Đại Hội Trung Ương
Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2021


16:23

Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là quyền năng lớn nhất dành cho chúng ta trong cuộc sống này. Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả.

Anh chị em thân mến, tôi biết ơn về đặc ân được nói chuyện với anh chị em vào ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh này.1 Sự hy sinh chuộc tội và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô đã thay đổi vĩnh viễn cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta yêu mến Ngài và biết ơn cùng thờ phượng Ngài và Cha Thiên Thượng của chúng ta.

Trong sáu tháng qua, chúng ta đã tiếp tục vật lộn với đại dịch toàn cầu. Tôi ngạc nhiên trước sự kiên cường và sức mạnh thuộc linh của anh chị em khi đương đầu với bệnh tật, sự mất mát và cô lập. Tôi luôn luôn cầu nguyện rằng qua tất cả điều đó, anh chị em sẽ cảm nhận được tình yêu thương bền bỉ của Chúa dành cho anh chị em. Nếu anh chị em đã đáp ứng những thử thách của mình bằng vai trò môn đồ mạnh mẽ hơn, thì năm vừa qua sẽ không trở nên vô ích.

Buổi sáng nay, chúng ta đã nghe các vị lãnh đạo Giáo Hội đến từ mọi lục địa có dân cư sinh sống trên trái đất. Quả thật, các phước lành của phúc âm dành cho mọi chủng tộc, ngôn ngữ và người dân. Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô là một giáo hội toàn cầu. Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng lãnh đạo của chúng ta.

May thay, ngay cả một đại dịch cũng không thể làm chậm sự tăng trưởng tiếp tục của lẽ thật của Ngài. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô chính xác là điều được cần đến trong một thế giới hoang mang, đầy tranh cãi và mệt mỏi.

Mỗi con cái của Thượng Đế đều xứng đáng có cơ hội để nghe và chấp nhận sứ điệp chữa lành và cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô. Không có sứ điệp nào khác quan trọng hơn đối với hạnh phúc của chúng ta—bây giờ và vĩnh viễn.2 Không có sứ điệp nào khác tràn đầy hy vọng hơn. Không có sứ điệp nào khác có thể loại bỏ sự tranh chấp trong xã hội của chúng ta.

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là nền tảng của mọi niềm tin và là cách tiếp cận quyền năng thiêng liêng. Theo như Sứ Đồ Phao Lô: “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý [Thượng Đế]: vì kẻ đến gần Thượng Đế phải tin rằng có Thượng Đế, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.”3

Mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống—mọi phước lành tiềm ẩn với ý nghĩa vĩnh cửu—đều bắt đầu với đức tin. Việc để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của chúng ta bắt đầu bằng đức tin rằng Ngài đang sẵn lòng hướng dẫn chúng ta. Sự hối cải thực sự bắt đầu với đức tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng thanh tẩy, chữa lành và củng cố chúng ta.4

Tiên tri Mô Rô Ni đã nói: “Chớ chối bỏ quyền năng của Thượng Đế, vì Ngài dùng quyền năng để hành động, tùy theo đức tin của con cái loài người.”5 Chính là đức tin của chúng ta cho phép chúng ta tiếp cận với quyền năng của Thượng Đế trong cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, việc vận dụng đức tin có thể dường như là quá sức đối với chúng ta. Đôi khi chúng ta có thể tự hỏi liệu mình có thể tập trung được đủ đức tin để nhận được những phước lành mà chúng ta rất cần hay không. Tuy nhiên, Chúa đã dập tắt những nỗi sợ hãi đó qua những lời của tiên tri An Ma trong Sách Mặc Môn.

Hạt cải

An Ma chỉ yêu cầu chúng ta thử nghiệm lời nói và “vận dụng một chút ít đức tin, phải, ngay cả nếu [chúng ta] không thể làm gì khác hơn là muốn tin.”6 Cụm từ “chút ít đức tin” nhắc nhở tôi về lời hứa của Chúa trong Kinh Thánh rằng nếu chúng ta “có đức tin bằng một hạt cải,” thì chúng ta sẽ có thể “khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có sự gì mà [chúng ta] chẳng làm được.”7

Chim đang ở giữa những hạt cải

Chúa hiểu được sự yếu kém của con người trần thế chúng ta. Chúng ta đều có lúc chùn bước. Nhưng Ngài cũng biết về tiềm năng lớn lao của chúng ta. Hạt cải bắt đầu nhỏ nhưng tăng trưởng thành một cái cây đủ lớn để chim làm tổ trên cành của nó. Hạt cải tượng trưng cho một đức tin nhỏ bé nhưng luôn tăng trưởng.8

Chúa không đòi hỏi đức tin hoàn hảo để chúng ta có thể tiếp cận với quyền năng hoàn hảo của Ngài. Nhưng Ngài thực sự yêu cầu chúng ta phải tin.

Anh chị em thân mến, tôi xin kêu gọi anh chị em trong buổi sáng lễ Phục Sinh này là phải bắt đầu ngay hôm nay để gia tăng đức tin của mình. Qua đức tin của anh chị em, Chúa Giê Su Ky Tô sẽ gia tăng khả năng của anh chị em để dời núi trong cuộc đời của anh chị em,9 mặc dù những thử thách cá nhân của anh chị em có thể to lớn như Núi Everest.

Núi của anh chị em có thể là nỗi cô đơn, nghi ngờ, bệnh tật hoặc các vấn đề cá nhân khác. Núi của anh chị em sẽ khác nhau, nhưng sự đáp ứng cho mỗi thử thách của anh chị em là để gia tăng đức tin của anh chị em. Điều đó cần phải có sự làm việc. Những người lười học và những môn đồ lơ là sẽ luôn luôn vất vả để tập trung dù chỉ là một chút ít đức tin.

Cần có nỗ lực để làm giỏi bất cứ điều gì. Việc trở thành môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô cũng không phải là ngoại lệ. Việc gia tăng đức tin và sự tin cậy của anh chị em nơi Ngài cần phải có nỗ lực. Tôi xin đưa ra năm đề nghị để giúp anh chị em phát triển đức tin và sự tin cậy đó.

Trước hết, học tập. Trở thành một người siêng năng học hỏi. Trở nên quen thuộc với thánh thư để hiểu rõ hơn sứ mệnh và giáo vụ của Đấng Ky Tô. Biết giáo lý của Đấng Ky Tô để anh chị em hiểu được quyền năng của giáo lý đó đối với cuộc sống của anh chị em. Tiếp thu lẽ thật rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô áp dụng cho anh chị em. Ngài đã gánh lấy sự khốn khổ của anh chị em, những lỗi lầm của anh chị em, sự yếu kém của anh chị em và tội lỗi của anh chị em. Ngài đã trả cái giá đền bù và ban quyền năng cho anh chị em để dời được mỗi ngọn núi mà anh chị em sẽ gặp phải. Anh chị em có được quyền năng đó với đức tin, sự tin cậy và sẵn lòng để noi theo Ngài.

Việc dời núi của anh chị em có thể cần một phép lạ. Hãy tìm hiểu về phép lạ. Phép lạ đến tùy theo đức tin của anh chị em nơi Chúa. Trọng tâm của đức tin đó là tin cậy vào ý muốn và thời gian biểu của Ngài—cách thức và khi nào Ngài sẽ ban phước cho anh chị em với sự giúp đỡ kỳ diệu mà anh chị em mong muốn. Chỉ có sự không tin của anh chị em mới ngăn Thượng Đế ban phước cho anh chị em với phép lạ để dời núi trong cuộc sống của anh chị em.10

Anh chị em càng tìm hiểu về Đấng Cứu Rỗi thì sẽ càng dễ dàng hơn để tin cậy vào lòng thương xót, tình yêu thương vô hạn và quyền năng củng cố, chữa lành và cứu chuộc của Ngài. Đấng Cứu Rỗi không bao giờ ở gần anh chị em hơn khi anh chị em đang đương đầu hoặc khắc phục thử thách bằng đức tin.

Thứ hai, hãy chọn tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu anh chị em nghi ngờ về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, hoặc nền tảng vững chắc của Sự Phục Hồi hay tính xác thực của sự kêu gọi thiêng liêng của Joseph Smith với tư cách là vị tiên tri, thì hãy chọn để tin11 và luôn trung tín. Hãy mang câu hỏi của anh chị em đến Chúa và các nguồn trung tín khác. Học tập với ước muốn tin tưởng thay vì với hy vọng rằng anh chị em có thể tìm thấy một khiếm khuyết trong cuộc đời của một vị tiên tri hoặc một sự khác biệt trong thánh thư. Hãy ngừng gia tăng nỗi nghi ngờ của anh chị em bằng cách thảo luận chúng với những người nghi ngờ khác. Hãy để Chúa dẫn dắt anh chị em trong cuộc hành trình khám phá phần thuộc linh của anh chị em.

Thứ ba, hành động bằng đức tin. Anh chị em sẽ làm gì nếu anh chị em có nhiều đức tin hơn? Hãy nghĩ về điều đó. Hãy viết về điều đó. Vậy thì hãy nhận nhiều đức tin hơn bằng cách làm một điều gì đó mà đòi hỏi nhiều đức tin hơn.

Thứ tư, dự phần các giáo lễ thiêng liêng một cách xứng đáng. Các giáo lễ cho phép tiếp cận quyền năng của Thượng Đế dành cho cuộc sống của anh chị em.12

Và thứ năm, hãy cầu xin Cha Thiên Thượng của anh chị em, trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, để được giúp đỡ.

Đức Tin đòi hỏi sự làm việc. Việc tiếp nhận sự mặc khải đòi hỏi sự làm việc. Nhưng “hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở.”13 Thượng Đế biết điều gì sẽ giúp cho đức tin của anh chị em tăng trưởng. Hãy cầu xin và rồi cầu xin nữa.

Một người không tin có thể nói rằng đức tin là dành cho những người yếu đuối. Nhưng lời khẳng định này không nhận ra quyền năng của đức tin. Liệu các Sứ Đồ của Đấng Cứu Rỗi có tiếp tục giảng dạy giáo lý của Ngài sau khi Ngài chết, khi cuộc sống của họ đang gặp nguy hiểm, nếu họ đã nghi ngờ Ngài không?14 Liệu Joseph và Hyrum Smith có chịu tử đạo để bảo vệ Giáo Hội Phục Hồi của Chúa nếu họ không có bằng chứng chắc chắn rằng điều đó là có thật không? Liệu gần 2.000 Thánh Hữu có chịu chết dọc trên con đường của người tiền phong15 nếu họ không có đức tin rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi không? Quả thật, đức tin là quyền năng mà làm cho người không có khả năng có thể hoàn thành điều không thể thực hiện được.

Đừng tối thiểu hóa đức tin mà anh chị em đã có. Cần có đức tin để gia nhập Giáo Hội và luôn trung tín. Cần có đức tin để tuân theo các vị tiên tri hơn là các học giả và dư luận. Cần có đức tin để phục vụ truyền giáo trong thời kỳ đại dịch. Cần có đức tin để sống một cuộc sống trinh khiết khi thế giới ủng hộ mạnh mẽ lập luận rằng luật trinh khiết của Thượng Đế nay đã lỗi thời. Cần có đức tin để giảng dạy phúc âm cho trẻ em trong một thế giới trần tục. Cần có đức tin để khẩn cầu xin lại mạng sống của người thân, và càng cần có đức tin hơn để chấp nhận một sự đáp ứng đầy thất vọng.

Cách đây hai năm, Chị Nelson và tôi đến thăm Samoa, Tonga, Fiji và Tahiti. Mỗi quốc đảo đó đã trải qua những trận mưa lớn trong nhiều ngày. Các tín hữu đã nhịn ăn và cầu nguyện rằng các buổi nhóm họp ngoài trời của họ sẽ được bảo vệ khỏi bị mưa ướt.

Ở Samoa, Fiji và Tahiti, ngay khi các buổi nhóm họp bắt đầu thì mưa tạnh. Nhưng ở Tonga thì mưa vẫn không ngớt. Tuy nhiên, 13.000 Thánh Hữu trung thành đã đến sớm hàng giờ để có chỗ ngồi, kiên nhẫn chờ đợi suốt trận mưa như trút nước, và rồi ngồi ướt sũng suốt một buổi nhóm họp dài hai tiếng đồng hồ.

Các Thánh Hữu Tonga trong cơn mưa

Chúng tôi đã nhìn thấy đức tin mãnh liệt đầy tác động của mỗi người dân trên đảo đó—đủ đức tin để ngăn cơn mưa, và đức tin để kiên trì chịu đựng khi mưa không ngừng rơi.

Những ngọn núi trong cuộc sống của chúng ta không phải lúc nào cũng dời đi theo cách thức hoặc thời điểm chúng ta muốn. Nhưng đức tin của chúng ta sẽ luôn luôn thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước. Đức tin luôn luôn gia tăng khả năng của chúng ta để tiếp cận quyền năng của Thượng Đế.

Xin hãy biết điều này: nếu tất cả mọi thứ và mọi người khác trên thế giới mà anh chị em tin cậy đều không chắc chắn, thì Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội của Ngài sẽ không bao giờ làm anh chị em thất vọng. Chúa không hề nhắp mắt, cũng không ngủ.16 Ngài “lúc nào cũng vậy, hôm qua cũng như hôm nay và [ngày mai].”17 Ngài sẽ không từ bỏ các giao ước của Ngài,18 những lời hứa của Ngài hoặc tình yêu thương của Ngài đối với dân Ngài. Ngài làm phép lạ hôm nay và Ngài sẽ làm phép lạ ngày mai.19

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là quyền năng lớn nhất dành cho chúng ta trong cuộc sống này. Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả.20

Đức tin luôn tăng trưởng nơi Ngài của anh chị em sẽ dời được núi—không phải là những ngọn núi đá làm đẹp trái đất mà là những ngọn núi khổ sở trong cuộc đời anh chị em. Đức tin phát triển mạnh mẽ của anh chị em sẽ giúp anh chị em biến thử thách thành cơ hội và sự tăng trưởng vô song.

Vào ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh này, với cảm nghĩ đầy yêu thương và biết ơn sâu đậm của mình, tôi xin làm chứng rằng quả thật Chúa Giê Su Ky Tô đã sống lại. Ngài đã sống lại để lãnh đạo Giáo Hội của Ngài. Ngài đã sống lại để ban phước cho cuộc sống của tất cả con cái của Thượng Đế, cho dù họ đang sống ở đâu. Với đức tin nơi Ngài, chúng ta có thể dời đi những ngọn núi trong cuộc đời mình. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ở một số nơi trên thế giới, người ta sử dụng một cách thức độc đáo và đặc biệt để chào mừng nhau vào buổi sáng lễ Phục Sinh. Trong ngôn ngữ địa phương của họ, người chào trước sẽ nói: “Đấng Ky Tô đã sống lại!” Sau đó, người được chào sẽ trả lời: “Quả thật! Ngài đã phục sinh!” Ví dụ, sự trao đổi lời chúc mừng lễ Phục Sinh của những người nói tiếng Nga bắt đầu bằng “Христос воскрес” (Đấng Ky Tô đã sống lại [phục sinh]!), được trả lời là “Воистину! воскрес!” (Quả thật! Ngài đã sống lại rồi!).

  2. Xin xem Mô Si A 2:41.

  3. Hê Bơ Rơ 11:6. Lectures on Faith (Các Bài Giảng về Đức Tin) dạy rằng đức tin “là nguyên tắc vĩ đại chi phối đầu tiên mà có quyền năng, quyền thống trị và thẩm quyền đối với vạn vật” ([năm 1985], trang 5).

  4. Xin xem Ma Thi Ơ 11:28–30; 3 Nê Phi 7:12–13; Ê The 12:27.

  5. Mô Rô Ni 10:7; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  6. Alma 32:27; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  7. Ma Thi Ơ 17:20, sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm Hê La Man 12:9, 13.

  8. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 78:17–18. Phần thưởng cho việc cởi bỏ con người thiên nhiên là trở nên “một thánh hữu nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, là Chúa” (Mô Si A 3:19).

  9. Xin xem 1 Nê Phi 7:12.

  10. Xin xem Mặc Môn 9:19–21; Ê The 12:30.

  11. Xin xem 2 Nê Phi 33:10–11.

  12. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:20.

  13. Ma Thi Ơ 7:8.

  14. Nếu không có quyền năng của đức tin, liệu A Bi Na Đi có phải chịu chết thiêu vì không chịu chối bỏ điều mà ông biết là đúng không? (xin xem Mô Si A 17:7–20). Nếu không có quyền năng đó, liệu Ê The có ẩn mình trong hốc đá (xin xem Ê The 13:13–14) và Mô Rô Ni có chịu đựng những năm tháng cô đơn (xin xem Mô Rô Ni 1:1–3) khi cuộc sống của họ chắc hẳn đã được thoải mái hơn nhiều nếu họ đã từ bỏ điều họ đã tin không?

  15. Xin xem Melvin L. Bashore, H. Dennis Tolley, và BYU Pioneer Mortality Team, “Mortality on the Mormon Trail, 1847–1868,” BYU Studies, tập 53, số 4 (năm 2014), trang 115.

  16. Xin xem Thi Thiên 121:4.

  17. Mặc Môn 9:9.

  18. Xin xem Ê Sai 54:10; 3 Nê Phi 22:10.

  19. Xin xem Mặc Môn 9:10–11, 15.

  20. Xin xem Mác 9:23.