Điều Chúng Ta Đang Học và Sẽ Không Bao Giờ Quên
Nhưng nếu các anh em thành tâm suy nghĩ về cuộc sống của mình thì tôi tin rằng các anh em sẽ thấy được nhiều cách mà qua đó Chúa đã hướng dẫn các anh em vượt qua thời gian khó khăn này.
Các anh em thân mến, tôi đã mong chờ buổi họp trực tuyến này với các anh em. Lần cuối chúng ta tổ chức phiên họp chức tư tế của đại hội trung ương là vào tháng Tư năm 2019. Nhiều điều đã xảy ra trong hai năm qua! Một số các anh em đã mất người thân. Những người khác bị mất việc làm, sinh kế hoặc sức khỏe. Vẫn còn những người khác đã mất cảm giác bình yên hoặc hy vọng nơi tương lai. Tôi xin chia buồn với những ai trong số các anh em đã phải chịu đựng những điều này hay những mất mát khác. Tôi luôn luôn cầu nguyện rằng Chúa sẽ an ủi các anh em. Khi các anh em tiếp tục để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình thì tôi biết rằng Ngài cũng lạc quan về tương lai của các anh em như Ngài đã từng như vậy.
Ở giữa những mất mát mà chúng ta đã trải qua, thì cũng có một số điều chúng ta đã tìm thấy được. Một số người đã tìm thấy đức tin mãnh liệt hơn nơi Cha Thiên Thượng và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Nhiều người đã tìm thấy một quan điểm mới mẻ về cuộc sống—thậm chí cả một viễn cảnh vĩnh cửu. Các anh em có thể đã tìm thấy những mối quan hệ vững mạnh hơn với những người thân yêu của mình và với Chúa. Tôi hy vọng các anh em đã tìm thấy một khả năng gia tăng để nghe lời Ngài và nhận được sự mặc khải cá nhân. Những thử thách khó khăn thường mang lại các cơ hội để phát triển mà chắc hẳn là sẽ không đến theo bất cứ cách nào khác.
Hãy nghĩ lại hai năm qua. Các anh em đã tăng trưởng như thế nào? Các anh em đã học hỏi được điều gì? Thoạt đầu, các anh em có thể ước mình được quay trở lại năm 2019 và ở lại đó! Nhưng nếu các anh em thành tâm suy nghĩ về cuộc sống của mình thì tôi tin rằng các anh em sẽ thấy được nhiều cách mà qua đó Chúa đã hướng dẫn các anh em vượt qua thời gian khó khăn này, giúp các anh em trở thành một người tận tụy hơn, được cải đạo nhiều hơn—một người đàn ông đích thực của Thượng Đế.
Tôi biết Chúa có những kế hoạch tuyệt vời và kỳ diệu cho chúng ta—riêng cho cá nhân và chung cho tập thể. Ngài phán với lòng trắc ẩn và kiên nhẫn:
“Các ngươi là những trẻ thơ, và các ngươi chưa hiểu nổi những phước lành lớn lao biết dường nào mà Đức Chúa Cha … đã chuẩn bị cho các ngươi;
“Và các ngươi không thể chịu đựng nổi mọi điều bây giờ được; tuy nhiên, hãy vui lên, vì ta sẽ hướng dẫn các ngươi đi.”1
Các anh em thân mến, tôi làm chứng rằng Ngài đã và đang thực sự hướng dẫn chúng ta khi chúng ta tìm cách nghe lời Ngài. Ngài muốn chúng ta tăng trưởng và học hỏi, thậm chí còn nhờ vào—có lẽ đặc biệt là nhờ vào—nghịch cảnh.
Nghịch cảnh là một người thầy đại tài. Các anh em đã học được gì trong hai năm qua mà các anh em muốn luôn luôn ghi nhớ? Mỗi anh em đều sẽ có câu trả lời riêng của mình, nhưng tôi xin đề nghị bốn bài học mà tôi hy vọng rằng chúng ta đều đã học được và sẽ không bao giờ quên.
Bài học 1: Tổ Ấm Gia Đình Là Trung Tâm của Đức Tin và Sự Thờ Phượng
Thường thường, khi Chúa cảnh cáo chúng ta về những nguy hiểm của những ngày sau cùng, Ngài khuyên dạy như sau: “Các ngươi hãy đứng vững tại những nơi thánh thiện, và chớ để bị lay chuyển.”2 Những “nơi thánh thiện” chắc chắn gồm có các đền thờ và nhà hội của Chúa. Nhưng vì khả năng tụ họp của chúng ta tại những nơi này đã bị hạn chế ở các mức độ khác nhau nên chúng ta đã học được rằng một trong những nơi thánh thiện nhất trên thế gian là tổ ấm gia đình—vâng, chính là nhà của các anh em.
Thưa các anh em, các anh em mang chức tư tế của Thượng Đế. “Những quyền hạn của chức tư tế được gắn liền với các quyền năng trên trời.”3 Các anh em và gia đình mình đã nhận được các giáo lễ của chức tư tế. Đó là “trong các giáo lễ [thuộc chức tư tế] này, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt.”4 Quyền năng đó dành sẵn cho các anh em và gia đình các anh em trong chính nhà của các anh em khi các anh em tuân giữ các giao ước đã lập.5
Cách đây đúng 185 năm, chính là ngày này, ngày 3 tháng 4 năm 1836, Ê li đã phục hồi các chìa khóa của chức tư tế mà cho phép gia đình chúng ta được làm lễ gắn bó với nhau vĩnh viễn. Đó là lý do tại sao các anh em đã cảm thấy rất vui để thực hiện Tiệc Thánh tại nhà của mình. Các anh em nghĩ điều đó ảnh hưởng như thế nào đến những người trong gia đình để thấy anh chị em—cha, ông, chồng, con trai hoặc anh em trai của họ—thực hiện giáo lễ thiêng liêng? Các anh em sẽ làm gì để giữ lại cảm nghĩ thiêng liêng đó trong gia đình mình?
Các anh em có thể cảm thấy rằng vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa để biến nhà của mình thực sự trở thành nơi thiêng liêng của đức tin. Nếu vậy, xin hãy làm điều đó! Nếu các anh em đã kết hôn thì hãy bàn bạc với vợ mình là người bạn đời bình đẳng của các anh em trong công việc thiết yếu này. Có rất ít mục tiêu theo đuổi mà quan trọng hơn điều này. Từ bây giờ đến khi Chúa tái lâm, chúng ta đều cần làm cho nhà của mình trở thành nơi thanh bình và an toàn.6
Những thái độ và hành động mời Thánh Linh đến sẽ gia tăng sự thánh thiện cho ngôi nhà của các anh em. Điều cũng chắc chắn là sẽ không còn sự thánh thiện nếu có bất cứ điều gì trong hành vi hoặc môi trường của các anh em xúc phạm đến Đức Thánh Linh, vì lúc đó “thiên thượng sẽ tự rút lui.”7
Các anh em có bao giờ tự hỏi tại sao Chúa muốn chúng ta biến nhà của mình trở thành trung tâm học hỏi phúc âm và sống theo phúc âm không? Điều đó không chỉ để chuẩn bị cho chúng ta mà còn giúp chúng ta vượt qua đại dịch. Những hạn chế hiện nay đối với việc quy tụ rồi cuối cùng cũng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, cam kết của các anh em để biến nhà của mình thành nơi thiêng liêng chính yếu của đức tin sẽ không bao giờ kết thúc. Khi đức tin và sự thánh thiện giảm bớt trong thế giới sa ngã này thì nhu cầu của các anh em cho những nơi thiêng liêng sẽ gia tăng. Tôi khuyên nhủ các anh em hãy tiếp tục biến nhà của mình trở thành một nơi thực sự thánh thiện “và và chớ để bị lay chuyển”8 từ mục tiêu thiết yếu đó.
Bài học 2: Chúng Ta Cần Có Nhau
Thượng Đế muốn chúng ta cùng làm việc chung với nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Đó là lý do tại sao Ngài gửi chúng ta đến thế gian trong các gia đình và tổ chức chúng ta thành các tiểu giáo khu và giáo khu. Đó là lý do tại sao Ngài phán bảo chúng ta phải phục vụ và phục sự lẫn nhau. Đó là lý do tại sao Ngài phán bảo chúng ta phải sống trong thế gian chứ không thuộc về thế gian.9 Chúng ta có thể hoàn thành nhiều điều hơn cùng với nhau thay vì chỉ làm một mình.10 Kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế sẽ bị thất bại nếu con cái Ngài vẫn bị cô lập với nhau.
Đại dịch gần đây đặc biệt ở chỗ là nó đã ảnh hưởng về cơ bản đến mọi người trên thế giới cùng một lúc. Mặc dù một số người phải chịu đựng nhiều hơn những người khác, nhưng chúng ta cũng đều đã bị thử thách theo một cách nào đó. Vì vậy, thử thách chung của chúng ta có khả năng để giúp kết hợp con cái của Thượng Đế hơn bao giờ hết. Vậy nên, tôi xin hỏi, thử thách chung này đã có mang các anh em đến gần hơn những người lân cận của mình—các anh chị em của mình bên kia đường và trên khắp thế giới không?
Về phương diện này, hai giáo lệnh lớn có thể hướng dẫn chúng ta: thứ nhất, yêu mến Thượng Đế và thứ hai, yêu thương người lân cận của mình.11 Chúng ta cho thấy tình yêu thương của mình qua sự phục vụ.
Nếu các anh em biết có bất cứ ai đang đơn độc, thì hãy tìm đến giúp đỡ—cho dù chính các anh em cũng cảm thấy đơn độc! Các anh em không cần phải có lý do hoặc một nhắn tin hay có công việc kinh doanh để làm điều đó. Chỉ cần chào hỏi và cho thấy tình yêu thương của các anh em. Công nghệ có thể giúp đỡ các anh em. Cho dù có đại dịch hay không thì mỗi người con quý báu của Thượng Đế cũng cần biết rằng mình không đơn độc!
Bài học 3: Nhóm Túc Số Chức Tư Tế của Các Anh Em Có Ý Nghĩa Nhiều Hơn Là Chỉ một Buổi Họp
Trong thời gian đại dịch, các buổi họp nhóm túc số trong ngày Chủ Nhật đã bị hủy bỏ trong một thời gian. Một số nhóm túc số hiện giờ có thể họp trực tuyến. Tuy nhiên, công việc mà Chúa đã ban cho các nhóm túc số chức tư tế không bao giờ có nghĩa là chỉ giới hạn trong thời gian của một buổi họp. Các buổi họp chỉ là một phần nhỏ ý nghĩa của một nhóm túc số và những gì nhóm này có thể làm.
Các anh em của tôi trong các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn và các anh cả, hãy mở rộng sự hiểu biết của các anh em về lý do tại sao chúng ta có các nhóm túc số. Chúa muốn các anh em sử dụng nhóm túc số của mình để hoàn thành công việc của Ngài như thế nào—bây giờ? Hãy tìm kiếm sự mặc khải từ Chúa. Hãy hạ mình! Hãy cầu xin! Hãy lắng nghe! Nếu các anh em được kêu gọi để lãnh đạo, thì hãy hội ý với tính cách là chủ tịch đoàn và với các thành viên trong nhóm túc số. Dù chức phẩm hoặc sự kêu gọi của các anh em là gì đi nữa, thì cũng hãy để Thượng Đế ngự trị trong sự cam kết của các anh em với tư cách là thành viên trong nhóm túc số của mình và trong công việc phục vụ của mình. Hãy vui vẻ cảm nhận sự ngay chính mà các anh em sẽ mang lại khi các anh em “thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa.”12 Các nhóm túc số đang ở trong một vị thế độc đáo để thúc đẩy sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che.
Bài học 4: Chúng Ta Nghe Lời Chúa Giê Su Ky Tô Rõ Hơn Khi Chúng Ta Tĩnh Lặng
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà đã được tiên tri từ cách đây rất lâu, khi “tất cả mọi vật sẽ ở trong tình trạng xáo trộn; và chắc chắn, loài người sẽ mất hết lòng can đảm; vì sự sợ hãi sẽ đến với tất cả mọi người.”13 Điều đó đã đúng trước thời đại dịch, và sẽ đúng sau đó. Tình trạng xáo trộn trên thế giới sẽ tiếp tục gia tăng. Ngược lại, tiếng nói của Chúa không phải là “tiếng huyên náo ồn ào, nhưng này, đó là một tiếng nói hết sức dịu dàng, tựa hồ như một lời thì thầm, và nó quả thật xuyên thấu tận tâm hồn.”14 Để nghe được tiếng nói dịu dàng này, các anh em cũng phải tĩnh lặng!15
Trong một thời gian, đại dịch đã hủy bỏ các sinh hoạt thường lấp đầy đời sống của chúng ta. Chẳng bao lâu nữa chúng ta có thể chọn lấp đầy khoảng thời gian đó một lần nữa bằng tiếng ồn ào và tình trạng xáo trộn của thế giới. Hoặc chúng ta có thể dùng thời gian của mình để nghe tiếng nói của Chúa mách bảo sự hướng dẫn, an ủi và bình an của Ngài. Thời gian yên tĩnh là thời gian thiêng liêng—thời gian mà sẽ tạo điều kiện cho sự mặc khải cá nhân và truyền dẫn sự bình an.
Hãy kỷ luật bản thân để có thời gian ở một mình và với những người thân yêu của các anh em. Hãy mở lòng với Thượng Đế khi cầu nguyện. Hãy dành thời gian để miệt mài đọc thánh thư và thờ phượng trong đền thờ.
Các anh em thân mến, có rất nhiều điều Chúa muốn chúng ta học hỏi từ các kinh nghiệm của chúng ta trong đại dịch này. Tôi mới chỉ liệt kê bốn điều. Tôi xin mời các anh em lập bản liệt kê riêng của mình, cân nhắc kỹ và chia sẻ nó với những người các anh em yêu mến.
Tương lai luôn tươi sáng cho những người tuân giữ giao ước của Thượng Đế.16 Chúa sẽ càng ngày càng kêu gọi các tôi tớ của Ngài là những người nắm giữ chức tư tế một cách xứng đáng để ban phước, an ủi, củng cố nhân loại và giúp chuẩn bị thế gian và dân cư trên đó cho Sự Tái Lâm của Ngài. Mỗi người trong chúng ta cần phải đáp ứng với sự sắc phong thiêng liêng mà chúng ta đã nhận được. Chúng ta có thể làm được điều này! Tôi làm chứng như vậy, với tình yêu thương của tôi dành cho mỗi anh em, các anh em thân mến của tôi, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.