vào buổi tối trước khi chịu đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và chết trên thập tự giá, Đấng Cứu Rỗi đã họp mặt với các môn đồ của Ngài trong Bữa Ăn Cuối Cùng. Ngài phán với họ: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian: nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi.”4 Trước khi mặt trời lặn vào ngày hôm sau, Chúa Giê Su Ky Tô đã phải chịu đau khổ và đã “chết [trên thập tự giá] vì tội lỗi của chúng ta.”5

Tôi tự hỏi những người nam và người nữ trung tín đã noi theo Ngài chắc hẳn đã cảm thấy cô đơn như thế nào ở Giê Ru Sa Lem khi mặt trời lặn và bóng tối cùng nỗi sợ hãi vây quanh họ.6

Giống như các môn đồ thời xưa này cách đây gần 2.000 năm, nhiều người trong số các anh chị em thỉnh thoảng cũng có thể cảm thấy cô đơn. Tôi đã trải qua nỗi cô đơn này kể từ cái chết của người vợ quý báu của tôi, Barbara, cách đây hơn hai năm rưỡi. Tôi biết cảm giác như thế nào khi được bao quanh bởi những người trong gia đình, bạn bè và những người cộng sự nhưng vẫn cảm thấy cô đơn—vì tình yêu của đời tôi không còn ở đây bên cạnh tôi nữa.

Đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật cảm giác cô lập và cô đơn này của nhiều người. Tuy nhiên, bất kể những thử thách mà chúng ta gặp phải trong đời sống, chúng ta có thể, giống như buổi sáng lễ Phục Sinh đầu tiên đó, bắt đầu một giai đoạn mới của cuộc đời chúng ta nhờ vào Đấng Ky Tô với những triển vọng mới và kỳ diệu cùng những thực tiễn mới khi chúng ta hướng tới Chúa để hy vọng và thuộc về.

Cá nhân tôi cảm thấy nỗi đau đớn của những người thiếu cảm giác thuộc về. Khi xem tin tức ở khắp nơi trên thế giới, tôi thấy nhiều người dường như đang trải qua nỗi cô đơn này. Tôi nghĩ rằng, đối với nhiều người, đó là vì họ có thể không biết rằng họ được Cha Thiên Thượng yêu thương và chúng ta đều thuộc về gia đình vĩnh cửu của Ngài. Việc tin rằng Thượng Đế yêu thương chúng ta và chúng ta là con cái của Ngài thật là điều an ủi và bảo đảm.

Vì chúng ta là con cái linh hồn của Thượng Đế nên mọi người đều có nguồn gốc, tính chất và tiềm năng thiêng liêng. Mỗi người chúng ta là “một con trai hoặc con gái linh hồn yêu quý của cha mẹ thiên thượng.”7 Đây là bản sắc của chúng ta! Đây là con người thật của chúng ta!

Bản sắc thuộc linh của chúng ta được làm nổi bật khi chúng ta hiểu được nhiều bản sắc phàm trần của mình, kể cả di sản sắc tộc, văn hóa hoặc quốc gia.

Ý thức về bản sắc thuộc linh và văn hóa, tình yêu thương và sự thuộc về này có thể khơi dậy niềm hy vọng và tình yêu mến đối với Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi nói về niềm hy vọng ở Đấng Ky Tô chứ không phải là mơ ước hão huyền. Thay vì thế, tôi nói về niềm hy vọng như là một sự kỳ vọng mà sẽ trở thành hiện thực. Niềm hy vọng như vậy là điều cần thiết để vượt qua nghịch cảnh, nuôi dưỡng khả năng phục hồi và sức mạnh thuộc linh, cũng như bắt đầu biết rằng chúng ta được Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu yêu thương và chúng ta là con cái của Ngài, thuộc về gia đình của Ngài.

Khi có hy vọng ở Đấng Ky Tô, chúng ta bắt đầu biết rằng khi chúng ta cần lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng thì những ước muốn và ước mơ yêu quý nhất của mình có thể được hoàn thành nhờ vào Ngài.

Nhóm Túc Số Mười Hai Sứ Đồ đã cùng nhau hội ý trong tinh thần cầu nguyện và với nỗi khao khát để hiểu được cách giúp đỡ tất cả những ai cảm thấy cô đơn hoặc cảm thấy lạc lõng. Chúng tôi mong muốn giúp đỡ tất cả những người nào cảm thấy như vậy. Đặc biệt, tôi xin đề cập đến những người hiện đang độc thân.

Thưa các anh chị em, hơn một nửa số người thành niên trong Giáo Hội ngày nay là góa bụa, ly dị, hoặc chưa kết hôn. Một số người muốn biết về các cơ hội và vị trí của họ trong kế hoạch của Thượng Đế và trong Giáo Hội. Chúng ta nên hiểu rằng cuộc sống vĩnh cửu không chỉ là vấn đề về tình trạng kết hôn hiện tại mà là về tư cách môn đồ và sự “quả cảm trong việc làm chứng về Chúa Giê Su.”8 Niềm hy vọng của tất cả những ai độc thân cũng giống như tất cả các tín hữu trong Giáo Hội phục hồi của Chúa—được tiếp cận với ân điển của Đấng Ky Tô qua việc “tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”9

Tôi xin đề nghị rằng có một số nguyên tắc quan trọng mà chúng ta cần phải hiểu.

Trước hết, các thánh thư và các vị tiên tri ngày sau xác nhận rằng mọi người đang trung tín tuân giữ các giao ước phúc âm sẽ có cơ hội được tôn cao. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Theo cách thức và kỳ định riêng của Chúa, sẽ không có một phước lành nào sẽ bị giữ lại không ban cho Các Thánh Hữu trung tín của Ngài. Chúa sẽ phán xét và tưởng thưởng cho mỗi cá nhân tùy theo ước muốn chân thành cũng như việc làm.”10

Thứ hai, thời gian và cách thức chính xác mà theo đó các phước lành của sự tôn cao được ban cho nhưng đều chưa được mặc khải, thì chúng vẫn được bảo đảm.11 Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã giải thích rằng một số hoàn cảnh “trong cuộc sống trần thế sẽ được chỉnh đốn trong Thời Kỳ Ngàn Năm, tức là thời kỳ để làm tròn tất cả những gì chưa hoàn tất trong kế hoạch hạnh phúc vĩ đại dành cho tất cả con cái xứng đáng của Đức Chúa Cha.”12

Điều đó không có nghĩa là mọi phước lành đều được trì hoãn cho đến Thời Kỳ Ngàn Năm; một số đã được tiếp nhận và một số khác sẽ tiếp tục được tiếp nhận cho đến ngày đó.13

Thứ ba, việc chờ đợi Chúa có nghĩa là tiếp tục vâng lời và tiến triển về phần thuộc linh hướng tới Ngài. Việc chờ đợi Chúa không có nghĩa là chờ một cơ hội tốt. Anh chị em chớ bao giờ cảm thấy là mình đang ở trong một phòng chờ.

Việc chờ đợi Chúa có nghĩa là hành động. Qua nhiều năm, tôi đã học được rằng niềm hy vọng của chúng ta nơi Đấng Ky Tô gia tăng khi chúng ta phục vụ người khác. Khi phục vụ như Chúa Giê Su đã phục vụ, chúng ta tất nhiên gia tăng hy vọng của mình nơi Ngài.

Sự tăng trưởng cá nhân mà một người có thể đạt được bây giờ trong khi chờ đợi Chúa và những lời hứa của Ngài là một yếu tố vô giá, thiêng liêng, trong kế hoạch của Ngài dành cho mỗi người chúng ta. Rất cần những điều mà một người có thể đóng góp bây giờ để giúp xây đắp Giáo Hội trên thế gian và quy tụ Y Sơ Ra Ên. Tình trạng hôn nhân không liên quan gì đến khả năng phục vụ của một người. Chúa khen ngợi những ai phục vụ và chờ đợi Ngài trong sự kiên nhẫn và đức tin.14

Thứ tư, Thượng Đế ban cuộc sống vĩnh cửu cho tất cả con cái của Ngài. Tất cả những ai chấp nhận ân tứ hối cải đầy ân điển của Đấng Cứu Rỗi và sống theo các giáo lệnh của Ngài đều sẽ nhận được cuộc sống vĩnh cửu, mặc dù họ không đạt được tất cả các đặc điểm và sự hoàn hảo của nó trong trần thế. Những ai hối cải sẽ cảm nhận được sự sẵn sàng tha thứ của Chúa, khi Ngài cam đoan: “Phải, và bất cứ lúc nào dân của ta biết hối cải, thì ta sẽ tha thứ cho họ về những điều họ đã xúc phạm cùng ta.”15

Trong phần phân tích cuối cùng, năng lực, ước muốn và cơ hội của một người trong các vấn đề về quyền tự quyết và sự lựa chọn, kể cả sự đủ điều kiện để tiếp nhận các phước lành vĩnh cửu, đều là những vấn đề mà chỉ có Chúa mới có thể phán xét.

Thứ năm, sự tin tưởng của chúng ta nơi những sự bảo đảm này bắt nguồn từ đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô mà qua ân điển của Ngài, mọi vật liên quan đến cuộc sống trần thế đều được sửa lại.16 Tất cả các phước lành đã hứa đều có thể thực hiện được nhờ Ngài, là Đấng qua Sự Chuộc Tội của Ngài, “đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật”17 và “đã thắng thế gian rồi.”18 Ngài “đã ngồi bên tay phải của Thượng Đế, để đòi Đức Chúa Cha quyền thương xót mà Ngài có trên con cái loài người … vậy nên Ngài biện hộ cho chính nghĩa của con cái loài người.”19 Cuối cùng, “các thánh hữu sẽ được tràn đầy vinh quang của Ngài, và sẽ nhận được phần thừa hưởng của mình”20 với tư cách là “kẻ đồng kế tự với Đấng Ky Tô.”21

Ước muốn của chúng tôi là những nguyên tắc này sẽ giúp tất cả mọi người có thêm hy vọng ở Đấng Ky Tô và có cảm giác được thuộc về.

Đừng bao giờ quên rằng anh chị em là con cái của Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta, bây giờ và mãi mãi. Ngài yêu thương anh chị em và Giáo Hội muốn và cần anh chị em. Vâng, chúng tôi cần anh chị em! Chúng tôi cần tiếng nói, tài năng, kỹ năng, lòng tốt và sự ngay chính của anh chị em.

Trong nhiều năm, chúng tôi đã nói về “những người thành niên trẻ tuổi độc thân,” “những người trưởng thành độc thân,” và “những người thành niên.” Những cách gọi tên đó đôi khi có thể hữu ích về mặt hành chính nhưng vô tình có thể thay đổi cách chúng ta nhìn người khác.

Có cách nào để tránh khuynh hướng này của con người mà có thể tách rời chúng ta khỏi nhau không?

Chủ Tịch Nelson đã yêu cầu rằng chúng ta tự giới thiệu mình là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều đó dường như ám chỉ tất cả chúng ta, phải không?

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng kết hợp chúng ta. Cuối cùng chúng ta giống nhau hơn là chúng ta khác nhau. Là con cái trong gia đình của Thượng Đế, chúng ta thật sự đều là anh chị em với nhau. Phao Lô nói: “[Thượng Đế] đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất.”22

Tôi yêu cầu các chủ tịch giáo khu, giám trợ và các vị lãnh đạo nhóm túc số và các chị em phụ nữ hãy xem mọi tín hữu trong giáo khu, tiểu giáo khu, nhóm túc số hoặc tổ chức của mình là một tín hữu mà có thể đóng góp và phục vụ trong những chức vụ kêu gọi và tham gia theo nhiều cách.

Mọi thành viên trong các nhóm túc số, tổ chức, tiểu giáo khu và giáo khu của chúng ta đều có những ân tứ và tài năng do Thượng Đế ban cho để có thể giúp xây đắp vương quốc của Ngài bây giờ.

Chúng ta hãy kêu gọi các tín hữu còn độc thân để phục vụ, nâng đỡ và giảng dạy. Bất chấp những quan niệm và ý tưởng cũ xưa mà đôi khi vô tình góp phần vào cảm nghĩ cô đơn của họ và họ không thuộc về hoặc không thể phục vụ.

Tôi làm chứng vào cuối tuần lễ Phục Sinh này về Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô và niềm hy vọng vĩnh cửu mà Ngài ban cho tôi và tất cả những ai tin vào danh Ngài. Và tôi khiêm nhường chia sẻ chứng ngôn này trong thánh danh của Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.