Cho Đến Khi Chúng Ta Gặp Lại Nhau
Mão Gai, Mão Chiến Thắng
Đối với tôi, mão gai đã trở thành một biểu tượng cho sự nhận thức của Đấng Cứu Rỗi về tất cả những nỗi đau thầm kín của chúng ta—và khả năng của Ngài để chữa lành những nỗi đau ấy.
Tháng Tám ở Đất Thánh. Xung quanh chúng tôi, cảnh đổ nát điêu tàn của Ca Bê Na Um tỏa ánh sáng lung linh trong cái nóng ban trưa. Thật là một nơi hấp dẫn để ở đó, nhưng trong một lúc với giọng nói đều đều của hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi lẫn tiếng kêu vo ve của một con ve sầu ở cạnh bên, tôi bắt đầu suy nghĩ lan man.
Bất ngờ, tôi chú ý khi hướng dẫn viên du lịch chỉ tay vào cái cây mà chúng tôi đang đứng dưới đó núp bóng và nói một cách tự nhiên: “Họ gọi cây đó là cây ‘mão gai’”. Tôi nhìn lên các cành cây đầy rậm lá. Những cái gai ở đâu? Tôi với tay rón rén kéo xuống một cành cây nhỏ gần hơn.
Nơi đó, ở giữa những chiếc lá mỏng manh, tôi thấy những cái gai. Những cái gai này mảnh khảnh và xanh tươi, vô cùng nhọn bén và dài bằng ngón tay cái của tôi, không thể nào thấy được cách đó một vài mét. Nhưng nếu có ai chạm vào một trong số các cành con rậm lá đó thì chắc chắn sẽ cảm thấy đau.
Tôi nghĩ tới nhiều bức tranh tôi đã thấy vẽ Đấng Cứu Rỗi đứng trước một phiên tòa đầy lời nhạo báng, mặc áo màu tím và đội mão làm bằng loại gai khô xoắn vào đầu. Tôi chợt nghĩ rằng một người nô lệ hoặc người lính được giao nhiệm vụ làm cái mão đó có thể muốn làm với những cành cây xanh tươi mềm mại giống như những cành của cái cây ở trên cao—chứ không phải với những cành cây khô giòn. Để gây ấn tượng mạnh hơn nữa, mục đích của cái mão không những gây ra đau đớn mà còn để trêu chọc và nhạo báng nữa.
Trong thế giới thời xưa, một cái mão rậm lá xanh tươi hoặc vòng hoa—thường là lá nguyệt quế thơm ngát—thường được tặng cho những người thắng cuộc thi và trận đấu. Vòng lá nguyệt quế tiêu biểu cho hình ảnh của vua và hoàng đế. Có lẽ cái mão gai độc ác đã ấn sâu vào trán của Đấng Cứu Rỗi thì rậm lá và xanh tươi theo một ý nghĩa nhạo báng đối với vinh dự thời xưa đó. Đó chỉ là giả thuyết thôi chứ không phải là vấn đề giáo lý. Nhưng đối với tôi, việc hình dung ra điều đó theo cách ấy làm nổi bật hẳn một khía cạnh trọng tâm của Sự Chuộc Tội: Đấng Cứu Rỗi nhận biết nỗi buồn phiền của chúng ta và Ngài có khả năng để chữa lành chúng ta.
Cái áo choàng khoác lên Ngài tượng trưng cho việc nhạo báng quyền hành của nhà vua. Nó che phủ các lằn roi và vết thương vì Ngài đã bị đánh bằng roi. Tương tự như vậy, cái mão gai rậm lá sẽ tượng trưng cho vòng hoa chiến thắng nhưng thật sự che giấu nỗi đau đớn do cái mão gai đó gây ra.
Vậy nên nhiều người chúng ta âm thầm mang lấy vết thương. Thánh ca dạy rằng “trong tâm hồn tĩnh lặng là nỗi đau khổ thầm kín không ai có thể thấy được” (“Lord, I Would Follow Thee,” Hymns, số 220). Nhưng Đấng Cứu Rỗi có thấy được. Ngài hiểu rõ nỗi thống khổ riêng của cá nhân. Toàn thể giáo vụ của Ngài được nhắm vào Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh. Tuy nhiên, những người được Ngài giảng dạy, ban phước và chữa lành đã không biết được. Ngay cả các môn đồ của Ngài cũng không biết.
Đấng Cứu Rỗi nhìn thấu nỗi đau khổ của chúng ta qua “tấm áo” và “mão gai” mà được giấu kín khỏi những người khác. Vì đã chịu đựng “mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ,” nên lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, và biết được cách giúp đỡ chúng ta khi chúng ta đặt gánh nặng của mình dưới chân Ngài (xin xem An Ma 7:11–12). Nhũ hương của Ngài có thể chữa lành ngay cả những vết thương sâu thẳm và thầm kín. Và cái mão mà Ngài đưa ra cho chúng ta thật sự là cái mão chiến thắng.