2008
Trung Thành với Đức Tin: Mang Đến Những Hiểu Biết Giản Dị cho Các Nguyên Tắc Phúc Âm
Tháng Mười năm 2008


Trung Thành với Đức Tin: Mang Đến Những Hiểu Biết Giản Dị cho Các Nguyên Tắc Phúc Âm

Bài của Karianne Salisbury, Tạp Chí Giáo Hội

Khi Robert Lund, một giám trợ ở Kaysville, Utah, Hoa Kỳ, gặp bất cứ câu hỏi hoặc thắc mắc nào liên quan đến phúc âm thì có một tài liệu mà ông luôn luôn tìm đến là sách Trung Thành với Đức Tin.

Giám Trợ Lund nói khi đề cập đến phần tham khảo sách hướng dẫn học hỏi thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau: “Nếu một người nào đó đến tìm tôi với một thắc mắc thì tôi sẽ nói: ‘Chúng ta hãy tìm hiểu xem sách Trung Thành với Đức Tin nói gì.’ ”

Được xuất bản đầu tiên vào năm 2004, sách Trung Thành với Đức Tin đưa ra phương pháp theo từng chủ đề một với những lời giải thích giản dị về các đề tài phúc âm. Trong khi phần tham khảo là đặc biệt nhắm vào giới trẻ, các thành viên trẻ tuổi độc thân, và những người mới cải đạo, nhưng mục đích chính của sách Trung Thành với Đức Tin là giúp tất cả các độc giả củng cố nỗ lực của họ “để đến gần Đấng Cứu Rỗi và noi theo gương của Ngài,” như Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói trong phần giới thiệu.

Không phải chỉ Giám Trợ Lund mới có ý kiến đầy nhiệt tình về quyển sách đó. Các tín hữu trên khắp thế giới đang tìm cách sử dụng sách Trung Thành với Đức Tin để gia tăng sự học hỏi riêng của mình, xây đắp nền tảng phúc âm vững mạnh hơn, áp dụng các nguyên tắc phúc âm trong cuộc sống của họ, và chuẩn bị chia sẻ hoặc giảng dạy phúc âm.

Gia Tăng Sự Học Hỏi Phúc Âm

Donna Heßling, thuộc Chi Nhánh Münster, Giáo Khu Dortmund Đức, sử dụng sách Trung Thành với Đức Tin để đạt được một sự hiểu biết rộng hơn về Giáo Hội phục hồi và những lời giảng dạy của Giáo Hội.

Chị Heßling nói: “Những điều viết trong sách rất rõ ràng và mạnh mẽ, và mỗi đề tài đã gia tăng và củng cố chứng ngôn của tôi về sự trung thực của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Sách Trung Thành với Đức Tin có khoảng 170 đoạn viết về những đề tài được liệt kê theo vần thứ tự chữ cái từ phần Ánh Sáng của Đấng Ky Tô đến phần Xỏ Lỗ Thân Thể. Ngoài việc giảng dạy các nguyên tắc phúc âm theo một cách giản dị nhưng đầy soi dẫn, mỗi điều viết cũng có những phần tham khảo thánh thư để học thêm về bất cứ đề tài nào.

Mark Ellison và gia đình của anh, ở Saratoga Springs, Utah, Hoa Kỳ cũng thường xuyên sử dụng sách Trung Thành với Đức Tin để tập trung vào một đề tài trong khi học phúc âm ở nhà.

Anh Ellison nói: “Khi con cái của chúng tôi tham dự vào buổi họp tối gia đình bằng cách giảng dạy bài học, thì chúng sẽ chọn một đề tài và sử dụng sách Trung Thành với Đức Tin để có được một phần tóm lược hay. Đôi khi chúng tôi chọn một đề tài và yêu cầu mỗi người trong gia đình mình cho biết một điều mà họ biết về đề tài đó. Rồi chúng tôi giở đến sách Trung Thành với Đức Tin và tìm xem sách nói gì về điều đó, và điều mà chúng tôi có thể đã bỏ sót.”

Tuy tuổi của con cái của anh từ 7 đến 18, nhưng Anh Ellison nói rằng sách Trung Thành với Đức Tin cung ứng thông tin mà đáp ứng sở thích và mức độ hiểu biết phúc âm cho mỗi người trong gia đình của anh.

Anh Ellison nói: “Sách rất giản dị nhưng chứa thông tin cần thiết nhất. Tôi nghĩ rằng gia đình của tôi thật sự hiểu rằng đó chính là nguồn tài liệu về phúc âm mà họ có thể tìm đến nếu họ có thắc mắc hoặc nhu cầu để chuẩn bị giảng dạy hay chia sẻ những ý nghĩ về bất cứ đề tài nào.”

Xây Đắp Những Nền Tảng của Sự Hiểu Biết

Trong suốt năm 2007, Jake McKell, 17 tuổi, trong Tiểu Giáo Khu Grandview 21st, Provo Utah, Giáo Khu Grandview (Hoa Kỳ), cùng với bạn bè và những người lãnh đạo của mình, làm theo một lời yêu cầu do vị giám trợ của họ đưa ra là đọc từ đầu đến cuối sách Trung Thành với Đức Tin trong năm đó. David Tueller, chủ tịch Hội Thiếu Niên của tiểu giáo khu, nói rằng tiểu giáo khu đã thấy môt sự đáp ứng thuận lợi với sách Trung Thành với Đức Tin.

Anh Tueller nói: “Thật là một phước lành tuyệt vời để đọc giáo lý được giảng dạy trong sách đó trong một cách thức minh bạch, rõ ràng, và dễ hiểu. Trong khắp tiểu giáo khu, có một sự nhận thức rõ ràng hơn về quyền năng và cách dùng quyển sách đó cho những bài nói chuyện, việc học hỏi thánh thư của cá nhân, và giúp chia sẻ phúc âm với những người khác.”

Trong Chi Nhánh Allentown, Giáo Khu Reading Pennsylvania (Hoa Kỳ), Tracy Norton, chủ tịch Hội Thiếu Nữ, và các thiếu nữ trong tiểu giáo khu của chị sử dụng sách Trung Thành với Đức Tin trong khi học Những Tín Điều, một dự án mà họ hy vọng sẽ đem lại cho họ sự tin tưởng để chia sẻ phúc âm với một sự hiểu biết trọn vẹn hơn về những điểm tín ngưỡng cơ bản của Giáo Hội.

Chị Norton nói: “Tôi cố gắng sử dụng sách Trung Thành với Đức Tin cho những bài học của tôi càng nhiều càng tốt và khuyến khích các thiếu nữ sử dụng sách với những câu hỏi của các em. Sách Trung Thành với Đức Tin bao gồm nhiều đề tài về những nỗi gian nan vất vả mà giới trẻ đang gặp phải và cho biết lập trường của Giáo Hội về những điều đó và các đề tài quan trọng khác. Tôi tin rằng việc giới thiệu một nguồn tài liệu mà họ có thể tìm đến để có được những câu trả lời thì rất là quan trọng.”

Chị Norton tin rằng vì họ có thể chú trọng vào các đề tài riêng, nên các thiếu nữ mà chị giảng dạy đã có thể hiểu rõ hơn mỗi nguyên tắc.

Genesis Felix, 14 tuổi, một tín hữu của Chi Nhánh Allentown, nói: “Việc sử dụng sách Trung Thành với Đức Tin đã giúp gia tăng sự hiểu biết của em về phúc âm và giúp em có được một chứng ngôn vững mạnh hơn. Giờ đây, em giữ quyển sách này cùng với thánh thư của em và thường sử dụng sách để tra tìm các đề tài mà em không hoàn toàn hiểu.”

Áp Dụng Các Nguyên Tắc Phúc Âm

Việc đọc, học, và rồi sống theo phúc âm đã trở thành một tiến trình quen thuộc cho Daniel Jauslin thuộc Tiểu Giáo Khu Pratteln, Giáo Khu Bern Thụy Sĩ, là người đã nói sách Trung Thành với Đức Tin là một trong những quyển sách ưa thích nhất của em.

Anh Jauslin nói: “Tôi đã thấy rằng quyển sách này rất hữu ích. Ta đọc sách đó, ta nhận được hoặc củng cố một chứng ngôn về điều mà sách dạy, và ta đạt được một điều gì đó từ sách. Đây thực sự là một chỉ dẫn về cách sống theo phúc âm.”

Ví dụ, Anh Jauslin đã đề cập đến phần nói về thánh thư và lời khuyên phải học hỏi phần đó riêng một mình và chung với gia đình.

Anh nói: “Tôi biết việc đọc thánh thư mỗi ngày có thể là khó đối với nhiều tín hữu trên khắp thế giới, nhưng … sách Trung Thành với Đức Tin nói cho chúng ta biết rằng chúng ta cần phải làm điều đó hằng ngày, chúng ta cần phải hoạch định, và chúng ta cần phải tiếp tục tìm ra ý nghĩa trong điều mình đọc được.”

Legrand Laing, một giảng viên lớp giáo lý ở Springville, Utah, Hoa Kỳ, nói rằng ông đã thấy sách Trung Thành với Đức Tin đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp các cá nhân học hỏi và rồi áp dụng phúc âm vào cuộc sống của họ.

Anh Laing nói: “Sách Trung Thành với Đức Tin mang đến những ý nghĩ và lời khích lệ về sự áp dụng nghiêm chỉnh các giáo lý và các nguyên tắc đã được giảng dạy vào cuộc sống hiện thực. Chắc chắn là điều này có thể tìm thấy trong nhiều nguồn tài liệu khác do Giáo Hội cung ứng và dĩ nhiên trong chính các thánh thư, nhưng sách Trung Thành với Đức Tin cung ứng những điều này một cách sẵn sàng, dễ dàng và rõ ràng—tất cả tập trung vào một nơi.”

Chuẩn Bị Chia Sẻ

Trong năm 2004, sách Trung Thành với Đức Tin trở thành một phần chính của thư viện của người truyền giáo, cùng với sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta.

Greg Droubay thuộc Sở Truyền Giáo của Giáo Hội nói: “Trong lúc phát triển sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, thì có quyết định rằng thư viện của người truyền giáo cần phải được giản dị hóa và được cập nhật. Sách Trung Thành với Đức Tin được chọn là một quyển sách tham khảo giản dị, ngắn gọn, dễ sử dụng mà sẽ phụ giúp một người truyền giáo trong việc học hỏi phúc âm của người ấy.”

Mặc dù sách Trung Thành với Đức Tin được nhấn mạnh là một tài liệu phụ cho thánh thư và sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, nhưng những người truyền giáo trên khắp thế giới đã thấy rằng sách này rất hữu ích trong việc học hỏi và chia sẻ phúc âm.

Paul Epperson từ Woodbridge, Virginia, Hoa Kỳ, là người đã phục vụ trong phái bộ truyền giáo Belgium Brussels/Netherlands, nói: “Trong lúc truyền giáo, tôi thường sử dụng sách Trung Thành với Đức Tin để nghiên cứu cho những bài nói chuyện hoặc bài học. Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta cung ứng một sự bắt đầu tuyệt vời để nghiên cứu các đề tài, nhưng tôi cũng tìm kiếm trong sách Trung Thành với Đức Tin để có thêm nhiều chi tiết hơn, nhưng vẫn đơn giản, những phần giải thích về nhiều từ và ý kiến khác nhau.”

Sách Trung Thành với Đức Tin cũng đã tìm ra chỗ đứng của nó trong những sách học của học viên được sử dụng cho các viện giáo lý và các lớp học về tôn giáo.

Brian Garner, giám đốc chương trình giảng dạy cho Giáo Hội, nói: “Chúng tôi tiếp tục cập nhật các sách học của viện giáo lý và lớp giáo lý và tin rằng sách Trung Thành với Đức Tin là một nguồn tài liệu xuất sắc vì nó không những đã được chấp thuận mà còn được giới thiệu và được sử dụng rất dễ dàng.”

Vì các sách học được sử dụng cho các viện giáo lý và các lớp về tôn giáo được gộp chung lại nên Anh Garner nói rằng một điều mà các tác giả đang cố gắng hướng đến là sự tập trung toàn cầu—tạo ra một điều gì đó mà bất cứ người nào cũng có thể tìm ra và sử dụng được.

Ông nói: “Hầu như mọi người đều có thể sử dụng sách Trung Thành với Đức Tin. Người ta có thể thấy được phần tham khảo, giở đến sách, và đọc các chi tiết. Sách rất dễ sử dụng và xác thực.”

Sách Trung Thành với Đức Tin được xuất bản bằng 46 ngôn ngữ, được gửi đến các tín hữu từ Tây Ban Nha đến Phần Lan đến Campuchia. Những quyển sách này có sẵn qua hệ thống phân phối Giáo Hội tại ldscatalog.com hoặc qua các vị lãnh đạo chức tư tế ở địa phương. Có thể tải xuống phiên bản tiếng Anh tại lds.org bằng cách chọn Gospel Library, Media Formats, PDF, và rồi chọn True to The Faith.

Vẫn Luôn Luôn Trung Thành với Đức Tin

Mặc dù Giám Trợ Lund nói đùa rằng khi ông nói là ông mong muốn sách Trung Thành với Đức Tin được kèm vào ở phần sau của các tác phẩm tiêu chuẩn, nhưng ông tin rằng nguồn tài liệu đó có thể được sử dụng trong nhiều cách khác nhau và đáp ứng một phần nào đó cho những câu hỏi hoặc các thắc mắc của mọi người.

Khi liệt kê một số đề tài trong sách Trung Thành với Đức Tin, Giám Trợ Lund nói: “Phép Báp Têm, việc nhận được chức tư tế, sự trang nhã giản dị, sự tha thứ, sự hối cải—đều có trong đó.”

Như đã được nói đến trong phần giới thiệu, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn hy vọng rằng khi các tín hữu học hỏi và áp dụng các nguyên tắc phúc âm, thì họ sẽ sử dụng tài liệu này và tiếp tục củng cố đức tin của họ.

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nói rằng: “Khi học hỏi các lẽ thật phúc âm, các anh chị em sẽ gia tăng sự hiểu biết của mình về kế hoạch vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng. Với sự hiểu biết này làm nền tảng cho cuộc sống của mình, các anh chị em sẽ có thể có những chọn lựa khôn ngoan, sống hòa hợp theo ý muốn của Thượng Đế, và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Chứng ngôn của các anh chị em sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Các anh chị em sẽ vẫn luôn trung thành với đức tin.”