Rebecca Swain Williams: Bền Bỉ và Bất Di Bất Dịch
Mặc dù thái độ thù địch của gia đình mình đối với Giáo Hội, người cải đạo đầu tiên này vẫn luôn trung tín và tận tụy với công việc của Chúa.
Vào tháng Sáu năm 1834, một người mẹ trẻ bị cha của mình tước quyền thừa kế đã viết một lá thư dũng cảm và cảm động để chia sẻ lòng tin chắc của mình về Sự Phục Hồi. Mặc dù biết rằng rất khó cho bà để thay đổi suy nghĩ của cha mình, nhưng Rebecca Swain Williams vẫn đứng vững vàng bất chấp những hậu quả sắp xảy đến. Bà nói với cha mình là Isaac rằng Sách Mặc Môn và Giáo Hội là chân chính, như Tiên Tri Joseph Smith đã mô tả, và rằng bà đã nghe Ba Nhân Chứng “tuyên bố tại nơi họp công cộng rằng một Thiên Sứ Thánh đã từ trời hiện xuống và [mang đến] các bảng khắc và trải ra trước mắt họ.”1
Chứng ngôn của Rebecca cảm động không những chỉ vì quyền năng đã được cho thấy trong đó mà còn vì chứng ngôn không thể lay chuyển và ý chí bất khuất của bà. Bất chấp sự bác bỏ của cha bà và việc người chồng của bà, Frederick G. Williams, trở nên bất mãn với Giáo Hội trong một thời gian, Rebecca cũng không bao giờ để cho đức tin của mình bị nao núng. Đầy nhiệt tình và không nhượng bộ, Rebecca nêu gương cho chúng ta ngày nay về cách chúng ta có thể luôn vững chắc và bền bỉ khi đương đầu với những thử thách gay go nhất của cuộc sống, dù cho những người thân thiết nhất của chúng ta có thể bác bỏ đức tin của chúng ta và từ bỏ chúng ta.
Sự Cải Đạo vào Giáo Hội
Sinh ra ở Pennsylvania, Hoa Kỳ, vào năm 1798, Rebecca Swain là con út trong gia đình có 10 người con.2 Khi bà khoảng chín tuổi, gia đình của bà dọn đến Niagara, gần ranh giới Hoa Kỳ–Canada. Họ ở khá gần Fort Niagra đến nỗi họ có thể nghe được tiếng súng khi pháo đài đó bị tấn công trong Cuộc Chiến năm 1812. Mặc dù còn bé nhưng Rebecca đã cho thấy tính dũng cảm của mình. Có một lần, trong khi đi một mình xuyên qua khu rừng, bà đã đối mặt với một con gấu trên đường đi. Vì có cây dù che nắng trong tay, bà đã mở ra và đóng lại cây dù vài lần vào mặt con gấu và nó đã chạy đi.3
Khi Rebecca 17 tuổi, bà đã băng ngang Hồ Ontario để đi thăm chị của bà ở Detroit. Trong cuộc hành trình, bà gặp một viên hoa tiêu cao ráo có đôi mắt huyền tên là Frederick Granger Williams. Những lần gặp gỡ thường xuyên của họ nhanh chóng biến đổi tình cảm thành tình yêu, và hai người kết hôn với nhau vào cuối năm 1815. Gia đình Williams dọn nhà đi khắp nơi trong vùng Western Reserve rộng lớn của Ohio, Hoa Kỳ, trước khi cuối cùng định cư ở Kirtland khoảng năm 1828. Chồng của bà chọn hành nghề y khoa và trở nên khá nổi tiếng nhờ vào khả năng của ông, và Rebecca học cách giúp ông về những thủ tục. Họ có bốn người con với nhau.
Vào mùa thu năm 1830, những người truyền giáo Mặc Môn đầu tiên đến Kirtland. Rebecca thích thú lắng nghe họ và tham dự tất cả các buổi họp của những người truyền giáo; bà còn mang theo con cái của mình nữa. Frederick tham dự khi nào nghề y khoa của ông cho phép. Hai người thường nghiên cứu, thảo luận và học chung với nhau nhưng Frederick thì cam kết ít hơn. Trong khi đó, Rebecca trở nên tin chắc về lẽ trung thực của phúc âm.
Về sau một người viết tiểu sử gia đình đã mô tả Rebecca giống như Ê Va trong Vườn Ê Đen: bà là “người đầu tiên thấy được sự cần thiết” để tiếp nhận trọn vẹn giao ước phúc âm.4 Bà chịu phép báp têm vào tháng Mười năm 1830.
Frederick vẫn còn do dự. Đôi khi ông không muốn dính dáng với Giáo Hội nữa, nhưng cuối cùng ông không thể làm như vậy được vì ông cảm thấy bị quyển thánh thư mới và thiêng liêng đó kéo lại: Sách Mặc Môn. Khi Thánh Linh tác động ông, ông nhận biết lẽ trung thực của phúc âm và noi theo gương của Rebecca bằng cách chịu phép báp têm.
Sự Tận Tâm Phục Vụ
Khi Giáo Hội nhanh chóng trở thành trọng tâm cuộc sống của Frederick và Rebecca thì ảnh hưởng đối với gia đình họ được thấy ngay lập tức. Frederick được sắc phong anh cả ngay sau phép báp têm và lễ xác nhận của ông. Ngay ngày hôm sau, ông đã hăng hái chấp nhận công việc chỉ định phải ra đi trong vòng một vài tuần để phục vụ truyền giáo với Oliver Cowdery. Họ đoán trước là công việc truyền giáo này sẽ kéo dài ba tuần; trong thực tế, nó đã trở thành chuyến đi 10 tháng đến Missouri. Thời gian dài vắng nhà này của ông là lần đầu tiên trong nhiều lần như vậy đối với Rebecca. Vì các nỗ lực truyền giáo của Frederick và sự kêu gọi của ông trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, nên ông vắng nhà thường xuyên. Rebecca, giống như nhiều phụ nữ Mặc Môn ban đầu, trong nhiều năm tháng dài đã chăm sóc nhà cửa và nuôi dạy con cái mà không có sự giúp đỡ của chồng bà.
Bất chấp công việc đó, Rebecca tiếp tục trung tín và sẵn lòng phục vụ. Tiên Tri Joseph Smith và gia đình ông ở nhà của gia đình Williams trong một thời gian khi gia đình Smith mới dọn đến Kirtland. Rebecca chứng tỏ lòng trung thành với Vị Tiên Tri và gia đình của ông khi bà chăm sóc cho họ qua những lúc thử thách. Có lần đám đông khủng bố đến và bao vây căn nhà để tìm Joseph. Rebecca cải trang cho Joseph bằng cách đội mũ và mặc áo choàng của bà. Joseph đã có thể rời nhà và đi ngang đám đông đến nơi an toàn.
Vào tháng Ba năm 1832, Rebecca một lần nữa mang đến sự giúp đỡ vô giá cho Vị Tiên Tri khi đám đông xông vào nông trại của John Johnson ở Hiram, Ohio, và hành hung Joseph Smith và Sidney Rigdon một cách tàn bạo. Sau khi đánh bất tỉnh Sidney và cố gắng đổ thuốc độc xuống cuống họng của Joseph, đám đông trét nhựa đường và rắc lông gà lên người của Vị Tiên Tri. Khi Emma Smith thấy chồng mình, bà tưởng nhựa đường là máu và ngất đi.5 Rebecca và Frederick dành ra đêm đó gỡ nhựa đường khỏi thân thể đầy máu và tả tơi của Joseph cùng chăm sóc cho con cái của gia đình Smith. Sự giúp đỡ của họ rất hữu ích vì Joseph lấy lại được sức mạnh để thuyết giảng vào buổi sáng hôm sau.
Chia Sẻ Phúc Âm với Lòng Tin Chắc
Một trong những hy vọng lâu dài nhất của Rebecca là gia đình của bà, nhất là cha bà, sẽ chấp nhận phúc âm phục hồi và tiếp nhận các phước lành vui sướng của đức tin. Cũng giống như Lê Hi, Bà đã nếm được tình yêu thương của Thượng Đế và muốn chia sẻ tình yêu thương đó với những người thân thiết nhất của bà (xin xem 1 Nê Phi 8:12). Với ý định đó, Rebecca hăm hở viết thư cho gia đình mình về sự cải đạo và chứng ngôn của bà cùng niềm vui lớn lao bà cảm nhận được với tư cách là tín hữu của Giáo Hội.
Tuy nhiên, sự cải đạo của Rebecca đã làm cho cha của bà nổi cơn thịnh nộ. Trong thư hồi âm rất ngắn của mình, ông đã yêu cầu bà phải rời bỏ Giáo Hội. Nhưng Rebecca không hề day động. Như một sử gia của gia đình bà mô tả, bà trả lời rằng “bà còn kiên quyết hơn bao giờ hết trong sự tin chắc của bà về lẽ thật của các giáo lý Mặc Môn” và kèm theo chứng ngôn hùng hồn của bà.6 Bà buồn bã thấy rằng lá thư đó đã không mang đến kết quả như bà hy vọng. Cha của bà dọa từ bà và thề cắt đứt mọi liên lạc với bà nếu bà không rời bỏ Giáo Hội.
Tuy nhiên, Rebecca không nhượng bộ và tiếp tục nỗ lực của bà để chia sẻ phúc âm. Vào năm 1834, bà viết một lá thư khác—lá thư độc nhất hiện còn lại—cho cha của bà, tiết lộ chiều sâu của đức tin bà và nỗi đau đớn bà có khi ông từ chối không chấp nhận bất cứ điều gì của người Mặc Môn.
Cha của bà đã đọc các bài báo tấn công Giáo Hội, nhất là về Sách Mặc Môn và chứng ngôn của Ba Nhân Chứng, nên cố gắng khuyên can Rebecca về những bài báo này.
Bà viết “Con rất đau đớn khi nghe rằng tâm trí của cha lo âu rất nhiều về Sách Mặc Môn.” Bằng cách trích dẫn thánh thư từ Sách Mặc Môn và từ những điều mặc khải mới của Joseph Smith, Rebecca chia sẻ chứng ngôn của mình về Sách Mặc Môn. Bà cũng giải thích rằng quyển sách này tiên tri về việc chọn ra ba nhân chứng về sách này. Để chứng minh, bà trích dẫn lời của tiên tri Ê The thời xưa, là người đã nói rằng “qua miệng của ba nhân chứng” lẽ thật của sách này “sẽ được xác định” (Ê The 5:4).7
Rồi Rebecca mô tả cách bà đã đích thân thấy Ba Nhân Chứng—David Whitmer, Martin Harris, và Oliver Cowdery—và nghe họ làm chứng về việc đã thấy một thiên sứ và các bảng khắc bằng vàng. Sau khi bênh vực cho chứng ngôn và cá tính của họ, bà đã khẩn nài cha của bà tìm hiểu thêm công việc này. Vì bà đã viết cho cha của bà, nếu “cha mẹ biết được những hoàn cảnh như chúng con biết được về công việc này thì con tin chắc rằng cha mẹ sẽ tin.”8
Lặp lại lời hứa của Mô Rô Ni ở cuối Sách Mặc Môn, Rebecca khẩn nài gia đình của mình nên cầu vấn Thượng Đế xem Ngài có soi sáng tâm trí [của họ] trong đường lối của lẽ thật” không. Và rồi bà dự định gửi một người truyền giáo “có khả năng giảng dạy Phúc Âm như ở nơi Chúa Giê Su,” để giúp đỡ họ thêm.9 Cuối cùng cha của bà đã không muốn dính dáng gì nữa.
Ngay cả những lá thư của bà gửi cho anh trai của bà là John—là người mà Rebecca đặc biệt gần gũi—cũng bị gửi trả lại mà không hề được mở ra. Ở đằng sau một trong số các lá thư bị gửi trả lại, John viết: “Cha cấm anh không được đọc thư của em, hoặc viết cho em. Xin giã biệt và cầu xin Thượng Đế luôn luôn ban phước cho em. Anh của em, John.”10
Tuy nhiên, các nỗ lực truyền giáo của Rebecca đã thành công với người chị cả của bà là Sarah Swain Clark. Sarah gia nhập Giáo Hội ở Michigan vào năm 1832. Các con gái của Sarah cũng gia nhập Giáo Hội và sống trung tín trong suốt cuộc đời của họ.
Trung Tín đến Cùng
Mặc dù Rebecca cảm thấy đau lòng và đau đớn vì những sự lựa chọn của cha bà, nhưng bà vẫn yêu thương ông. Bà viết: “Lòng con thương tiếc cho mối quan hệ huyết thống của mình. … Con cầu nguyện rằng Chúa an ủi cha trong ngày cuối cùng của cha với Thánh Linh của Ngài và cầu xin đó là những ngày tốt nhất của cha. … Con hy vọng tâm trí của cha sẽ bình tĩnh lại với công việc này. Hãy yên trí rằng chúng con cảm thấy vững vàng trong chính nghĩa vì biết rằng Chúa ở cương vị chỉ huy.”11
Rebecca đã phải tranh đấu không những với sự không tin của cha bà mà còn với những vấn đề trong cam kết của chồng bà đối với đức tin. Trong thời gian 1837 và 1838, chồng của bà, Frederick, lúc bấy giờ là một thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, nhiều lần bất đồng ý kiến với các vị lãnh đạo khác trong Giáo Hội. Ông còn rời bỏ Giáo Hội trong một thời gian và bị khai trừ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, Frederick tự hạ mình, tái gia nhập Giáo Hội, và qua đời trong tình thân hữu trọn vẹn với Giáo Hội. Chúng ta không có điều ghi chép về cảm tưởng của Rebecca vào lúc đó, nhưng bà đã không hối tiếc lòng trung thành của mình với Các Thánh Hữu và luôn luôn một lòng cam kết.
Khi tin đồn về sự bất đồng ý kiến của Frederick đến tai cha của Rebecca ở New York, thì Isaac đã hy vọng rằng Rebecca cũng sẽ từ bỏ đức tin. Tuy nhiên, Rebecca gửi cho ông một lá thư cho thấy bà vẫn tiếp tục trung thành. Sau khi đọc thư trả lời của bà, Isaac từ từ lắc đầu và nói: “Không một lời hối cải.”12
Rebecca vẫn luôn luôn kiên quyết bênh vực Joseph Smith và Giáo Hội phục hồi. Và dù những hy sinh để chọn Giáo Hội hơn là cha mình, Rebecca vẫn tiếp tục kính trọng cha mình. Bà quý trọng điều mà cha của bà đã dạy cho bà, cũng như bà bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn đối với ông. Bà đã kết thúc lá thư của bà viết vào năm 1834 rằng bà sẽ “luôn luôn ghi nhớ lời chỉ dạy … tôi đã nhận được từ người Cha yêu dấu của mình.”13
Cha của Rebecca qua đời vào năm 1839. Chồng bà qua đời chỉ ba năm sau đó. Bất chấp những nỗi khó khăn đau đớn này, đức tin và lòng can đảm của Rebecca vẫn kiên trì chịu đựng. Khi Các Thánh Hữu đi về miền tây đến Utah, bà hành trình với gia đình của con trai bà và tự đánh lấy chiếc xe bò của riêng mình. Về sau, bà đảm nhiệm một nông trại ở Mill Creek. Khi Đại Thính Đường Salt Lake được hoàn thành và Các Thánh Hữu được yêu cầu tặng những gì mà họ có thể tặng được, bà đã biếu tặng một bộ muỗng bằng bạc dùng để làm khay bánh và nước cho bàn Tiệc Thánh. Và cuối cùng vào năm 1860, mặc dù bà đã già yếu, nhưng khi Chủ Tịch Brigham Young kêu gọi gia đình bà đến sinh sống nơi hẻo lánh Cache Valley, Utah, bà đã sẵn lòng dọn đi—một lần nữa tự mình đánh chiếc xe bò của riêng mình.
Rebecca qua đời ở Smithfield, Utah, vào ngày 25 tháng Chín năm 1861. Bà vẫn luôn luôn trung thành với niềm tin của bà, sự hiểu biết của bà về lẽ thật và điều bà đã kinh nghiệm được. Bà luôn luôn “vững vàng và cương quyết” đến cùng (Mô Si A 5:15).