Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn
Phát Huy Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô
Trong cuộc đời chuyên nghiệp của tôi với tư cách là một phi công, đôi khi có hành khách đến thăm buồng lái máy bay của tôi. Họ hỏi về những cái công tắc, dụng cụ, hệ thống và phương thức sử dụng, và làm thế nào mà tất cả mọi đồ thiết bị kỹ thuật này giúp vào việc chiếc máy bay khổng lồ và xinh đẹp như thế có thể bay được.
Tôi thường giải thích rằng phải cần có một bản thiết kế khí động lực to lớn, nhiều hệ thống và chương trình phụ, và các động cơ mạnh để làm cho chiếc máy bay này có thể mang tiện nghi và sự an toàn đến cho những người sử dụng nó.
Để đơn giản hóa lời giải thích của tôi bằng cách tập trung vào những điều cơ bản, tôi thường nói thêm rằng quý bạn chỉ thật sự cần một xung lượng mạnh, một sức nâng lên mãnh liệt, một vị thế đúng của chiếc máy bay và quy luật thiên nhiên sẽ mang chiếc máy bay và các hành khách của nó một cách an toàn ngang qua các lục địa và đại dương, vượt lên trên những ngọn núi cao và những cơn mưa bão có sấm sét nguy hiểm để đến điểm tới của nó.
Khi suy ngẫm về những kinh nghiệm của mình với những khách thăm hỏi đó, tôi thường ngẫm nghĩ về việc làm tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta đặt ra những câu hỏi tương tự. Những vấn đề thiết yếu, các nguyên tắc cơ bản của vai trò tín hữu của chúng ta trong vương quốc của Thượng Đế trên thế gian là gì? Cuối cùng, trong những lúc khó khăn nhất, điều gì sẽ thật sự mang chúng ta đến điểm tới vĩnh cửu mà chúng ta mong ước?
Những Sự Tin Tưởng Cơ Bản Bất Biến của Phúc Âm
Giáo Hội, với tất cả mọi tổ chức kết cấu và chương trình của nó, đưa ra nhiều sinh hoạt quan trọng cho các tín hữu nhằm giúp các gia đình và các cá nhân để phục vụ Thượng Đế và lẫn nhau. Tuy nhiên, đôi khi các chương trình và sinh hoạt này dường như có thể gần gũi tâm hồn của chúng ta hơn là các giáo lý và nguyên tắc phúc âm cơ bản. Các phương thức, các chương trình, các chính sách và các mẫu mực tổ chức thì rất hữu ích cho sự tiến bộ thuộc linh của chúng ta nơi đây trên thế gian, nhưng chớ quên rằng chúng có thể bị thay đổi.
Trái lại, cốt lõi của phúc âm—giáo lý và các nguyên tắc—thì sẽ không bao giờ thay đổi. Việc sống theo các nguyên tắc phúc âm cơ bản sẽ mang quyền năng, sức mạnh và sự tự lực về phần thuộc linh vào cuộc sống của tất cả mọi Thánh Hữu Ngày Sau.
Đức tin là một nguyên tắc của quyền năng. Chúng ta cần nguồn quyền năng này trong cuộc sống của mình. Thượng Đế làm việc bằng quyền năng, nhưng quyền năng này thường được sử dụng để đáp ứng đức tin của chúng ta. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gia Cơ 2:20). Thượng Đế làm việc theo đức tin của con cái Ngài.
Tiên Tri Joseph Smith đã giải thích: “Tôi dạy cho họ các nguyên tắc đúng đắn và họ tự quyết định lấy.”1 Đối với tôi, lời giảng dạy này thẳng thắn một cách tuyệt vời. Khi cố gắng hiểu, tiếp thu và sống theo các nguyên tắc phúc âm đúng đắn, chúng ta sẽ trở nên tự lực hơn về phần thuộc linh. Nguyên tắc tự lực về phần thuộc linh bắt nguồn từ một giáo lý cơ bản của Giáo Hội: Thượng Đế đã ban cho chúng ta quyền tự quyết. Tôi tin rằng quyền tự quyết về đạo đức là một trong số các ân tứ lớn nhất của Thượng Đế ban cho các con cái của Ngài, sau cuộc sống.
Khi tôi học và suy ngẫm về quyền tự quyết về đạo đức và những kết quả vĩnh cửu của nó, tôi thấy rằng chúng ta thật sự là con cái linh hồn của Thượng Đế và như vậy chúng ta phải hành động một cách phù hợp với điều đó. Sự hiểu biết này cũng nhắc tôi nhớ rằng với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta là phần tử của một gia đình Thánh Hữu đông đảo trên toàn thế giới.
Cấu trúc tổ chức của Giáo Hội cho phép sự linh động lớn lao tùy theo kích thước, mẫu mực tăng trưởng và nhu cầu của giáo đoàn chúng ta. Có một đơn vị chương trình cơ bản với một cấu trúc tổ chức rất giản dị và ít họp hành hơn. Chúng ta cũng có những tiểu giáo khu lớn với các tài nguyên tổ chức toàn hảo để phục vụ lẫn nhau. Tất cả được đề ra trong vòng các chương trình đầy soi dẫn của Giáo Hội để giúp các tín hữu “đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32).
Tất cả các sự chọn lựa khác nhau này là đồng đều trong giá trị thiêng liêng vì giáo lý của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô vẫn giống nhau trong mỗi đơn vị. Tôi làm chứng với tư cách là một nhân chứng đã được sắc phong của Chúa Giê Su Ky Tô rằng Ngài hằng sống, rằng phúc âm này là chân chính và mang đến những sự đáp ứng cho tất cả những thử thách riêng và chung mà các con cái của Thượng Đế có trên thế gian ngày nay.
Sức Mạnh của Người Trung Tín
Năm 2005, vợ tôi và tôi đi thăm các tín hữu của Giáo Hội trong nhiều quốc gia ở khắp Châu Âu. Trong một số phần đất ở Châu Âu, Giáo Hội đã hiện diện trong nhiều năm, ngay cả từ năm 1837. Có một di sản lớn lao của các tín hữu trung tín ở Châu Âu. Chúng ta hiện có hơn 400.000 tín hữu ở trên lục địa đó. Khi chúng ta nhìn vào tất cả các thế hệ là những người đã di cư từ Châu Âu đến Châu Mỹ trong hai thế kỷ mười chín và hai mươi, thì tổng số đó có thể dễ dàng nhân lên vài lần.
Tại sao có rất nhiều tín hữu trung thành lại rời bỏ quê hương họ trong những ngày đầu của Giáo Hội? Nhiều lý do có thể được kể ra: thoát cảnh ngược đãi, giúp xây đắp Giáo Hội ở Châu Mỹ, cải tiến hoàn cảnh kinh tế của họ, được sống gần một đền thờ, và nhiều lý do khác nữa.
Châu Âu vẫn còn thấy được kết quả của cuộc đại di cư này. Nhưng sức mạnh đến từ vài thế hệ tín hữu trung thành của Giáo Hội giờ đây trở thành hiển nhiên hơn. Chúng ta thấy nhiều thanh niên thiếu nữ hơn và nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi hơn phục vụ truyền giáo cho Chúa; chúng ta thấy nhiều hôn lễ trong đền thờ hơn; chúng ta thấy nhiều tin tưởng và can đảm hơn qua các tín hữu để chia sẻ phúc âm phục hồi. Trong số những người ở Châu Âu và nhiều phần đất khác trên thế giới, có một sự thiếu vắng thuộc linh về những lời giảng dạy chân chính của Đấng Ky Tô. Sự thiếu vắng này phải, có thể và sẽ được đầy dẫy với sứ điệp về phúc âm phục hồi khi các tín hữu tuyệt diệu của chúng ta sống theo và rao giảng phúc âm này với lòng can đảm và đức tin lớn lao hơn.
Với sự phát triển của Giáo Hội ở Châu Âu, giờ đây có những quốc gia mà Giáo Hội hiện diện ở đó ít hơn 15 năm. Trong chuyến viếng thăm của chúng tôi, tôi đã nói chuyện với một vị chủ tịch phái bộ truyền giáo đang phục vụ ở quê hương Nga của ông là một tín hữu mới chỉ bảy năm. Ông ấy bảo tôi: “Vào đúng tháng mà tôi chịu phép báp têm, tôi được kêu gọi làm chủ tịch chi nhánh.” Có khi nào ông ấy cảm thấy bị tràn ngập lo âu không? Chắc chắn rồi! Ông có cố gắng thi hành tất cả một loạt chương trình của Giáo Hội không? May mắn thay, không! Làm thế nào ông đã tăng trưởng mạnh mẽ như thế trong một giáo đoàn nhỏ và trong một thời gian ngắn như vậy? Ông giải thích: “Tôi hết lòng biết rằng Giáo Hội là chân chính. Giáo lý phúc âm chan hòa tâm trí của tôi. Khi gia nhập Giáo Hội, chúng tôi cảm thấy là phần tử của một gia đình. Chúng tôi cảm thấy nhiệt tình, sự tin cậy và tình yêu thương. Chúng tôi có ít người, nhưng chúng tôi đều cố gắng noi theo Đấng Cứu Rỗi.”
Các tín hữu hỗ trợ lẫn nhau, họ cố gắng hết sức mình, và họ biết Giáo Hội là chân chính. Không phải tổ chức đã thu hút ông mà chính là ánh sáng của phúc âm, và ánh sáng này đã củng cố các tín hữu tốt đó.
Trong nhiều quốc gia Giáo Hội vẫn còn mới và những hoàn cảnh tổ chức đôi khi còn lâu lắm mới được toàn thiện. Tuy nhiên, các tín hữu có thể có một chứng ngôn toàn hảo về lẽ thật trong lòng họ. Khi các tín hữu này chịu ở lại quốc gia mình và xây đắp Giáo Hội dù có những thử thách và khó khăn về kinh tế, thì các thế hệ tương lai sẽ biết ơn những người tiền phong can đảm thời nay. Họ tuân theo lời mời gọi đầy tình thương của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đưa ra vào năm 1999:
“Trong thời kỳ của chúng ta, Chúa đã thấy thích hợp để cung ứng các phước lành của phúc âm, kể cả một con số gia tăng các đền thờ, trong nhiều phần đất của thế giới. Do đó, chúng tôi mong muốn lặp lại lời khuyên đã đưa ra từ lâu cho các tín hữu của Giáo Hội là hãy ở lại quê hương mình thay vì di cư sang Hoa Kỳ… .
“Khi các tín hữu trên khắp thế giới chịu ở lại quê hương mình, cố gắng xây đắp Giáo Hội trong quê hương của mình, thì các phước lành lớn lao sẽ đến với riêng họ và chung cho Giáo Hội.”2
Tôi xin thêm vào một lời cảnh cáo cho những người trong chúng ta đang sống trong các tiểu giáo khu và giáo khu lớn. Chúng ta phải rất cẩn thận để chứng ngôn cơ bản của mình không đặt lên trên khía cạnh giao tế của cộng đồng Giáo Hội, hoặc các sinh hoạt, chương trình và tổ chức tuyệt vời của các tiểu giáo khu và giáo khu của mình. Tất cả những điều này rất quan trọng và quý giá để có—nhưng không đủ. Ngay cả tình bằng hữu cũng không đủ.
An Toàn trong Sự Vâng Lời
Chúng ta nhận biết rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy rối loạn, tai ương và chiến tranh. Chúng ta và nhiều người khác cảm thấy mạnh mẽ về nhu cầu lớn lao cho một chỗ “để phòng vệ và dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ khi nó được trút nguyên vẹn lên toàn thể thế gian” (GLGƯ 115:6). Làm thế nào chúng ta tìm ra được một chỗ an toàn như vậy? Chủ Tịch Hinckley (1910–2008) đã dạy: “Sự an toàn của chúng ta nằm trong đức hạnh của cuộc sống chúng ta. Sức mạnh của chúng ta nằm trong sự ngay chính của mình.”3
Xin hãy cùng tôi nhớ lại cách thức mà Chúa Giê Su Ky Tô đã chỉ dẫn Các Sứ Đồ của Ngài, một cách rõ ràng và thẳng thắn, vào lúc khởi đầu giáo vụ trên trần thế của Ngài: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người” (Ma Thi Ơ 4:19). Đây cũng là sự khởi đầu giáo vụ của Mười Hai Sứ Đồ, và tôi nghi ngờ rằng họ đã có một cảm nghĩ về sự không thích đáng. Tôi xin đưa ra giả thuyết là chính Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta ở đây một bài học về giáo lý cơ bản và những ưu tiên trong cuộc đời. Cá nhân chúng ta cần phải trước hết “đi theo Ngài,” và khi chúng ta làm như vậy, Đấng Cứu Rỗi sẽ ban phước cho chúng ta để chúng ta có khả năng hơn trong việc trở thành con người mà Ngài muốn chúng ta trở thành
Việc noi theo Đấng Ky Tô là trở thành giống như Ngài hơn. Đó là học hỏi từ đặc tính của Ngài. Là con cái linh hồn của Cha Thiên Thượng, chúng ta thật sự có được tiềm năng để kết hợp các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô vào cuộc sống và cá tính của mình. Đấng Cứu Rỗi mời gọi chúng ta học hỏi phúc âm của Ngài bằng cách sống theo những lời giảng dạy của Ngài. Noi theo Ngài tức là áp dụng các nguyên tắc đúng đắn và rồi tự chứng kiến những phước lành tiếp theo sau. Tiến trình này rất phức tạp và đồng thời cũng rất giản dị. Các vị tiên tri thời xưa và hiện đại đã mô tả tiến trình đó bằng những lời này: “Hãy tuân giữ các giáo lệnh”—không hơn, không kém.
Phát huy các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô trong cuộc sống của mình không phải là một việc dễ dàng, nhất là khi chúng ta không còn đối phó với những ý nghĩ và hoàn cảnh lý tưởng mà bắt đầu với cuộc sống thực tế. Thử thách đến trong việc thực hành những gì chúng ta nói. Bằng chứng về khả năng của chúng ta là khi các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô cần phải trở nên hiển nhiên trong cuộc sống của chúng ta—với tư cách là chồng hay vợ, là cha hay mẹ, là con trai hay con gái, trong tình bằng hữu, trong công việc làm, trong công việc kinh doanh và trong những việc giải trí của chúng ta. Chúng ta cũng như những người chung quanh chúng ta cũng có thể nhận biết sự tăng trưởng của mình, khi chúng ta dần dần gia tăng khả năng “hành động trong mọi sự thánh thiện trước mặt [Ngài]” (GLGƯ 43:9).
Thánh thư mô tả một số thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà chúng ta cần phải phát huy trong cuộc sống của mình. Chúng gồm có sự hiểu biết và lòng khiêm nhường, lòng bác ái và tình yêu thương, sự vâng lời và sự siêng năng, đức tin và hy vọng (xin xem GLGƯ 4:5–6). Các đức tính cá nhân này độc lập với tình trạng tổ chức của đơn vị Giáo Hội chúng ta, hoặc hoàn cảnh kinh tế, gia đình, văn hóa, chủng tộc hay ngôn ngữ của chúng ta. Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô là ân tứ từ Thượng Đế, và không thể phát huy nếu không có sự giúp đỡ của Ngài.
Tin Cậy nơi Quyền Năng của Ngài
Một sự giúp đỡ mà chúng ta đều cần được ban cho mình một cách rộng rãi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi Sự Chuộc Tội của Ngài có nghĩa là hoàn toàn trông cậy nơi Ngài—tin tưởng nơi quyền năng vô hạn, trí tuệ và tình yêu thương của Ngài. Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô đến với cuộc sống của chúng ta khi chúng ta sử dụng quyền tự quyết của mình một cách ngay chính. Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô dẫn đến hành động. Khi có đức tin nơi Đấng Ky Tô, chúng ta tin cậy Chúa đủ để noi theo các lệnh truyền của Ngài—ngay cả khi chúng ta không hoàn toàn hiểu các lý do về chúng. Trong khi cố gắng trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, chúng ta cần phải đánh giá lại cuộc sống của mình một cách thường xuyên và, qua con đường chân thành hối cải, trông cậy vào công lao của Chúa Giê Su Ky Tô và các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài.
Việc phát huy các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô có thể là một tiến trình đầy đau đớn. Chúng ta cần phải sẵn sàng chấp nhận sự hướng dẫn và sửa đổi từ Chúa và các tôi tớ của Ngài. Qua các đại hội toàn cầu thường xuyên của Giáo Hội, chẳng hạn, với âm nhạc và ngôn từ của nó, chúng ta cảm nhận được quyền năng thuộc linh, sự hướng dẫn và các phước lành “từ trên cao” (GLGƯ 43:16). Đó là lúc mà tiếng nói của sự soi dẫn và mặc khải cá nhân sẽ mang sự bình an đến cho tâm hồn chúng ta và sẽ dạy chúng ta biết cách thức để trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn. Tiếng nói này sẽ dịu dàng như tiếng nói của một người bạn thân và nó sẽ tràn đầy tâm hồn chúng ta khi tấm lòng chúng ta thống hối một cách thích đáng.
Bằng cách trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, chúng ta sẽ phát triển khả năng của mình để “nhờ quyền phép Đức Thánh Linh được dư dật sự trông cậy” (Rô Ma 15:13). Chúng ta sẽ “dẹp bỏ những điều của thế gian, và tìm kiếm những điều của một thế giới tốt đẹp hơn” (GLGƯ 25:10).
Điều này đưa tôi trở lại sự so sánh của tôi về động lực học từ lúc đầu. Tôi đã nói về việc tập trung đến những điều cơ bản. Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô là những điều thiết yếu. Chúng là các nguyên tắc cơ bản mà sẽ tạo ra quyền năng nâng đỡ chúng ta. Khi chúng ta phát huy các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô trong cuộc sống của mình, dần dần, chúng sẽ “nâng [chúng ta] lên trên cánh chim đại bàng” (GLGƯ 124:18). Đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ cung ứng quyền năng và một sự thúc đẩy mạnh mẽ lên trước; hy vọng vững chắc và tích cực sẽ cung ứng một sự nâng lên mãnh liệt. Đức tin lẫn hy vọng sẽ mang chúng ta ngang qua những đại dương cám dỗ, ngang qua những ngọn núi đau khổ và mang chúng ta an toàn trở về mái nhà và điểm tới vĩnh cửu của mình.