Luôn Tưởng Nhớ tới Ngài
Từ một bài nói chuyện tại trường Brigham Young University–Idaho vào ngày 27 tháng Giêng năm 2009. Để nghe bài nói chuyện này bằng tiếng Anh, xin vào web.byui.edu/devotionalsandspeeches/default.aspx.
Khi chúng ta luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể “hân hoan làm tất cả mọi điều nằm trong khả năng của mình,” tin chắc rằng quyền năng và tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta sẽ giúp chúng ta thành công.
Những lời cầu nguyện Tiệc Thánh xác nhận rằng một trong các mục đích chính của Tiệc Thánh do Chúa Giê Su Ky Tô lập ra là chúng ta có thể “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài” (GLGƯ 20:77, 79). Việc tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi hiển nhiên gồm có việc tưởng nhớ đến Sự Chuộc Tội của Ngài, mà điều này được tượng trưng bởi bánh và nước là biểu tượng cho nỗi đau khổ và cái chết của Ngài. Chúng ta đừng bao giờ quên điều Ngài đã làm cho chúng ta, vì nếu không có Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài, cuộc sống sẽ không có ý nghĩa. Tuy nhiên, với Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh, cuộc sống của chúng ta có thể được vĩnh cửu và thiêng liêng.
Tôi muốn nói thêm về ba khía cạnh của ý nghĩa về việc “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài”: trước hết, tìm cách biết và tuân theo ý muốn của Ngài; thứ nhì, nhận biết và chấp nhận bổn phận của chúng ta để chịu trách nhiệm với Đấng Ky Tô về mọi ý nghĩ, lời nói, và hành động; và thứ ba, sống với đức tin và không sợ hãi để chúng ta có thể luôn luôn trông cậy vào Đấng Cứu Rỗi nhằm có được sự giúp đỡ mà chúng ta cần.
1. Tìm cách biết và tuân theo ý muốn của Đấng Ky Tô giống như Ngài đã tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Cha.
Việc ban phước với bánh của Tiệc Thánh làm cho chúng ta sẵn lòng mang lấy danh của Vị Nam Tử “và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho [chúng ta]” (GLGƯ 20:77). Cũng sẽ thích hợp để đọc giao ước này là “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài để tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.” Đây là cách mà Ngài luôn luôn tưởng nhớ đến Đức Chúa Cha. Như Ngài phán: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì; ta xét đoán theo điều ta nghe, và sự xét đoán ta là công bình, vì ta chẳng tìm ý muốn của ta, nhưng tìm ý muốn của Đấng đã sai ta” (Giăng 5:30).
Chúa Giê Su đã đạt được tình đoàn kết trọn vẹn với Đức Chúa Cha bằng cách chịu phục tùng, cả thể xác lẫn linh hồn, theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Khi nhắc đến Cha Ngài, Chúa Giê Su phán: “Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:29). Vì là ý muốn của Đức Chúa Cha, nên Chúa Giê Su chịu trải qua ngay cả cái chết, “ý muốn của Đức Chúa Con lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha” (Mô Si A 15:7) Sự tập trung của Ngài vào Đức Chúa Cha là một trong các lý do chính mà giáo vụ của Chúa Giê Su có được sự trong sáng và quyền năng như vậy.
Cùng một cách thức đó, các anh chị em và tôi có thể đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm cuộc sống của mình và trở nên hiệp một với Ngài như Ngài hiệp một với Đức Chúa Cha (xin xem Giăng 17:20–23). Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách loại bỏ mọi điều ra khỏi cuộc sống của mình và rồi xây dựng lại cuộc sống của mình theo thứ tự ưu tiên mà Đấng Cứu Rỗi là trọng tâm. Chúng ta cần phải đặt lên trước những điều mà làm cho chúng ta có thể luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài—thường xuyên cầu nguyện và nghiên cứu thánh thư, nghiêm túc học hỏi những lời giảng dạy của các sứ đồ, chuẩn bị hằng tuần dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, thờ phượng trong ngày Chúa Nhật, cũng như ghi chép cùng ghi nhớ điều mà Thánh Linh và kinh nghiệm dạy chúng ta về vai trò môn đồ.
Những điều khác có thể đến với tâm trí của các anh chị em và đặc biệt phù hợp với cá nhân của các anh chị em vào thời điểm này trong cuộc sống của các anh chị em. Một khi chúng ta dành ra thời giờ và phương tiện thích hợp cho những vấn đề này để tập trung cuộc sống của mình vào Đấng Ky Tô, thì chúng ta có thể bắt đầu thêm vào những trách nhiệm và những điều giá trị khác, như học vấn và các trách nhiệm gia đình. Bằng cách này, điều thiết yếu sẽ không bị loại bỏ khỏi cuộc sống của chúng ta bởi điều chỉ tốt lành nhưng không thiết yếu, và những điều ít giá trị hơn sẽ có ưu tiên thấp hơn hoặc hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống chúng ta.
Tôi nhìn nhận rằng việc đặt ý muốn của chúng ta theo ý muốn của Chúa Giê Su Ky Tô cũng như Ngài đặt ý muốn của Ngài theo ý muốn của Đức Chúa Cha là một điều không dễ thực hiện. Chủ Tịch Brigham Young (1801–77) đã thông cảm khi nói về thử thách của chúng ta:
“Sau khi mọi điều đã được nói và làm xong rồi, sau khi Ngài đã dẫn dắt dân này lâu như vậy, thì các anh chị em không thấy là có một sự thiếu tin tưởng nơi Thượng Đế của chúng ta sao? Các anh chị em có thể thấy được điều đó nơi bản thân mình không? Các anh chị em có thể hỏi: ‘Thưa [Anh] Brigham, anh có thấy điều đó nơi bản thân mình không’ có chứ, tôi có thể thấy rằng tôi còn thiếu niềm tin, ở một mức độ nào đó, nơi Đấng tôi tin cậy. —Tại sao? Vì tôi không có quyền năng, vì hậu quả của sự sa ngã ảnh hưởng đến tôi. …
“… Đôi khi, một điều gì đó dâng lên trong lòng tôi, vạch ra khá rõ ràng một đường ranh giữa mối quan tâm của tôi với mối quan tâm của Cha trên trời; một điều gì đó mà làm cho mối quan tâm của tôi và mối quan tâm của Cha trên trời không chính xác thành một.
“Tôi biết rằng chúng ta cần phải cảm nhận và hiểu càng nhiều càng tốt, tới chừng mực mà tính chất sa ngã của con người chịu để cho chúng ta cảm nhận và hiểu, tới chừng mực mà chúng ta có thể nhận được đức tin và sự hiểu biết để tự hiểu, thì mối quan tâm của Thượng Đế là Đấng mà chúng ta phục vụ sẽ là mối quan tâm của chúng ta, và chúng ta sẽ không có một mối quan tâm nào khác, trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu.”1
Mặc dù điều đó có thể không dễ dàng, nhưng chúng ta có thể tiến tới một cách kiên định với đức tin nơi Chúa. Tôi có thể làm chứng rằng với thời gian, ước muốn và khả năng của chúng ta để luôn luôn tưởng nhớ và tuân theo Đấng Cứu Rỗi rồi sẽ gia tăng. Chúng ta cần phải nhẫn nại cố gắng hướng đến mục tiêu đó và luôn luôn cầu nguyện để nhận thức và có được sự giúp đỡ thiêng liêng mà mình cần. Nê Phi đã dạy: “Tôi nói cho các người hay rằng các người phải cầu nguyện luôn luôn, và đừng chán nản; đừng bao giờ làm bất cứ một công việc gì trong Chúa trừ phi trước nhất các người phải cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong danh Đấng Ky Tô, để Ngài sẽ thánh hóa việc làm của các người cho chính các người, ngõ hầu việc làm của các người có thể giúp ích cho sự an lạc của tâm hồn các người” (2 Nê Phi 32:9).
Tôi chứng kiến một tấm gương giản dị về loại cầu nguyện này khi Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và tôi được chỉ định thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp qua video với một cặp vợ chồng ở trong một quốc gia khác. Ngay trước khi đi vào phòng quay video, tôi đã duyệt lại một lần nữa chi tiết chúng tôi đã thu thập về cặp vợ chồng đó và tôi cảm thấy là mình đã sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn. Một vài phút trước khi đến giờ đã định, tôi thấy Anh Cả Oaks ngồi một mình với đầu cúi xuống. Trong một lát sau, ông ngẩng đầu lên và nói: “Tôi mới vừa cầu nguyện để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn này. Chúng ta sẽ cần ân tứ của sự nhận thức.” Ông đã không xao lãng phần chuẩn bị quan trọng nhất, một lời cầu nguyện để dâng việc làm của chúng tôi cho lợi ích của chúng tôi và vinh quang của Chúa.
2. Chuẩn bị để chịu trách nhiệm với Đấng Ky Tô về mọi ý nghĩ, lời nói và hành động.
Thánh thư nói rõ rằng sẽ có một ngày phán xét trọng đại khi Chúa sẽ đứng phán xét các dân tộc (xin xem 3 Nê Phi 27:16) và khi mà mọi đầu gối sẽ quỳ xuống và mọi lưỡi sẽ phải thú nhận rằng Ngài là Đấng Ky Tô (xin xem Rô Ma 14:11; Mô Si A 27:31; GLGƯ 76:110). Tính chất riêng tư và phạm vi của sự phán xét đó đã được An Ma mô tả trong Sách Mặc Môn:
“Vì lời nói của chúng ta sẽ kết tội chúng ta, phải, tất cả những việc làm của chúng ta sẽ kết tội chúng ta; chúng ta sẽ không được xem như là không tì vết; và tư tưởng của chúng ta cũng sẽ kết tội chúng ta; và trong trạng thái đáng sợ này, chúng ta sẽ không dám ngước mặt lên nhìn Thượng Đế của mình; mà chúng ta sẽ vui mừng nếu chúng ta có thể khiến cho đá và núi đổ lên chúng ta để che giấu chúng ta khỏi sự hiện diện của Ngài.
“Nhưng điều này không thể có được; chúng ta vẫn phải bước ra đứng trước mặt Ngài, trong sự vinh quang, quyền năng, mãnh lực, vẻ uy nghiêm, và quyền thống trị của Ngài; và chúng ta phải thừa nhận trong sự hổ thẹn vĩnh viễn của chúng ta rằng, tất cả sự phán xét của Ngài đều công bình; Ngài công bình trong mọi việc làm của Ngài, và Ngài rất thương xót con cái loài người, Ngài có đủ quyền năng để cứu vớt những ai tin nơi danh Ngài và đem lại thành quả xứng đáng đối với sự hối cải” (An Ma 2:14–15).
Khi Đấng Cứu Rỗi định rõ phúc âm của Ngài thì sự phán xét này là trọng tâm của phúc âm đó. Ngài phán:
“Này ta đã ban phúc âm của ta cho các ngươi, và đây là phúc âm mà ta đã ban cho các ngươi—rằng ta đến thế gian để thực hiện ý muốn của Cha ta, và Cha ta đã sai ta đến.
“Và Cha ta sai ta đến để ta bị treo trên thập tự giá; và sau khi ta đã bị treo trên thập tự giá, để ta có thể thu hút tất cả mọi người đến cùng ta, ngõ hầu cho một khi ta đã bị loài người nhấc lên như thể nào thì loài người cũng sẽ được Đức Chúa Cha nhấc lên thể ấy, để họ đứng trước mặt ta và chịu sự phán xét qua những việc làm của mình, dù đó là việc thiện hay việc ác—
“Và cũng chính vì lý do đó mà ta đã bị treo lên; vậy nên, nhờ quyền năng của Đức Chúa Cha, ta sẽ thu hút tất cả mọi người đến cùng ta, để họ được phán xét theo những việc làm của mình” (3 Nê Phi 27:13–15).
Dĩ nhiên việc “bị treo lên thập tự giá” là một cách để biểu tượng cho Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mà qua đó Ngài đã đáp ứng những đòi hỏi mà công lý có thể có đối với mỗi người chúng ta. Nói cách khác, qua nỗi đau khổ và cái chết của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên Đồi Sọ, Ngài đã trả trọn điều mà công lý có thể đòi hỏi nơi chúng ta vì tội lỗi của chúng ta. Do đó, Ngài đứng trong vị thế của công lý và là hiện thân của công lý. Giống như Thượng Đế là tình yêu thương, thì Thượng Đế cũng là công lý. Những món nợ và bổn phận của chúng ta giờ đây thuộc về Chúa Giê Su Ky Tô. Do đó, Ngài có quyền để phán xét chúng ta.
Ngài nói rõ rằng sự phán xét đó dựa vào những việc làm của chúng ta. “Tin lành” đặc biệt của phúc âm Ngài là Ngài ban cho ân tứ của sự tha thứ tùy thuộc vào sự hối cải của chúng ta. Do đó, nếu những việc làm của chúng ta gồm có việc hối cải, thì Ngài tha thứ các tội lỗi và lỗi lầm của chúng ta. Nếu chúng ta khước từ ân tứ của sự tha thứ, từ chối không hối cải, thì những hình phạt của công lý mà Ngài là hiện thân sẽ được áp đặt lên chúng ta để gánh chịu. Ngài phán: “Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải; nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy” (GLGƯ 19:16–17).
Do đó, việc luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài có nghĩa là chúng ta luôn luôn nhớ rằng không có điều gì được che đậy đối với Ngài. Không có phần nào trong cuộc sống của chúng ta, cho dù đó là hành động, lời nói hoặc ngay cả ý nghĩ mà có thể che giấu đối với sự hiểu biết của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Không có sự gian lận nào trong bài thi, không có trường hợp ăn cắp nào trong chợ, không có ý nghĩ dâm dật hoặc đam mê nào, và không có sự dối trá nào không được nhận thấy, bỏ qua, che đậy hoặc quên đi cả. Bất cứ điều gì chúng ta “trốn thoát được” trong cuộc sống hoặc xoay sở để che giấu khỏi những người khác thì chúng ta vẫn phải đối diện với cái ngày không tránh được mà sẽ đến để chúng ta được nhấc lên đứng trước Chúa Giê Su Ky Tô, Thượng Đế của công lý trong sạch và toàn hảo.
Sự thực này đã giúp bắt buộc tôi trong nhiều lần khác nhau phải hối cải hoặc tránh phạm tội hoàn toàn. Có lần khi bán một căn nhà, trong văn kiện bán nhà có một điều sai sót và tôi đã đạt được vị thế có quyền nhận nhiều tiền hơn từ người mua một cách hợp pháp. Người đại diện buôn bán bất động sản hỏi tôi có muốn giữ số tiền đó không vì đó là quyền của tôi để làm như vậy. Tôi nghĩ đến việc gặp Chúa, hiện thân của công lý, và cố gắng giải thích rằng tôi có quyền hợp pháp để lợi dụng người mua và sai sót của người ấy. Tôi không thể thấy mình có nhiều sức thuyết phục lắm, nhất là vì tôi có lẽ sẽ đồng thời cầu xin lòng thương xót cho bản thân mình. Tôi biết không thể sống yên ổn với bản thân mình nếu tôi nhục nhã giữ số tiền đó lại. Tôi trả lời người đại diện buôn bán bất động sản rằng chúng tôi giữ nguyên giao kèo mua bán theo như chúng tôi đều hiểu như vậy từ đầu. Điều đó đáng giá rất nhiều đối với tôi hơn là bất cứ số tiền nào để biết rằng tôi không cần phải hối cải về bất cứ điều gì trong việc giao dịch mua bán đó.
Khi còn niên thiếu, có lần tôi đã lơ đãng đến nỗi đã gây ra một thương tích nhỏ cho một người em trai của tôi. Tôi đã không thú nhận sự rồ dại của mình vào lúc đó và không một ai biết về vai trò của tôi trong chuyện đó. Nhiều năm về sau, tôi cầu nguyện rằng Thượng Đế sẽ mặc khải cho tôi biết bất cứ điều gì cần được sửa đổi trong cuộc sống của tôi để tôi có thể được chấp nhận nhiều hơn trước mặt Ngài, và việc này đã đến với tâm trí của tôi. Tôi đã quên việc này rồi, nhưng Thánh Linh mách bảo rằng đây là một sự phạm giới chưa được giải quyết nên tôi cần phải thú nhận. Tôi gọi điện thoại cho em trai tôi, xin lỗi và xin em tôi tha thứ cho tôi, em tôi nhanh chóng và rộng lòng tha thứ cho tôi. Có lẽ tôi đã cảm thấy ít bối rối và ân hận hơn nếu tôi đã nói xin lỗi khi tai nạn đó xảy ra.
Thật là thú vị và quan trọng đối với tôi là Chúa đã không quên rằng sự kiện đó đã xảy ra từ lâu mặc dù tôi đã quên rồi. Tội lỗi không tự nó giải quyết hoặc hoàn toàn biến mất. Tội lỗi không tự nó che đậy trong thời vĩnh cửu. Tội lỗi phải được giải quyết và điều kỳ diệu là nhờ vào ân điển chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi, tội lỗi có thể được giải quyết một cách vui vẻ và ít đau đớn hơn là tự mình trực tiếp đáp ứng những đòi hỏi của công lý.
Chúng ta cũng cần phải cảm thấy khích lệ khi nghĩ về một sự phán xét mà không có một điều gì bị bỏ sót vì điều này có nghĩa rằng không có một cử chỉ vâng lời nào, không có một lòng nhân từ và hành động tốt nào cho dù nhỏ nhặt đến đâu cũng bị quên đi và không có phước lành tương ứng nào bị giữ lại.
3. Chớ sợ hãi và hãy hướng về Đấng Cứu Rỗi để được giúp đỡ.
Trong thời kỳ Phục Hồi còn phôi thai, Chúa Giê Su đã khuyên dạy và an ủi Joseph Smith và Oliver Cowdery, là hai người đang làm công việc phiên dịch Sách Mặc Môn và chẳng bao lâu sẽ được truyền giao cho chức tư tế. Joseph được 23 tuổi vào lúc đó, và Oliver được 22 tuổi. Sự ngược đãi và những trở ngại khác đã xảy ra thường xuyên nếu không muốn nói là liên tục. Trong tình trạng này, vào tháng Tư năm 1829, Chúa đã phán những lời này cùng họ:
“Vậy thì, chớ sợ hãi, hỡi đàn chiên nhỏ bé; hãy làm điều tốt; hãy để mặc cho thế gian và ngục giới cấu kết với nhau chống lại mình, vì một khi các ngươi đã xây dựng trên đá của ta thì chúng không thể nào thắng thế được.
“Này, ta không kết tội các ngươi; hãy theo những con đường của mình và đừng phạm tội nữa; hãy nghiêm chỉnh thi hành công việc mà ta đã truyền lệnh cho các ngươi.
“Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.
“Hãy nhìn xem những vết thương xuyên thủng sườn ta và những dấu đinh đóng trên tay và chân ta; hãy trung thành, hãy tuân giữ các giáo lệnh của ta, rồi các ngươi sẽ được thừa hưởng vương quốc thiên thượng. A Men” (GLGƯ 6:34–37).
Dĩ nhiên, việc hướng về Đấng Cứu Rỗi trong mọi ý nghĩ là một cách nói khác của việc “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài.” Khi làm như vậy, chúng ta không cần phải nghi ngờ hay sợ hãi. Đấng Cứu Rỗi đã nhắc nhở Joseph và Oliver cũng như Ngài nhắc nhở chúng ta rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, Ngài đã được ban cho tất cả quyền năng ở trên trời và dưới đất (xin xem Ma Thi Ơ 28:18) và có khả năng lẫn ý muốn để bảo vệ chúng ta và phục sự cho nhu cầu của chúng ta. Chúng ta chỉ cần trung tín và có thể hoàn toàn tin cậy vào Ngài.
Trước khi điều mặc khải đầy an ủi này ban cho Joseph và Oliver, Vị Tiên Tri chịu đựng một kinh nghiệm đắng cay, đau đớn mà đã dạy cho ông biết hướng về Đấng Cứu Rỗi và không sợ hãi những ý kiến, áp lực và đe dọa của con người.
Vào tháng Sáu năm 1828, Joseph cho phép Martin Harris lấy 116 trang đầu tiên của bản thảo Sách Mặc Môn từ Harmony, Pennsylvania, để cho những người trong gia đình của ông ở Palmyra, New York thấy. Sau khi Martin không trở lại như đã hứa, Joseph lòng đầy lo âu đã mướn một chiếc xe ngựa đến nhà của cha mẹ ông ở Manchester Township, New York. Vị Tiên Tri lập tức cho mời Martin đến. Khi Martin đến, ông thú nhận đã không có bản thảo đó hoặc không biết bản thảo đó ở đâu.
Giô Sép kêu lên: “Ôi! Thượng Đế của tôi, Thượng Đế của tôi. … Tất cả đã mất hết, mất hết rồi. Tôi phải làm sao đây? Tôi đã phạm tội. Chính tôi đã khơi dậy cơn thịnh nộ của Thượng Đế bằng cách cầu xin Ngài điều mà tôi không có quyền cầu xin. … Tôi không xứng đáng với sự quở trách của vị thiên sứ của Đấng Chí Cao.”
Ngày hôm sau, Vị Tiên Tri trở về Harmony. Khi đến đó, ông nói: “Tôi bắt đầu tự hạ mình trong lời cầu nguyện khẩn thiết trước Chúa … để nếu được, tôi có thể nhận được lòng thương xót từ bàn tay của Ngài và được tha thứ về tất cả những gì tôi đã làm trái với ý muốn của Ngài.”2
Sau khi quở trách Joseph vì ông đã sợ con người hơn là sợ Thượng Đế, Chúa phán bảo cùng ông:
“Này, ngươi là Joseph, và ngươi được chọn làm công việc của Chúa, nhưng vì sự phạm giới và nếu ngươi không lưu ý thì ngươi sẽ sa ngã.
“Nhưng hãy ghi nhớ rằng, Thượng Đế đầy lòng thương xót; vậy hãy hối cải điều ngươi đã làm trái với giáo lệnh ta đã ban cho ngươi, thì ngươi vẫn được chọn và được kêu gọi lần nữa để làm công việc này” (GLGƯ 3:9–10).
“Có một thời gian, Chúa đã lấy lại U Rim và Thu Mim và các bảng khắc từ Joseph. Nhưng rồi chẳng bao lâu thì những vật này đã được trao lại cho ông. Vị Tiên Tri thuật lại: ‘Vị thiên sứ rất hân hoan khi đưa lại cho tôi U Rim và Thu Mim, và nói rằng Thượng Đế đã hài lòng với sự trung tín và khiêm nhường của tôi, và yêu thương tôi vì sự hối cải và chuyên cần của tôi trong sự cầu nguyện, mà trong đó tôi đã thi hành bổn phận của mình rất giỏi … đến nỗi có thể bắt đầu công việc phiên dịch trở lại.’ Khi Joseph tiến hành công việc vĩ đại trước mắt ông, giờ đây, ông đã được củng cố bởi cảm nghĩ tuyệt vời của việc nhận được sự tha thứ của Chúa và một quyết tâm mới mẻ để làm theo ý muốn của Ngài.”3
Quyết tâm của Vị Tiên Tri để trông cậy vào Thượng Đế và không sợ điều mà loài người có thể làm để trở nên vững chắc sau kinh nghiệm này. Cuộc sống của ông về sau là một tấm gương sáng về ý nghĩa của việc tưởng nhớ tới Đấng Ky Tô bằng cách trông cậy vào quyền năng và lòng thương xót của Ngài. Joseph bày tỏ sự hiểu biết này trong thời gian bị tống giam đầy khó khăn và thử thách tại Liberty, Missouri, qua những lời này:
“Các anh em có biết không, trong cơn dông tố, một chiếc tàu lớn cần được giúp đỡ rất nhiều của người lái thật nhỏ bé để giữ cho nó được vững trên sóng gió.
“Vậy nên, hỡi các anh em thân mến, chúng ta hãy vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của chúng ta; và rồi chúng ta có thể đứng yên, với một sự an tâm lớn lao nhất, để nhìn thấy sự cứu rỗi của Thượng Đế, và thấy cánh tay Ngài được để lộ ra” (GLGƯ 123:16–17).
Nói tóm lại, việc “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài” có nghĩa là chúng ta không sống trong sợ hãi. Chúng ta biết rằng những thử thách, nỗi thất vọng và buồn phiền sẽ đến với mỗi người trong những cách khác nhau, nhưng chúng ta cũng biết rằng cuối cùng, nhờ vào Đấng Biện Hộ thiêng liêng, tất cả mọi việc đều có thể được hiệp lại làm cho lợi ích của chúng ta (xin xem GLGƯ 90:24; 98:3). Chính là đức tin đã được Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) bày tỏ một cách thật giản dị khi ông nói: “Rồi mọi việc sẽ được ổn thỏa.”4 Khi luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta có thể “hân hoan làm mọi việc nằm trong khả năng của mình,” tin tưởng rằng quyền năng và tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta sẽ giúp đỡ chúng ta.
Cầu xin cho chúng ta luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài—“để [chúng ta] có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta]” (GLGƯ 20:77). Tôi làm chứng về quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng về sự xác thực của Chúa hằng sống, phục sinh. Tôi làm chứng về tình yêu thương bao la của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, đối với từng người chúng ta, và tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ sống và luôn luôn ghi nhớ về tình yêu thương đó trong mọi khía cạnh của nó.