Đấng Trung Gian Chúa Giê Su Ky Tô
Từ “Đấng Trung Gian,” Ensign, tháng Năm năm 1977, 54–56.
Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Trung Gian của chúng ta, trả cái giá mà chúng ta không thể trả để chúng ta có thể trở lại sống với Cha Thiên Thượng.
“Tôi xin kể cho các anh chị em nghe một câu chuyện—một chuyện ngụ ngôn.
Có một người nọ rất muốn một thứ gì đó. Dường như thứ đó quan trọng hơn bất cứ thứ nào khác trong cuộc sống của người ấy. Để đạt được mong muốn của mình, người ấy đã chịu mắc một món nợ lớn.
Người ấy đã được cảnh cáo về việc lâm vào cảnh nợ nần nhiều như thế, và nhất là về người chủ nợ của mình. Nhưng dường như điều quan trọng đối với người ấy là đạt được những gì mình muốn và có được những gì mình muốn có ngay bây giờ. Người ấy tin chắc là có thể trả được món nợ đó sau này.
Vậy nên, người ấy ký vào bản hợp đồng. Người ấy sẽ trả dần dần cho hết món nợ một thời gian sau. Người ấy không lo lắng quá về món nợ, bởi vì hạn kỳ phải trả dường như còn quá xa. Người ấy hiện có những gì mình muốn và điều đó mới là quan trọng.
Người chủ nợ vẫn lởn vởn trong tâm trí người ấy, và thỉnh thoảng người ấy cũng trả một vài số tiền [nhỏ], và nghĩ rằng vì một lý do nào đó ngày thanh toán món nợ [cái ngày mà người ấy phải trả lại tất cả số tiền] sẽ không thực sự đến.
Công Bằng hoặc Lòng Thương Xót?
Nhưng sự thật thì luôn như thế, ngày ấy đã đến, và hợp đồng đã hết hạn. Món nợ không được trả đủ. Người chủ nợ của người ấy xuất hiện và đòi trả đủ món nợ.
Chỉ đến lúc đó người ấy mới nhận thức được rằng người chủ nợ của mình không những có quyền để lấy lại tất cả những gì mà mình có, mà còn có quyền đem bỏ tù mình nữa.
Người ấy thú nhận: “Tôi không thể trả cho ông được, vì tôi không có khả năng để trả.”
Người chủ nợ nói: “Vậy thì, chúng tôi sẽ lấy hết tài sản của anh và anh sẽ đi tù. Anh đã đồng ý về điều đó. Đó là sự chọn lựa của anh. Anh đã ký vào bản hợp đồng, và bây giờ thì hợp đồng đó phải được thi hành.”
Người mắc nợ van xin: “Ông không thể gia hạn hay tha nợ được sao? Bằng cách nào đó xin thu xếp cho tôi để tôi được giữ những thứ tôi có và không phải đi tù. Chắc hẳn ông tin ở lòng thương xót chứ? Ông không tỏ lòng thương xót được sao?”
Người chủ nợ đáp: “Lòng thương xót luôn luôn chỉ có một chiều. Nó chỉ phục vụ một mình anh. Nếu tôi tỏ lòng thương xót đối với anh, thì tôi không được trả nợ. Sự công bằng là điều tôi đòi hỏi. Anh có tin vào sự công bằng không?’
Người mắc nợ nói: “Tôi tin vào sự công bằng khi tôi ký vào bản hợp đồng. Lúc bấy giờ, sự công bằng đứng về phía tôi, bởi vì tôi nghĩ nó sẽ bảo vệ cho tôi. Lúc bấy giờ, tôi không cần lòng thương xót, cũng như nghĩ rằng tôi chẳng cần đến nó bao giờ.”
Người chủ nợ đáp: “Chính sự công bằng đòi hỏi anh phải trả theo bản hợp đồng hoặc nhận chịu hình phạt. Đó là luật lệ. Anh đã đồng ý như thế và sự việc phải như vậy. Lòng thương xót không thể tước đoạt sự công bằng.”
Cứ như thế: Một người đòi phải thực hiện sự công bằng, người kia thì van xin lòng thương xót. Không một người nào có thể thắng trừ phi người kia phải bị thua thiệt.
Người mắc nợ khẩn nài: “Nếu ông không tha món nợ thì sẽ không có lòng thương xót,
Câu trả lời là: “Nếu tôi tha món nợ, thì sẽ không có sự công bằng,
Dường như không thể nào thỏa mãn cả hai luật lệ đó được. Đó là hai lý tưởng vĩnh cửu mà dường như tương phản với nhau. Không có cách nào để sự công bằng và lòng thương xót cùng được thỏa mãn một cách trọn vẹn sao?
Có một cách! Luật công bằng có thể được thỏa mãn một cách hoàn toàn và lòng thương xót có thể được dành cho một cách trọn vẹn—nhưng cần phải có một người nào khác. Và vì vậy lần này điều đó đã xảy ra.
Đấng Trung Gian của Người Ấy
Người mắc nợ có một người bạn. Người bạn ấy đến giúp. Người bạn biết rõ người mắc nợ. Người bạn nghĩ người mắc nợ quá dại dột để cho mình lâm vào một tình huống khó khăn như vậy. Tuy nhiên, người bạn này muốn giúp đỡ bởi vì yêu mến người mắc nợ. Người bạn này bước ra đứng giữa hai người, đối diện với người chủ nợ và đưa ra lời đề nghị này: “Tôi sẽ trả món nợ nếu ông chịu để cho người mắc nợ ra khỏi bản hợp đồng của anh ấy để anh ấy có thể giữ của cải của mình và không phải vào tù.
Trong khi người chủ nợ đang suy ngẫm về lời đề nghị, thì người đứng làm trung gian nói thêm: “Ông đòi hỏi sự công bằng. Mặc dù anh ấy không thể trả nợ cho ông, nhưng tôi sẽ trả thế. Ông sẽ được đối xử công bằng và không thể đòi hỏi hơn được. Đòi hỏi hơn nữa là không công bằng.”
Và như thế thì người chủ nợ đồng ý.
Người đứng làm trung gian bèn quay sang người mắc nợ. “Nếu tôi trả nợ cho anh, anh có chịu chấp nhận tôi làm người chủ nợ của anh không?
“Người mắc nợ kêu lên: ‘Ồ, có, có chứ. Anh đã cứu tôi khỏi tù tội và tỏ lòng thương xót.”
“‘Ân nhân [người giúp đỡ] nói: ‘Vậy thì, anh sẽ trả món nợ đó cho tôi và tôi sẽ đặt ra các điều kiện. Các điều kiện sẽ không dễ dàng, nhưng có thể thi hành được. Tôi sẽ đưa ra một cách. Anh không phải vào tù.”
Và như vậy người chủ nợ được trả đầy đủ. Ông đã được đối xử công bằng. Không một hợp đồng nào bị vi phạm. Đổi lại, người mắc nợ đã được dành cho lòng thương xót. Cả hai luật lệ đã được giải quyết một cách trọn vẹn. Nhờ có một người đứng làm trung gian, sự công bằng đã được làm tròn và lòng thương xót đã được thỏa mãn.
Đấng Trung Gian của Chúng Ta
Mỗi chúng ta sống trên một loại tín dụng thuộc linh, một món nợ. Vào một ngày nào đó, tài khoản này sẽ bị đóng lại, đòi hỏi nợ nần phải được thanh toán. Bây giờ, cho dù chúng ta có thể xem thường điều đó, nhưng khi ngày đó đến và sự tịch thu tài sản để thế nợ xảy ra [gần đến], thì chúng ta sẽ nhìn quanh trong nỗi thống khổ bồn chồn để tìm một người nào đó, bất cứ ai, để giúp đỡ chúng ta.
Và qua luật pháp vĩnh cửu, lòng thương xót không thể được ban cho trừ phi có một người sẵn lòng lẫn có khả năng gánh lấy nợ của chúng ta và trả cái giá cùng sắp xếp các điều kiện để chuộc chúng ta.
Trừ phi có một người trung gian, trừ phi chúng ta có một người bạn, nếu không gánh nặng trọn vẹn của sự công bằng phải đổ lên chúng ta. Việc đền trả trọn vẹn cho mỗi sự phạm giới, cho dù nhỏ nhặt hay nặng nề đến đâu, cũng sẽ bị đòi hỏi từ chúng ta đến mức tối đa.
Nhưng hãy biết điều này: Lẽ thật, lẽ thật vinh quang, tuyên bố rằng có một Đấng Trung Gian như vậy. “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giê Su Ky Tô, là người” (1 Ti Mô Thê 2:5). Qua Ngài, lòng thương xót có thể được trọn vẹn ban cho mỗi người chúng ta mà không vi phạm luật công bằng vĩnh cửu.
Lòng thương xót sẽ không tự động được ban cho. Lòng thương xót sẽ được ban cho nhờ vào giao ước với Ngài. Lòng thương xót đó sẽ theo các điều kiện của Ngài, các điều kiện khoan hồng, mà gồm có, với tính cách là một điều thiết yếu tuyệt đối, phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi.
Tất cả nhân loại đều có thể được bảo vệ bởi luật công bằng, và ngay tức khắc mỗi người chúng ta có thể nhận được phước lành cứu chuộc và chữa lành của lòng thương xót.